|
Cây đuôi chuột. (Ảnh: yhoccotruyen.vn) |
DƯA CHUỘT
Dưa chuột (tên khoa học: Cucumis sativus, thuộc họ bầu bí) còn có các tên gọi khác là dưa leo, hoàng qua. Cây phổ biến, có dây dài, tua cuốn đơn. Lá chia thùy nhỏ. Hoa đơn tính mọc từ nách lá. Quả dài, cỡ bằng con chuột, mọng, vỏ trơn hoặc nổi gai mụn sần sùi.
Dưa chuột cho quả quanh năm. Quả dưa chuột là thuốc đặc hiệu về lợi tiểu. Dưa chuột dùng tươi có công dụng trấn tinh, khỏe thần kinh, tăng cường trí nhớ; dùng ngoài để dưỡng tóc, móng tay chân và đắp mặt làm mịn da, trị nứt nẻ môi. Nước ép dưa chuột còn có thể điều tiết huyết áp, ngừa xơ cứng động mạch và cơ tim căng thẳng quá mức.
DƯA CHUỘT DẠI
Dưa chuột dại (tên khoa học: Zehnerica indica, thuộc họ bầu bí) là loại dây leo hoang dại, mọc ở nhiều nơi. Lá nhám, hình tim. Quả hình trái xoan, dài 1-1,2 cm.
Dưa chuột dại có vị ngọt, tính mát. Lấy dây lá nấu, uống đặc trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Còn lấy lá tươi giã đắp lại là thứ thuốc công hiệu chữa viêm lở da.
DÂY TAI CHUỘT
Dây tai chuột (tên khoa học: Dischidia acuminata, thuộc họ thiên lý) còn mang các tên khác là dây hạt bí, mộc tiền nhọn, kim tử qua. Cây dây leo nhỏ, phụ sinh, bám trên các cành cây to hoặc núi đá vôi. Lá mọc đối, trông giống như hai tai chuột hay hai hạt bí ngô, màu lục nhạt nhưng trông như hơi mốc, dài 1-2 cm, rộng 0,8-1 cm. Hoa nhỏ, màu trắng, mọc từ nách lá. Quả gồm 2 quả to và thẳng, trong chứa hạt có lông.
Dây tai chuột có thể dùng làm thuốc toàn bộ, dưới dạng tươi hoặc phơi sấy khô (thường dùng dạng tươi, hái về rồi sao vàng, sắc lấy nước uống). Sử dụng làm thuốc lợi sữa và đặc trị thối tai, tiểu vàng, khí hư. Còn dùng tươi, giã đắp nơi đau sẽ tiêu viêm tấy, áp xe, chín mé. Đem nấu với lá táo chua chữa long đờm, làm giảm ho. Sắc uống cùng bông mã đề, lá xa kê sẽ trị phù thũng. Sắc uống cùng lá bạc thau, râu ngô chữa viêm đường tiết niệu.
CỎ ĐUÔI CHUỘT
Cỏ đuôi chuột (tên khoa học: Stachytarpheta jamaicensis, thuộc họ cỏ đuôi ngựa) còn có tên khác là giải mã tiên. Cây thân cỏ, cao khoảng 2 m, màu lục tím. Lá mọc đối, hình bầu dục, mép có răng cưa. Cụm hoa mọc đứng ở ngọn cây, dài 20-40 cm, trông giống đuôi chuột.
Cỏ đuôi chuột dùng tươi, giã đắp chữa viêm da, ung nhọt, chấn thương. Lấy lá tươi nhai nuốt nước dần trị viêm họng, viêm amiđan. Lấy cành lá nấu uống trị viêm đường tiết niệu. Còn nấu sắc uống cùng cốt toái bổ, dây đau xương sẽ chữa được đau nhức xương.
CÂY SẦU ĐÂU PHÂN CHUỘT
Cây sầu đâu phân chuột (tên khoa học: Brucea javanica, thuộc họ thanh thất) còn mang các tên là cây xoan rừng, nha đam tử. Cây bụi, cao 2-3 m, thân mềm, có lông. Lá mọc dạng so le kép lông chim. Hoa đơn tính. Quả nhỏ hình trứng, dài 1 cm, rộng 0,3-0,4 cm, chứa một hạt dẹt.
Cây sầu đâu phân chuột có quả chứa nhiều glucoside, là chất kháng khuẩn mạnh. Thường dùng quả khô, sao vàng, tán bột hoặc nấu lấy nước uống để chữa trị sốt rét, trùng roi, giun đũa, kiết lỵ, lỵ amíp.
CÂY LƯỠI MÈO TAI CHUỘT
Cây lưỡi mèo tai chuột (tên khoa học: Pyrrosia lanceolata, thuộc họ ráng) còn có tên ráng hỏa mạc thon. Là dương xỉ phụ sinh, thân rễ nhỏ mọc bò dài mang vảy nâu nhạt hoặc hơi trắng. Lá có 2 loại: loại lá không sinh sản màu lục, hình dạng như tai chuột và loại lá sinh sản mang các túi bào tử màu nâu ở mặt dưới lá, hình dài giống lưỡi mèo.
Cây lưỡi mèo tai chuột dùng tươi, giã đắp trị viêm tuyến mang tai, tràng nhạc và nấu lấy nước uống chữa hiệu quả các bệnh đường tiết niệu.
CÂY DÓ CHUỘT
Cây dó chuột (tên khoa học: Wikstroemia indica, thuộc họ trầm) còn có các tên gọi khác là dó bả chuột, dó, niệt dó, liễu ca. Cây nhỏ, cao chừng 1 m, mọc hoang hoặc được trồng làm cảnh vì cây thấp, nhiều cành, cành màu hồng có nhiều hoa, nhiều quả, chịu hạn tốt và ít phải chăm sóc.
Cây dó chuột chứa độc, thường dùng tươi, giã đắp chữa trị ung nhọt, áp xe.
CÂY CÓC CHUỘT
Cây cóc chuột (tên khoa học: Typhonium triobatum, thuộc họ ráy) là loại cỏ không thân, cao 30-50 cm, có củ hình cầu. Lá hình mũi mác, chia làm 3 thùy hình trái xoan dài. Cụm hoa là một bông mo. Quả mọng, hình trứng.
Cây cóc chuột có củ mang vị cay vì chứa chất kích thích mạnh alcaloid nên củ cóc chuột được dùng chế thuốc chữa trị ho, hen suyễn, nhiều đờm, tiêu hóa kém, viêm dạ dày mãn tính.
CÂY CAU CHUỘT NÚI
Cây cau chuột núi (tên khoa học: Pinanga duperreana, thuộc họ cau) còn gọi là cây cau chuột Trung Bộ. Thân hình trụ, đường kính 10-15 cm, cao 5-6 m. Quả có hình dạng giống phân chuột, mọc so le hai bên một cuống dài 15-20 cm.
Cây mọc ở nhiều vùng rừng miền Trung. Quả dùng ăn với trầu thay cau và cũng có tác dụng y dược như cau thông thường. Ruột của thân cây (lõi) có thể dùng nấu ăn thay lương thực.
CÂY CAU CHUỘT NAM BỘ
Cây cau chuột Nam Bộ (tên khoa học: Pinanga cochinchinensis, thuộc họ cau) là cây thân hình trụ, đường kính 5-6 cm, cao 4-5 m. Lá rất mảnh, dài khoảng 50 cm, rộng chừng 1 cm. Quả hình trứng dài 1-1,5 cm, rộng 0,5 cm, dạng giống phân chuột.
Cây cau chuột Nam Bộ mọc trong rừng và các đảo, gò nổi ở miền Nam. Quả dùng ăn với trầu thay cau và cũng có tác dụng y dược như cau thông thường.
CÂY CAU CHUỘT BÀ NÀ
Cây cau chuột Bà Nà (tên khoa học: Pinanga banaensis, thuộc họ cau) là cây thân hình trụ, đường kính 5-8 cm. Quả có hình dạng phân chuột.
Cây cau chuột Bà Nà mọc hoang ở một số tỉnh thành miền Trung (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Thừa Thiên-Huế…). Quả có vị chát, dùng ăn với trầu thay cau và cũng có tác dụng y dược như cau thông thường. Lõi cây nhiều bột, có thể sử dụng nấu ăn thay lương thực.
CÂY CAU CHUỘT BA VÌ
Cây cau chuột Ba Vì (tên khoa học: Pinanga baviensis, thuộc họ cau) là loại cây mọc thành bụi thưa, cao 2-6 m. Hai lá chét ở đầu ngọn thường dính vào nhau như đuôi chim én. Quả giống quả trám, dài 1 cm, có hình dạng như phân chuột, khi chín màu vàng.
Cây cau chuột Ba Vì mọc chen nhau trong các cánh rừng ẩm tại một số tỉnh thành miền Bắc (Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Ninh Bình…). Hạt cây già đặc trị sán, giun đũa. Còn vỏ quả nấu hoặc sắc uống có tác dụng lợi niệu./.