Tăng cường thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam – Armenia năm 2021

Thứ sáu, 12/02/2021 13:39
(ĐCSVN) – “Ngoài quan hệ chính trị hết sức tốt đẹp, hai nước chúng ta cũng cần xúc tiến thêm các hoạt động thiết thực nhằm vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Việt Nam – Armenia”. Đó là nhận định của Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Armenia tại Việt Nam Vahram Kazhoyan trong cuộc trả lời phỏng vấn với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp bước sang năm mới Tân Sửu 2021.
 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Armenia tại Việt Nam Vahram Kazhoyan đến trình Quốc thư. (Ảnh: ĐSQ cung cấp)

Phóng viên (PV): Việt Nam và Armenia thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, hai nước đã duy trì và củng cố quan hệ chính trị tốt đẹp. Trong những năm qua, Việt Nam và Armenia đã có những cuộc trao đổi đoàn và gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo hai Nhà nước, thường xuyên phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. Ông có thể chia sẻ thêm về mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước ở thời điểm hiện tại?

Đại sứ Vahram Kazhoyan: Trước tiên, tôi xin trân trọng gửi lời cảm ơn tới Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho tôi cơ hội để bày tỏ quan điểm của mình về mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Armenia. Việt Nam – Armenia có mối quan hệ truyền thống lâu đời. Theo một số tài liệu lịch sử, các tàu thương gia Armenia đã tới Việt Nam từ thế kỷ thứ 12 nhằm thúc đẩy giao thương hàng hóa.  Hàng hóa của Việt Nam không chỉ được xuất sang Armenia mà ra cả thị trường châu Âu và Trung Đông.

Đặc biệt, chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Armenia vào tháng 7/1959 đã tạo động lực mới nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước. Trong chuyến thăm lịch sử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm thủ đô Yerevan và một số vùng của Armenia. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có các cuộc gặp gỡ với các quan chức, công nhân, nông dân, trí thức của đất nước chúng tôi.

Theo thống kê, từ năm 1950 - 1990, Armenia đã giúp Việt Nam đào tạo hàng nghìn sinh viên. Đã có gần 2.000 sinh viên Việt Nam đã học tập và tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục đại học và kỹ thuật của Armenia.

Kể từ khi Armenia giành độc lập vào năm 1991, quan hệ giữa Việt Nam - Armenia đã bước sang một giai đoạn phát triển mới. Cuộc trao đổi đoàn chính thức đầu tiên giữa hai nước diễn ra vào tháng 12/1992, khi phái đoàn Armenia do Phó Tổng thống Gagik Harutyunian dẫn đầu sang thăm Việt Nam. Tại chuyến thăm này, tôi vinh dự là một trong các thành viên của phái đoàn. Tại thời điểm đó, tôi ít nghĩ rằng vào năm 2019, tôi sẽ quay trở lại Việt Nam với tư cách là Đại sứ Cộng hòa Armenia tại đất nước các bạn.

Có thể nói Armenia và Việt Nam đã phát triển thành công các mối quan hệ chính trị trên cả phương diện song phương và đa phương tại các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO)… Chúng ta cũng đã ủng hộ các sáng kiến và ứng cử của nhau tại các tổ chức quốc tế.

PV: Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Cộng hòa Armenia Nikol Pashiyan năm 2019 nhằm tiếp tục tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Armenia; trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng như thương mại, đầu tư, giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch; trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Xin Đại sứ cho biết, các mối quan hệ hợp tác này được thực hiện như thế nào kể từ đó đến nay?

Đại sứ Vahram Kazhoyan: Một động lực mới trong quan hệ Armenia - Việt Nam đã được thúc đẩy từ chuyến thăm của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đến Việt Nam vào tháng 7/2019. Nhiều thỏa thuận và các quyết sách quan trọng đã đạt được trong chuyến thăm lần này, cụ thể là việc mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại, các hoạt động du lịch và văn hóa. Vào ngày 21/10/2019, thay mặt Chính phủ Armenia, tôi đã ký Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Kinh tế Cộng hòa Armenia và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam trong lĩnh vực du lịch.

Đại sứ quán chúng tôi đã thực hiện các thỏa thuận để tổ chức một Chuyến đi FAM đến Armenia cho hơn 10 công ty du lịch lữ hành Việt Nam, từ đó xúc tiến các chuyến thăm thường xuyên cho khách du lịch Việt Nam đến thăm Armenia. Thật không may, chuyến đi này dự kiến được thực hiện vào tháng 5 và 6/2020 đã bị hoãn do đại dịch COVID-19. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng các hoạt động hợp tác sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới đặc biệt là việc xây dựng các tuyến du lịch kết nối giữa Việt Nam với Armenia nhằm giúp nhân dân hai nước thêm hiểu biết lẫn nhau về văn hóa, đất nước và con người.

Cũng do đại dịch COVID-10, năm vừa qua, chúng tôi cũng đã phải hoãn Kỳ họp lần thứ 2 của Ủy ban liên Chính phủ về Hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật và Diễn đàn Doanh nghiệp đã được lên kế hoạch tổ chức tại Armenia. Tuy nhiên, chúng tôi đã xúc tiến tất cả các hoạt động có thể thực hiện trong khoảng thời gian đó. Cụ thể, chúng tôi đã thành công khi đưa rượu Cognac Ararat nổi tiếng của Armenia vào thị trường miễn thuế của Việt Nam và hy vọng loại rượu này sẽ sớm được bán phổ biến ngoài thị trường. Hiện, chúng tôi cũng đang tiến hành tạo điều kiện để một lượng lớn các sản phẩm lương thực của Armenia vào thị trường Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Armenia tại Việt Nam Vahram Kazhoyan nhân dịp ông bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam. (Ảnh: ĐSQ cung cấp)

PV: Mặc dù quan hệ chính trị giữa 2 nước luôn rất tốt đẹp, nhưng các mối quan hệ kinh tế - thương mại vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng. Được biết, Đại sứ quán Armenia tại Việt Nam đang lên kế hoạch tổ chức một diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Armenia nhằm nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, tạo cơ sở vững chắc cho việc mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác trong thời gian tới. Theo ông, trong thời gian tới, chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần có những quyết sách và hành động cụ thể gì để tăng cường mối quan hệ hợp tác này?

Đại sứ Vahram Kazhoyan: Việc tổ chức Kỳ họp lần thứ 2 của Ủy ban liên Chính phủ về Hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật cũng như Diễn đàn Doanh nghiệp chắc chắn nằm trong chương trình nghị sự của chúng tôi trong thời gian tới. Cùng với đó, chúng tôi phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho các sự kiện hợp tác lớn hơn trong linh vực kinh tế - thương mại.

Thực tế là Armenia là thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), cùng với Nga, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại Tự do với EAEU vào tháng 5/2015. Hiệp định này đã mở ra cơ hội lớn nhằm thúc đẩy thương mại giữa Armenia và Việt Nam.

PV: Năm 2013, Cộng hòa Armenia đã mở Đại sứ quán tại Việt Nam. Ông có thể chia sẻ ấn tượng của mình về đất nước, con người Việt Nam kể từ khi đảm nhiệm vai trò Đại sứ Cộng hòa Armenia tại đất nước chúng tôi?

Đại sứ Vahram Kazhoyan: Armenia không có nhiều Đại sứ quán trên thế giới. Chúng tôi hiện có 5 Đại sứ quán ở khu vực châu Á, bao gồm các trụ sở đặt tại New Delhi, Bắc Kinh, Tokyo, Jakarta và Hà Nội. Đại sứ quán Armenia được mở tại Hà Nội với mục đích thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ song phương tốt đẹp vốn có của chúng ta. Quyết định này dựa trên thỏa thuận của hai bên về việc mở Đại sứ quán ở cả hai thủ đô của hai nước và chúng tôi vẫn đang chờ đợi Việt Nam sẽ mở Đại sứ quán tại Yerevan trong thời gian tới.

Tôi hiện đang là Đại sứ thứ 2 của Cộng hòa Armenia tại Việt Nam. Tôi đến Hà Nội vào 18/7/2019 và đã trình Quốc thư lên Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào ngày 7/8/2019. Như đã nói ở trên, tôi đã đến thăm Việt Nam trước đó, vào năm 1992.  Và từ khi đảm nhận cương vị Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Armenia tại Việt Nam vào năm 2019, tôi đã nhận thấy một đất nước Việt Nam hoàn toàn khác. Tôi đang được chứng kiến sự phát triển nhanh chóng và hiệu quả của Việt Nam, cùng với đó là một đất nước Việt Nam tươi đẹp; con người Việt Nam chăm chỉ, tốt bụng và đáng tự hào. Tôi thấy rất vui khi những địa danh du lịch tuyệt đẹp của Việt Nam nằm trong số những điểm đến được yêu thích của du khách Armenia. Tôi hy vọng sẽ có nhiều thời gian để chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp của các bạn trong nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam

PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021?

 Đại sứ Vahram Kazhoyan: Năm 2020 là một năm khác thường khi cả thế giới phải đối mặt với một đại dịch chưa từng xảy ra trong lịch sử và chắc chắn, đây cũng là một năm đặc biệt đối với Việt Nam, khi Việt Nam là một trong số các quốc gia đã đạt được những kết quả tốt nhất trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đây cũng là một năm đặc biệt đối với đất nước các bạn trên phương diện ngoại giao đa phương khi Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021.

Năm 2020 đã đặt ra những thách thức lớn đối với Việt Nam, tuy nhiên cũng ghi nhận nhiều nỗ lực và thành công của Việt Nam trong việc chủ động thích ứng để vượt qua các rào cản. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công dưới hình thức trực tuyến và bán trực tuyến tất cả các cuộc họp trong chương trình nghị sự.

Giờ đây, khi thế giới bước sang năm mới 2021, có thể nói Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị Chủ tịch ASEAN, đưa ASEAN tiếp tục phát triển và trở thành khu vực kinh tế mũi nhọn của thế giới trong năm 2021. Tôi khẳng định chắc chắn, các Nghị quyết được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa qua sẽ kiên định đưa Việt Nam trên con đường phát triển trong giai đoạn 2021-2025, cũng như đến tiến đến năm 2045 và xa hơn nữa.

PV: Ông có mong muốn gì nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác song phương giữa hai nước trong thời gian tới?

 Đại sứ Vahram Kazhoyan: Theo tôi, ngoài mối quan hệ chính trị hết sức tốt đẹp, hai nước chúng ta cũng cần xúc tiến thêm những hoạt động thiết thực nhằm vun đắp cho mối quan hệ này. Chúng ta cần phải tăng cường hơn nữa các cuộc trao đổi đoàn. Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Phu nhân tới Việt Nam vào năm 2019 nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa Việt Nam – Armenia, trao đổi hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng. Việt Nam và Armenia đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác, đồng thời cam kết sẽ thực hiện các chuyến thăm trong tương lai gần. Cũng tại chuyến thăm này, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cũng đã gửi lời mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Armenia.

Theo tôi, hai nước cũng cần đề cao mối quan hệ con người với con người. Để làm được điều này, chúng ta cần tích cực hợp tác thúc đẩy du lịch, giao lưu văn hóa. Trên cương vị Đại sứ Cộng hòa Armenia tại Việt Nam, tôi muốn giới thiệu lịch sử và văn hóa phong phú của Armenia đến người dân Việt Nam, cũng như giới thiệu văn hóa Việt Nam với người dân Armenia thông qua việc tổ chức các sự kiện triển lãm và biểu diễn âm nhạc tại cả Armenia và ở Việt Nam, qua đó làm nổi bật các di sản văn hóa và lịch sử của cả hai nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện. Nhân dịp Năm mới Tân sửu 2021, kính chúc ông sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

 

 

Hoài Hà (thực hiện)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực