Công tác bảo vệ môi trường sẽ đạt bước tiến lớn nếu người dân là lực lượng đi đầu

Thứ bảy, 13/02/2021 22:23
(ĐCSVN) – Nếu mỗi người dân đều có ý thức, đoàn kết, có quyết tâm cao và coi việc bảo vệ môi trường quan trọng giống như người dân đất nước ta hiện nay đang đoàn kết chống lại dịch COVID-19 thì công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đất nước, phát triển đất nước theo hướng thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới sẽ đạt được những bước tiến lớn.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. (Ảnh: TL) 

Đó là chia sẻ của Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà với báo chí trước thềm năm mới 2021.

Phóng viên (PV): Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả nổi bật và khó khăn, hạn chế của ngành Tài nguyên và Môi trường trong năm vừa qua?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Những năm qua, ngành Tài nguyên và Môi trường đã đứng trước những thời điểm hết sức khó khăn, sóng gió. Các lĩnh vực quản lý của ngành, nhất là môi trường luôn luôn có những điều hết sức bị động, bất ngờ. Tại nhiều địa bàn khác nhau, ở nhiều dự án khác nhau, các sự cố môi trường thường xảy ra. Đáng chú ý nhất là sự cố ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như đất đai cũng thường xuyên đứng đầu trong top lĩnh vực nóng bỏng, có số lượng người dân khiếu kiện, khiếu nại rất đông. Trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, tình trạng khai thác khoáng sản chưa được quản lý chặt chẽ, còn xảy ra khai thác trái phép và thiếu hiệu quả trong sử dụng; quá trình khai thác cũng gây ra các vấn đề về môi trường như bãi thải.

Trong 5 năm vừa qua, biến đổi khí hậu tác động ngày càng lớn và nghiêm trọng. Thời tiết cực đoan xảy ra trên khắp cả nước như rét đậm rét hại, sạt lở, lũ ống lũ quét ở các vùng núi cao ở phía Bắc, hạn hán ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên và xâm nhập mặn diễn ra liên tục ở Đồng bằng sông Cửu Long do tác động “kép” của biến đổi khí hậu cũng như việc sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mekong…

Nói như vậy để thấy các lĩnh vực mà ngành quản lý luôn đứng trước những vấn đề hết sức bị động, bất ngờ và lúng túng. Cá nhân là Bộ trưởng cũng như toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức của ngành đều có tâm trạng hết sức lo lắng. Chính vì thế, chúng tôi đã tập trung, toàn tâm toàn ý để giải quyết các sự cố, giải quyết các vấn đề mang tính chất sự vụ để ứng phó với các vấn đề mới nảy sinh.

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ 2016-2020, Đảng và Nhà nước cũng đã khẳng định đây là giai đoạn chuyển tiếp - từ giai đoạn cũ với chủ trương tất cả cho các vấn đề phát triển kinh tế, huy động tất cả các nguồn lực cho phát triển và xóa đói giảm nghèo nên các vấn đề môi trường nhiều khi còn chấp nhận đánh đổi; hay nói cách khác là nhu cầu phát triển kinh tế dựa trên một mô hình là khai thác, sử dụng triệt để tài nguyên thiên nhiên - sang giai đoạn mới, phát triển thân thiện với môi trường.

Có thể thấy trong những năm qua, việc ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển cũng đã làm thay đổi cơ bản về nhận thức và tư duy quản lý, trong đó lấy tiêu chí phát triển kinh tế xã hội dựa trên sự phát triển hài hòa, dựa trên nền tảng bền vững về hệ sinh thái tự nhiên. Nhiều vấn đề khác trong lĩnh vực mà ngành quản lý như tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, chúng tôi đã tập trung rà soát cùng các địa phương, lắng nghe các địa phương để thấu hiểu các vướng mắc và cùng với các địa phương bằng các văn bản để tháo gỡ khó khăn, đưa các nguồn lực vào phát triển và được sử dụng một cách tổng hợp, hiệu quả.

Công tác quản lý tài nguyên và môi trường đã chuyển biến từ bị động, bất ngờ sang chuẩn bị bài bản, đồng bộ các cơ chế chính sách; nhận thức của người dân về môi trường được nâng lên rất cao. Nhờ đó đã xác định được các phương pháp quản lý, xác định mô hình về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế cacbon thấp và kinh tế tuần hoàn là nhiệm vụ hết sức chủ đạo, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững hơn. Tức là thay đổi từ kinh tế “nâu,” năng lượng “nâu” sang năng lượng “xanh” và kinh tế tuần hoàn siêu bền vững.

Trong vòng 5 năm qua, trên 950.000 tỷ đồng đã đóng góp vào thu ngân sách. Riêng năm 2020, thu từ đất đai đã gấp 2 lần so với năm 2015. Tôi khẳng định rằng việc thu từ đất hiện nay đã được tính toán dựa trên những vấn đề về hiệu quả sử dụng đất đai. Khoảng 230.000 hécta đất đã được chuyển sang để phục vụ phát triển kinh tế, gần 1 triệu hécta đất trước đây chưa sử dụng đã được đưa vào sử dụng để phát triển rừng; hàng trăm nghìn hécta đất trước đây ở các dự án chậm sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả cũng đã được đưa vào phát triển nguồn lực hiệu quả.

Các quyết sách về ứng phó với biến đổi khí hậu được chủ động đề xuất, thúc đẩy triển khai có hệ thống với tầm nhìn chiến lược; công tác dự báo khí tượng thủy văn được tập trung hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai…

PV: Một trong những nội dung rất quan trọng của Nghị quyết Đại hội Đảng là phát triển theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp mà Bộ đã thực hiện trong thời gian qua?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Hiện nay, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương đã tạo ra một nền tảng hết sức quan trọng để chúng ta chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế đi theo chiều sâu và chất lượng. Theo đó, ngành tài nguyên và môi trường cũng đã phải định hình, chuyển đổi các chính sách của mình thông qua Chủ trương của Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương.

Theo đó mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thể hiện trong mọi bài toán về kinh tế đều phải có tính đến môi trường. Trong các chi phí về phát triển kinh tế đều phải bao gồm chi phí về bảo vệ môi trường. Kinh tế nước ta cần phải chuyển đổi từ một nền “kinh tế nâu” sang nền “kinh tế xanh,” phải chuyển từ việc sử dụng các nguyên liệu hóa thạch sang các nguyên liệu thân thiện với môi trường, phải giữ được không gian sống xanh cho con người. Tư duy cần chuyển sang kinh tế tuần hoàn, hay nói cách khác, một nền kinh tế mà mọi nguồn tài nguyên thiên nhiên đều phải được xử lý một cách hiệu quả, tiết kiệm.

Trong quá trình phát triển, việc hoạch định tài nguyên thiên nhiên là đầu vào, là một nguồn lực, trong nguồn lực đó nguồn lực hữu hạn không thể tái tạo thì cần phải phân định để làm sao tính toán, giải quyết được bài toán về môi trường, bài toán bền vững trong tương lai, cũng như phân bổ được cho các thế hệ… Trên cơ sở đó, chuyển sang kinh tế tuần hoàn mà mọi tài nguyên thiên nhiên được khai thác có tính toán và sử dụng lâu bền, hiệu quả nhất; tiến tới chất thải ít nhất.

Chúng tôi cho rằng cần phải xác định môi trường là một ngành. Đầu tư vào nguồn vốn tự nhiên, cải thiện chất lượng môi trường, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên - đó là một ngành. Trong xu thế phát triển, kinh tế số cũng là giải pháp, là động lực để ngành quản trị, lượng hóa và hạch toán được, cũng như giảm việc sử dụng tài nguyên, có thời gian để phát triển kinh tế đầu tư vào vốn tự nhiên, tạo ra công ăn việc làm và ổn định xã hội.

PV:  Bộ trưởng  có thể cho biết  năm 2021 ngành tài nguyên và môi trường sẽ có giải pháp gì để quản lý và phát triển ngành vững mạnh hơn?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trước khi nói đến năm 2021, cũng phải nhìn nhận rằng những việc chúng tôi đã thực hiện được trong thời gian qua mới chỉ là xây dựng những nền tảng ban đầu, mà không phải tất cả các lĩnh vực đều làm được.

Đối với lĩnh vực môi trường, chúng ta đã có Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, đã có những chủ trương quan trọng được đưa vào các Văn kiện được công bố tại Đại hội XIII của Đảng. Chúng ta cũng đã có Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ tháng 1/2022 nên đối với môi trường - một trong 3 trụ cột quan trọng của phát triển bền vững, chúng tôi sẽ tập trung triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, trong đó lấy người dân làm lực lượng nòng cốt, người dân phải là người thực hiện, tham gia nhưng đồng thời cũng là người giám sát về môi trường.

Nếu mỗi người dân đều có ý thức, đoàn kết, có quyết tâm cao và coi việc bảo vệ môi trường quan trọng giống như người dân đất nước ta hiện nay đang rất đoàn kết chống lại dịch COVID-19 thì công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đất nước, phát triển đất nước theo hướng thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới sẽ đạt được những bước tiến lớn.

Trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu và khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên cực đoan và khó đoán định. Vì thế, vấn đề đặt ra trong thời gian tới là làm sao tăng cường khả năng dự báo một cách chính xác hơn, đưa ra những cảnh báo kịp thời hơn, cũng như đánh giá được sự biến đổi của khí hậu để từ đó có thể đưa ra được những quy hoạch tổng thể, kịp thời, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động thích ứng.

Để đáp ứng được yêu cầu trên, đòi hỏi chúng ta cần phải tổng hợp rất nhiều lĩnh vực khoa học của các ngành, địa phương và có đánh giá cụ thể từng khu vực, nhất là các tai biến địa chất, xây dựng thiết lập mạng lưới quan trắc dày hơn liên quan đến khí tượng và thủy văn ở đó, thậm chí xây dựng hệ thống giám sát trực tiếp.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Bích Liên
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực