Ngành Thuế tiếp tục đổi mới, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm 2020

Thứ tư, 29/01/2020 23:15
(ĐCSVN) – Năm 2019, ngành Thuế đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, đạt được kết quả ấn tượng về thu ngân sách. Năm 2020, ngành Thuế đặt mục tiêu phấn đấu vượt mục tiêu dự toán năm 2020 được Quốc hội giao ít nhất 5%.
 
Tổng số thu ngân sách năm 2019 do cơ quan Thuế quản lý đạt 1.276.219 tỷ đồng, vượt 9,3%  so với dự toán (Ảnh: M.P)

Những dấu ấn năm 2019

Năm 2019, nền kinh tế phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức với tăng trưởng chậm lại của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực (mặt hàng nông sản, thủy sản); giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh trên vật nuôi. Trước tình hình trên, ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế đã cụ thể hoá các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng đơn vị. Tổng cục Thuế đã phát động trong toàn ngành phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) được các cấp giao, giao chỉ tiêu phấn đấu thu NSNN cho các địa phương.

Với những nỗ lực vượt bậc của toàn hệ thống thuế, tổng số thu ngân sách năm 2019 do cơ quan Thuế quản lý đạt 1.276.219 tỷ đồng, vượt 9,3%  so với dự toán, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thu từ dầu thô đạt 56.233 tỷ đồng, bằng 126,1% dự toán; thu nội địa trừ dầu đạt 1.219.635 tỷ đồng, bằng 108,6% dự toán. Đây cũng là lần đầu tiên thu nội địa vượt dự toán.

Năm 2019 cũng là năm cơ quan Thuế các cấp tập trung nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra thuế. Theo đó, đã thực hiện 96.343 cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế và kiểm tra được 517.554 hồ sơ tại trụ sở cơ quan Thuế; Tổng số tiền kiến nghị, xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 64.525 tỷ đồng; Trong đó, số tiền thuế tăng thu là 18.875 tỷ đồng; giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng là 2.701 tỷ đồng; giảm lỗ là 42.948 tỷ đồng; số tiền thuế nộp vào ngân sách đạt 73% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra.

Công tác thanh tra, kiểm tra liên tục được cải tiến, tập trung thực hiện thanh tra, kiểm tra theo phương pháp quản lý rủi ro và ứng dụng công nghệ thông tin để tăng tính hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch. Năm 2019, Tổng cục Thuế phấn đấu thanh tra, kiểm tra đạt tối thiểu 19% số lượng doanh nghiệp thuộc diện quản lý thuế.

Đối với công tác quản lý thu hồi nợ đọng, với mục tiêu kéo giảm nợ thuế về mức thấp nhất, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo tinh thần tại Chỉ thị số 04/CT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trách nhiệm này được gắn với từng công chức ngành thuế khi đây là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, cũng như bình xét thi đua, khen thưởng năm 2019 đối với từng đơn vị và cá nhân. Đến cuối tháng 12/2019, cơ quan Thuế các cấp đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ đạt 35.200 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Đối với công tác quản lý kê khai và kế toán thuế, cơ quan Thuế đã triển khai Hệ thống khai thuế điện tử tại 63/63 Cục Thuế và 100% số Chi cục Thuế trên cả nước. Doanh nghiệp khai thuế điện tử đạt 99,35% số doanh nghiệp đang hoạt động với số hồ sơ tiếp nhận là trên 11,47 triệu hồ sơ; Kết nối với 52 ngân hàng thương mại trên cả nước để triển khai thực hiện hệ thống nộp thuế điện tử với số doanh nghiệp tham gia đạt 99,01%. Doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử đạt 93,61% với tổng số hồ sơ hoàn đã tiếp nhận là 19.140 hồ sơ, bằng 95,8% số hồ sơ hoàn thuế GTGT.

Về cải cải cách thể chế, trong năm 2019, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu để trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung về thể chế, chính sách thuế. Trong đó nổi bật là Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 13/6/2019, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2020; Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019; Trình Chính phủ Đề án Mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu NSNN; Xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết… Có thể nói, đây là những văn bản pháp lý hết sức quan trọng không chỉ đối với cơ quan quản lý mà còn đối với người dân, doanh nghiệp, liên quan trực tiếp tới quyền lợi và nghĩa vụ của người dân và doanh nghiệp, nên trong quá trình xây dựng hoàn thiện đến thông qua và phổ biến luôn được cơ quan thuế các cấp đặc biệt quan tâm, chú trọng nhờ đó, dù là những chính sách thuế khó nhưng cũng đã nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân, doanh nghiệp.

Chỉ số nộp thuế có bước tiến tích cực

Tại Báo cáo Môi trường kinh doanh toàn cầu – Doing Business 2020 do Ngân hàng Thế giới công bố, chỉ số nộp thuế của Việt Nam đã tăng 22 bậc, từ vị trí thứ 131 lên vị trí thứ 109 trong tổng số 190 quốc gia. Theo đó, phần lớn các chỉ tiêu quyết định đến chỉ số này đều có sự cải thiện. Trong đó, thời gian nộp thuế giảm 114 giờ (từ 498 xuống 384 giờ). Trong số giờ này có 94 giờ giảm là nhờ cải cách, đơn giản hóa các thủ tục về khai thuế Giá trị gia tăng và 20 giờ giảm là nhờ những cải cách, đơn giản hóa các thủ tục về nộp và quyết toán thuế Thu nhập doanh nghiệp. Số lần nộp thuế của Việt Nam cũng giảm 4 lần (từ 10 lần năm 2019 xuống còn 6 lần năm 2020). Tổng mức thuế suất (tỷ lệ tổng thuế và đóng góp) giảm 0,2%, từ mức 37,8% (thuế 13,3%, bảo hiểm xã hội 24,5%) năm 2019 xuống còn 37,6% năm 2020.

Như vậy, với chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 22 bậc, ngành Thuế đã vượt chỉ tiêu của Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP (năm 2019 tăng 7-10 bậc về chỉ số nộp thuế), tiệm cận mục tiêu đến năm 2021, chỉ số nộp thuế tăng lên 30-40 bậc.

Theo ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, đây thực sự là một kết quả ấn tượng với ngành Thuế. Nếu như tại Báo cáo Môi trường kinh doanh toàn cầu được công bố năm 2018, chỉ số nộp thuế của Việt Nam có sự sụt giảm nhẹ do có độ trễ của chính sách thì đến năm 2019, nỗ lực của toàn ngành Thuế đã được ghi nhận, đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện.

Để có được kết quả này, ngành Thuế đã nỗ lực không ngừng để đưa nhiều ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế nhằm cắt giảm, đơn giản hóa nhiều khâu trong quy trình nghiệp vụ và tạo thêm dư địa để cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân trong thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Điều này là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực vượt bậc trong đẩy mạnh cải cách toàn diện của toàn hệ thống thuế trong suốt một năm qua từ thể chế, phương thức đến bộ máy.

Theo kết quả khảo sát đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế năm 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, đã có 78% số người nộp thuế hài lòng với sự phục vụ của cơ quan thuế, tăng 3 điểm % so với khảo sát năm 2016.

 
Theo khảo sát của VCCI, có 78% số người nộp thuế hài lòng với sự phục vụ của cơ quan thuế (Ảnh: M.P)

Quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2020

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, năm 2020, toàn ngành Thuế tập trung, phấn đấu quyết liệt để hoàn thành vượt 5% nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2020 đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao với mục tiêu thu đạt 1.254.300 tỷ đồng, trong đó, dầu thô là 35.200 tỷ đồng và thu nội địa là 1.219.100 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu này, ngành Thuế sẽ xây dựng và giao dự toán thu hàng quý cho các Cục Thuế đảm bảo tính khả thi, tích cực, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn. Từ đó, theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế. Rà soát, xác định các nguồn thu tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu.

Bên cạnh đó, ngành Thuế sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế ngay từ đầu năm, tập trung kiểm tra các tờ khai có sự mâu thuẫn, những lĩnh vực kinh doanh có dấu hiệu tiềm ẩn kê khai không đủ thuế, kiên quyết xử phạt đối với các trường hợp vi phạm quy định về kê khai thuế, thực hiện ấn định thuế đối với người nộp thuế vi phạm pháp luật về thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế”, ông Cao Anh Tuấn cho biết.

Đồng thời, toàn ngành sẽ xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020 trên cơ sở phân tích rủi ro và giao kế hoạch cho các cục thuế, đảm bảo tỷ lệ thanh tra, kiểm tra tối thiểu đạt 19,5% số doanh nghiệp đang quản lý trong toàn ngành. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế tại doanh nghiệp kết hợp với việc kiểm tra sử dụng hoá đơn nhằm phát hiện việc sử dụng hoá đơn bất hợp pháp của doanh nghiệp, qua đó xử lý vi phạm về hoá đơn, về thuế theo qui định.

Đặc biệt, cơ quan Thuế sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành, trao đổi, nắm bắt thông tin, phát hiện kịp thời các doanh nghiệp có rủi ro cao về chuyển giá, chuyển lợi nhuận, tránh thuế để tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về thuế trong lĩnh vực giá chuyển nhượng.

Cũng theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, với công tác quản lý nợ thuế, năm 2020, ngành Thuế sẽ triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước trên toàn quốc, đảm bảo xử lý tối đa số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không còn khả năng ngân sách nhà nước.

Đáng chú ý, lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức hệ thống thuế cần nghiêm túc giữ gìn kỷ cương, kỷ luật nội ngành, chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ công chức thuế; thực hiện giám sát chặt chẽ việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức thuế.

“Năm 2020 được xem là năm nâng cao một bước chất lượng thực hiện giám sát các đoàn thanh tra, áp dụng nhật ký điện tử tại các địa phương, nhất là những địa phương, đơn vị đã triển khai sớm như: Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Thanh tra...”, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh./.

Minh Phương
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực