Khẳng định sức sống bền bỉ của làng nghề Việt Nam

Chủ nhật, 14/02/2021 16:41
(ĐCSVN) - Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp xuân mới Tân Sửu 2021, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã không ngừng nhấn mạnh về sức sống bền bỉ của làng nghề Việt Nam dù trong bất kỳ bối cảnh nào, hoàn cảnh nào, kể cả trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 như hiện nay.

Phóng viên (PV): Ông đánh giá thế nào về sức sống làng nghề trong đợt dịch COVID- 19? Sự phát triển của làng nghề trong thời gian qua liệu có phải là bằng chứng sinh động chứng minh cho sự dẻo dai của làng nghề trong sự phát triển chung của nền kinh tế nước ta?

Sản phẩm gốm đặc trưng của làng nghề gốm Chu Đậu, Hải Dương (Ảnh: HNV) 

Ông Lưu Duy Dần: Dịch bệnh tác động không chỉ các làng nghề phải chịu mà cả xã hội đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, do ý thức chủ động từ chính các làng nghề, họ đã chuẩn bị mọi điều kiện có thể để đối phó với mọi tình huống. 

Riêng đối với dịch bệnh lần này, làng nghề cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, nhất là trong quá trình trao đổi, vận chuyển hàng hóa ra nước ngoài nhưng họ cũng từng bước chuyển đổi tập trung tiêu thụ trong nước. Vì chủ yếu là sản xuất các sản phẩm thủ công, rất được các đối tác nước ngoài ưa chuộng, do đó, việc hạn chế giao lưu trao đổi hàng hóa cũng ít nhiều gây cản trở. Thực tế, cũng có đơn vị gặp khó khăn, bố trí lực lượng không phù hợp, giúp trả lương cũng khó, nên phải từng bước khắc phục từ từ.

Tuy nhiên, làng nghề có sức sống bền bì, vượt qua thách thức, đơn cử, dù thiên tai khắc nghiệt nhưng làng nghề cũng chứng minh tính linh hoạt của mình ở “mùa nào sản phẩm ấy” . Trong suốt chiều dài lịch sử, làng nghề đã chứng tỏ sức sống của mình. Trong bối cảnh hiện nay, yếu tố quan trọng hàng đầu hiện chính là ứng dụng công nghệ cùng với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa để có hướng đi thích hợp, hiệu quả bền vững.

Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần (Ảnh: HNV) 

PV: Với việc tham gia vào Hiệp định tự do thương mại với châu Âu (EVFTA), theo ông, cộng đồng làng nghề sẽ tận dụng cơ hội và khắc phục khó khăn như thế nào?

Ông Lưu Duy Dần: Rõ ràng, chúng ta phải tranh thủ tối đa để tận dụng cơ hội từ EVFTA. Đây là cơ hội lớn vì thị trường rộng lớn. Tuy nhiên, cũng kèm không ít thách thức: năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh, nắm bắt tâm lý vùng miền… Trong khi với làng nghề của ta, tất cả sản phẩm đều làm thủ công và điều này là đặc trưng của người nghệ nhân.

Thực tế, làng nghề Việt Nam đã và đang có những đóng góp tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, vào kim ngạch xuất khẩu song các làng nghề hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, manh mún, nhỏ lẻ, đặc biệt là chưa có sự liên kết. Điều này làm hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của ngành thủ công mỹ nghệ hiện nay.

Theo thống kê của Hiệp hội chúng tôi, cả nước hiện có khoảng hơn 5.400 làng nghề, tạo việc làm cho khoảng 11 triệu lao động. Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt hàng tỷ USD.

PV: Vậy Hiệp hội có những định hướng nào để hỗ trợ và tăng cường mạnh mẽ khối liên kết cộng đồng làng nghề nhằm gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm trong bối cảnh hiện nay?

Ông Lưu Duy Dần: Không thể phủ nhận một thực tế là khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngành thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế. Hầu hết các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu đều phải thông qua các doanh nghiệp trung gian, thông qua các sản phẩm thô hoặc gia công cho những thương hiệu nước ngoài. Sản phẩm làng nghề ngày càng bị mai một hoặc không giữ được thương hiệu vốn có… Thêm vào đó, những khó khăn về cơ sở hạ tầng cũng gây hạn chế cho việc phát triển mở rộng hơn của các làng nghề tại địa phương hiện nay.

Rõ ràng là cần sự chung sức của các làng nghề trong việc đẩy mạnh hoạt động liên kết hướng tới xuất khẩu tại chỗ hàng thủ công, làm tăng nguồn ngoại tệ đồng thời không ngừng thu hút thêm lực lượng lao động đồng thời cũng phải tạo ra đội ngũ lao động có tay nghề cao và lớp nghệ nhân mới nên thông qua lực lượng này, làng nghề có thể tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường để thu hút nhiều người tiêu thụ hơn.

Bên cạnh đó, cần chú trọng tới việc quy hoạch sản phẩm làng nghề theo hướng mỗi làng một nghề và quy hoạch làng nghề mang tính tổng thể, không gây ô nhiễm môi trường, có cơ sở hạ tầng vật chất đồng bộ từ đường giao thông, hệ thống cấp điện, khu vực trưng bày, giới thiệu sản phẩm…

Cùng với đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, các nghệ nhân, thợ giỏi và chủ các cơ sở sản xuất, Hiệp hội cũng đã tổng hợp các đề xuất, định hướng nhằm hoàn thiện chính sách nhà nước về kế hoạch làng nghề, về bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực và chính sách thương mại để tăng cường sự liên kết các làng nghề Việt Nam. Trong đó, chú trọng xây dựng hình ảnh làng nghề; phát triển thương hiệu làng nghề, thương hiệu doanh nghiệp; quan tâm đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động; tìm kiếm thị trường xuất khẩu; cải tiến mẫu mã, sản xuất những sản phẩm đặc trưng của doanh nghiệp…

Hơn bao giờ hết, để tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề về tiếp cận thị trường mới, cần xác định tăng cường sự liên kết trong cộng động các làng nghề trên cơ sở Nhà nước có  những chính sách phát triển làng nghề thực sự phù hợp, minh bạch, thống nhất và ổn định đòi hỏi phải có sự đồng tình, hợp tác, liên kết chặt chẽ của nhiều tổ chức, ban ngành và bản thân các làng nghề.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lê Anh (thực hiện)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực