Di sản văn hóa độc đáo của người Tày, Nùng, Thái
Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, Then xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI vào thời nhà Mạc lên Cao Bằng và xây dựng thành quách ở đó. Then là một thực hành nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái, phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng Đông Bắc như: Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang; ở vùng Tây Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và một số địa phương khác ở Việt Nam.
GS. TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết, Then là một kho tàng quý báu, chứa đựng trong đó những giá trị văn học nghệ thuật ngàn đời của ông cha. Đây cũng là một trong những loại hình mà khoa học gọi chung là shaman, tức dùng thầy cúng là người trung gian, hát và dẫn linh hồn đi qua các cửa thần để cầu xin điều gì đó. Hình thức shaman này nhiều dân tộc sở hữu nhưng bây giờ ở dân tộc Tày, Nùng, Thái là phát triển nhất. Ở đó, linh hồn, sự thờ cúng được coi trọng. Then là vũ trụ quan của các dân tộc, cầu cho sự sinh sôi nảy nở. Người ta hát then đưa linh hồn từ làng bản cùng đội âm binh lên trời, đến cửa quan, nơi được coi là có ông thần phụ trách phần hồn nào đó của con người, cầu xin những điều tốt đẹp cho phần hồn đó, con người sẽ qua đấy mà được thanh thoát. Giá trị của then trong đời sống đồng bào ngày trước rất quan trọng, cũng là thể hiện mối quan hệ thiêng liêng giữa con người và trời đất, thần linh.
|
Nghi lễ Then của người Tày (Lạng Sơn). (Ảnh: T.Dương) |
Theo Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (thuộc UNESCO), hồ sơ đề cử Di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đáp ứng 5 tiêu chí để đăng ký vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thứ nhất, Thực hành Then ở Việt Nam tạo thành một phần cơ bản trong đời sống tinh thần của người Tày, Nùng, Thái, phản ánh mối quan hệ giữa con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Nghi lễ Then thể hiện bản sắc văn hóa của các dân tộc này.
Thứ hai, việc ghi danh nghi lễ Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam sẽ làm nổi bật sự đóng góp của di sản trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc và củng cố tình đoàn kết giữa các dân tộc.
Thứ ba, sức sống của di sản được đảm bảo bởi các cá nhân, gia đình hoặc cộng đồng, những người mời thầy Then đến làm lễ cầu sức khỏe, cầu an và cầu mùa. Từ năm 2001, Chính phủ đã đầu tư kinh phí để bảo vệ nghi lễ Then. Các cuộc triển khai nhận diện, kiểm kê và tư liệu đã được thực hiện. Nghệ nhân dân gian truyền dạy kiến thức bằng cách kết hợp đưa hát then và tính tẩu vào giảng dạy ở trường.
Thứ tư, nghệ nhân dân gian và các cộng đồng liên quan tích cực tham gia vào tất cả các giai đoạn chuẩn bị hồ sơ đề cử thông qua các cuộc họp, hội thảo, hội nghị và tập huấn. Cộng đồng Thực hành Then cũng cam kết bảo vệ di sản văn hóa này.
Thứ năm, di sản Then của 11 tỉnh lần lượt được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia kể từ năm 2012. Hằng năm đều có kiểm kê di sản.
Việc UNESCO công nhận Thực hành Then là di sản của nhân loại đã khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam. Việc thực hành nghi lễ Then thể hiện tình đoàn kết của các tộc người, tôn trọng thế giới quan tộc người theo mục tiêu của UNESCO, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản các cộng đồng dân tộc không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều quốc gia trên thế giới.
Bảo tồn di sản sau vinh danh
Sau vinh danh, điều quan trọng nhất là bảo tồn và phát huy giá trị di sản đó như thế nào, có làm di sản tỏa sáng hơn hay lại làm méo mó đi. Trong khi đó, sự vơi hụt nhanh chóng những nghệ nhân cao tuổi là một thách thức lớn trong việc bảo tồn di sản. Những nghệ nhân ra đi mang theo hồn cốt, những giá trị tinh túy nguyên bản của Then mà chưa kịp trao truyền cho con cháu.
Mặt khác, một số nghệ nhân chưa thực sự cởi mở, chỉ gói gọn bản sắc văn hóa ở phạm vi bản làng. Do đó, để các nghệ nhân cao tuổi cởi mở hơn trong việc truyền dạy cho con cháu thì cần phải quan tâm đến họ nhiều hơn, cần phải xem xét trao tặng các danh hiệu danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú. Việc được quan tâm tích cực sẽ khiến cho những nghệ nhân này cởi mở hơn trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngoài ra, một trong những vấn đề về bảo tồn sau vinh danh là việc lạm dụng sân khấu hóa. Việc sân khấu hóa Then vốn dĩ là việc làm nhằm giới thiệu rộng rãi tới công chúng nhân dân những nét đẹp, giá trị của Thực hành Then. Tuy nhiên, GS. TSKH Tô Ngọc Thanh cho rằng, khi việc tiến hành sân khấu hóa được tổ chức tràn lan thì vô tình khiến cho Then bị “biến dạng”. Đồng thời, nếu việc sân khấu hóa không được làm thận trọng thì sẽ dẫn đến sự hiểu lầm, thương mại hóa di sản.
Bên cạnh những lo lắng về khuynh hướng sân khấu hóa tràn lan, những chính sách thích đáng cho các nghệ nhân giỏi, những gia đình có công gìn giữ di sản cũng rất cần thiết. Đồng thời, để bảo tồn, phát huy những giá trị đặc sắc của một di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh như Thực hành Then cần mở rộng hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn, xây dựng các tổ, đội văn nghệ truyền thống, nhân rộng các mô hình điểm hướng tới trao truyền những giá trị của di sản cho lớp trẻ.
GS. TSKH Tô Ngọc Thanh cho biết, cũng đã có lúc Then bị coi là mê tín, dị đoan, bị cấm đoán. Nhưng bây giờ, nhận thức xã hội thay đổi, Then được khôi phục. UNESCO đưa Thực hành Then vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đó là niềm vui lớn không chỉ của đồng bào Tày, Nùng, Thái, mà còn thể hiện sự đổi mới trong quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với giá trị văn hóa dân tộc.
Có thể nói, Then là sản phẩm sáng tạo của rất nhiều thế hệ và đã trở thành sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mang tính căn cốt trong văn hóa của đồng bào Tày, Nùng, Thái. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, song các nghi lễ gắn với Then vẫn luôn có sức sống mãnh liệt, là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc./.