Cảm ơn những chiến sĩ áo trắng!

Thứ bảy, 13/02/2021 11:23
(ĐCSVN) – Thượng tá-Bác sĩ Vũ Đình Ân, Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Quân y 175 chia sẻ: “Dù công việc có căng thẳng, mệt mỏi nhưng kết quả giành lại sự sống cho người bệnh từ tay tử thần, đặc biệt lại vào dịp Tết thì với những bác sĩ hồi sức tích cực như chúng tôi cảm thấy rất sung sướng và hạnh phúc. Với chúng tôi, gần như không có khái niệm về Tết. Người bệnh luôn là số 1!”.

Luôn trong tư thế sẵn sàng

  Khoa đã thường xuyên kiện toàn các Tổ cấp cứu, Tổ chuyên gia; tổ chức tập huấn cho đội ngũ y bác sĩ về kỹ năng xử lý đối với các nhóm bệnh lý thường gặp trong dịp Tết

Tết cổ truyền của người Việt Nam đó là dịp để gia đình quây quần, sum họp bên nhau. Nên bất kỳ ai, dù làm ăn ở phương trời nào, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, người ta lại háo hức trở về nhà, trở về với quê hương. Thế nhưng, có những công việc, ngày Tết lại bận rộn hơn, áp lực hơn ngày thường. Một trong số đó chính là công việc của bác sĩ hồi sức tích cực trong các bệnh viện.

Những ngày cuối năm Canh Tý, chúng tôi có mặt ở khoa Hồi sức tích cực bệnh viện Quân y 175. Khoa được xác định là lực lượng nòng cốt của bệnh viện trong tổ chức cấp cứu, điều trị cho tất cả các bệnh nhân nặng, nguy kịch từ trong và ngoài bệnh viện chuyển đến.

Hồi sức tích cực với đặc điểm bệnh nhân nặng, nguy kịch và đa dạng mặt bệnh, yêu cầu chẩn đoán và xử trí phải hết sức nhanh, chính xác để mang lại sự sống có chất lượng cho người bệnh, vì thế, đội ngũ y bác sĩ trong Khoa lúc nào cũng trong tình trạng sẵn sàng “chiến đấu”. Ngày thường đã vất vả, khó khăn, vào dịp Tết mức độ công việc cần phải xử lý cao gấp 2-2,5 lần so với ngày thường trong khi sự hỗ trợ từ các đơn vị liên quan không được như những ngày thường vì thế áp lực lên các y, bác sĩ nặng nề hơn.

Thượng tá-Bác sĩ Vũ Đình Ân, Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Quân y 175 chia sẻ, năm nào cũng thế, đặc biệt là vào mùng 2,3 Tết trở ra, số bệnh nhân nhập viện cấp cứu tăng mạnh. Theo bác sĩ Ân, ngày Tết, mọi người thường có nhiều cảm xúc vui, buồn lẫn lộn khi gặp nhau, thêm nữa là lượng người điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng có chút “hơi men” cũng nhiều hơn... Đây là những yếu tố nguy cơ làm xuất hiện hoặc tăng nặng các bệnh lý tăng huyết áp cấp cứu, nhồi máu cơ tim cấp, đột quỵ não, xuất huyết tiêu hóa, tai nạn giao thông và ngộ độc cấp...

“Dịp Tết, những ca bệnh cũ chưa xuất viện thì lại tiếp nhận thêm nhiều ca bệnh mới rất nặng, do đó, thời gian này, chúng tôi vô cùng căng thẳng; phải xử lý làm sao để tiếp nhận được hết bệnh nhân song phải đảm bảo cứu được tính mạng cho người bệnh, đảm bảo chất lượng điều trị tốt nhất”, bác sĩ Ân chia sẻ.

Nói về công tác chuẩn bị đảm bảo cấp cứu người bệnh trong dịp Tết nguyên đán, bác sĩ Ân cho biết, khoa Hồi sức tích cực bệnh viện Quân y 175 ngoài nhiệm vụ cấp cứu như các Khoa hồi sức tích cực khác thì còn nhiệm vụ rất quan trọng là tổ chức cấp cứu, vận chuyển đường không bảo đảm y tế cho cán bộ, chiến sỹ, ngư dân vùng biển phía Nam của Tổ quốc. Công tác cấp cứu trước bệnh viện được Đảng ủy, Ban Giám đôc bệnh viện đặc biệt quan tâm, thể hiện rõ trong Nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy bệnh viện, coi đây là nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Cùng với đó, cấp ủy, chỉ huy Khoa luôn dành sự ưu tiên cả về nhân lực và vật chất cho công tác tổ chức cấp cứu, điều trị trước bệnh viện. Khoa đã thường xuyên kiện toàn các Tổ cấp cứu, Tổ chuyên gia và quán triệt cho nhân viên mục tiêu, yêu cầu về công tác này; tổ chức tập huấn cho đội ngũ y bác sĩ về kỹ năng xử lý đối với các nhóm bệnh lý thường gặp trong dịp Tết; kiểm tra và chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, trang thiết bị, khả năng thu dung cũng như bổ sung, hoàn thiện các kíp trực, để đảm bảo cho công tác cấp cứu nội viện, trước bệnh viện được tốt nhất.

Người bệnh là số 1

Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Quân y 175 là  lực lượng nòng cốt của bệnh viện trong tổ chức cấp cứu, điều trị cho tất cả các bệnh nhân nặng, nguy kịch. Hệ thống trang thiết bị, máy móc phục vụ cấp cứu, điều trị được đầu tư hiện đại.

Bác sĩ Ân chia sẻ, kể từ khi về làm việc tại Bệnh viện Quân y 175, đã 13 năm liền anh không đón Tết cùng với gia đình. Song theo bác sĩ, đây cũng là điều hết sức bình thường đối với y, bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực bệnh viện Quân y 175 nói riêng và đội ngũ y bác sĩ làm trong lĩnh vực hồi sức tích cực ở tất cả các bệnh viện trên cả nước nói chung.

Mặc dù, phần lớn y bác sĩ tại Khoa đều có gia đình ở quê xa, chỉ một số người có nhà riêng tại TP Hồ Chí Minh, tuy nhiên, gác lại những mong muốn của bản thân là được sum vầy với cha mẹ, vợ con vào dịp Tết, những chiến sĩ áo trắng luôn sẵn sàng ở lại bệnh viện những ngày này. Vì hơn ai hết, họ biết rằng, đó chính là lúc, rất nhiều người cần họ. Đó không chỉ là chấp hành mệnh lệnh của người lính, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim.

“Chúng tôi đã quán triệt sâu sắc nhiệm vụ trên. Với truyền thống của đơn vị anh hùng và đã nhiều lần được cấp trên đánh giá cao, nên tập thể đơn vị xác định rất rõ nhiệm vụ và quyết tâm sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp cứu, an toàn cho mọi đối tượng người bệnh cả trên đất liền và trên biển đảo và đặc biệt trong dịp tết năm nay Khoa cũng đã có phương án sẵn sàng chi viện cho các tình huống COVID-19, nếu có lệnh”, bác sĩ Ân nhấn mạnh.

Bản thân thì xung phong ở lại nơi làm việc, nhưng các bác sĩ luôn mong muốn cho bệnh nhân của mình được sum vầy bên gia đình vào mỗi dịp Tết bởi họ thấu hiểu được nguyện vọng của người bệnh. Chính vì thế, càng vào dịp Tết, áp lực công việc lại càng lớn.

“Bệnh nhân đã chuyển vào Khoa hồi sức tích cực, giữa sự sống và cái chết rất mong manh, có những ca bệnh người nhà cũng đã xác định luôn là khó qua khỏi. Tuy nhiên, nhiệm vụ của chúng tôi là phải cố gắng hết mình, bằng mọi cách cứu được người bệnh. Không ít trường hợp tưởng vô phương cứu chữa, từ chỗ hôn mê không biết gì, bệnh nhân tỉnh dần, rút được ống thở, nhận biết được và dần dần có thể trò chuyện với người thân… rồi ra viện khỏe mạnh bình thường.

Hình ảnh đó với những bác sĩ hồi sức tích cực như chúng tôi sung sướng lắm. Dù công việc có căng thẳng, mệt mỏi, phải cấp cứu có ca vài giờ liền nhưng khi đã giành lại sự sống cho người bệnh từ tay tử thần, đặc biệt lại vào dịp Tết thì hạnh phúc vô cùng. Với chúng tôi, gần như không có khái niệm về Tết, người bệnh là số 1”, bác sĩ Ân xúc động nói.

Mang lại niềm vui cho bệnh nhân dù là nhỏ nhất

 Các bác sĩ thường xuyên thăm khám, động viên người bệnh để người bệnh có một tinh thần tốt nhất, đảm bảo công tác điều trị được hiệu quả.

Bên cạnh việc nỗ lực điều trị tốt nhất cho bệnh nhân có thể xuất viện về ăn Tết cùng với gia đình, thì cũng còn nhiều bệnh nhân phải ở lại viện đón giao thừa với các y bác sĩ. Năm nào cũng vậy, trước Tết vài ngày, trực tiếp đoàn viên thanh niên, phụ nữ, công đoàn ở Khoa tổ chức gói bánh chưng. Một phần được chia cho y bác sĩ trong Khoa mang về gia đình, phần còn lại để Khoa tổ chức Tết cổ truyền cho bệnh nhân, người thân bệnh nhân phải ở lại viện.

Theo bác sĩ Ân, đó có thể là một cái Tết rất đơn giản nhưng họ luôn mong có thể tạo một không khí Tết theo đúng phong tục của người Việt Nam để bệnh nhân cảm nhận được sự vui vẻ, ấm áp như đón Tết cùng với gia đình, người thân ruột thịt của mình. Sau khi đón giao thừa, Khoa cũng sẽ lì xì cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, với lời chúc may mắn đầu năm mới cho mọi người, và đương nhiên với bệnh nhân đó là một sức khỏe tốt hơn, mau khỏi bệnh và sớm được ra viện.

Khi hỏi về những kỷ niệm ngày Tết, trầm ngâm một hồi, bác sĩ Ân bảo rằng, “vui có, buồn có nhưng làm gì được cho bệnh nhân vui nhất, chúng tôi đều cố gắng”.

Năm đó, Khoa có điều trị cho một cháu bé khoảng 8 tuổi bị suy gan cấp. Bệnh nhân nhi này đã được gia đình đưa ra nước ngoài điều trị một thời gian nhưng đành chấp nhận đưa về nước vì bệnh tiến triển không như mong muốn. Khi đưa vào Khoa điều trị, ngày nào cháu bé cũng hỏi các cô, chú đã sắp tới Tết chưa và thích được đón Tết. Bệnh thì ngày một nặng thêm, nhưng vì đã hứa sẽ tổ chức Tết cho cháu nên tất cả bác sĩ đều phải cùng với bệnh nhân nhi ấy chiến đấu từng phút, từng giờ. Cuối cùng cháu bé cũng được đón Giao thừa cùng với các cô chú tại viện. “Đó là một giao thừa đáng nhớ đối với chúng tôi. Nhưng thật đáng tiếc, chúng tôi không thể cho cháu đón thêm một Giao thừa nào nữa. Ngay trong đêm đó, cháu bé phải đặt nội khí quản cho thở máy, sử dụng thuốc vận mạch và vài ngày sau thì mất”, bác sĩ Ân kể lại.

Rồi cũng có một kỷ niệm nữa khá vui khi Khoa điều trị cho bệnh nhân người Hàn Quốc, bị viêm tụy cấp. Bệnh nhân đã điều trị tại một cơ sở khác trước đó, nhưng không giảm, khi tới Viện thì bị nhiễm trùng khá nặng, suy đa cơ quan. Bệnh nhân phải nằm điều trị ở Khoa Hồi sức tích cực này trong 6 tháng liền và Tết vẫn chưa được xuất viện.

Tết ấy, bệnh nhân đã khỏe hơn và được đưa ra ngoài phòng đón Giao thừa cùng với anh em trong Khoa. Có lẽ, đó là lần đầu tiên, bệnh nhân này được đón Tết cổ truyền của người Việt Nam, nên rất ngỡ ngàng. Khi được giải thích, và được nhận lì xì đầu năm theo phong tục của người Việt thì bệnh nhân òa khóc, khóc nhiều lắm. Đó là những giọt nước mắt của sự hạnh phúc, khiến cho các bác sĩ cũng rất nghẹn ngào. Sức khỏe dần tốt lên, một thời gian ngắn sau, bệnh nhân được xuất viện trở về Hàn Quốc, trở lại công việc bình thường. Phía Đại sứ Quán Hàn Quốc cũng đã gửi thư cảm ơn Khoa, cảm ơn Bệnh viện. “Chúng tôi rất xúc động về những tình cảm này. Đó là nguồn động lực lớn để đội ngũ y bác sĩ trong Khoa không ngừng phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn, xứng đáng là địa chỉ tin cậy của người bệnh, tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người lính cụ Hồ hôm nay”, bác sĩ Ân nói.

  Khoa Hồi sức tích cực không chỉ làm nhiệm vụ cấp cứu cho các đối tượng trong đất liền mà còn tham gia cấp cứu cho các ca bệnh ngoài biển đảo của Tổ quốc. Tổ cấp cứu đường không luôn sẵn sàng tham gia khi có lệnh, trong đó chủ yếu là bay đêm 

 Những năm vừa qua Khoa Hồi sức tích cực ( A12), Bệnh viện Quân y 175 đã luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, được đánh giá là lực lượng nòng cốt có vai trò quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của Bệnh viện. 

Ngoài nhiệm vụ tổ chức cấp cứu, điều trị cho tất cả các bệnh nhân nặng, nguy kịch từ trong và ngoài Bệnh viện chuyển đến, tham gia tổ chức cấp cứu tại chỗ cho các trường hợp bệnh nhân nặng trong bệnh viện (code blouse, code red), Khoa còn hỗ trợ cấp cứu cho các cơ sở y tế tuyến dưới, đặc biệt là vận chuyển cấp cứu đường bộ và cấp cứu đường không, bảo đảm y tế biển đảo và tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan… 

Riêng vận chuyển cấp cứu đường không, tính tới nay, Khoa đã tham gia tổ chức cấp cứu vận chuyển hàng trăm lần các bệnh nhân từ vùng biển phía Nam của Tổ quốc về đất liền điều trị, góp phần tạo lòng tin cho cán bộ, chiến sĩ, ngư dân yên tâm bám biển, đảo, giữ vững sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

 

Bài, ảnh: Vương Lê
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực