Mai vàng Kỳ Nam khoe sắc đón Xuân

Thứ năm, 11/02/2021 17:17
(ĐCSVN) – Trong những năm gần đây, nhờ thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cây mai vàng đã trở thành cây “xóa đói giảm nghèo” cho người nông dân xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) - nơi từng được xem là rốn nghèo khu vực miền Trung. Cứ vào dịp Tết Nguyên đán, những cây mai vàng đất Kỳ Nam lại được chuyển đi khắp mọi miền đất nước phục vụ nhu cầu của người dân.
Anh Nguyễn Viết Xuân, ở thôn Tân Thành, xã Kỳ Nam chăm sóc mai vàng để phục vụ Tết

Chúng tôi đến thăm vườn mai của gia đình anh Nguyễn Viết Xuân, ở thôn Tân Thành, xã Kỳ Nam sát những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Cả vườn mai vàng có diện tích gần 800m2 với gần 600 cây với nhiều độ tuổi. Đây là một trong những vườn mai cảnh lớn nhất ở xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh - “thủ phủ trồng mai” nức tiếng ở Hà Tĩnh. Trong số này có khoảng hơn 200 gốc mai trưởng thành có thể xuất bán với giá dao động mỗi gốc từ 1,5 - 10 triệu đồng. Với nhu cầu, thị hiếu ngày một lớn của người chơi mai cảnh ngày Tết, vườn mai của gia đình anh Xuân dự kiến sẽ cho thu nhập gần 150 triệu đồng.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Xuân cho biết: Trước kia, mảnh đất cực Nam của Hà Tĩnh, nơi Đèo Ngang đất đai cỗi cằn và hun hút gió đã từng có cả rừng mai vàng rực rỡ, khi mọi người bắt đầu ý thức được giá trị của nó thì rừng mai đã lụi tàn bởi sự vô tình của chính con người. Song với sự trăn trở, niềm đam mê, sự cần cù, kiên trì của người dân muốn giữ gìn cho quê mình thứ đặc sản của núi và thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mai vàng đã trở thành cây “xóa đói giảm nghèo” cho người nông dân Kỳ Nam - nơi từng được xem là rốn nghèo khu vực miền Trung. Đời sống của nhiều hộ gia đình nơi đây đã thay da, đổi thịt nhờ biết khoanh nuôi bảo vệ những cây mai cuối cùng, rồi nhân giống đem bán cho khách trong Nam, ngoài Bắc. So với năm ngoái, năm nay thời tiết thuận lợi hơn nên cây mai sinh trưởng, phát triển rất tốt, mang lại thu nhập tốt cho người dân địa phương”.

Theo những người dân của xã Kỳ Nam, cũng là mai nhưng do đặc thù về thổ nhưỡng nên cây mai Kỳ Nam hình thành ba sắc thái, được người dân gọi với cái tên là mai rừng (mọc trên rừng), mai biển (mọc dọc bờ biển) và mai cồn (mọc ở các cồn cát). Trong đó, mai cồn được ví là “công chúa” bởi có hoa rất to, sắc vàng đậm, có bông 5 cánh, 6 cánh và có khi lên đến 10 cánh, nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Cây mai không quá khó tính nhưng đòi hỏi người trồng phải cần mẫn, theo dõi sát để nắm bắt sớm và phòng trừ các loại sâu bệnh. Điều quan trọng là người chủ vườn đúc kết kinh nghiệm, biết cách dựa vào tình hình thời tiết và nhìn sự phát triển của mỗi cây mai để chọn thời điểm bứt lá một cách phù hợp. Công đoạn này nếu được thực hiện chính xác, cộng với thời tiết không có diễn biến bất thường sẽ giúp hoa nở đúng dịp tết, quyết định mùa trồng mai thắng lợi. Hiện tại, các nhà vườn ở xã Kỳ Nam đã bán mai tết, một số cây đẹp được các khách sành chơi đặt cọc trước.

Ở Kỳ Nam, nhà nhà đều có vườn rộng, hơn nữa cây mai ở đây có lẽ đồng cảm với người nên dễ tính, dễ trồng, dễ chăm sóc nên mọi người ai cũng có thể trồng được. Người dân nơi đây đã quen với tính tình của cây, họ biết chăm cho cây dù đất cỗi cằn, biết cho mai ra hoa vào đúng dịp mình mong muốn. Cây và người đồng cảm trong những dịp trời đất giao hòa của mùa xuân. Cây nhờ người mà phục hồi, vươn lên mạnh mẽ, người nhờ cây mà thêm nở nụ cười. Cây mai Kỳ Nam từ chỗ tưởng đã diệt vong, nay phục hồi mạnh mãnh trước sự chăm chút của những bàn tay muốn gìn giữ đặc sản quý của vùng, vừa có thêm nguồn thu nhập, sắm cho con cái áo, cái quần mới vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam Bùi Văn Chuổng  

Khẳng định việc giữ gìn và phát triển mô hình trồng mai đã phát huy được lợi thế trong những năm qua, Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam Bùi Văn Chuổng cho biết: Người dân địa phương đã ủng hộ nhiệt tình khi chính quyền xã Kỳ Nam đã có nghị quyết phát triển cây mai cảnh nhằm động viên, khuyến khích người dân bảo tồn, gìn giữ vẻ đẹp và đưa mai trở thành cây hàng hoá mang lại thu nhập thường xuyên cho nhiều hộ dân trong dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Hiện nay, trong vườn nhà của người dân Kỳ Nam đều trồng, giữ cây mai cảnh, nhà ít thì một vài cây, nhà nhiều lên đến hàng trăm cây. Cây mai đã từ chỗ trồng tự phát, nay đã trở thành hàng hóa giúp hàng chục nhà có thu nhập khá. Đến nay, tổng diện tích mai xã Kỳ Nam đạt gần 2 ha với hàng chục hộ tham gia. Có 22 hộ trồng mai với số lượng trên 100 gốc, sẽ đạt thu nhập trên 100 triệu đồng trong mùa thu hoạch Tết; các hộ trồng từ 20 - 30 gốc cho thu nhập trung bình khoảng 10 - 15 triệu đồng. Với mức giá nêu trên, dự tính số lượng mai Kỳ Nam cung ứng ra thị trường Tết Nguyên đán tăng gấp đôi so với năm 2020- khoảng 2.000 gốc, cho nguồn thu hàng tỷ đồng.

Tết Tân Sửu đang đến gần, mai vàng đang dần rực rỡ, lòng người dân xã Kỳ Nam đang ấm lên với những kết quả của một năm miệt mài. Hình ảnh cả rừng mai, dâng sắc vàng bạt ngàn trên mái Đèo Ngang vào những dịp xuân về trước đây, ngỡ rằng chỉ còn lại trong hồi ức của những người dân Kỳ Nam, thì nay đang khoe sắc dưới chính bàn tay của những người nông dân vùng “phên dậu, cực nam” của Hà Tĩnh. Mai vàng khoe sắc, đang vượt khỏi giới hạn của quê hương Kỳ Nam, như một lời yêu thương của những người dân chịu thương, chịu khó chốn này này gửi gắm đến mọi miền. Đó cũng là báo hiệu một sự đổi thay trên quê hương thị xã Kỳ Anh và sắc vàng bên dãy Hoành Sơn đang góp phần mình vào mùa xuân đất nước./.

 

Bài, ảnh: Khánh Lan
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực