Bảo đảm nguồn lực tài chính, nâng cao vị thế đất nước

Thứ bảy, 13/02/2021 15:58
(ĐCSVN) - Trả lời phỏng vấn Báo điện tử ĐCSVN nhân dịp đầu Xuân Tân Sửu 2021, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh: Nhờ những kết quả tích cực tích lũy được, nên dù thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 giảm đáng kể so dự toán, nhưng chúng ta vẫn đảm bảo được nguồn lực để kịp thời triển khai đồng bộ hệ thống các giải pháp phòng, chống COVID-19, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
 Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị Khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Tài chính (Ảnh: T.N)

Cơ cấu thu NSNN bền vững hơn

 Phóng viên (PV): Xin Bộ trưởng cho biết đánh giá của mình về kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý tài chính – ngân sách Nhà nước (NSNN) giai đoạn 5 năm 2016-2020?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Nhiệm vụ tài chính – NSNN 5 năm 2016-2020 được triển khai thực hiện trong điều kiện có nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen, thậm chí phát sinh những yếu tố chưa từng có tiền lệ, đặc biệt là những năm cuối nhiệm kỳ 2016-2020, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn leo thang, đại dịch COVID-19 xuất hiện, đã làm cho nhiều quốc gia trên thế giới rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm này, chúng tôi đánh giá đã đạt và vượt mục tiêu các nhiệm vụ tài chính – NSNN được đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội.

Cụ thể, về thể chế, cho đến nay, việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách, chế độ về tài chính – NSNN đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra, phù hợp tình hình thực tế và các cam kết hội nhập, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính- NSNN.

Về quản lý, điều hành thu, chi NSNN, tổng số thu NSNN 5 năm 2016-2020 đạt 100,4% kế hoạch đề ra, tỷ lệ động viên vào NSNN đạt trên 25% GDP (mục tiêu đề ra là 23,5%GDP), mức rất tích cực trong điều kiện thu NSNN năm 2020 khó khăn, tăng trưởng kinh tế thấp hơn rất nhiều so dự kiến; đồng thời, giảm các nghĩa vụ thu thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng mức chiết trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân, xóa bỏ khoảng 340 khoản phí, lệ phí... Cơ cấu thu NSNN bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng từ 68% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 85,5% năm 2020 (kế hoạch là 84-85%)…

Đặc biệt, đã thực hiện cơ cấu lại chi NSNN, kiểm soát quy mô chi phù hợp quy mô thu và mục tiêu giảm dần bội chi, ưu tiên nguồn lực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các đột phá chiến lược của nền kinh tế về hạ tầng, về nguồn nhân lực; đáp ứng các nhu cầu chi an ninh, quốc phòng, bảo đảm trật tự xã hội, chủ quyền đất nước.

Nhờ những kết quả tích cực tích lũy được trong các năm 2016-2019, nên dù thu NSNN năm 2020 giảm đáng kể so dự toán, nhưng chúng ta vẫn đảm bảo được nguồn lực để kịp thời triển khai đồng bộ hệ thống các giải pháp phòng, chống COVID-19, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ liên tiếp, ổn định đời sống xã hội, hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng, trở thành một điểm sáng trên thế giới, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.

2020 - năm thành công nhất trong 5 năm qua

 PV: Là một năm có nhiều biến động, Bộ trưởng đánh giá thế nào về kết quả đạt được trong năm 2020?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2020 được triển khai trong bối cảnh phát sinh nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ đối với cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đại dịch COVID-19 bất ngờ xảy ra, với diễn biến vô cùng phức tạp và kéo dài, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước. Bên cạnh đó, những diễn biến bất thường của thiên tai, biến đổi khí hậu, bão chồng bão, lũ chồng lũ... làm cho tình hình càng thêm khó khăn, tăng trưởng kinh tế chậm lại, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm có xu hướng gia tăng, đời sống của một bộ phận người dân khó khăn hơn.

Trong bối cảnh đó, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển đất nước, toàn ngành Tài chính đã đoàn kết, đồng lòng, bám sát tình hình thực tiễn, chủ động đề xuất và triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khoá, quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2020, qua đó góp phần củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

 PV: Theo Bộ trưởng, đâu là những dấu ấn đặc biệt nhất trong công tác điều hành tài chính – NSNN năm 2020?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Những dấu ấn đặc biệt, quan trọng trong công tác điều hành tài chính – NSNN năm 2020 đó là: Thứ nhất, khi xuất hiện đại dịch COVID-19, BộTài chính đã theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động xây dựng các kịch bản điều hành NSNN và đề xuất trình cấp có thẩm quyền quyết định các giải pháp về tài khóa ứng phó đại dịch COVID-19, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộkinh doanh và người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ hai, đã tập trung triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài chính - NSNN, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính. Năm 2020, Bộ Tài chính đã hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh được giao, trong đó tập trung vào các cơ chế, chính sách về thuế, cắt giảm phí, lệ phí hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, quản lý chi NSNN chặt chẽ, hiệu quả, phát triển thị trường tài chính, dịch vụ kế toán, bảo hiểm, quản lý ngân quỹ nhà nước.

Thứ ba, chú trọng thực hiện công tác quản lý giá cả thị trường xã hội và phát triển thị trường tài chính, dịch vụ tài chính. Qua đó góp phần kiểm soát chỉ số CPI cả năm ở mức 3,23%, trong phạm vi mục tiêu Quốc hội quyết định (dưới 4%).

Thứ tư, tăng cường công tác quản lý sử dụng tài sản công; đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra tài chính - NSNN và chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Đặc biệt là công tác phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính với các Bộ, cơ quan ở trung ương, cũng như Bộ Tài chính với các địa phương trong tổ chức thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa để thích ứng tình hình mới.

Nói tóm lại, năm 2020 mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức lớn, tác động xấu nhiều mặt, ảnh hưởng nặng nề tới đất nước, công tác điều hành tài chính – NSNN đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; quy mô NSNN tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, dư địa tài khóa ngày càng tốt hơn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao vị thế và mức độ tín nhiệm của đất nước trên trường quốc tế. Đúng như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: “Mặc dù không hoàn thành một số chỉ tiêu, chủ yếu do nguyên nhân khách quan, nhưng năm 2020 vẫn được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua”.

 Năm 2021 ngành Tài chính phấn đấu tăng thu NSNN 3% so với dự toán Quốc hội quyết định (Ảnh: M.P)

Đảm bảo an toàn, an ninh tài chính

PV: Những kết quả đạt được trong giai đoạn này có ý nghĩa như thế nào trong việc định hướng công tác quản lý tài chính – NSNN trong giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Từ những kết quả và bài học kinh nghiệm rút ra qua thực hiện nhiệm vụ quản lý tài chính - NSNN 5 năm 2016-2020; căn cứ các mục tiêu phát triển KT-XH theo định hướng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt báo cáo tài chính – NSNN 5 năm quốc gia 2021-2025. Theo đó, dự kiến trọng tâm nhiệm vụ quản lý tài chính - NSNN 5 năm tới sẽ là: Huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính của Nhà nước và xã hội theo các định hướng Chiến lược của nền kinh tế; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nợ công, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tăng cường sức chống chịu của nền tài chính, đảm bảo an toàn, an ninh tài chính, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc, thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh đổi mới khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực sự nghiệp công, quản lý tài sản công, phát triển đồng bộ các thị trường và dịch vụ tài chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tăng cường cải cách hành chính, hiện đại hóa gắn liền với việc sắp xếp tổ chức lại bộ máy tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Với nền tảng tích lũy được đến nay, sự chỉ đạo, điều hành sát sao, cụ thể, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, truyền thống của ngành tài chính, tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ tiếp tục vượt qua các khó khăn, thách thức, thực hiện thành công các mục tiêu tài chính - NSNN, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng an ninh, tiến bộ, công bằng xã hội trong thời gian tới.

PV: Dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Đây là một thách thức không nhỏ đối với hoạt động thu NSNN. Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp chủ yếu sẽ được thực hiện để vừa hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo mục tiêu thu NSNN?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Theo đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế có uy tín (WB, IMF...), sang năm 2021 kinh tế thế giới sẽ bước vào quá trình phục hồi, sau khi đã bị suy giảm sâu trong năm 2020 do tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên quá trình này giữa các quốc gia là rất khác nhau, phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch, cũng như khả năng phổ cập vắc xin phòng dịch. Đối với nước ta, những thành quả đạt được trong năm 2020 về phát triển KT-XH và NSNN là hết sức tích cực và đáng tự hào, đóng góp vào thành công chung của cả nhiệm kỳ 2016-2020, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để cho rằng chúng ta đã thoát ra khỏi khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, vẫn còn đó những yếu kém nội tại của nền kinh tế chưa được xử lý dứt điểm; sự phục hồi diễn ra không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, một số ngành nghề vẫn còn rất khó khăn như du lịch, hàng không, khách sạn...; năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế; tiềm lực tài chính của cả khu vực nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân đều đã giảm đáng kể; những rủi ro và bất định của kinh tế thế giới sẽ tiếp tục hạn chế dòng vốn đầu tư nước ngoài, ngăn cản hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, diễn biến bất thường thời tiết... tiềm ẩn nguy cơ tác động không thuận đến sự phát triển KT-XH và việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính - NSNN.

Trong bối cảnh đó, để tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới, đồng thời phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thu NSNN năm 2021 đã được Quốc hội quyết định; trên cơ sở bám sát chủ đề: “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển” và những trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2021 theo các Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP, ngành Tài chính sẽ tập trung thực hiện một số nhóm giải pháp chủ yếu sau: 

Một là, điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.

Hai là, ngành Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ các Bộ, cơ quan trung ương, cấp uỷ và chính quyền địa phương trong chỉ đạo công tác thu ngân sách, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh. Phấn đấu tăng thu NSNN 3% so dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệđộng viên vào NSNN khoảng 15,5% GDP; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế, giảm tỷ lệnợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN.

Ba là, quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 ngay từ đầu năm để tạo động lực và đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Bốn là, đẩy nhanh tiến độthực hiện tái cấu trúc, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tăng cường quản lý tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo hoàn thành dự toán thu về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong năm 2021.

Năm là, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

 

Minh Phương (thực hiện)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực