Ngành Nông nghiệp quyết tâm vượt qua khó khăn, vươn lên trong năm mới

Thứ ba, 16/02/2021 11:39
(ĐCSVN) - Năm 2020, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã về đích với những “con số” ấn tượng trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ, tinh thần vượt khó, vượt qua khó khăn, tạo nền tảng vững vàng để ngành vươn lên đạt những thành công mới trong năm 2021.
 Năm 2020, trong bối cảnh khó khăn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta vẫn đạt con số rất cao với 41,25 tỷ USD (Ảnh: BT)

Một năm về đích ấn tượng

Năm 2020 là năm ghi nhận ngành NN&PTNT phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cùng lúc khi lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ở khắp cả 3 miền, đặc biệt tại khu vực miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, dịch tả lợn châu Phi vẫn là thách thức của ngành chăn nuôi khi chưa được khống chế hoàn toàn, ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn cho người tiêu dùng.

Đặc biệt, đại dịch COVID-19 tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến sản xuất của ngành nông nghiệp, kéo theo đó, nhiều mặt hàng nông sản bị giảm sút về kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt trong những tháng đầu năm. Cùng với đó là việc gia tăng việc áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật của các quốc gia gây khó khăn cho xuất khẩu nông sản của nước ta.

Trước bối cảnh đó, toàn ngành NN&PTNT xác định không chùn bước, không "đầu hàng” trước thách thức mà cùng vượt khó, chung tay, sáng tạo để từng bước gỡ những "nút thắt”. Ở vấn đề này, có thể kể đến lĩnh vực xuất khẩu lâm sản, khi gặp khó khăn nặng nề trong tháng 3-4/2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giãn cách xã hội, dẫn đến nhiều đơn hàng từ các nước giảm dần hoặc bị gián đoạn, ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã "lội ngược dòng", sáng tạo, không gặp được trực tiếp thì thông qua các triển lãm online, hoặc bán hàng online,...Nhờ vậy, kết thúc năm 2020, kết quả xuất khẩu lâm sản đạt ở mức rất cao với 13,17 tỷ USD – cao nhất từ trước đến nay và tăng tới 16,4% so với năm 2019.

Trở lại với kết quả của ngành NN&PTNT trong năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ Nhà nước ban hành các chính sách giúp các lĩnh vực, doanh nghiệp, người dân giảm bớt áp lực về khó khăn khi chịu tác động của dịch COVID-19, sự chung tay vào cuộc của doanh nghiệp, người dân, toàn ngành NN&PTNT đã đạt được những kết quả bứt phá trong năm 2020.

Kết quả đầu tiên có thể kể đến đó là xuất khẩu nông sản về đích với con số ấn tượng 41,25 tỷ USD. Điều này tiếp tục khẳng định thêm một lần nữa, trong bối cảnh nhiều khó khăn dồn dập, nông nghiệp tiếp tục khẳng định là bệ đỡ của nền kinh tế quốc gia. Trong đó, năm 2020, ngành NN&PTNT đã duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, riêng 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gồm gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo). Đây là kết quả rất đáng ghi nhận của ngành NN&PTNT trong năm qua khi thị trường thế giới có nhiều biến động.

Và với việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả hơn, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, cùng với việc tiếp tục tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, trong năm 2020, toàn ngành đã đạt tốc độ tăng trưởng 2,65% và đạt tăng trưởng giá trị sản xuất cao trên hầu hết các lĩnh vực của ngành.

Đáng chú ý, trong năm 2020, nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học công nghệ cao đã được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như: tôm, cá tra, sản phẩm gỗ…Nhiều nhà máy chế biến đã đi vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả. Năm 2020, ngành NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đồng thời, các địa phương công nhận 11 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đã có 53 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng 11 doanh nghiệp so với năm 2019.

Đặc biệt, chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát triển, tăng cả về số lượng và chất lượng. Trong năm 2020, đã có trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 8% so với cuối năm 2019); 173 đơn vị cấp huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 61 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2019) và có 3 tỉnh(Nam Định, Đồng Nai và Hưng Yên) đã được công nhận hoàn thành và 9 tỉnh, thành phố đang hoàn thiện thủ tục để được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Kết quả này đã về đích trước gần 2 năm so với chỉ tiêu mà Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành NN&PTNT.

 Nâng cao sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản là một trong những yếu tố góp phần thực hiện thành công mục tiêu của ngành Nông nghiệp trong năm 2021 (Ảnh: BT)

Quyết tâm cao nhất để thực hiện mục tiêu trong năm 2021

Bước sang năm 2021, ngành NN&PTNT nhận định rõ, đây là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành nông nghiệp. Trong đó, đây là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Trước bối cảnh đó, ngành NN&PTNT xác định rõ những thách thức cụ thể phải đối diện. Đó là đại dịch COVID -19 tiếp tục tác động tiêu cực trên nhiều mặt; dịch bệnh cây trồng, vật nuôi và dịch tả lợn châu Phi cần thời gian dài để xử lý và ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, xuất khẩu, cũng như tiêu thụ trong nước. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ngày càng thể hiện rõ nét, cực đoan hơn, thiên tai dị thường, hạn hán và xâm nhập mặn được dự báo tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống của người dân. Từ đó, đòi hỏi toàn ngành vừa cần có những giải pháp ứng phó kịp thời, vừa có chiến lược lâu dài để phát triển sản xuất.

Năm 2021, ngành NN&PTNT phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,7 - 3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản từ 2,8 - 3,1%. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 44 tỷ USD theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và nâng cao chất lượng rừng. Đồng thời, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 70%; có ít nhất 200 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng chương trình hành động với các giải pháp đồng bộ, sáng tạo và thể hiện quyết tâm cao nhất nhằm góp phần đạt được kết quả tốt nhất và thúc đẩy sự nghiệp nông nghiệp, nông dân, nông thôn của nước ta phát triển.

Theo đó, toàn ngành NN&PTNT sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa của từng vùng miền. Đồng bộ hóa các giải pháp và chương trình, kế hoạch hành động phát triển nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn phồn thịnh, văn minh.

Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực, đáp ứng nhu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Ngành NN&PTNT xác định cần chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp để thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo hiệu quả. Đi cùng với đó là phát hiện, xử lý kịp thời dịch bệnh, đẩy mạnh nghiên cứu, đánh giá, sản xuất vắc xin phòng dịch.

Đáng chú ý, tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương có các vùng nguyên liệu tương đồng, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam. Kết nối nông nghiệp với công nghệ bảo quản, công nghiệp chế biến và thị trường, xuất khẩu, với chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, khơi thông các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Ngoài ra, vấn đề về thị trường rất quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp. Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (hiện nay là Trưởng ban Kinh tế Trung ương) cần thống nhất về quan điểm “sản xuất nông nghiệp phải gắn với tín hiệu của thị trường”. Để thực hiện điều này, Bộ NN&PTNT cần phối hợp với các Bộ, ngành để chuyển tín hiệu này đến với người nông dân. Đồng thời, cần có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trong vấn đề thị trường, đổi mới phương thức tiêu thụ.

Và để thực hiện tốt cam kết hội nhập trong nông nghiệp, vai trò của các doanh nghiệp rất lớn. Do vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, thời gian tới, Bộ NN&PTNT cần có những cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp để đưa công nghệ, tín dụng,…đầu tư vào nông nghiệp nhằm đảm bảo sự bền vững trong chuỗi cung ứng nông sản. Đồng thời, cần thay đổi những mô hình nông nghiệp một cách tận gốc để đảm bảo được nền kinh tế hàng hóa.

Cùng với đó, để thực hiện hội nhập và phát triển trong bối cảnh chung của kinh tế số và cuộc cách mạng 4.0, chúng ta không thể quên câu chuyện đào tạo người nông dân. Chính vấn đề kinh tế số trong nông nghiệp là con đường rất hiệu quả để giúp người nông dân chúng ta rút ngắn khoảng cách trong chuỗi cung ứng nông sản,.../.

Bùi Thủy
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực