Ngành Lâm nghiệp hướng tới mục tiêu xuất khẩu 14 tỷ USD trong năm 2021

Thứ hai, 15/02/2021 16:45
(ĐCSVN) - Để đạt được mục tiêu 14 tỷ USD về giá trị xuất khẩu trong năm 2021 - cao hơn so với mức 13,17 tỷ USD trong năm 2020, Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, ngành Lâm nghiệp cần phát huy thành quả và bài học kinh nghiệm đạt được trong những năm qua, đồng thời cần khắc phục những hạn chế, tồn tại và nhận diện, thích ứng kịp thời với những thời cơ vận hội, thách thức mới.

Nhân dịp Tết đến Xuân về, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn về những kết quả đạt được của ngành Lâm nghiệp trong năm 2020 và định hướng phát triển của ngành trong năm 2021.

 Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn. (Ảnh: BT)

Phóng viên (PV): Năm 2020 là năm ghi nhận có nhiều yếu tố tác động lên đời sống kinh  tế - xã hội của nước ta, đặc biệt là đại dịch COVID-19, và ngành Lâm nghiệp cũng không là ngoại lệ. Vậy, Thứ trưởng có đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được của ngành Lâm nghiệp đạt được trong năm vừa qua?

Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn: Năm 2020, ngành Lâm nghiệp đã đạt được thành quả toàn diện, vượt các chỉ tiêu đề ra, và đạt mức cao nhất lịch sử trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn do tác động từ đại dịch COVID-19, thay đổi nhanh chóng của thị trường, thiên tai, lũ lụt. Thành tựu đạt được của ngành Lâm nghiệp đã góp phần quan trọng hoàn thành các chỉ tiêu của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tạo đà phát triển bền vững, chủ động bước vào giai đoạn 2021 - 2025 với khát vọng cao hơn.

PV: Xuất khẩu Lâm sản năm 2020 trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn ghi nhận ở mức rất cao với 13,17 tỷ USD, tăng tới 16,4% so với năm 2019. Vậy ngành Lâm nghiệp đã có những nỗ lực như thế nào để vượt qua khó khăn và đạt được kết quả về xuất khẩu ấn tượng như vậy, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn: Năm 2020, cùng với quyết tâm vượt khó của cả hệ thống chính trị và đất nước, chúng ta có thể tự tin nhận định rằng, ngành Lâm nghiệp đã đạt được “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa tận dụng tốt các cơ hội, sáng tạo trong tái cơ cấu toàn diện, thích ứng hiệu quả với trạng thái bình thường mới. Xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt mức tăng trưởng rất cao, thể hiện sự chung sức, đồng lòng vượt khó. Tôi cho rằng kết quả này xuất phát từ những giải pháp căn cơ, đúng đắn.

Một là, toàn ngành đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ về phòng chống dịch bệnh, không để xảy ra sự cố nhiễm COVID-19.

Hai là, các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cũng đã rất chủ động, nỗ lực và có nhiều sáng kiến như: Lập kế hoạch sản xuất luân phiên, chia sẻ khó khăn với người lao động “không để ai ở lại phía sau”, ứng dụng công nghệ số để tổ chức hội chợ giới thiệu sản phẩm, giao dịch thương mại qua mạng Internet... Bằng nhiều giải pháp đã giữ vững được nguồn cung trong toàn chuỗi sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm; giảm chi phí sản xuất, giữ uy tín về chất lượng sản phẩm và nguồn gốc hợp pháp.

Ba là, các cơ quan quản lý Nhà nước luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt khó khăn, ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, cắt, giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nâng cao sức cạnh tranh.

PV: Năm 2021, ngành Lâm nghiệp đặt ra mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 14 tỷ USD. Xin Thứ trưởng cho biết những giải pháp để chúng ta đạt được mục tiêu này?

Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn: Để đạt được mục tiêu cao hơn, ngành Lâm nghiệp cần phát huy thành quả và bài học kinh nghiệm đạt được trong những năm qua, khắc phục những hạn chế, tồn tại, đồng thời nhận diện và thích ứng kịp thời với những thời cơ vận hội, thách thức mới.

Trong đó, ngành cần tập trung vào việc phát huy thời cơ từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), giữ vững thị trường truyền thống, tìm kiếm, mở rộng thị trường mới, thị trường tiềm năng và chú trọng phát triển thị trường trong nước. Kiên định phát triển thương hiệu, uy tín chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ chọn tạo giống cây trồng lâm nghiệp có năng suất, chất lượng cao; ứng dụng khoa học công nghệ trong thâm canh phát triển rừng sản xuất; ưu tiên đầu tư trang thiết bị hiện đại trong sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhất là với một số quốc gia có quan hệ thương mại lâm sản lớn.

Thứ nữa, cần nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng trong nước nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp trong nước trên cơ sở ổn định vùng nguyên liệu 3,5 triệu ha rừng trồng sản xuất tập trung. Mở rộng diện tích rừng trồng sản xuất có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 3 triệu ha vào năm 2025. Kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu hợp pháp, chống gian lận thương mại.

Thêm vào đó, ngành sẽ tập trung xây dựng các khu công nghiệp động lực cho phát triển ở 3 khu vực Bắc, Trung và Nam, trước hết là tại tỉnh Nghệ An.

PV: Năm 2021, ngành Lâm nghiệp đề ra mục tiêu tiếp tục giữ vững được tỷ lệ che phủ rừng ở mức 42%. Vậy, xin Thứ trưởng cho biết những giải pháp để thực hiện mục tiêu này và những giải pháp để càng ngày càng tăng được tỷ lệ che phủ rừng, nâng cao chất lượng rừng cho nước ta?

Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn: Sau hàng thập niên nỗ lực với quyết tâm chính trị cao, đến năm 2020 Việt Nam đã đạt tỷ lệ che phủ rừng là 42%, tăng 14% so với những năm 1990; tuy vậy, năng suất, chất lượng rừng còn thấp. Thời gian tới, để cơ bản giữ vững tỷ lệ che phủ rừng ở mức 42%, tập trung nâng cao chất lượng rừng, chúng tôi sẽ triển khai nhiều giải pháp cụ thể.

Đối với rừng tự nhiên, tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ nghiệm ngặt, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng. Đối với diện tích rừng nghèo, sẽ thực hiện các giải pháp lâm sinh phù hợp, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, làm giàu rừng. Và đối với rừng trồng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ chọn tạo giống và quy trình kỹ thuật thâm canh đưa năng lực sinh trưởng, năng suất sản lượng tăng 1,5 lần trong 5 năm tới; kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng để tăng năng suất và chất lượng gỗ; lựa chọn tập đoàn cây bản địa để bổ sung vào rừng đặc dụng, phòng hộ.

Ngoài ra, chúng tôi cũng rất quan tâm đến việc triển khai Chương trình “trồng 1 tỷ cây xanh”, chú trọng tại các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế khác và các khu dân cư tập trung, phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp, rừng phòng hộ đầu nguồn và ven biển,...

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!./.

Bùi Thủy (thực hiện)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực