Tết nhảy của người Dao

Thứ tư, 29/01/2020 11:27
(ĐCSVN) – Tháng Chạp là thời điểm người Dao (tỉnh Tuyên Quang) tổ chức Tết nhảy, đây là nghi lễ một lần trong đời của các thế hệ trong gia đình. Lễ hội văn hoá riêng có của người Dao Quần Chẹt cư trú chủ yếu ở huyện Sơn Dương. Mỗi năm chỉ một gia đình trong bản được tổ chức nghi thức Tết này.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Tết nhảy của người Dao Quần Chẹt là nghi lễ thể hiện sự biết ơn, tưởng nhớ tổ tiên, và còn là nghi lễ cầu phúc, cầu may, mong muốn tẩy trừ những điều bất hạnh, rủi ro của năm cũ; cầu xin Bàn Vương, tổ tiên phù hộ cho gia đình, dòng họ, cho bản làng một năm mới dồi dào sức khoẻ, mưa thuận gió hòa, công việc thuận lợi. Đây cũng là dịp để người Dao Quần Chẹt ôn lại lịch sử gia đình, lịch sử của dân tộc; ôn lại vốn văn hóa truyền thống của mình thông qua nội dung những bài khấn, những lời ca, điệu múa.

Tết nhảy còn gọi là Nhiang chằm Đao - một nghi lễ cúng Bàn Vương - thủy tổ của dân tộc Dao, nhằm tạ ơn tổ tiên và các vị thần. 
 Theo tục lệ, Tết nhảy tổ chức tại “Nhà cái” (nhà có bàn thờ tổ) thời gian diễn ra khoảng 3 ngày 3 đêm. Mỗi chu kỳ Tết nhảy thường vài năm tổ chức một lần, nhưng không lâu quá 12 năm.
Sau khi chọn ngày làm lễ, chủ nhà sửa sang thay mới ban thờ. Lễ  vật gồm 1 con lợn (khoảng 10-15 kg), 5 chiếc bánh dày hoặc bánh ống. Nhà nào không có lợn thì thịt 1 con vịt hoặc 3 con gà đặt lên ban thờ. 
 Trong lễ, chiếc mũ giấy bốn mặt được người Dao coi là "Linh vật". Mỗi mặt mũ vẽ các vị thần theo tín ngưỡng của người Dao.
 Lễ gồm 3 phần chính là Khai lễ, Chính lễ và Lễ tiễn đưa. Trong 3 ngày 3 đêm làm lễ, mỗi ngày phải hát và nhảy hết 12 bài hát cúng.
 Nét đặc sắc trong Tết nhảy là phần lễ và hội cùng đan xen nhau, những người hành lễ vừa cúng vừa múa, hát. Đầu tiên là múa bài Thượng đàn, mỗi người cầm một thứ dụng cụ như: chuông, thanh la, trống, chiêng, gậy thờ… múa, hát, sau đó là múa kiếm.
 Điệu múa diễn tả hành động bắt ba ba, nấu dâng cúng Bàn Vương.
 Điệu múa kiếm thể hiện nghi lễ tạ ơn tổ tiên và các vị thần đã bảo vệ cuộc sống cho dân làng.
Sau các điệu múa Chuông, múa Rùa, múa Kiếm, thày Lễ đọc bài chiêu binh, chiêu lúa gạo, múa khao quân tổng thần, múa tiễn các loại ôn dịch, rồi chia tiền, hóa tiền giấy, ngựa… tiễn đưa các vị thần. 
 Thầy cúng vẩy những nắm gạo quanh nhà để kết thúc 3 ngày làm lễ.
Nghi thức lễ ngoài trời kết thúc lễ hội trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng thanh la rộn rã, báo hiệu một kỳ lễ hội thành công. 
Thế Dương
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực