Nghề thêu truyền thống mang đậm tâm hồn người Việt

Thứ bảy, 13/02/2021 22:15
(ĐCSVN) - So với nhiều ngành nghề truyền thống, nghề thêu có tuổi đời ít hơn nhưng lại có sức hấp dẫn kỳ lạ bởi sự tinh tế, nét độc đáo mang đậm tâm hồn người Việt. Những sợi chỉ tơ óng ả nhiều màu sắc như cầu vồng qua bàn tay khéo léo của người thợ, nghệ nhân đã “vẽ” nên những bức tranh đẹp của quê hương, đất nước.

Nghề thêu truyền thống mang đậm tâm hồn người Việt (Ảnh: Đức Nghiêm)

Làng Quất Động thuộc huyện Thường Tín (Hà Nội) được xem là nơi khởi thủy của nghề thêu Việt Nam. Câu ca cổ vẫn còn lưu truyền đến ngày nay, hát rằng “Hỡi cô thắt lưng bao xanh/ Có về Quất Động với anh thì về/ Quất Động làng anh có nghề/ Thêu gà thêu vịt, thêu hoa trên cành”.

Người có công khởi tạo và truyền dạy nghề thêu cho người dân Quất Động Là Tiến sĩ Lê Công Hành, tên thật là Bùi Công Hành, là người làng Quất Động, sống ở cuối đời Trần, đầu đời Lê (khoảng thế kỷ 14). Cụ  Lê Công Hành từng đi sứ, học được nghề thêu rồi trở về nước truyền dạy nghề thêu cho dân làng. Từ thế kỷ 17, nghề thêu đã phát triển rộng ra khắp cả nước, do vậy ông tổ nghề thêu ở làng Quất Động cũng là ông tổ nghề thêu chung của cả nước.

Trải qua hàng trăm năm, sự cần cù, tỉ mỉ và chăm chỉ của người Việt đã khiến cho nghề thêu không chỉ phát triển mạnh ở nơi khai sinh ra nó mà còn tỏa đi khắp dải đất hình chữ S, nhưng nhiều nhất tập trung ở phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội. Có thể nhắc đến những vùng quê phát triển mạnh nghề thêu như các làng: Quất Động, Thắng Lợi, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Phú Xuyên, Cổ Đông, Đông Cứu, Bình Lăng (Hà Nội); Văn Lâm (Ninh Bình), Minh Lãng (Thái Bình), Thanh Hà (Hà Nam), Kim Long, Thuận Lộc (Huế), Bảo Lộc (Lâm Đồng)…

Với chất liệu (chỉ, vải) ngày một phong phú, với ý thức sáng tạo nghệ thuật, người nghệ nhân đã dần biến tranh thêu vươn đến đỉnh cao của nghệ thuật. Để tạo được một bức tranh thêu tay hoàn mỹ, người nghệ nhân phải dùng đúng loại chỉ truyền thống được nhuộm từ màu của cỏ cây thiên nhiên. Đặc biệt là chỉ tơ tằm với độ óng mịn đặc trưng để tạo cho các bức tranh, nhất là tranh phong cảnh những màu sắc tự nhiên nhất. Người thêu tranh vừa phải có lòng đam mê vừa có năng khiếu về hội họa. Có như vậy, đường nét uyển chuyển và cái hồn của bức tranh mới được chuyển tải ở nhiều sắc độ.

Từ những bức tranh thêu đơn giản, khổ nhỏ về cảnh vật, cuộc sống hàng ngày, các nghệnhân và người thợ lành nghề đã cần mẫn sáng tạo, học hỏi để phát triển lên, mỗi làng lại có một nét độc đáo riêng của mình như chuyên về thêu phong cảnh, thêu truyền thần hay chỉ chú trọng vào thêu trên trang phục, nhất là trang phục hoàng cung ngày xưa. Từ Bắc, Trung, Nam ở đâu cũng có những nghệ nhân giỏi, giàu sáng tạo và yêu nghề. Chính niềm yêu nghề, sự cần mẫn của những người nghệ nhân đã khiến cho tranh thêu tay ngày càng trở lên độc đáo, tinh xảo và phá cách hơn.

Không chỉ là những đường kim mũi chỉ, tranh thêu tay đã thể hiện được cả những thăng trầm của thời gian, tái hiện những biến cố của lịch sử. Đồng thời, mỗi bức tranh thêu chỉ còn ẩn dấu vẻ đẹp của văn hóa dân tộc, vẻ đẹp mộc mạc và giản dị và cả tình người chân thành nồng ấm của người Việt Nam… Các tác phẩm nổi bật của ngành thêu là tranh thêu phong cảnh như: Cây đa, bến nước, con thuyền, các danh lam thắng cảnh như: Chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, đình Hồng Thái, Cố đô Huế, hay những bức tranh mang đậm tích xưa như: Đám cưới chuột, Vinh quy, Hứng dừa, Cá chép trông trăng…, những bức tranh được “dệt” lên từ những đường kim, mũi chỉ đã thực sự chinh phục được những người yêu nghệ thuật.

Để có những bức tranh phong cảnh, người thợ thêu có khi phải mất hàng tháng, lựa chọn từng loại chỉ màu phù hợp, khéo léo trong từng mũi kim để tạo những mảng màu thể hiện không gian bức tranh như: Đặc tả hình ảnh sóng nước, tia nắng mặt trời hay hình ảnh bóng nước, mái chùa, cây đa in trên mặt nước… Những bức tranh chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của những người nổi tiếng được kết hợp bởi hàng triệu mũi kim với đủ loại chỉ thêu để tạo nét biểu cảm trên khuôn mặt. Từ khóe mắt, nụ cười, những nếp nhăn được đặc tả chi tiết sẽ toát lên được vẻ thần thái, tính cách, nét riêng của nhân vật trong tranh.

Trải qua những biến thiên của lịch sử và nhu cầu phát triển của thị trường, bên cạnh mảng tranh thêu truyền thống, nghề thêu hiện nay đã phát triển thêm phân khúc thêu hàng thời trang, áo dài, khăn trải bàn, chăn- gối... Bên cạnh các kỹ thuật thêu truyền thống như: Đột, lướt vặn, bó bạt, đâm xô, nối đầu, chăng chặn, sa hạt, khoắn vảy đơn - khoắn vảy kép… thì nghề thêu hiện nay còn phát triển thêm nhiều kỹ thuật khó như thêu hai mặt, thêu một mành, thêu hai mành, thêu nước chỉ bóng… Đường chỉ càng mịn màng, chân chỉ càng lẩn bao nhiêu, sản phẩm càng có giá trị nghệ thuật thẩm mỹ bấy nhiêu.

Hàng tranh thêu nói riêng và sản phẩm thêu nói chung của Việt Nam từ lâu đã vượt ra khỏi lũy tre làng, không chỉ được tiêu thụ khắp cả nước mà còn được xuất khẩu sang hàng chục thị trường quốc tế như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, châu Âu ... Thêu đã trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình và trở thành ngành nghề thủ công quan trọng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của địa phương cũng như kim ngạch xuất khẩu của cả nước./.

 

An Nguyên
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực