Tiếng khèn gọi Tết trên bản Mông

Thứ bảy, 25/01/2020 00:36
(ĐCSVN) - Tôi đến Pa Khen vào một buổi chiều mùa đông có chút mưa nhỏ, sương giăng lảng bảng khắp lối. Hoa mận, hoa đào thấp thoáng bên những ngôi nhà gỗ cũ kĩ. Tôi đến Pa Khen vào đúng dịp Tết của người Mông.
leftcenterrightdel
Em bé Pa Khen trong trang phục ngày Tết  

Tết của đồng bào Mông ở Mộc Châu sớm hơn Tết Nguyên đán của người Kinh và các đồng bào dân tộc ở nhiều vùng trong cả nước, người Mông ăn Tết vào đầu tháng Chạp âm lịch. Tết của người Mông thường diễn ra trong 3 ngày nhưng trước đó cả tháng, khắp các bản làng đã nhộn nhịp không khí đón xuân rồi.

Đến thăm nhà Trưởng bản Vàng A Lâu, chúng tôi được anh giới thiệu về nét đẹp văn hóa ngày Tết của đồng bào Mông nơi đây. Anh nói: Nếu như với người Kinh ở miền xuôi, mâm cỗ Tết không thể thiếu bánh chưng, bánh tét thì Tết người Mông phải có bánh dày để cúng tổ tiên và trời đất. Người Mông quan niệm, bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời, là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất. Nên, giã bánh dày là việc làm không thể thiếu trong ngày Tết của người Mông.

Quây quần trong khoảng sân rộng nhà Trưởng bản, chúng tôi được xem hai chị em người Mông trong trang phục dân tộc giã bánh dày. Ở đây, gạo nếp nương thơm ngâm cả một ngày, đồ thành xôi trong 12 tiếng cho hạt gạo bung dính vào nhau, sau đó cho vào máng gỗ. Hai chị  dùng chày thay nhau giã, kéo cho đến khi thật nhuyễn và mịn, rồi từng chiếc bánh được gói lại bằng lá chuối, thơm nức cho chúng tôi nếm thử. Chẳng biết có phải tấm lòng ấm áp của người vùng cao đã xua tan cái giá lạnh nơi đây hay không, mà tôi thấy miếng bánh dày ngon và ý nghĩa quá.

leftcenterrightdel
Giã bánh dày - phong tục không thể thiếu trong ngày Tết của người Mông 

Anh trưởng bản chia sẻ về phong tục ngày Tết nơi đây: Người Mông không đón giao thừa mà họ quan niệm tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng 1 mới là cái mốc đánh dấu bắt đầu một năm mới. Vào ngày này, đàn ông dậy làm hết mọi việc thay phụ nữ, từ cho lợn gà ăn đến nấu cơm… Người Mông quan niệm, con trai là trụ cột của gia đình nên tất cả mọi việc trong nhà phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm.

Đặc biệt, trong 3 ngày Tết, người Mông có tục dán giấy lên các công cụ lao động hàng ngày và đưa lên bàn thờ như một sự tri ân những "người bạn" trong lao động, sản xuất. Sau đó, họ đến nhà nhau chúc Tết, uống rượu ngô, ăn bánh dày. Họ kiêng thổi lửa, kiêng gọi phụ nữ dậy sớm, kiêng tiêu tiền, cho ai hoặc xin ai bất kỳ cái gì, không hót rác, không ăn cơm chan trong những ngày Tết.

Được biết, Tết cũng là dịp người Mông Mộc Châu tổ chức các trò chơi truyền thống như đánh tu lu (đánh cù), ném pao, đánh quay… Chúng tôi cũng được anh trưởng bản dẫn ra sân vận động, đó là một khoảng rộng trên đồi, xung quanh là những cây mận, hoa bung trắng cả một vùng. Nơi đây, những cô gái Mông mặc những chiếc váy được dệt tỉ mẩn và sặc sỡ, đứng tựa vào nhau nhìn chúng tôi thân thiện, nụ cười cứ tủm tỉm. Còn lũ trẻ con mặt lấm lem, hai má hây đỏ, lăng xăng cười đùa khi được chúng tôi cho mấy gói kẹo. Trong không khí rộn ràng đầu năm, anh Vàng A Lâu đã biểu diễn cho chúng tôi xem điệu múa khèn trong tiếng nhạc réo rắt. Thế mới biết, người Mông rất mến khách, họ quan niệm nếu Tết có khách lạ đến chơi thì cả năm sẽ gặp may mắn. Vì vậy, khách đến nhà người Mông trong dịp Tết luôn được đón tiếp rất chu đáo, được mời ăn, mời rượu. Trước khi ra về, người Mông còn mừng tuổi cho khách 2 chiếc bánh dày do chính tay họ làm ra.

Lên Pa Khen đón Tết cùng đồng bào Mông chính là cơ hội để chúng tôi khám phá những phong tục, nghi lễ cùng nét văn hóa độc đáo được lưu giữ qua nhiều năm tháng. Những trò chơi, những câu hát, tiếng khèn… như chất xúc tác kết nối mọi người, tăng thêm tình đoàn kết của đồng bào các dân tộc. Để rồi, đến mùa hoa mận trắng, chúng tôi lại muốn thêm một lần quay về miền đất này để được ngồi bên chén rượu, mâm cỗ, bếp lửa cùng tình người ấm áp xua tan cái giá lạnh nơi vùng cao này.

Mùa xuân Pa Khen, hẹn gặp lại!

TL
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực