Kiều bào giữ hồn văn hoá Tết

Thứ sáu, 24/01/2020 23:26
(ĐCSVN) - Cứ mỗi dịp Xuân về, người Việt Nam ở khắp mọi nơi trên thế giới lại nhớ về quê hương, nhớ về ngày Tết cổ truyền và giáo dục con cháu “giữ lửa” Tết Việt.
leftcenterrightdel
Tết đến, xuân về là cơ hội để cho con, cháu kiều bào sinh sống ở nước ngoài hiểu được truyền thống văn hóa của người Việt 

“Giữ lửa” Tết Việt

Dù sống ở Berlin (Đức)  đã hơn 20 năm, nhưng theo thói quen, cứ đến những ngày giáp Tết cổ truyền, anh Thái Vũ (quê Hà Tĩnh) lại thường xuyên tới các khu chợ của cộng đồng người Việt  tại nước ngoài tìm mua những mặt hàng truyền thống để chuẩn bị đón tết.

Anh Vũ kể: Đối với những người con xa xứ,  mỗi dịp Tết đến, xuân về  là cơ hội để cho con, cháu được sinh ra ở nước ngoài có thời gian và cơ hội tiếp xúc với họ hàng, người thân trong gia đình. Cũng là dịp để  các con  hiểu được nét truyền thống văn hóa của người Việt.

Theo anh Vũ, dịp này, không khí ở các khu chợ của cộng đồng người Việt  rất náo nhiệt, đầy đủ các mặt hàng mang hương vị Tết, từ bánh chưng, bánh tét, mứt, đến mai đào, câu đối... Dù công việc bận rộn, nhưng năm nào, gia đình anh cũng chọn mua một cành đào để trưng trong phòng khách và không thể thiếu mâm cơm  chiều 30 Tết. “Vào ngày này các thành viên trong gia đình đều  trở về quây quần bên nhau, chia sẻ mọi vui buồn trong năm hay cùng chuẩn bị mâm cỗ ngày đầu năm. Những lúc như thế này rất nhớ nhà, nhớ Việt Nam”. Anh Vũ chia sẻ.

Tết này, không khí đón Tết của gia đình chị Nguyễn Thị Hường tại Kuala Lumper (Malaysia)  vẫn đậm màu sắc của Việt Nam. Chị Hường tâm sự: Đối với mỗi người con nước Việt thì Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam rất  quan trọng. Họ rất mong đến ngày Tết cổ truyền để gặp nhau vui vẻ. Ở trong nước, vào những ngày cận Tết, nếu chúng ta nôn nao muốn về quê bao nhiêu thì những kiều bào ở nước ngoài  như chúng tôi cũng có chung một khao khát giống như thế.

leftcenterrightdel
 Các con của chị Nguyễn Thị Hường tại Kuala Lumper (Malaysia) háo hức mặc áo dài truyền thống mỗi dịp xuân về

“Sau một quãng thời gian dài mưu sinh nơi xứ người, đây chính là thời điểm thiêng liêng và hạnh phúc nhất đối với chúng tôi. Các gia đình thân thiết tụ họp, liên hoan và chúc nhau những điều tốt lành.  Nhưng có lẽ điều mà những đứa trẻ  nhà chúng tôi mong chờ nhất có lẽ là  “tiết mục” lì xì đầu năm và được mặc những bộ áo dài Việt Nam nổi bật giữa không gian hiện đại phương Tây cũng những nụ cười tươi tạo nên một sắc xuân phơi phới.

Không chỉ “giữ lửa” Tết Việt, gia đình chị Hương luôn gìn giữ tiếng nói và văn hóa Việt. “Vợ chồng tôi luôn cố gắng dạy và nói với con bằng tiếng mẹ đẻ để các em có thể hàng ngày, hàng giờ hiểu thêm về văn hóa dân tộc”- Chị Hường cho biết.

Cũng như bao người con sống xa quê hương, chị Vân Anh (15 năm sống tại Đức) muốn con mình được biết đến cái Tết truyền thống của người Việt nên năm nào chị cũng chuẩn bị các món truyền thống như bánh chưng, củ kiệu, mứt, hạt dưa, mâm ngũ quả. Có năm chị Vân Anh tự tay làm dưa kiệu, có năm nhờ người thân từ Việt Nam mang sang. Những món khác như bánh chưng, giò chả chị đều có thể dễ dàng mua tại chợ Việt.

leftcenterrightdel
Bữa cơm ngày Tết của gia đình Việt tại Malaysia 

Chị Vân Anh kể: "Năm nào tôi cũng đưa các con đi chơi  Tết và chụp ảnh gia đình với không khí Tết ở đây. Năm nay gia đình tôi cùng một số bạn bè người Việt đã đặt trước 2kg lá dong, 12kg gạo nếp và 2kg đậu xanh để cùng nhau gói bánh chưng. Mọi người sẽ cùng nhau gói và mỗi nhà được 4 cái bánh tự mang về luộc.

Luôn trân trọng kiều bào trở về quê hương

Có mặt cùng 900 kiều bào dự cuộc họp mặt mừng Xuân Canh Tý 2020 tại TP. Hồ Chí Minh do Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tổ chức, bà Huỳnh Thu Trang - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Italia xúc động nói: “Cộng đồng Việt kiều ở nước ngoài  không chỉ giữ Tết và giáo dục cho con cháu mình yêu Tết, mà còn đưa Tết Việt đến với cả những người bạn Châu Âu. Tôi thường kể cho bạn bè người nước ngoài về ngày Tết nguyên đán của Việt Nam. Chúng tôi bên đó vẫn tổ chức gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, bàn thờ. Hàng năm phát quà cho các cháu nhỏ vào ngày Tết”.

leftcenterrightdel
 Bà Huỳnh Thu Trang- Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Italia  (giữa) chụp hình với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh tại  buổi họp mặt mừng Xuân Canh Tý 2020 

TS Phạm Hữu Tài- Chuyên gia Thương mại Quốc tế, Trường Đại học Camberra- Úc, chia sẻ:  Năm nay tôi về đón tết ở Việt Nam, cùng các kiều bào họp mặt mừng Xuân Canh Tý 2020, tôi rất xúc động và tự hào. Buổi họp mặt thể hiện tình cảm, sự trân trọng và quan tâm của TP.Hồ Chí Minh đối với cộng đồng kiều bào đang sinh sống, làm việc tại thành phố cùng kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài về thăm quê hương, đón Tết cổ truyền của dân tộc. Đây là dịp để lãnh đạo Thành phố lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, hiến kế của kiều bào để xây dựng TP. Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Mỗi dịp Tết cổ truyền, nếu đón Tết ở nước ngoài, gia đình tôi luôn giữ nếp văn hoá Tết của người Việt, làm theo những phong tục của người Việt Nam, chúc Tết, mặc trang phục truyền thống Việt. Mình cũng nói cho con cháu biết, hiểu và con cháu đều vui vẻ đón Tết giống như truyền thống người Việt mình.

Tết đến, từng kiều bào, từng gia đình và cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới luôn quây quần đón một năm mới như đồng bào đang sống tại Việt Nam. Tại TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài  TP. Hồ Chí Minh và lãnh đạo TP luôn trân trọng điều đó và có rất nhiều hoạt động thiết thực.

leftcenterrightdel
Người Việt xa quê hương luôn mong muốn con mình biết đến Tết truyền thống của người Việt  

Tại buổi họp mặt kiều bào mừng Xuân, đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, trân trọng gửi tới kiều bào lời chúc mừng năm mới, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong thông tin, năm 2019, TP đạt được nhiều kết quả khi thực hiện chủ đề Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Tổng sản phẩm (GRDP) TPHCM đạt hơn 1,34 triệu tỷ đồng, tăng 8,32% so với cùng kỳ; thu ngân sách đạt 410.295 tỷ đồng.

Trong thành quả đó, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định, có sự đóng góp rất quan trọng của kiều bào. Năm qua, có hơn 400 chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc dài hạn; khoảng 3.000 doanh nghiệp có vốn của kiều bào được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với vốn điều lệ hơn 45.000 tỷ đồng; hơn 30.000 kiều bào trẻ về thăm quê, tìm kiếm cơ hội đầu tư bằng các dự án khởi nghiệp tại TP.

Tính đến cuối năm 2019, lượng kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh đạt 5,6 tỷ USD, chiếm gần 30% lượng kiều hối cả nước. Theo thống kê, khoảng 72% lượng kiều hối được đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, góp phần tích cực phát triển kinh tế TP.

“TP. Hồ Chí Minh ghi nhận và đánh giá cao những tình cảm, sự nỗ lực của kiều bào. Dù ở đâu và làm gì, trong trái tim của mỗi kiều bào đều dành những tình cảm tốt đẹp và chân thành cho quê hương, luôn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước và TP”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Năm 2020, TP. Hồ Chí Minh xác định chủ đề là "Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị". Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, việc thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2020 có ý nghĩa rất quan trọng, là tiền đề để TP bứt phá, phát triển nhanh và bền vững hơn. Do đó, TP rất mong muốn sự tham gia chung tay góp sức của kiều bào, cùng hiện thực hóa các mục tiêu lớn trong năm 2020.

Phát biểu tại buổi họp mặt, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ trân trọng tấm lòng kiều bào, tuy có quê hương thứ hai nhưng luôn luôn nhớ về quê hương thứ nhất – Việt Nam. Nhiều kiều bào lớn tuổi, đáng lẽ về quê nghỉ ngơi song vẫn cống hiến cho xã hội, cho TP. Hồ Chí Minh. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhắn nhủ: TP.Hồ Chí Minh luôn trân trọng kiều bào và con em trở về quê hương./.

Quỳnh Mai
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực