Tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp

Thứ ba, 16/02/2021 08:44
(ĐCSVN) - Là một Bộ đa ngành, đa lĩnh vực với phạm vi quản lý rộng, thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai quyết liệt công tác cải cách hành chính (CCHC), thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp, từ cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải cách tổ chức bộ máy cho đến đổi mới quy trình quản lý hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC lĩnh vực Tài chính.
Ngành Tài chính tiếp tục đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy cho đến đổi mới quy trình quản lý hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (Ảnh: M.P)

Cung cấp 100% thủ tục hành chính trực tuyến

Trong năm 2020 vừa qua, với những khó khăn, thách thức chưa từng có do tác động của đại dịch COVID- 19, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, chủ động xây dựng trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Về cải cách thể chế, Bộ Tài chính đã tập trung triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài chính - NSNN, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính; hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng pháp luật, pháp lệnh được giao.

Đặc biệt, trước những tác động to lớn của đại dịch COVID-19 đến sức khỏe, đời sống, kinh tế- xã hội, ngành Tài chính đã đi tiên phong trong đề xuất với Chính phủ các giải pháp về chính sách tài khoá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, ứng phó dịch bệnh, trong đó có nhiều văn bản về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của dịch COVID-19 như: Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Quyết định về việc giảm tiền thuê đất của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19...

Về cải cách TTHC, Bộ Tài chính đã thực hiện 180/180 nhiệm vụ CCHC theo kế hoạch (đạt 100%); bãi bỏ 39 TTHC và sửa đổi, bổ sung, thay thế 60 TTHC trong các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, công sản, kế toán, kiểm toán; công khai cập nhật đầy đủ lên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, đã ban hành danh mục 303 chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính và sửa đổi 57 chế độ báo cáo, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ.

Về xây dựng chính phủ điện tử, Bộ Tài chính đã vận hành, kết nối phần mềm quản lý văn bản để gửi văn bản đi điện tử với 96 cơ quan, đơn vị và nhận văn bản đến điện tử với 356 cơ quan, đơn vị thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia, đảm bảo thông suốt, đồng bộ. Tính đến nay, 100% số TTHC của Bộ Tài chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt gần 60%. Đồng thời, có tới 51% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 của Bộ Tài chính đã được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia, bao gồm các DVCTT như: thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế và các nghĩa vụ tài chính khác. Như vậy, Bộ Tài chính đã hoàn thành vượt 21% so yêu cầu của Chính phủ. Tổng số hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 năm 2020 toàn ngành tài chính là hơn 98 triệu hồ sơ.  Các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính cung cấp ngày càng nhiều tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan tài chính.

Điển hình như: đối với lĩnh vực Hải quan, đến nay đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị hải quan thông qua hệ thống VNACSS/VCIS; triển khai cổng thanh toán điện tử tại tất cả các Cục hải quan với 98,6% số thu ngân sách bằng phương thức điện tử; triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động các cảng, kho, bãi tại 33/35 Cục Hải quan; triển khai cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không... Kết nối 13/14 bộ, ngành, với 207 thủ tục hành chính được thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia và trên 43.700 doanh nghiệp tham gia. Trao đổi chứng nhận xuất xứ C/O mẫu D điện tử với 9 nước ASEAN qua Cơ chế một cửa ASEAN. Tổng cục Hải quan cũng đã xây dựng dự thảo Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu“, nhằm cải cách căn bản, toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm giải quyết triệt để những tồn tại, bất cập hiện nay.

Đối với lĩnh vực Thuế, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai đến 100% Chi cục Thuế tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, với 99,91% số doanh nghiệp tham gia; số doanh nghiệp đăng ký tham gia dịch vụ nộp thuế điện tử đạt 98,9%; thực hiện hoàn thuế điện tử đạt 97,54%; triển khai cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, với 255 doanh nghiệp tham gia thí điểm...

Đối với lĩnh vực Kho bạc Nhà nước, tính đến ngày 30/11/2020, toàn hệ thống KBNN đã hoàn thành kết nối 100% đơn vị sử dụng ngân sách thuộc đối tượng giao dịch qua Dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 và tích hợp thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công Quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính.

Việc đẩy mạnh triển khai Dịch vụ công trực tuyến đã góp phần cải cách hành chính mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách có thể giao dịch với Kho bạc Nhà nước 24/7, giúp giảm thời gian đi lại và  giảm chi phí hoạt động cho các đơn vị.

Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: Từ năm 2017 (ngày 30/6/2017) đến nay, ngành Tài chính đã thực hiện cắt giảm 4.328 đầu mối các đơn vị từ trung ương đến địa phương. Tính đến năm 2020, đã giảm được khoảng 6.460 biên chế, tương đương 8,7% tổng số biên chế được giao so với năm 2015.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá, với những nỗ lực trong công tác CCHC nêu trên, kết quả của Bộ Tài chính năm 2020 đã được các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp ghi nhận thông qua việc đánh giá các chỉ số, cụ thể: Từ năm 2014 đến năm 2019 (06 năm liên tiếp), Bộ Tài chính luôn được xếp trong nhóm 03 Bộ đứng đầu về Chỉ số CCHC, trong đó có 05 năm được đánh giá xếp thứ 2 trong nhóm các Bộ, ngành; 8 năm liên tiếp (từ 2013 - 2020) dẫn đầu bảng xếp hạng Vietnam ICT Index (chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin) khối các bộ, ngành do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Tin học Việt Nam đánh giá và công bố; chỉ số vốn hoá thị trường Chứng khoán (do Bộ Tài chính chủ trì) tăng 18 bậc từ vị trí số 50 (năm 2018) lên vị trí số 32 (năm 2020) vượt chỉ tiêu của Chính phủ giao tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 (chỉ tiêu được giao là nâng bậc xếp hạng từ 10 đến 15 bậc trong giai đoạn 2019-2020).

Bộ Tài chính đã và đang triển khai quyết liệt công tác cải cách hành chính  (Ảnh: M.P)

Chuyển đổi số quốc gia – Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu

Bước sang năm 2021, nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, bảo đảm yêu cầu, chất lượng, kịp thời tiến tới xây dựng mô%3ḅt nền hành chính dân chủ, chuyên nghiêp, hiêu quả và có hiêu cao, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của người dân, doanh nghiệp khi TTHC thuộc lĩnh vực tài chính, trong năm 2021, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khơi thông nguồn lực, tiếp tục nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp về chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị tác động bởi dịch COVID-19.

Hai là, tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm soát TTHC, giảm thời gian và nâng cao chất lượng giải quyết thủ TTHC liên quan tới người dân, doanh nghiệp. Thực hiện tốt việc công khai TTHC; Cập nhật kịp thời lên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC đối với những TTHC mới, điều chỉnh hoặc bãi bỏ.

Ba là, rà soát và đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, trong đó tập trung vào nghiên cứu giảm thời gian, giảm hồ sơ, giấy tờ và chi phí thực hiện TTHC liên quan trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp (đảm bảo đến năm 2025 thực hiện cắt giảm, đơn giản hoá ít nhất 20% số quy định và chi phí tuân thủ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ).

Bốn là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của Bộ Tài chính; tiếp tục xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; thực hiện chuyển đổi số quốc gia hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, nâng cao hiệu quả hoạt động toàn ngành thông qua Chính phủ điện tử và các công cụ số hóa; tiếp tục đánh giá hiệu quả, đề xuất xây dựng và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính; triển khai Phần mềm ứng dụng của các Hệ thống thông tin Một cửa điện tử để ứng dụng tại Bộ phận Một cửa của Bộ Tài chính.

Năm là, tiếp tục mở rộng triển khai các dịch vụ: Khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà; vận hành ổn định và nâng cao hiệu quả Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN...

Đặc biệt, để thực hiện chuyển đổi số theo Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 3/6/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1874/QĐ-BTC ngày 27/11/2020 về ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính. Trong đó, xác định rõ việc triển khai chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - kinh tế nói riêng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu quan trọng đối với Bộ Tài chính. Để thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ giao tại Quyết định số 749/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân về tính cấp thiết của việc chuyển đổi số.

Về định hướng kế hoạch trong giai đoạn tới, Bộ Tài chính phấn đấu sẽ hoàn thành xây dựng hệ sinh thái tài chính số hiện đại với những nền tảng và cơ chế kết nối, chia sẻ thông minh tạo ra những giá trị gia tăng thông minh để phát triển kinh tế số, đảm bảo cơ chế chia sẻ dữ liệu công khai, minh bạch. Về cơ chế chính sách, Bộ Tài chính sẽ thực hiện sửa đổi các văn bản cơ chế chính sách đảm bảo giảm thiểu các quy trình, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số./.

Minh Phương
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực