Đưa sở hữu trí tuệ thành công cụ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Thứ ba, 16/02/2021 09:07
(ĐCSVN) – Luật Sở hữu trí tuệ dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 10/2021 và trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp tháng 5/2022. Dự kiến Luật có 7 chính sách lớn được sửa đổi, bổ sung sẽ trở thành công cụ nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập quốc tế.
 
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ. (Ảnh: Bích Liên) 

Đó là chia sẻ của ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) trước thềm năm mới – Xuân Tân Sửu 2021.

Phóng viên (PV): Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/8/2020. Bên cạnh những cơ hội, các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải những khó khăn, thách thức gì khi EVFTA có hiệu lực, thưa ông?

Ông Đinh Hữu Phí: Liên minh châu Âu (EU) là một thị trường có tiêu chuẩn chất lượng cao, mức độ thực thi nghiêm khắc. Bên cạnh đó, quy định nổi bật của Hiệp định là bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) lẫn nhau, nhưng dù được bảo hộ, thì vào được EU, các CDĐL của Việt Nam còn phải vượt qua nhiều hàng rào tiêu chuẩn, kỹ thuật khác.

Việc một số lượng lớn chỉ dẫn địa lý của EU được bảo hộ tại Việt Nam chủ yếu như:  các sản phẩm rượu vang, pho-mát… có thể sẽ trở thành rào cản cho việc nhập khẩu các sản phẩm tương tự từ thị trường ngoài EU (như Hoa Kỳ, Ốt-xtrây-li-a, Niu Di-lân…) mà có nhãn hiệu hoặc dấu hiệu tương tự với các chỉ dẫn địa lý này.

Vì vậy, các nhà nhập khẩu và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp từ Hoa Kỳ, Ốt-xtrây-li-a và Niu Di-lân cần đặc biệt lưu ý về quyền đối với các chỉ dẫn địa lý của EU được xác lập theo hiệp định và các ngoại lệ được phép để tránh việc bị coi là xâm phạm quyền dù nhập khẩu đúng quy định.

PV: Hiện nay tại Việt Nam công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được quan tâm nhiều, nhưng khâu thực thi quyền lại chưa được như kỳ vọng. Ông có thể cho biết lý do vì sao nhiều năm qua Việt Nam vẫn chưa cải thiện được điều này? Và nếu cứ tiếp diễn, sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc thực thi các Hiệp định của Việt Nam?

Ông Đinh Hữu Phí: Theo tôi nguyên nhân là nhiều cơ quan thực thi, nhất là thực thi hành chính, dẫn đến sự phối hợp chưa đồng bộ và thống nhất. Hơn nữa, lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT) là lĩnh vực mới mẻ nên việc xác định hành vi xâm phạm quyền SHTT phức tạp, trong khi năng lực các cơ quan thực thi còn hạn chế. Đồng thời, chưa có nhiều tổ chức giám định SHTT trong việc giúp các cơ quan thực thi quyền xác định hành vi xâm phạm.

Sự phổ biến của công nghệ cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm phạm quyền tinh vi hơn, dễ thực hiện hơn, phổ biến hơn, đặc biệt là các hành vi xâm phạm quyền trên môi trường Internet…

Bởi vậy, để giải quyết tốt vấn đề này, Việt Nam cần triển khai thực hiện Chiến lược SHTT về thực thi quyền SHTT. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan (Chương trình hợp tác phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Chương trình Hành động 168) giai đoạn III (2019-2023) đã được ký kết ngày 13/3/2019); sửa đổi các quy định về thực thi quyền trong Luật SHTT.

PV: Ông có khuyến nghị gì đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian tới?

Ông Đinh Hữu Phí: Theo tôi, với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cần nâng cao nhận thức về SHTT (hiểu biết về pháp luật SHTT) để bảo vệ quyền SHTT của mình và tôn trọng quyền SHTT của người khác.

Muốn đạt được điều này, cần phải đẩy mạnh công tác đào tạo SHTT trong trường học; tuyên truyền, phổ biến kiến thức SHTT trong các doanh nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội cũng như của toàn công chúng. Đồng thời, tăng cường năng lực cho các cơ quan thực thi và tăng cường hệ thống hỗ trợ cho thực thi (giám định, đại diện)…

PV: Luật Sở hữu trí tuệ dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 10/2021 và trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp tháng 5/2022. Dự kiến Luật có 7 chính sách lớn được sửa đổi bổ sung. Ông có thể chia sẻ về những chính sách này?

Ông Đinh Hữu Phí: Nội dung sửa đổi Luật SHTT lần này cơ bản sẽ tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn, bao gồm:

Thứ nhất, là bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu QTG, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan đến quyền tác giả (QLQ) trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền .Theo đó, các quy định liên quan đến xác định chủ thể nắm giữ quyền tài sản (chủ sở hữu, tác giả, người biểu diễn) sẽ được quy định rõ ràng và cụ thể hơn, giúp cho quá trình chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng trong các hợp đồng chuyển nhượng, chuyển giao QTG, QLQ được thuận lợi hơn.

Thứ hai, khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước. Theo đó, các quy định liên quan đến việc xác định quyền sở hữu, quyền khai thác đối với các nghiên cứu khoa học do nhà nước đầu tư vốn sẽ được quy định rõ ràng và chi tiết hơn, để từ đó khuyến khích phong trào biến các kết quả nghiên cứu thành các tài sản được bảo hộ quyền SHTT (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí), tạo tiền đề để khai thác thương mại đối với các tài sản này trên thị trường được hiệu quả hơn.

Thứ ba, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền. Theo đó, dù là quyền được xác lập tự động mà không qua đăng ký hay phải đăng ký (lĩnh vực SHCN), thì các quy định liên quan đến thủ tục, thời hạn, thành phần hồ sơ v.v. cũng cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng gọn nhẹ, nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch để khuyến khích, gia tăng hoạt động đăng ký, xác lập quyền SHTT nhằm tạo cơ sở, bằng chứng vững chắc trong việc xác định chủ thể quyền và đối tượng được bảo hộ, làm tiền đề cho việc khai thác quyền cũng như thực thi quyền sau này.

Thứ tư, đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng. Theo đó, các quy định liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền SHTT cần được rà soát, cân đối để bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng giữa một bên là quyền lợi của chủ thể quyền và một bên là quyền sử dụng, quyền tiếp cận tri thức, công nghệ của xã hội.

Thứ năm, tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT. Theo đó, các quy định nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hệ thống SHTT (bao gồm hoạt động đại diện, giám định) cũng được rà soát để sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định trách nhiệm rõ ràng hơn, phân loại phạm vi hoạt động cụ thể và chi tiết hơn, đồng thời cắt giảm các điều kiện kinh doanh không thích hợp để phù hợp với quá trình cải cách thủ tục hành chính chung của đất nước.

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền SHTT. Theo đó, các quy định liên quan đến thực thi quyền sẽ được sửa đổi nhằm bảo đảm cơ chế bảo vệ quyền SHTT được hiệu quả, hợp lý và khả thi hơn. Cụ thể, việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính sẽ được quy định cụ thể, tránh chồng lấn sang các biện pháp mang bản chất dân sự, hoàn thiện các quy định về thực thi quyền trong môi trường số, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến cách thức và phạm vi áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới đối với hàng xuất, nhập khẩu.

Thứ bảy, bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập. Theo đó, các quy định hiện có trong Luật SHTT nhưng chưa hoàn toàn tương thích với các cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam mới là thành viên hay các quy định chưa xuất hiện nhưng phải thi hành theo cam kết quốc tế... cũng sẽ được rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

PV: Trong bối cảnh mới Việt Nam thông qua việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA, CPTPP..), làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Việc sửa đổi Luật SHTT lần này sẽ tập trung nội dung gì để bảo hộ quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam khi các Hiệp định Thương mại được triển khai?

Ông Đinh Hữu Phí: Quyền lợi doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, quyền lợi của toàn bộ xã hội nói chung luôn là trọng tâm trong việc xây dựng các quy định trong các chính sách lớn của Luật SHTT sửa  đổi lần này, từ các khâu sáng tạo, xác lập quyền, bảo hộ quyền, cho đến khai thác và thực thi quyền SHTT.

Có thể lấy ví dụ, các quy định trong  về tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền tạo hành lang pháp lý nhằm khai thông khả năng tiếp cận và khai thác các tài sản trí tuệ từ ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, các quy định về tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền nhằm cải thiện các quy định liên quan đến thủ tục, thời hạn, thành phần hồ sơ... theo hướng gọn nhẹ, thuận tiện, minh bạch, giúp các doanh nghiệp có thể xác lập quyền SHTT của mình một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn…

Hay các quy định về tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT hoặc về nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền SHTT cũng giúp cho việc thực thi quyền SHTT nghiêm minh hơn, hiệu quả hơn, từ đó cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp./.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bích Liên
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực