Khắc phục những vướng mắc, tạo diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học

Chủ nhật, 14/02/2021 19:50
(ĐCSVN)- Nhân dịp bước sang năm mới Tân Sửu, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã dành thời gian trò chuyện với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam để cùng nhìn lại những kết quả giáo dục đại học (GDĐH) đã đạt được năm 2020 và những vấn đề sẽ được ưu tiên thực hiện trong năm 2021.

PV: Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, Thứ trưởng có thể khái quát thành tựu nổi bất nhất của GDĐH Việt Nam trong những năm vừa qua là gì?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Trong 5 năm qua, có thể nói, chuyển biến nổi bật nhất của GDĐH Việt Nam là tự chủ đại học. Cùng với bước tiến lớn về hành lang pháp lý, thúc đẩy phát triển hệ thống GDĐH, trong đó nội dung cốt lõi là tự chủ ĐH, chúng ta đã nhận thấy sự thay đổi cả nhận thức và tư duy về GDĐH.

Cách đây 5 năm, tuy tự chủ ĐH đã được nói đến, nhưng khái niệm tự chủ ĐH đối với nhiều trường còn khá mới, một số trường chưa thực sự hiểu về tự chủ đại học một cách đầy đủ. Khi đó, tự chủ đại học cần được thí điểm ở một số trường.

Đến năm 2018, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) được Quốc hội thông qua; tiếp theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 99/2019/NĐ-CP.  Luật số 34 và Nghị định 99 đã trao quyền tự chủ rất cao cho các trường, trong đó có quyền tự chủ về học thuật và hoạt động chuyên môn, về tổ chức bộ máy và nhân sự, về tài chính và tài sản.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn. Ảnh: TL 

Có thể nói Luật số 34 và Nghị định 99 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học, tạo điều kiện cho các cơ sở GDĐH cạnh tranh bình đẳng, phát huy nội lực, linh hoạt, sáng tạo để nâng cao chất lượng GDĐH.

Khi tận dụng được hết những quyền này, tôi tin rằng, các trường sẽ huy động được các nguồn lực cả bên trong và bên ngoài, phát huy nội lực, phối hợp cùng các bên liên quan để gia tăng năng lực của nhà trường về cả đào tạo, nghiên cứu cũng như chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Có thể nói, những chuyển biến đáng kể trong nhận thức, tư duy cũng như hệ thống quy định của pháp luật về tự chủ đại học là sự chuẩn bị, là bước đi vững chắc cho giai đoạn phát triển tới đây, để tự chủ đại học được thực hiện mạnh mẽ, khắc phục những vướng mắc, bất cập, tạo diện mạo mới cho hệ thống GDĐH Việt Nam.

PV: Vậy trong năm 2021, Bộ GD&ĐT có những giải pháp gì để quyền tự chủ đại học có chuyển biến rõ rệt, góp phần tạo diện mạo mới cho hệ thống GDĐH Việt Nam, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Trong năm 2021, một trong những giải pháp quan trọng được đặt ra là cải thiện, đổi mới nhanh chóng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục đại học theo hướng đơn giản, minh bạch; đồng thời, tạo điều kiện cho các trường đại học đổi mới, nâng cao năng lực quản trị. Điều này có ý nghĩa quyết định bởi mô hình quản trị và năng lực quản trị thay đổi sẽ nâng cao hiệu quả từ quản lý, quản trị nhà trường đến các hoạt động khác như đào tạo, nghiên cứu khoa học,…

Thứ hai, triển khai chuyển đổi số nhanh trong lĩnh vực giáo dục đại học, tạo ra đột phá ngay trong năm 2021 này. Thông qua đó, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học về các điều kiện đảm bảo chất lượng, về chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn lực,… Việc thực hiện quản lý Nhà nước về kiểm tra, đánh giá dựa trên đầy đủ số liệu về giáo dục đại học cũng sẽ được công khai.

Thứ ba, Bộ GD&ĐT yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục đại học khẩn trương thành lập và kiện toàn Hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy chế nội bộ, tăng cường phân cấp, phân quyền và công khai, minh bạch để thực hiện hiệu quả mô hình quản trị theo cơ chế tự chủ. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để các trường thực hiện quyền tự chủ. Nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương Khoá XII đã nhấn mạnh chủ trương nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ chế Hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng Hội đồng trường là cơ quan có thực quyền cao nhất của trường đại học; Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch Hội đồng trường.

PV: Cùng với tự chủ đại học, văn hóa chất lượng là xu thế chung của tất cả các cơ sở giáo dục. Xây dựng và phát triển văn hoá chất lượng là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo chất lượng đào tạo và thể hiện bản sắc riêng của mỗi trường đại học. Vậy Bộ GD&ĐT có định hướng gì để văn hóa chất lượng trong trường đại học được chú trọng, góp phần nâng tầm xếp hạng đại học Việt Nam trên bản đồ thế giới, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Tôi cho rằng, để nâng cao chất lượng, GDĐH cần lưu ý hai vấn đề chính. Trước tiên là về con người. Chúng ta cần có đội ngũ giảng viên trình độ cao; đồng thời, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục trong các trường đại học.

Bên cạnh năng lực chuyên môn, giảng viên cần có năng lực tốt về sư phạm để giảng dạy, hướng dẫn sinh viên học tập, nghiên cứu có hiệu quả và chất lượng cao nhất. Cán bộ quản lý cần quan tâm, chú trọng đến các điều kiện đảm bảo chất lượng như cơ sở vật chất, công nghệ thông tin, thư viện, học liệu,… để tạo môi trường dạy và học tốt nhất.

Trong số những giải pháp để thu hút được giảng viên giỏi, cần chú ý đến môi trường làm việc, cơ hội phát triển và thu nhập. Một mặt, đẩy mạnh tự chủ để các trường chủ động đề ra các giải pháp thu hút giảng viên tài năng. Mặt khác, đối với những ngành mũi nhọn, sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ thúc đẩy đào tạo trình độ cao, nghiên cứu khoa học, tăng số lượng giảng viên trình độ tiến sĩ.

Tới đây, Bộ GD&ĐT thực hiện Đề án 89 về nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục ở các cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, Nhà nước sẽ xây dựng chính sách để hỗ trợ các trường trong việc gửi giảng viên đi đào tạo tiến sĩ tại nước ngoài, cũng như đào tạo tiến sĩ trong nước; hoặc thực hiện những chương trình để cập nhật, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục ở các nhà trường.

Triển khai Đề án này, chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong hỗ trợ đào tạo giảng viên của các trường đại học. Đồng thời, chúng tôi mong muốn có những chương trình rộng hơn để thực sự thu hút những giảng viên giỏi, nhà khoa học giỏi về các trường đại học.

Để hình thành và phát triển văn hóa chất lượng trong giáo dục đại học, một công tác hết sức quan trọng nữa là kiểm định chất lượng. Công tác này nhằm đánh giá chất lượng hiện trạng của các trường và giúp các trường tìm ra được giải pháp để cải tiến chất lượng.

Thời gian qua, kiểm định chất lượng đã nhận được sự quan tâm và nỗ lực của toàn hệ thống, đạt những kết quả đáng ghi nhận. Đây vừa là yêu cầu, vừa dần trở thành nhu cầu tự thân của các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt trong bối cảnh mở rộng tự chủ đại học, đòi hỏi cao về trách nhiệm giải trình với toàn xã hội.

Trong năm 2021 và những năm tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung một số thông tư, quy định về tiêu chuẩn đánh giá, kiểm định các chương trình đào tạo cũng như các cơ sở giáo dục. Bộ cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để hoạt động kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng này đi vào thực chất và là công việc thường xuyên của các cơ sở GDĐH; đồng thời, xây dựng đề án phát triển hệ thống kiểm định chất lượng quốc gia, thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Các cơ sở GDĐH cần tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng nội bộ, coi công tác đánh giá và kiểm định là các hoạt động thường xuyên nhằm liên tục cải tiến chất lượng, mang lại niềm tin và lợi ích cho người học và cả xã hội. Đặc biệt, cần tăng số lượng các cơ sở đào tạo đạt kiểm định, đặc biệt phải tăng nhanh số lượng chương trình đào tạo đạt kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, mức độ đạt được về kiểm định chất lượng nên được sử dụng làm tiêu chí đánh giá quan trọng trong xác định mức độ tự chủ của các cơ sở GDĐH cũng như là tiêu chí ưu tiên đầu tư của Nhà nước.

 Giờ thực hành của sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh minh họa: TL

PV: Chuyển đổi số được Bộ GD&ĐT nhắc nhiều thời gian qua, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến khó lường. Vậy, bước sang năm mới, Bộ GD&ĐT ưu tiên những việc gì để chuyển đổi số được triển khai nhanh chóng, hiệu quả trong toàn hệ thống giáo dục, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Năm 2018, ngành Giáo dục đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu toàn quốc về giáo dục với 53.000 trường học, 710 phòng GDĐT, gần 24 triệu học sinh và hơn 1.4 triệu giáo viên được gắn mã định danh. Thông tin của 393 trường đại học, cao đẳng với 2,5 triệu sinh viên, 120.000 giảng viên cũng được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành.

Việc phát triển học liệu số cũng được Bộ GD&ĐT chú trọng triển khai. Đến nay đã có 5.000 bài giảng e-learning; 2.000 bài giảng dạy trên truyền hình, 200 đầu sách giáo khoa phổ thông, 200 thí nghiệm ảo và hơn 35.000 câu hỏi trắc nghiệm.

Thời điểm dịch COVID-19 năm 2020, với phương châm “tạm dừng đến trường, không ngừng học”, 80% trường phổ thông, 240 cơ sở đào tạo đã tổ chức dạy-học trực tuyến; trong đó có 79 cơ sở tổ chức quản lý dạy học hoàn toàn qua mạng. Với sự linh hoạt ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong GD&ĐT này, ngành giáo dục đã hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019-2020, đảm bảo sức khỏe cho học sinh, giáo viên.

Nhắc đến những kết quả trên là để nhấn mạnh rằng, những diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19 đang tiếp tục mang đến áp lực cho hoạt động giáo dục, đồng thời tạo ra động lực để chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn; tạo cơ hội và động lực để giáo viên, học sinh thích ứng, áp dụng phương thức dạy học trực tuyến.

Trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, GD&ĐT là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện. Nếu từng nhà trường và từng người thầy đặt mình ở vị trí tiên phong, Việt Nam có thể trở thành một trong những nước đi đầu về chuyển đổi số trong giáo dục. Nhà nước cũng cần có những chính sách phù hợp và đầu tư tương xứng.

Như đã nói, ngay trong năm 2021, toàn ngành Giáo dục sẽ đẩy mạnh triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và thực hiện chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải trở thành một nhiệm vụ chiến lược của mỗi cơ sở GD&ĐT, được triển khai nhanh chóng và hiệu quả trong quản trị nhà trường, trong tuyển sinh và đào tạo, trong đổi mới dạy và học, mang lại lợi ích tốt hơn cho người học.

Để đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2021-2025, Bộ GD&ĐT sẽ chú trọng triển khai ở 4 vấn đề cơ bản: Phát triển hệ thống dữ liệu toàn quốc về GDĐT; phát triển, khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số; xây dựng và triển khai khung năng lực số cho học sinh phổ thông; phát triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường rà soát, bổ sung văn bản chính sách để tạo hành lang pháp lý thúc đẩy triển khai chuyển đổi số trong toàn ngành, hướng dẫn các trường triển khai Kiến trúc chính phủ điện tử 2.0 và kết nối vào hệ thống dịch vụ công quốc gia.

Về phía các trường học, nên tận dụng những công nghệ nền tảng, các công cụ phần mềm sẵn có và bắt đầu chuyển đổi số bằng những việc nhỏ nhưng mang lại tác động lớn. Đó là đổi mới quản lý từng lớp học, đổi mới nội dung từng tiết học, từng bài giảng, làm sao để tăng tương tác giữa thầy và trò trong và ngoài lớp học, làm sao để từng học sinh được tham gia tích cực, chủ động hơn vào quá trình học tập. Hướng dẫn và khuyến khích học sinh tự học, sử dụng các kho học liệu mở và phần mềm miễn phí sẵn có. Khi nhiều lớp trong trường cùng làm, nhiều trường trong một địa phương cùng làm sẽ có kinh nghiệm chia sẻ và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ.

Các cơ sở đào tạo cũng cần hợp tác chặt chẽ, cùng xây dựng, chia sẻ, sử dụng các nền tảng dữ liệu, học liệu, môi trường học tập số, hệ thống quản trị; tăng cường quy mô đào tạo các ngành CNTT; khuyến khích mở các chương trình đào tạo liên ngành, xuyên ngành phục vụ chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác nhau.

Ý thức trong việc xây dựng một đội ngũ nhân lực thực hiện chuyển đổi số trực tiếp và gián tiếp, hiện các trường đại học đã rà soát để mở các mã ngành mới đào tạo đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp trong lĩnh vực này. Bộ GD&ĐT cũng làm việc với một số đại học trong nước và quốc tế tại Việt Nam để thúc đẩy phát triển nhân lực chuyển đổi số.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng! Chúc Thứ trưởng và gia đình một năm mới sức khỏe, hạnh phúc!

Mỹ Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực