Việt Nam xứng đáng được hoan nghênh

Thứ bảy, 25/01/2020 15:45
(ĐCSVN) – Đây là nhận định do ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam đưa ra trong bài trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trước thềm Xuân Canh Tý 2020.
Trưởng đại diện mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam Francois Painchaud.

Phóng viên: Năm 2019, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả nhất định về kinh tế, thể hiện qua kết quả kinh tế tăng trưởng ổn định trên hầu hết các lĩnh vực, vị thế đối ngoại của Việt Nam vẫn vững mạnh trong bối cảnh môi trường quốc tế còn nhiều bất ổn. Ông hãy chia sẻ quan điểm của mình về nhận định này?

Ông Francois Painchaud: Việt Nam xứng đáng được hoan nghênh vì những thành tựu kinh tế thực sự xuất sắc trong năm 2019. Với các chính sách thận trọng của chính phủ, Việt Nam đã được chứng kiến một năm nữa về tăng trưởng mạnh mẽ, toàn diện và kinh tế vĩ mô ổn định trong bối cảnh căng thẳng thương mại và những bất ổn bên ngoài gia tăng, cùng sự chững lại của nền kinh tế toàn cầu.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, GDP của Việt Nam đã tăng khoảng 7% - ngưỡng cao nhất trong vòng 9 năm qua và thuộc nhóm những nước có thành tựu kinh tế tốt nhất trên thế giới. Ngay cả khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, thì lạm phát vẫn được duy trì ở mức thấp, dưới mục tiêu 4% mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề ra. Dự trữ ngoại hối cũng tăng mạnh. Ngay cả khi tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam bị tác động bởi môi trường bên ngoài thì xuất khẩu vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, cho dù có chậm hơn so với các năm trước đó. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục được duy trì lành mạnh. Tăng trưởng xuất khẩu trong lĩnh vực phi FDI đã vượt trội so với xuất khẩu của khu vực FDI, cho thấy những tín hiệu đáng khích lệ về đa dạng hóa nền kinh tế.

Chính phủ cũng tiếp tục xây dựng các đệm tài khóa và tăng cường sự ổn định tài chính thông qua việc cắt giảm tăng trưởng tín dụng, đẩy nhanh xử lý các khoản nợ xấu (NPL) và củng cố các chính sách an toàn vĩ mô.

Trong khi đó, một số lĩnh vực cải cách chiến lược như cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân, phát triển thị trường vốn, tiếp tục hội nhập đầu tư và thương mại, tiếp tục các cải cách tài chính công và khu vực tài chính cũng đạt nhiều tiến triển.

Phóng viên: Ông hãy đưa ra đánh giá về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong năm tới?

Ông Francois Painchaud: Triển vọng kinh tế của Việt Nam được đánh giá là tích cực. Theo dự báo của chúng tôi thì mức tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2019 sẽ giảm nhẹ xuống còn 6,5% trong năm 2020, nhờ nhu cầu trong nước vững chắc và triển vọng FDI thuận lợi. Lạm phát được dự kiến sẽ duy trì ở mức ổn định và thấp, trong khi dự trữ ngoại hối và các đệm tài khóa sẽ tiếp tục được củng cố.

Tuy nhiên, triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn bị che phủ bởi những nguy cơ rủi ro lớn. Nền kinh tế với độ mở lớn của Việt Nam dễ bị tổn thương trước sự leo thang căng thẳng thương mại, sự lớn mạnh của chủ nghĩa bảo hộ và tăng trưởng toàn cầu yếu hơn kỳ vọng…

Ở trong nước, hiệu ứng răn đe từ chiến dịch chống tham nhũng, các quy định và luật lệ chồng chéo…có thể gây cản trở cho những đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng cần thiết, có nguy cơ làm chậm đà tăng trưởng trung hạn.

Mặt tích cực là các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới được ký kết có thể thúc đẩy năng suất, hỗ trợ các cải cách, và Việt Nam cũng có thể hưởng lợi nhiều hơn từ việc chuyển hướng thương mại và đầu tư.

Phóng viên: Trong năm qua, Việt Nam và IMF đã có nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực tư vấn chính sách về ngân hàng - tài chính, ông có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này?

Ông Francois Painchaud: Việt Nam và IMF duy trì mối quan hệ chặt chẽ dựa trên niềm tin và mối quan hệ hợp tác hiệu quả. Trong những năm qua, IMF đã ủng hộ những nỗ lực cải cách của Việt Nam thông qua tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực trong nhiều lĩnh vực.

Hiện nay IMF đang có hỗ trợ kỹ thuật về tăng cường chất lượng và công bố thống kê kinh tế vĩ mô, hiện đại hóa khung chính sách tiền tệ, tăng cường quản lý dự trữ ngoại hối và cải cách quản lý ngân quỹ. IMF cũng tổ chức nhiều khóa đạo tạo và các hội thảo ở cả trong và ngoài nước nhằm đào tạo bồi dưỡng năng lực hoạch định chính sách cho các cán bộ nhà nước của Việt Nam.

Hy vọng rằng, những nỗ lực này và việc cùng phối hợp nghiên cứu, phân tích giữa chúng tôi với các đồng nghiệp Việt Nam đáng kính sẽ giúp Việt Nam soạn thảo chiến lược cải cách kinh tế xã hội trong giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch cho giai đoạn 2021-2025, và cuối cùng giúp Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, toàn diện, bền vững trong tương lai.

Phóng viên: Với vai trò là tân Đại diện IMF tại Việt Nam, trong thời gian tới, ông muốn đưa ra những khuyến nghị, hỗ trợ gì để tiếp tục đồng hành cùng chính phủ Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội?

Ông Francois Painchaud: Cho dù đã đạt được các thành tích kinh tế xã hội xuất sắc, thì Việt Nam vẫn cần phát triển hơn nữa để thỏa mãn các khát vọng của người dân. Điều này sẽ đòi hỏi Việt Nam cần giải quyết những thách thức quan trọng, bao gồm những khía cạnh còn lại của thuyết nhị nguyên kinh tế, tình trạng già hóa dân số, biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cấp mô hình tăng trưởng của Việt Nam để tận dụng được sự đổi mới nhanh chóng về kỹ thuật số.

Tốc độ tăng trưởng nhanh hiện nay của Việt Nam mở ra cơ hội cho những cải cách tham vọng hơn về hiện đại hóa nền kinh tế và cải thiện tính linh hoạt cũng như khả năng phục hồi trước những cú sốc.

Cụ thể, Việt Nam có thể được hưởng lợi từ việc thực hiện các cải cách tài khóa thúc đẩy tăng trưởng, bằng cách mở rộng các cơ sở, nâng cao chất lượng chi tiêu và quản lý tài chính công, xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao và bảo vệ chi cho xã hội; tạo thêm không gian tài chính để đáp ứng những thách thức dài hạn phát sinh từ sự già hóa dân số và biến đổi khí hậu;  hiện đại hóa khuôn khổ chính sách tiền tệ, với một tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn để hướng tới mục tiêu cuối cùng là lạm phát thấp và ổn định, giúp giảm sự mất cân bằng bên ngoài và thúc đẩy phân bổ tín dụng dựa trên cơ sở thị trường; áp dụng các tiêu chuẩn Basel II và bảo đảm rằng các ngân hàng được cấp đủ vốn;  phát triển các thị trường vốn là điều quan trọng để tài trợ cho các đầu tư dài dạn;  cải thiện môi trường kinh doanh bằng cách đơn giản hóa các thủ tục hành chính và đẩy nhanh cải cách doanh nghiệp nhà nước; và tăng cường giáo dục sau trung học phổ thông và đào tạo nghề nhằm giảm tình trạng kỹ năng không phù hợp và tạo ra thêm việc làm tốt hơn.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thu Lan (thực hiện)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực