Lực lượng gìn giữ hòa bình: Góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế

Thứ sáu, 12/02/2021 14:16
(ĐCSVN) – Tham gia lực lượng hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) đã và đang thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Để hiểu rõ hơn điều này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng – Cục trưởng Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam.
 

 (ĐCSVN) – Tham gia lực lượng hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) đã và đang thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Để hiểu rõ hơn điều này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng – Cục trưởng Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng - Cục trưởng Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam  


PV: Tham gia hoạt động GGHB LHQ là một trong những trụ cột của đối ngoại quốc phòng; là điểm sáng trong quan hệ đa phương của Quân đội nhân dân Việt Nam trong những năm gần đây. Xin đồng chí cho biết những kết quả Việt Nam đạt được trong quá trình tham gia hoạt động GGHB LHQ giai đoạn 2012-2020?

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 53 sĩ quan triển khai theo hình thức cá nhân và 126 bác sỹ, nhân viên y tế của Bệnh viện dã chiến cấp 2 (BVDC2) BVDC2. Kết quả thực hiện nhiệm vụ của cả 2 BVDC2 được Chỉ huy Phái bộ và Liên hợp quốc đánh giá cao. Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách hoạt động GGHB và Cố vấn Quân sự của Tổng thư ký Liên hợp quốc tại New York gửi thư cảm ơn Chính phủ Việt Nam về sự đóng góp y tế. Hiện nay, BVDC2 số 2 (BCDC2.2) cũng đang hoạt động rất hiệu quả và tiếp tục khẳng định được năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao, là chỗ dựa tin cậy về chăm sóc sức khỏe cho nhân viên Liên hợp quốc tại địa bàn đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp. Năm 2020, 03 sĩ quan của Cục GGHB Việt Nam đã xuất sắc vượt qua các bài kiểm tra của Liên hợp quốc để trở thành nhân viên tại cơ quan hoạch Định chính sách của Liên hợp quốc, tại New York, Hoa Kỳ và Sĩ quan điều phối hoạt động quân sự của Phái bộ GGHB LHQ và Quân đội Cộng hòa Trung Phi tại Cộng hòa Trung Phi. Hiện tại, Việt Nam đang chuẩn bị Đội công binh gồm 295 người để sẵn sàng triển khai trong năm 2021.

 Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trao quyết của Chủ tịch nước cho các chiến sỹ đi làm nhiệm vụ tại Nam Xu-đăng và Cộng hòa Trung Phi
 

Tham gia lực lượng GGHB LHQ đã và đang thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, đóng góp vào thành công của Việt Nam trong việc ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Tính đến nay, Việt Nam đã ký 9 Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác GGHB LHQ với các nước đối tác, 01 MOU với LHQ và 01 MOU với Liên minh châu Âu.

PV: Ngày 13/11/2020, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết của Quốc hội về Việt Nam tham gia lực lượng GGHB LHQ, với số phiếu tán thành 100%. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 để tạo hành lang pháp lý cho việc tham gia lực lượng GGHB LHQ, ngày 13/11/2020, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết của Quốc hội về Việt Nam tham gia lực lượng GGHB LHQ, với số phiếu tán thành 100%.

Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc Việt Nam tham gia lực lượng GGHB Liên hợp quốc vào thời điểm chúng ta đang đảm nhiệm vị trí Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ thứ hai (2020 – 2021) đã thể hiện quyết tâm chính trị hết sức mạnh mẽ, nghiêm túc và khẳng định sự tham gia lâu dài của Việt Nam đối với sứ mệnh gìn giữ và kiến tạo hòa bình ở khu vực và trên thế giới; nó phù hợp với cam kết, với chủ trương, đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Tạo hành lang pháp lý chắc chắn để chúng ta có thể xác định rõ chủ trương, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn; từ đó chủ động nghiên cứu, tham mưu và chuẩn bị tốt lực lượng triển khai tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc một cách hiệu quả.

 Trung tá Nguyễn Thị Liên và người dân Cộng hòa Trung Phi cuốc đất rồng rau sau giờ làm việc 

PV: Được biết Liên hợp quốc đánh giá cao Việt Nam trong việc đáp ứng tỷ lệ nữ quân nhân tham gia hoạt động GGHB LHQ theo Nghị quyết 1325. Cụ thể những đóng góp này của Việt Nam là như thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Một lĩnh vực nữa mà Liên hợp quốc đánh giá cao Việt Nam trong việc tham gia hoạt động GGHB LHQ là đáp ứng tỷ lệ nữ quân nhân theo Nghị quyết 1325 của Liên hợp quốc về Phụ nữ, hòa bình và an ninh. Trong 6 năm qua, Việt Nam đã cử 20 nữ quân nhân trong đội hình BVDC2 (BVDC2.1 và BVDC2.2 mỗi Bệnh viện 10 đồng chí, chiếm tỷ lệ gần 16%) và 4 sĩ quan nữ tham gia hoạt động GGHB LHQ theo hình thức cá nhân, cao hơn tỷ lệ khuyến khích 15% do Liên hợp quốc đưa ra. Hiện nay Đội công binh biên chế 295 quân nhân dự kiến có khoảng 45 nữ quân nhân, đáp ứng đủ tỷ lệ 15% do Liên hợp quốc đề ra.

PV: Trong quá trình tham gia hoạt động GGHB LHQ tại các Phái bộ, các cán bộ chiến sỹ của Việt Nam đã thể hiện những “điểm mạnh” như thế nào để vượt qua mọi khó khăn, thử thách?

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Ở các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, điều kiện an ninh luôn bất ổn, cuộc sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn…; tuy nhiên, đây lại là điều kiện thuận lợi cho những chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam có cơ hội được trải nghiệm, thử thách để ngày càng trưởng thành hơn. Phát huy phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ, bằng sự tích cực, chủ động, các Chiến sĩ mũ nồi xanh của Việt Nam đã không những hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trên các mặt công tác được chỉ huy Phái bộ và đồng nghiệp các nước đánh giá cao mà còn dành nhiều thời gian giúp đỡ người dân địa phương tại hai Phái bộ Nam Xu-đăng và Cộng hòa Trung Phi. Hằng ngày sau khi hoàn thành nhiệm vụ của Phái bộ, sĩ quan các nước đều trở về làm các công việc cá nhân, nhưng riêng sĩ quan Việt Nam lại tiếp tục thực hiện những công việc giúp đỡ cho người dân bản địa, như bổ củi, xách nước, làm vườn, dạy học… Ngoài ra, các Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam còn thường xuyên tổ chức các chương trình thiện nguyện để giúp đỡ người dân và đặc biệt là trẻ em tại Nam Xu-đăng, qua đó, giới thiệu tới bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam, nhất là về lịch sử truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam, của Quân đội nhân dân Việt Nam làm lan tỏa phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”.

 Lực lượng gìn giữ hòa bình  góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế
 

PV: Từ những kết quả đã đạt được, xin đồng chí cho biết, Cục GGHBVN có những kế hoạch gì trong thời gian tới để đóng góp cho hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam?

Trong thời gian tới, Cục Gìn giữ hòa bình VN sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả “Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ” và “Đề án Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ giai đoạn 2014 – 2020 và những năm tiếp theo” và Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia lực lượng GGHB của LHQ. Ngoài việc duy trì BVDC2 tại Phái bộ Nam Xu-đăng và các vị trí cá nhân như hiện nay, Cục sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội triển khai Đội Công binh; nghiên cứu khả năng mở rộng các hình thức khác như Quân cảnh, Bộ binh bảo vệ, Đội trực thăng vận tải; mở rộng các vị trí cá nhân tại các phái bộ; tiếp tục cử sỹ quan đã qua Phái bộ ứng thi vào các vị trí Chỉ huy tại các Phái bộ và vào các cơ quan của Liên hợp quốc.

Ngoài ra, Cục GGHB Việt Nam sẽ tiếp tục tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo BQP đảm bảo an toàn trong đại dịch Covid-19; phấn đấu xây dựng Cục GGHB Việt Nam thành Trung tâm nâng cao năng lực GGHB khu vực và trên thế giới và thực hiện chức năng điều phối quốc gia về GGHB LHQ; đề xuất xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung huấn luyện có phù hợp cho các lực lượng; đảm bảo mua sắm trang thiết bị, vật chất bảo đảm cho các lực lượng chuẩn bị tham gia hoạt động GGHB LHQ một cách tiết kiệm, hiệu quả; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về GGHB LHQ để thu hút nguồn lực từ bên ngoài; làm tốt công tác hậu phương gia đình cán Bộ.

 

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!./.

 

 

Thực hiện: Kiều Giang
Ảnh do Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam cung cấp
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực