|
|
TS.BS Hồ Hữu Thọ, Trưởng phòng Công nghệ gen và di truyền tế bào, Viện nghiên cứu Y học Quân sự, Học viện Quân y trao đổi với bệnh nhân trước khi tiến hành xét nghiệm |
"Sinh thiết lỏng" trong tầm soát ung thư - một khái niệm tưởng chừng mới nhưng lại là niềm mơ ước từ lâu của nền y học thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam - nơi được đánh giá có tỷ lệ mắc cao với khoảng 165.000 ca mắc mới và 115.000 bệnh nhân tử vong do ung thư mỗi năm.
Cơ hội "vàng" trong tầm soát sớm ung thư
Để hiểu rõ hơn tính ưu việt của công trình này, chúng tôi đến gặp và được Trung tá, TS.BS Hồ Hữu Thọ - Chủ nhiệm công trình khoa học “Công nghệ sinh thiết lỏng trong sàng lọc phát hiện sớm các loại ung thư” đã được cấp bằng độc quyền sáng chế của Mỹ cho biết, công nghệ "Sinh thiết lỏng" trong tầm soát ung thư có giá trị phát hiện sớm một số bệnh ung thư chỉ bằng xét nghiệm máu. Nói cách khác, nó có khả năng giúp phát hiện sớm và chính xác các giai đoạn phát triển của tế bào ung thư. Mà chúng ta đều biết, việc phát hiện ở giai đoạn sớm là yếu tố quyết định kết quả trong điều trị ung thư.
Chứng minh nhận định trên, Trung tá, TS.BS Hồ Hữu Thọ dẫn số liệu thống kê gần như tuyệt đối với các loại ung thư, trong 100 người điều trị khi phát hiện ở giai đoạn muộn (giai đoạn III-xâm lấn ra các hạch lân cận và giai đoạn IV-di căn xa) thì có đến 66 người tử vong, chỉ còn 34 người còn lại có cơ hội sống sót. Trong khi đó, nếu chẩn đoán được bệnh khi các tế bào ung thư còn chưa phát triển thành hạch, kích thước các khối u còn rất nhỏ thì trong 100 người mắc được điều trị thì có tới 90 người điều trị khỏi sau 5 năm. Điều này đồng nghĩa với việc, phát hiện sớm ung thư có thể cứu được rất nhiều người - đây cũng chính là mục tiêu quan trọng ngành y tế thế giới hướng đến. Và cũng là lí do quan trọng thôi thúc BS. Thọ và các cộng sự của mình ngày đêm nghiên cứu, vượt qua giới hạn của bản thân, của công nghệ để tìm ra đích đến cuối cùng cho công trình khoa học.
Chị Đặng Thị Minh Đức (Hà Nội) là một trong những bệnh nhân may mắn phát hiện ung thư vòm họng khi còn giai đoạn sớm nhờ công nghệ xét nghiệm máu. Tháng 4/2018, chị phát hiện có hạch ở cổ, sau khi kiểm tra tại Bệnh viện Tai Mũi họng Trung ương, chị được chỉ định sinh thiết, siêu âm, nội soi, chọc hạch; kết quả nghi ngờ hạch di căn nhưng không thấy tế bào ung thư. Chị tiếp tục sinh thiết thêm 2 lần tại Bệnh viện Ung bướu Trung ương mới phát hiện tế bào ác tính ở khu vực vòm họng. Lúc này, được các bác sĩ giới thiệu xét nghiệm máu theo công nghệ sinh thiết lỏng tại Học viện Quân Y, chị tiến hành xét nghiệm và kết quả được đánh giá là ung thư vòm họng giai đoạn sớm, tức là giai đoạn chưa bị xâm lấn và di căn.
Chị chia sẻ, nhờ kết quả xét nghiệm máu bằng công nghệ sinh thiết lỏng, các bác sĩ tại Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều) có thể xác định chính xác giai đoạn bệnh của chị và tập trung điều trị tích cực. Đến tháng 8/2018, với kết quả xét nghiệm máu âm tính, chị được xuất viện và theo dõi tái khám. “May mắn lúc đó tình trạng bệnh của tôi được phát hiện ở giai đoạn sớm nên đáp ứng tốt quá trình điều trị. Nhưng quan trọng là sau khi xuất viện, tôi được biết đến công nghệ xét nghiệm máu này, nên bất cứ khi nào muốn biết chính xác tình trạng bệnh của mình có tái phát hay không tôi sẽ quay lại làm các xét nghiệm máu. Tôi mong muốn cho nhiều hơn những người như tôi, dù ban đầu chỉ nghi ngờ bệnh cũng được biết đến công nghệ này để có thể phát hiện và điều trị bệnh sớm hơn" - chị Đức tâm sự.
Hay như chính bố đẻ của bác sĩ Thọ cũng là bệnh nhân may mắn phát hiện sớm tế bào ung thư đại trực tràng bằng công nghệ xét nghiệm máu. Anh bồi hồi nhớ lại: “Xuất phát từ việc hiểu được tính chất thầm lặng của các khối u khi ở giai đoạn sớm, tháng 5/2019, tôi đã động viên bố lấy máu xét nghiệm kiểm tra sức khỏe, nhờ đó đã phát hiện dương tính với ung thư đại trực tràng. Rất may khi ấy kích thước khối u còn nhỏ (0,5cm) và đang ở giai đoạn sớm nên việc điều trị triệt căn rất đơn giản. Chỉ sau 2 ngày xử lý, cũng chính bằng công nghệ này thì kết quả xét nghiệm máu trở về âm tính. Gia đình tôi như vỡ òa vì bố đẻ tôi đã vượt qua bạo bệnh một cách đơn giản đến không ngờ như thế. Qua đây tôi muốn nhắn nhủ mọi người: Có không ít bệnh nhân phát hiện đột biến gen bất thường bằng xét nghiệm máu trước 3-5 tháng so với khi có hình ảnh khối u. Do đó, ung thư không phải án tử nếu được phát hiện từ giai đoạn sớm”.
Xét về nguyên lý mỗi kỹ thuật tầm soát, chẩn đoán ung thư đều tốt nhưng xét về tâm lý, hầu như nhiều người không muốn hàng năm phải làm các loại tầm soát tại bệnh viện do e ngại tốn kém tiền bạc, thời gian, công sức… Các số liệu nghiên cứu cũng cho thấy, nếu chưa có công nghệ phát hiện sớm bằng xét nghiệm máu mà chỉ dựa vào chẩn đoán bằng nội soi, MRI, sinh thiết… thì trong 100 người điều trị chỉ phát hiện sớm từ 20-30 người, còn tới khoảng 70-80 người được phát hiện ở giai đoạn muộn - khi kích thước các khối u đã đủ lớn để hiển thị rõ qua kết quả sinh thiết hay nội soi, chẩn đoán hình ảnh - Bác sĩ Thọ nhấn mạnh.
|
|
Bệnh nhân Nguyễn Thị Minh Đức (Hà Nội) |
Hỗ trợ hiệu quả quá trình điều trị ung thư
Chính nhờ có giá trị phát hiện sớm ung thư nên công nghệ sinh thiết lỏng đang được áp dụng rất thành công tại Học viện Quân Y cũng đã hỗ trợ rất hiệu quả cho quá trình điều trị bệnh ung thư. Theo PGS.TS.BS Ngô Thanh Tùng, Trưởng khoa xạ trị Ung thư đầu cổ, Bệnh viện K Trung ương, sau gần 3 năm phối kết hợp triển khai, rất đông bệnh nhân đã được thực hiện các xét nghiệm máu bằng công nghệ gen có độ chính xác vượt trội. Căn cứ vào kết quả nồng độ đo trong mỗi mẫu máu đã giúp các bác sĩ có được những bằng chứng chính xác để thực hiện quá trình điều trị đạt hiệu quả tốt hơn.
Như trường hợp bệnh nhân Minh Đức, sau khi xuất viện hẹn tái khám, chị chủ động thực hiện xét nghiệm máu định kỳ bằng phương pháp này để theo dõi mức độ tái phát của các tế bào ung thư. Ba tháng sau khi xuất viện, kết quả xét nghiệm máu cho thấy các tế bào ung thư bắt đầu phát triển trở lại, tuy nhiên do nồng độ thấp nên chưa thể nhìn thấy hình ảnh khối u. Chị được chỉ định tiếp tục theo dõi, xét nghiệm đến khi nồng độ trong máu đạt ngưỡng cho phép thì được khuyến cáo sử dụng phương pháp khác để xác định hình ảnh khối u. Theo dõi tiến trình tái phát của các tế bào cho thấy, hình ảnh khối u được phát hiện sau hai tháng rưỡi so với kết quả xét nghiệm máu trước đó.
PGS.TS Lê Minh Kỳ, Trưởng khoa Ung Bướu, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương nhận định: Đây là một phương pháp cực kỳ hữu hiệu bởi kết quả xét nghiệm máu đạt độ chính xác rất cao. Nhờ đó đã góp phần quan trọng vào việc lập phác đồ điều trị bệnh và theo dõi sự tái phát của các tế bào ung thư sau điều trị trên cơ sở định lượng nồng độ trong máu cao hay thấp. Khi điều trị ổn định và triệt để, kết quả xét nghiệm máu sẽ trở về âm tính.
Điển hình như trường hợp bác Đỗ Văn Nhân (xã Thái Học, Thái Thụy, Thái Bình). Sau cả 3 lần nội soi và sinh thiết tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương đều cho kết quả âm tính, bác được giới thiệu đến Học viện Quân Y thực hiện xét nghiệm máu, cho kết quả dương tính với nồng độ cao (nghĩa là giai đoạn bệnh không còn sớm nữa). Với bằng chứng là kết quả xét nghiệm máu dương tính, các bác sĩ tiếp tục chỉ định sinh thiết lần thứ 4, đồng thời tiến hành chụp chiếu để đánh giá lại toàn bộ kết quả chẩn đoán trước đó, đồng thời đưa ra kết luận chính xác tình trạng bệnh nhân. Ngay sau đó, bác Nhân được chuyển về điều trị tại Bệnh viện K. Sau khi điều trị ổn định, cũng với các kết quả xét nghiệm máu đã giúp bác phát hiện sự tái phát của các tế bào ung thư trong giai đoạn rất sớm; sau đó khoảng hai tháng rưỡi mới có thể dùng phương pháp chụp PET/CT xác nhận lại vị trí khối u.
Ngoài những giá trị nêu trên, phương pháp này còn mang một ý nghĩa quan trọng khác là sàng lọc ung thư. Theo khuyến cáo của TS.Thọ, những người khỏe mạnh hoàn toàn có thể định kỳ làm xét nghiệm để sàng lọc ung thư với chu kỳ mỗi năm một lần, thay vì đợi đến khi có các dấu hiệu lâm sàng mới đi kiểm tra.
|
|
Trung tá, TS.BS Hồ Hữu Thọ, Trưởng phòng Công nghệ gen và di truyền tế bào, Viện nghiên cứu Y học Quân sự, Học viện Quân y |
Khi nỗ lực và đam mê chắp cánh cho một công trình đầy ý nghĩa…
Ngay sau khi tốt nghiệp Học viện Quân Y, chàng sinh viên trẻ Hồ Hữu Thọ có cơ hội được ở lại trường giảng dạy và đầu quân về Viện nghiên cứu Y học Quân sự (Học viện Quân Y) với đam mê tìm tòi, khám phá công nghệ sinh học và khát khao ứng dụng những thành tựu của công nghệ sinh học trên nền y học của nước nhà.
Năm 2007, với những kết quả nghiên cứu của công trình khoa học đầu tiên, Trung tá Hồ Hữu Thọ vinh dự được trao giải Nhất Cuộc thi Tuổi trẻ sáng tạo toàn quốc về Ứng dụng công nghệ gen trong phát hiện dị tật thai nhi. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, anh và các cộng sự tiếp tục đặt ra cho mình nhiệm vụ mới: Mở rộng phạm vi ứng dụng của công nghệ gen không chỉ trong phát hiện dị tật thai nhi mà cả với những bệnh lý khác, nổi bật là bệnh ung thư đang ngày càng phổ biến.
Sau chặng đường dài nghiên cứu, bằng sự nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, bằng tài năng và y đức, Trung tá, Tiến sỹ, Bác sĩ Hồ Hữu Thọ một lần nữa thành công với công trình khoa học đầu tiên của ngành Quân Y Việt Nam được cấp bằng sáng chế của Cục Thương hiệu và Bản quyền Hoa Kỳ - “Phát hiện đột biến gen với độ chính xác vượt trội”. Theo đánh giá của Thiếu tướng, GS.TS Hoàng Văn Lương, Phó Giám đốc Học viện Quân Y, ưu điểm của công nghệ này là đạt độ nhạy cao hơn từ 10 đến 30 lần so với công nghệ cũ, giúp phát hiện các tế bào ung thư kể cả khi chưa hình thành khối u, do đó góp phần rất lớn trong chẩn đoán sớm và điều trị các bệnh ung thư hiện nay.
Với những kết quả đạt được, Trung tá, TS. BS Hồ Hữu Thọ đã vinh dự được trao tặng rất nhiều giải thưởng danh giá như: Bằng độc quyền sáng chế của Hoa Kỳ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế; Giải nhất Cuộc thi Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ XVII năm 2016…
Gần đây nhất, anh còn vinh dự được mời tới Hội nghị Quốc tế về Chẩn đoán phân tử và Di truyền phân tử châu Á - Thái Bình Dương để báo cáo về công trình “Công nghệ sinh thiết lỏng trong sàng lọc phát hiện sớm các loại ung thư”. Những ứng dụng của công trình bắt đầu được triển khai tại Học viện Quân Y từ tháng 5/2017; đến hết tháng 12/2019 đã có gần 900 lượt xét nghiệm máu được thực hiện giúp chẩn đoán sớm và hỗ trợ hiệu quả quá trình điều trị ung thư cho bệnh nhân khám, điều trị tại Bệnh viện Quân Y 103, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện K, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương.
“Hiện nay công nghệ sinh thiết lỏng để phát hiện ung thư được áp dụng duy nhất tại Học viện Quân Y. Chúng tôi luôn trăn trở làm sao đưa công nghệ này đến với những địa phương khác trong cả nước, đặc biệt ở những địa bàn xa trung tâm, vùng sâu, vùng xa... để thuận tiện hơn cho người dân trong việc tiếp cận và sàng lọc bệnh ung thư đang ngày càng phổ biến, đồng thời có thể hỗ trợ tốt hơn cho các bác sĩ trong quá trình điều trị” - TS.BS Hồ Hữu Thọ chia sẻ.
Chia tay anh trong một ngày cuối năm bận rộn, hòa mình vào dòng người đang hối hả ngoài đường, tôi thấy trân trọng hơn những giá trị của cuộc sống, của sức khỏe và mong muốn từ đây sẽ lan tỏa nhiều hơn ý nghĩa nhân văn của công trình khoa học này, để thêm nhiều người biết đến nó và đừng bỏ lỡ những cơ hội "vàng" tự bảo vệ sức khỏe của chính mình./.