Đại sứ kỹ năng nghề và những câu chuyện truyền cảm hứng

Thứ bảy, 13/02/2021 15:50
(ĐCSVN) - Năm 2020, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức công bố vinh danh 10 Đại sứ kỹ năng nghề đầu tiên của Việt Nam. Đó là những sinh viên, giảng viên và người lao động xuất sắc, có nhiều đóng góp trong việc phát triển kỹ năng nghề và lan tỏa giá trị giáo dục nghề nghiệp trong giới trẻ và xã hội.

Khẳng định giá trị của học nghề

Với Đại sứ kỹ năng nghề Đỗ Công Nguyên (SN 1982, Giảng viên khoa Khách sạn - Du lịch, Trường Đại học Thương mại), 2 năm vất vả với đủ mọi nghề mà thu nhập kiếm được vẫn không đủ trang trải cuộc sống, anh mới nhận ra giá trị của việc học nghề một cách bài bản.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THPT, Đỗ Công Nguyên quyết định vào Nam tìm việc kiếm sống. Để có tiền, anh nhận làm đủ mọi nghề từ xây dựng, xay xát gạo, nuôi tôm, in mẫu lên quần áo đến phụ việc trong nhà máy khu công nghiệp..., điểm chung đó đều là những công việc lao động chân tay vất vả.

Mỗi ngày anh bắt đầu hành trình đạp xe 40 km từ 4h sáng để kịp đến chỗ làm, phải vác trên vai những bao xi măng, những bó thép, vật liệu xây dựng nặng 50-60 kg. Có lần xuống Cần Giờ làm công cho một chủ đìa nuôi tôm, lúc xong việc đã 4h chiều, mệt quá anh thiếp đi trên bờ bao lúc nào không hay. Khi giật mình tỉnh dậy đã là 3h sáng và xung quanh chỗ anh nằm đã là biển nước mênh mông do thủy triều lên...

Anh Đỗ Công Nguyên - Giảng viên khoa Khách sạn - Du lịch, Trường Đại học Thương mại, 1 trong 10 Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam đầu tiên (Ảnh: Hồng Sơn)

Anh chia sẻ, “công việc không chỉ tổn hao về thể lực mà còn khổ về tinh thần. Nhiều lúc người quản lý giao cho làm việc này việc kia, tôi loay hoay mãi không biết làm thế nào cho đúng, cho hiệu quả, nên cảm thấy rất khổ tâm”.

Câu hỏi vì sao công việc vừa tổn hao thể lực vừa áp lực tinh thần mà hiệu quả khiến chàng trai trẻ Đỗ Công Nguyên lúc đó trăn trở mãi. “Cuối cùng tôi cũng tìm ra câu trả lời cho mình. Đó là vì chưa được đào tạo nghề bài bản, tôi chỉ là lao động phổ thông giản đơn nên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và phát triển nghề”, anh nói.

Năm 2002, Đỗ Công Nguyên quyết định về Hà Nội đi học nghề, để có kiến thức bài bản về nghề và phương pháp tư duy, làm việc hiệu quả hơn. Nhận thức được tiềm năng của nghề nấu ăn, cộng thêm đam mê và năng khiếu sẵn có, anh Nguyên chọn học nghề nấu ăn tại trường Cao đẳng du lịch Hà Nội. Với mục tiêu phấn đấu “tôi của hôm nay phải hơn tôi của hôm qua”, anh Đỗ Công Nguyên đã tận dụng mọi cơ hội học tập có được, tích lũy kiến thức, lao động nghiêm túc, sáng tạo.

Với nỗ lực, rèn luyện, tháng 5/2004, anh Đỗ Công Nguyên giành giải Nhất kỳ thi “Kỹ năng nghề Quốc gia” và được chọn vào đội tuyển tham gia dự thi “Kỳ năng nghề ASEAN”.

Tại kỳ thi “Kỳ năng nghề ASEAN”, Đỗ Công Nguyên đã xuất sắc giành Huy chương vàng. Đây là lần đầu tiên một đầu bếp Việt Nam giành được giải thưởng cao nhất của cuộc thi, góp phần vào thành tích đứng đầu Hội thi tay nghề ASEAN của đoàn Việt Nam năm đó. Với kết quả này, Đỗ Công Nguyên được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen và năm 2005 anh được tuyển thẳng vào Đại học Thương mại Hà Nội. Anh tốt nghiệp đại học rồi học lên cao học.

Mong muốn chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp tích lũy được, sau khi tốt nghiệp, anh Nguyên trở thành giảng viên Trường Đại học Thương mại. Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, câu chuyện vượt khó vươn lên của anh Đỗ Công Nguyên đã trở thành tấm gương và truyền cảm hứng đến các thế hệ sinh viên của Trường Đại học Thương mại.

Rèn giũa những tay nghề vàng kế cận

Tốt nghiệp trung học cơ sở, kinh tế khó khăn và bố mẹ ốm đau liên miên, anh Hoàng Nhân Thắng (SN 1985 Đông Phương, Đông Hưng, Thái Bình) quyết định gác lại giấc mơ đèn sách, tìm đường học nghề mưu sinh.

“Lúc bây giờ thông tin truyền thông về giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, tôi lựa chọn học ngành chế biến gỗ ở trường Công nhân kỹ thuật Chế biến gỗ Trung ương (Hà Nam) vì theo lời giới thiệu của người quen thì học ở đây sẽ được nuôi ăn ở, học phí lại thấp. Lúc đó tôi cũng không hiểu vì sao phải cần tận 2 năm ở trường nghề trong khi ở các xưởng mộc chỉ cần học 6 tháng- 1 năm đã có thể theo nghề”.

Sau 2 năm học tập, rèn luyện ở trường nghề, anh Thắng đã dần trả lời được thắc mắc cho mình. “Trước đây tôi vẫn nghĩ rằng nghề mộc chỉ là nghề lao động chân tay giản đơn, không đòi hỏi trình độ chuyên môn gì, chỉ cần mô phỏng, bắt chước theo là được. Quá trình học sau này, tôi mới biết, từng thao tác đều có những tiêu chuẩn kỹ thuật, nguyên lý riêng của nó. Chưa kể, nghề mộc hiện nay đã phát triển rất nhanh trở thành nghề sản xuất công nghiệp hiện đại. Theo đó đòi hỏi người thợ phải có tay nghề, có kỹ năng được đào tạo bài bản, có chuyên môn đọc hiểu bản vẽ kỹ thuật; phải xử lý vận hành được các loại máy móc hiện đại như máy CNC, máy phun sơn tự động…, thực hiện sản xuất đồ gỗ nội thất theo dây chuyền hoặc theo công trình với tiến độ yêu cầu chất lượng cao. Ngoài ra còn phải nắm được các nguyên tắc đảm bảo an toàn lao động trong quá trình làm nghề. Tất cả những kiến thức, kỹ năng đó đều đòi hỏi người thợ phải được đào tạo một cách bài bản”, anh Thắng chia sẻ.

Ở vai trò người thầy, Đại sứ kỹ năng nghề Hoàng Nhân Thắng (giữa) đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ học sinh giỏi nghề (Ảnh: HT)

2 năm học nghề, với những nỗ lực, cố gắng cùng những biểu hiện xuất sắc trong học tập, anh Hoàng Nhân Thắng được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của trường. Anh và các bạn trong đội tuyển liên tục đoạt giải cao trong các cuộc thi kỹ năng nghề quốc gia. Tháng 10/2004, anh Hoàng Nhân Thắng đại diện cho Việt Nam tham dự Kỳ thi tay nghề ASEAN và giành Huy chương vàng. Với thành tích đáng tự hào, anh Thắng được nhà trường mời làm giảng viên dạy thực hành và huấn luyện học sinh giỏi.

“Lúc đi học nghề, tôi chỉ suy nghĩ đơn giản là gắng học để có cái nghề nuôi bản thân, giúp đỡ bố mẹ bớt vất vả. Việc trở thành giảng viên là điều tôi chưa từng nghĩ đến. Có thể nói đây là quyết định đã tạo nên bước ngoặt cuộc đời tôi”, anh Hoàng Nhân Thắng bộc bạch. Từ đây, anh quay trở lại con đường học văn hóa, hoàn thành chương trình THPT và học đại học.

Làm giảng viên dạy thực hành và huấn luyện học sinh giỏi tại trường được 6 năm, anh Thắng quyết định chuyển công tác về Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc (Hữu Lũng, Lạng Sơn). Ở môi trường mới, anh Thắng tiếp tục phát huy khả năng để đào tạo nhiều thế hệ học sinh giỏi nghề. Liên tục trong nhiều năm liền, học sinh của anh Hoàng Nhân Thắng đều đạt thành tích cao tại các cuộc thi tay nghề trong nước và quốc tế.

Bài học nghề đầu tiên

Quyết định rời giảng đường đại học chuyển sang học nghề của Nguyễn Văn Hưng (SN 1998, Sóc Sơn, Hà Nội) đã khiến mẹ em rất lo lắng. Tuy nhiên Hưng lại có được sự ủng hộ của người cha – người cũng đã khởi nghiệp từ nghề làm thợ. Với kinh nghiệm của một người thợ mộc lâu năm, ông phân tích cho Hưng từng lựa chọn để em có thêm cơ sở quyết định.

“Bố bảo, nếu em lựa chọn giáo dục nghề nghiệp, với kỹ năng nghề được đào tạo bài bản, em sẽ có nhiều cơ hội được tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp cũng như có thể tự tin bắt nhịp ngay với môi trường làm việc ở doanh nghiệp sau khi rời ghế nhà trường. Trường hợp chọn con đường Đại học, em phải nỗ lực để có tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, bằng không sẽ rất chật vật. Bố cũng dặn em dù chọn con đường nào cũng phải kiên trì, nỗ lực cố gắng mới có thể đi đến thành công”, Hưng chia sẻ.

Nhớ lại lúc nhỏ nhìn những khúc gỗ thô ráp, xù xì, qua bàn tay khéo léo của bố mà trở thành những đồ dùng thiết thực, hữu ích như bàn ghế, giường tủ, Hưng rất xúc động. Có được sự động viên, ủng hộ của bố, Hưng càng thêm yên tâm, tự tin với lựa chọn của mình.

Môi trường đào tạo của trường nghề nhanh chóng hấp dẫn Hưng. Thời gian thực hành chiếm đến 70, giúp Hưng thỏa mãn sở thích học hành, khám phá, đồng thời hiểu và nắm chắc bài học. “Mỗi bài tập của nghề cơ điện tử giống như một thử thách. Nhiều vấn đề kỹ thuật của nghề, ngoài nỗ lực cá nhân còn đòi hỏi cả tư duy đồng đội, thậm chí có lúc phải tranh luận mới ra vấn đề. Nhưng mỗi lần xử lý thành công một vấn đề, chúng em lại có thêm hứng thú, đam mê với nghề”, Hưng nói.

Với sự thể hiện ưu tú trong quá trình học, năm 2019, Nguyễn Văn Hưng là một trong số hai sinh viên của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội được chọn là đại diện của Việt Nam tham dự Kỳ thi Tay nghề thế giới tại Nga. Hưng đã giành được Chứng chỉ Kỹ năng nghề xuất sắc nghề cơ điện tử, góp phần vào thành tích chung của đoàn Việt Nam.

 Nguyễn Văn Hưng tại Lễ Tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XI năm 2020 (Ảnh: HT)

Hứng nhớ lại, khi trở về từ Kỳ thi Tay nghề thế giới đã được bố mẹ lên tận sân bay. Mẹ đặt vào tay Hưng bó hoa để chúc mừng rồi lặng lẽ khóc. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời, Hưng thấy mẹ mang hoa đi tặng. Nỗ lực cùng những kết quả bước đầu của Hưng đã từng bước thay đổi cái nhìn của mẹ Hưng về học nghề.

Câu chuyện của Hưng cũng đã truyền cảm hứng cho chính em trai của Hưng và rất nhiều bạn trẻ khác. Em trai Hưng đã quyết định lựa chọn theo con đường học nghề. Tại Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020 mới đây, Nguyễn Văn Huân đã xuất sắc giành Huy chương Vàng nghề Robot di động.

Đối với Hưng, danh hiệu Đại sứ kỹ năng nghề không chỉ là sự động viên, ghi nhận cho những nỗ lực, cố gắng mà còn đặt ra trách nhiệm trong việc lan tỏa giá trị của giáo dục nghề nghiệp đến các bạn trẻ. “Em mong muốn có nhiều cơ hội tiếp xúc, chia sẻ với các bạn trẻ trên toàn quốc để chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình chọn trường, chọn nghề. Từ đó, các bạn có thể nhận ra rằng, có rất nhiều con đường để đi đến thành công. Nếu không vào được đại học, các bạn có thể chọn học nghề hoặc nếu vào đại học không phù hợp, các bạn cũng có thể chuyển hướng học nghề.

 Các bạn cũng hoàn toàn có thể lựa chọn học tiếp lên đại học sau khi học nghề để bổ sung thêm kiến thức và có thêm nhiều cơ hội thành công”, Đại sứ Kỹ năng nghề Việt Nam Nguyễn Văn Hưng chia sẻ.

 Lễ ra mắt Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam (Ảnh: HT)

Ngoài các đại sứ Đỗ Công Nguyên, Hoàng Nhân Thắng, Nguyễn Văn Hưng, những đại sứ kỹ năng nghề còn lại cũng là những câu chuyện về nghị lực sống, tấm gương lao động, học tập, rèn luyện miệt mài, nghiêm túc. Mỗi người một lĩnh vực, mỗi người đi đến lựa chọn học nghề trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng điểm chung đều là những câu chuyện truyền cảm hứng, giúp lan tỏa các giá trị của giáo dục nghề nghiệp trong cuộc sống; góp phần hình thành nên lực lượng lao động có kỹ năng, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của đất nước./.

 

Kim Thanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực