Trước thềm Xuân mới Canh Tý 2020, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về những nội dung được triển khai của công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong năm 2019 vừa qua.
|
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị
(Ảnh: LTN) |
Phóng viên: Thưa đồng chí, năm 2019, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đạt được những dấu ấn quan trọng nào?
Đồng chí Lương Thanh Nghị: Năm 2019 đánh dấu mốc son quan trọng của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN). Đó là, trải qua chặng đường 6 thập kỷ xây dựng và phát triển, từ Ban Việt kiều Trung ương, nay là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã có những bước trưởng thành vững chắc, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Từ một cơ quan liên ngành với vai trò chủ yếu là đón tiếp và ổn định cuộc sống của kiều bào hồi hương, đến nay, Ủy ban đã trở thành một cơ quan quan trọng của Bộ Ngoại giao, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng và Nhà nước và tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài.
Năm 2019 cũng chứng kiến cộng đồng hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục phát triển ổn định, hòa nhập sâu rộng vào xã hội sở tại trong tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến văn hóa xã hội và có nhiều đóng góp tích cực phục vụ xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Trong năm qua, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai toàn diện, tập trung vào bốn nội dung chính sau:
Một là, tiếp tục tham mưu, kiến nghị, đề xuất các chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm tạo điều kiện cho bà con sinh sống ổn định, tiếp tục đóng góp có hiệu quả cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đáng chú ý, ngày 25/7/2019, Ủy ban đã tổ chức Hội nghị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì, với sự tham dự của các lãnh đạo, đại diện các Bộ, ngành liên quan. Hội nghị đã tập trung trao đổi, đề xuất, kiến nghị các chính sách liên quan đến nhập và trở lại quốc tịch, thu hút nguồn lực, hỗ trợ hội đoàn người Việt...
Hai là, đại đoàn kết dân tộc cũng được tăng cường thực hiện trong năm 2019. Nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn đã được tổ chức cả ở trong và ngoài nước, thu hút sự quan tâm và hưởng ứng tham gia tích cực. Thông qua đó, tạo kết nối giữa kiều bào ở các địa bàn với nhau và giữa kiều bào với trong nước. Những thành tựu về đối ngoại, kinh tế xã hội của đất nước đã khích lệ bà con phát huy tinh thần yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, xu hướng trở về quê hương đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nước nhà ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, ghi nhận việc ngày càng nhiều kênh truyền thông hải ngoại đưa tin khách quan về Việt Nam, tác động tích cực đến cộng đồng NVNONN, củng cố đại đoàn kết dân tộc và đấu tranh với luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Đối với công tác hội đoàn, cùng với sự hỗ trợ, hướng dẫn tích cực của Ủy ban Nhà nước về NVNONN và các Cơ quan đại diện (CQĐD), hoạt động của các hội đoàn NVNONN có nhiều thay đổi tích cực theo hướng trẻ hóa thành phần, củng cố, kiện toàn tổ chức. Các hội đoàn có truyền thống lâu đời như Tổng Hội người Việt Nam tại Thái Lan đã tổ chức Đại hội bầu ra chủ tịch Hội mới (4/2019), đánh dấu bước chuyển quan trọng trong công tác hội và chuyển giao thế hệ; Hội người Việt Nam tại Pháp kỷ niệm 100 năm thành lập (6/2019) và tổ chức Đại hội lần thứ 15 (12/2019); Các hội người Việt Nam tại Séc và Ba Lan tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập và Đại hội lần VI. Nhiều hội đoàn tổ chức Đại hội nhiệm kỳ mới nhằm củng cố tổ chức (Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc, các tỉnh hội thuộc Tổng Hội người Việt Nam tại Thái Lan và Hội Khmer - Việt Nam…). Bên cạnh đó, có khoảng 20 hội đoàn của NVNONN mới được thành lập, đáng chú ý là sự ra đời của nhiều hội doanh nhân, trí thức, thanh niên, sinh viên kiều bào. Một số hội đoàn (như tại Anh, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ, Tanzania) đã bước đầu ứng dụng các công cụ truyền thông mới, mạng xã hội (như Facebook), giúp tăng cường kết nối, thông tin trong cộng đồng.
Ba là, thu hút nguồn lực kiều bào cũng rất được chú trọng trong năm qua. Xu hướng trở về Việt Nam lập nghiệp, làm việc tại các doanh nghiệp bản địa hoặc hợp tác của trí thức, chuyên gia, đặc biệt là kiều bào trẻ ngày càng tăng. Nếu như trước đây hoạt động của kiều bào chủ yếu là về nước tham gia các dự án hợp tác phát triển theo dạng tự phát, nhỏ lẻ thì trong năm 2019 đã xuất hiện “làn sóng” doanh nhân, trí thức kiều bào về nước theo nhóm, mạng lưới, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, kết nối giữa kiều bào toàn thế giới với trong nước như Diễn đàn “Phát triển bền vững Việt Nam 2019”; “Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng”; “Hội thảo các Viện Hàn lâm trẻ toàn thế giới năm 2019”; “Kiều bào đóng góp cho sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh”; “Trí thức trẻ Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước”; Diễn đàn kinh tế kiều bào toàn cầu lần I tại Hàn Quốc; “Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều châu Âu”; “Hội nghị xúc tiến thương mại Thái Lan – Việt Nam quốc tế mở rộng”... Các hội nghị, hội thảo và sự kiện này đã tạo hiệu ứng lan tỏa, có tiếng vang trong cộng đồng, bước đầu thành lập được Mạng lưới người Việt có tầm ảnh hưởng, góp phần quan trọng kết nối doanh nhân, trí thức, chuyên gia người Việt trên toàn thế giới, thúc đẩy sự đóng góp của kiều bào cho sự phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế - xã hội của đất nước. Một số trí thức có tên tuổi, nguyên chính trị gia tại các nước đã về đầu quân cho các tập đoàn lớn như Vingroup, Vina Capital. Ngoài ra không thể không kể đến lượng kiều hối ước khoảng 16,7 tỷ USD trong năm 2019, đây là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới.
Bốn là, về công tác thông tin, văn hóa, hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng tại các nước. Các chương trình thường niên như Xuân Quê hương, Trại hè Việt Nam, Đoàn nghệ thuật biểu diễn phục vụ cộng đồng NVNONN nhân dịp năm mới… tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tích cực của bà con kiều bào và đáp ứng được nhu cầu văn hóa của cộng đồng ta ở nước ngoài. Đặc biệt, đoàn kiều bào về thăm Trường Sa năm 2019 đã ủng hộ cho các cán bộ chiến sỹ tại quần đảo Trường Sa bằng tiền mặt và quà trị giá khoảng 1,3 tỷ đồng. Công tác thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, tình hình kinh tế - xã hội, tình hình xử lý các vấn đề Biển Đông tới kiều bào tiếp tục được đẩy mạnh nhằm đáp ứng tâm tư, nguyện vọng được tiếp cận thông tin của bà con. Về công tác dạy và học tiếng Việt, Ủy ban cũng đã hỗ trợ 1,5 tấn sách giáo khoa cho cộng đồng tại Campuchia và tổ chức “Khóa tập huấn phương pháp giảng dạy tiếng Việt” cho hơn 70 giáo viên kiều bào đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ.
|
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ hai tặng cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh: Khánh Linh) |
Phóng viên: Những năm vừa qua, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, khẳng định sức mạnh đoàn kết thống nhất của toàn dân tộc Việt Nam. Theo đồng chí, trong thời gian tới, chúng ta cần làm gì để tiếp tục huy động tinh thần đoàn kết của kiều bào ở khắp nơi trên thế giới?
Đồng chí Lương Thanh Nghị: Năm 2020 là năm với những sự kiện trọng đại của dân tộc: Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 45 năm ngày thống nhất đất nước, 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm ngày thành lập nước cùng những trọng trách lớn ở khu vực và thế giới đất nước ta gánh vác trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Năm 2020 cũng là năm đánh dấu 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 45, 16 năm thực hiện Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN. Ủy ban sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị, qua đó đánh giá kết quả thực hiện công tác 5 năm qua và đề ra những định hướng mới cho công tác này trong thời gian tới, tập trung hơn nữa vào việc huy động và phát huy tinh thần đoàn kết của kiều bào ở khắp nơi trên thế giới với một số nhiệm vụ chính sau:
Tháo gỡ các khó khăn, bất cập nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho người Việt Nam ở nước ngoài gắn bó với quê hương thông qua việc tạo các chính sách, quy định pháp luật theo hướng cởi mở hơn. Ví dụ: định cư ở nước ngoài, người gốc Việt Nam khi xin nhập/ trở lại quốc tịch Việt Nam, hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến việc trọng dụng, trọng đãi nhân tài là NVNONN.
Đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình, vị thế của đất nước để nâng cao tinh thần tự hào trong người dân: tăng cường đưa tin về hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, hoạt động động đối ngoại của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Đặc biệt, khuyến khích kiều bào viết bài, đưa tin, làm các đoạn phim từ góc nhìn của kiều bào về những thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội – ngoại giao của Việt Nam.
Tiếp tục đồng hành với các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ các hoạt động của hội.
Giải quyết các vấn đề nhân đạo, đặc biệt là các kiến nghị của kiều bào liên quan đến việc chỉnh trang, tu sửa mộ phần tại nghĩa trang Bình An.
Phóng viên: Những năm qua, bảo hộ công dân luôn được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Đồng chí có thể cho biết rõ thêm về vấn đề này? Trong thời gian tới, cùng với quá trình hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế của đất nước, công tác bảo hộ công dân sẽ tiếp tục được chú trọng triển khai như thế nào thưa đồng chí?
Đồng chí Lương Thanh Nghị: Những năm qua, có thể đánh giá là giai đoạn tình hình thế giới đầy biến động, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp trên cả khía cạnh an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống tác động trực tiếp đến công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Thế giới dưới góc nhìn bảo hộ công dân trong thời gian tới tiếp tục dự báo nhiều biến động, thách thức lớn hơn cho công tác bảo hộ công dân, với những nhân tố mới nổi và ngày càng chi phối tình hình an ninh thế giới. Bên cạnh đó, các vấn đề an ninh toàn cầu và khu vực liên tục gia tăng. Chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố không ngừng lan rộng, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như an ninh mạng, an toàn sinh học, hoạt động cướp biển… ngày càng nổi cộm. Tính đan xen, tính liên quan và tính tương tác về an ninh giữa các nước không ngừng tăng lên, và như vậy thế giới sẽ dễ tổn thương hơn. Do vậy, công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài sẽ gặp nhiều thách thức và cần một cách tiếp cận chủ động với nguồn lực phù hợp.
Trên cơ sở đánh giá như vậy, Bộ Ngoại giao luôn coi công tác này là một trọng tâm hàng đầu và chỉ đạo Cục Lãnh sự, các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài triển khai với phương châm “chủ động, kịp thời, chuyên nghiệp, hiệu quả” nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân ở nước ngoài. Đây cũng là trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân, góp phần nâng cao vị thế chính trị, uy tín của Nhà nước ta đối với thế giới cũng như trong con mắt cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Hệ thống pháp luật của Nhà nước ta cũng ngày càng được kiện toàn hơn và quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các CQĐD trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo hộ đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài từ năm 2007 nhằm giúp các CQĐD chủ động trong công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cho những công dân gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không thể tự khắc phục, chi trả được.
Thời gian qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, công tác bảo hộ công dân đạt được nhiều kết quả tích cực. Hàng năm, chúng ta đã xử lý khoảng một chục nghìn vụ việc bảo hộ công dân, ví dụ năm 2019: các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài đã thực hiện bảo hộ công dân thành công đối với 13.463 công dân; 1.760 ngư dân/206 tàu cá được bảo hộ; 36 tàu/408 ngư dân gặp nạn trên biển được hỗ trợ tránh trú bão hoặc được cứu nạn trên biển. Ngoài ra, Tổng đài Bảo hộ công dân đã tiếp nhận, giải đáp 5.400 cuộc gọi đến (tăng khoảng 31% so với 2018) và có 687.956 tin nhắn roaming quốc tế cung cấp đường dây nóng bảo hộ công dân cho công dân khi xuất cảnh ra nước ngoài; Quỹ Bảo hộ công dân đã sử dụng hiệu quả kinh phí để đưa 523 người dân về nước.
Để công tác bảo hộ công dân phát huy hiệu quả toàn diện hơn trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ: Chỉ đạo các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài chủ động xây dựng, kiện toàn các phương án bảo hộ công dân trong tình huống khủng hoảng phù hợp với tình hình mới; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cho công dân, đặc biệt là Tổng đài Bảo hộ công dân (+84.981.84.84.84); Kịp thời đưa ra các khuyến cáo phù hợp để công dân có thông tin cần thiết khi đi lại, lưu trú ở nước ngoài, nhất là cảnh báo đối với khu vực xảy ra khủng bố, thiên tai, chiến sự; Đẩy mạnh công tác phối hợp đối với các Bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp một cách chuyên nghiệp, kịp thời, hiệu quả hơn, đáp ứng sự quan tâm của dư luận và yêu cầu ngày càng cao của người dân.
|
Chương trình Xuân Quê hương chào đón Xuân Canh Tý 2020 thu hút được số lượng kiều bào tham gia đông nhất từ trước đến nay. (Ảnh: Khánh Linh) |
Phóng viên: Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tạo ra cả những cơ hội và thách thức mới đối với đất nước ta và với sự phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Xin đồng chí cho biết làm thế nào để củng cố và thúc đẩy sự đóng góp quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với đất nước, trong đó đặc biệt có lực lượng trí thức, doanh nhân kiều bào?
Đồng chí Lương Thanh Nghị: Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã xóa bỏ những rào cản địa lý cho sự hợp tác giữa các chủ thể trong nền kinh tế thế giới. Là một phần của bức tranh chung, Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường dựa vào sự sụt giảm chi phí giao dịch quốc tế và sự dịch chuyển tự do các nguồn lực cho sản xuất (nhân lực, vốn), song song với việc phát triển hệ thống thông tin liên lạc, cải thiện cơ sở hạ tầng và chất lượng cuộc sống của người dân.
Tuy vậy, đất nước ta nói chung và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng cũng phải đối mặt với không ít thách thức trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Thứ nhất, sự giao thoa của các nền văn hóa có thể dẫn đến nguy cơ đánh mất các giá trị truyền thống và làm mai một ngôn ngữ dân tộc trong chính cộng đồng NVNONN. Thứ hai, toàn cầu hóa mở ra nhiều cơ hội việc làm ở nước ngoài cho lực lượng trí thức trẻ. Bởi vậy, nếu không có biện pháp cụ thể để đảm bảo sự quay vòng chất xám, Việt Nam sẽ để lỡ một nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong thời đại mới. Thứ ba, Việt Nam có thể đánh mất nguồn vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm cả dòng vốn từ các doanh nghiệp của NVNONN nếu không sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch.
Trong bối cảnh thế giới hiện nay, tôi cho rằng sự phát triển của đất nước không thể thiếu những đóng góp quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, hiện nay đang phát triển mạnh mẽ với con số hơn 4,5 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bà con ta ở nhiều nơi đã và đang hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại, kinh tế ngày càng ổn định, vững mạnh, ngày càng có nhiều người Việt thành danh trên các lĩnh vực, có vị trí nhất định trong chính trường nước sở tại và quan trọng là bà con luôn có tấm lòng tha thiết hướng về quê hương đất nước, mong muốn được đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Do đó, nhiệm vụ cấp bách của ta là phải khẳng định sự hỗ trợ, đồng hành của Đảng và Chính phủ với cộng đồng NVNONN, vốn là bộ phận không thể tách rời của nguồn lực dân tộc Việt Nam như Nghị Quyết 36 và Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh. Cụ thể hơn, các Bộ, Ban, ngành trung ương và địa phương sẽ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho bà con yên tâm về làm việc, hợp tác, đầu tư, kinh doanh, hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) trong nước.
Ủy ban Nhà nước về NVNONN, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công tác NVNONN đã xây dựng và triển khai công tác vận động thu hút doanh nhân, trí thức kiều bào về đóng góp cho quê hương đất nước, tập trung vào ba nhiệm vụ chính.
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tham mưu, xây dựng chính sách nhằm phát huy đại đoàn kết dân tộc và thu hút hiệu quả nguồn lực NVNONN. Dưới sự chủ trì của Bộ KHCN, Bộ Ngoại giao cùng các Bộ ngành đã tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN và Nghị định 87/2014/NĐ-CP ngày 22/9/2014 quy định về thu hút cá nhân hoạt động KH&CN là NVNONN và chuyên gia nước ngoài, theo hướng tạo thêm thuận lợi cho các nhà khoa học NVNONN và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam.
Thứ hai, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền tới kiều bào về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tình hình kinh tế chính trị xã hội trong nước, đặc biệt các chính sách thu hút đầu tư, chuyển giao KHCN trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế mũi nhọn, tổ chức các sự kiện thường niên có ý nghĩa dành cho kiều bào như Xuân Quê hương, Đoàn kiều bào thăm Trường Sa, Trại hè Việt Nam, hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt,..
Thứ ba, tiếp tục phối hợp, hỗ trợ hoạt động của các nhóm, cá nhân chuyên gia, trí thức, doanh nhân NVNONN trong việc tổ chức các sự kiện kết nối, xúc tiến thương mại đầu tư, hoạt động KHCN với các cơ quan, địa phương trong nước.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!