Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường với phóng viên báo chí về những định hướng phát triển của ngành Nông nghiệp trong năm 2021 trong bối cảnh ngành vẫn được dự báo sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức mới.
|
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường (Ảnh: BT) |
Phóng viên (PV): Năm 2020 được đánh giá là một năm khó khăn, không chỉ đối với các ngành kinh tế mà còn đối với ngành Nông nghiệp. Vậy trong năm qua, ngành đã có những bước phát triển như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Năm 2020 là năm thách thức rất lớn cho ngành Nông nghiệp. Vượt qua khó khăn, vượt qua thách thức, ngành Nông nghiệp đã đạt được kết quả rất bao trùm. Một là tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 2,65% - đây là chỉ tiêu chung đánh giá sự phát triển rất tốt của ngành. Thứ hai, ngành đã đẩy mạnh được sản xuất, nhất là hai nhóm sản phẩm lớn là lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng của nhân dân và đáp ứng cho yêu cầu xuất khẩu.
Chỉ tiêu thứ 2 mà ngành đạt được đó là xuất khẩu. Năm 2020, mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19 rất lớn dẫn đến đứt gãy nguồn cung cũng như chuỗi cung ứng của toàn cầu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đạt được giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 41,25 tỷ USD, đây là con số cao nhất từ trước đến nay.
Về mục tiêu xây dựng nông thôn mới, chúng ta đã hoàn thành được chỉ tiêu, đến hết năm 2020, đã có 62% số xã về đích nông thôn mới, vượt chỉ tiêu đề ra cho năm 2020 và vượt chỉ tiêu mà Quốc hội giao cho Chính phủ ở như khu vực này.
Cũng trong năm 2020, mặc dù thiên tai khắc nghiệt như vậy nhưng chúng ta đã hạn chế được mức thấp tỷ lệ thiệt hại trong hoàn cảnh dị thường của thời tiết và diễn biến thiên tai dưới tác động cực đoan của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện, đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân của người nông dân vào khoảng 43 triệu đồng/người/năm.
Chúng tôi đánh giá năm 2020 là năm cả hệ thống chính trị, toàn dân vượt khó đi lên và đạt được những kết quả tương đối nền tảng.
PV: Trong bối cảnh hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam đã và đang đi vào thực hiện, các quốc gia trên thế giới đã cùng với Việt Nam thực thi những Hiệp định này. Theo Bộ trưởng, ngành Nông nghiệp Việt Nam sẽ có những cơ hội và thách thức như thế nào khi hội nhập?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trong lộ trình hội nhập với kinh tế toàn cầu, chúng ta có một điểm rất tích cực đó là chủ động hội nhập. Đến thời điểm này, chúng ta đã có 13 FTA với các quốc gia, các thị trường lớn trên thế giới. Đây là một cố gắng vượt bậc. Ngay trong năm 2020, Việt Nam cũng đã có được những FTA được ký kết. Điều này chứng tỏ rằng chúng ta đang tiếp tục lộ trình hội nhập kinh tế toàn cầu.
Các FTA, đặc biệt các FTA thế hệ mới mở ra triển vọng nhìn chung rất tích cực trong đó có khu vực nông nghiệp. Bởi thị trường mở ra, thuế quan được ưu đãi, do đó, ngành Nông nghiệp có cơ hội rất tốt trong việc mở rộng thị trường, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, những dòng chảy đầu tư, tiếp thu công nghệ, trao đổi hợp tác, phát triển nguồn nhân lực cũng được nâng lên. Đây là những yếu tố rất tích cực.
Tuy nhiên, phải khẳng định, ở mặt cạnh tranh, chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi rất quyết liệt mà xuất phát điểm chúng ta chưa có nhiều lợi thế thì tính khốc liệt càng cao. Nếu các hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ thì các hàng rào phi thuế quan, hàng rào kỹ thuật, thậm chí trên thế giới hiện nay đang có một số khu vực đang tiến tới con đường bảo hộ mậu dịch.
Mặt khác, trình độ phát triển logistics, trình độ hoàn thiện các mặt quản trị khác của chúng ta cũng chưa được như những nền kinh tế phát triển. Chúng tôi cho rằng, đây là những thách thức rất lớn mà chúng ta phải đối mặt.
PV: Năm 2021 được đánh giá là năm mà ngành Nông nghiệp sẽ phải tiếp tục đối mặt với những thách thức và khó khăn. Trong năm mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ ưu tiên nhóm giải pháp gì để thực hiện mục tiêu đề ra, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Năm 2021, chúng tôi nhận định thế giới vẫn phải chấp nhận những rủi ro và thách thức vô cùng lớn, trong đó, nổi lên, bao trùm đó là dịch COVID-19 vẫn chịu tác động rất lớn và sẽ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, là chuỗi cung cũng như logistics chung, trong đó có nhóm nông sản của Việt Nam. Bên cạnh đó, thách thức từ tác động của biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục rất cực đoan, khắc nghiệt và diễn biến nhanh chóng hơn cả chúng ta dự báo.
Những thách thức này sẽ tác động vào cả khu vực kinh tế của chúng ta, trong đó có khu vực nông nghiệp. Trước tình hình đó, chúng tôi xác định sẽ tập trung vào 2 nhóm chương trình lớn. Một là, tập trung tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Theo đó, tập trung xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại, liên kết khép kín theo chuỗi giá trị, từ phát triển nguyên liệu, cho đến tập trung chế biến, tổ chức thương mại. Trên cơ sở đồng bộ cả ba nhóm sản phẩm chủ lực của chúng ta gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, bao gồm 10 nhóm mặt hàng mà chúng ta có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên; đồng bộ với đó là nhóm nông sản thuộc thế mạnh của các tỉnh, ví dụ như nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Bắc Giang…Nhóm thứ ba là nhóm đặc sản quy mô địa phương hay còn gọi Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Như vậy, với việc đồng hành cùng một lúc ba trục sản phẩm, chúng ta đều phải tập chung chỉ đạo phát triển theo hướng hàng hóa, hiệu quả trên cơ sở ứng dụng khoa học tốt nhất, công nghệ 4.0 vào từng quy mô, từng khu vực ở mức độ phù hợp.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp sẽ không ngừng đổi mới công tác quản trị trên nền tảng của công nghệ số, nền tảng của công nghệ 4.0 để làm sao có được các hình thức quản trị thích hợp, phù hợp nhất, đặc biệt là các hình thức tổ chức sản xuất dưới một nền nông nghiệp thông minh.
Và hướng đến hội nhập, chúng ta cần chăm lo chất lượng sản phẩm. Do đó, nhánh nông nghiệp hữu cơ, nhánh nông nghiệp sạch, nhánh nông nghiệp đặc sản cần phải chú ý hơn nhiều để làm sao từng bước trở thành phổ quát trong đời sống sản xuất. Điểm nữa là tập trung nỗ lực các nhóm giải pháp để làm sao mời gọi được nhiều doanh nghiệp hơn nữa vào và trở thành nòng cốt, hạt nhân trong chuỗi liên kết. Cùng với việc thành lập nhiều hợp tác xã kiểu mới, cùng với các hộ nông dân hình thành liên kết, làm sao để giữa người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp thành trục liên kết nhuần nhuyễn, hoàn thiện trong tất cả các quy mô sản xuất, cấp độ, ngành hàng. Như vậy, chúng ta mới đạt được mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, hội nhập và chủ động, hiệu quả.
PV: Khẳng định vai trò nòng cốt, hạt nhân của các doanh nghiệp trong các chuỗi giá trị và trong năm 2020, chúng ta cũng đã chứng kiến làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp. Vậy làm thế nào để thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Đánh giá thành công của khu vực tái cơ cấu Nông nghiệp và phát triển Nông thôn trong những năm qua cho thấy có một nguyên nhân rút ra đó là việc các doanh nghiệp phát triển, gắn kết chặt chẽ với hợp tác xã đã trở thành hạt nhân trụ cột trong liên kết với bà con nông dân. Chúng tôi coi rằng đây là một trong những nhân tố, một nhóm giải pháp rất quan trọng, thậm chí quyết định đến chất lượng tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, hội nhập.
Do đó, tới đây, chúng ta cần tiếp tục các giải pháp tổng thể để khuyến khích nhiều hơn doanh nghiệp đầu tư vào Nông nghiệp nói riêng và khu vực Nông thôn nói chung. Từ đó, chúng ta xây dựng một Nông thôn ngày càng giàu có, văn minh, và xây dựng một nền Nông nghiệp hiện đại. Do đó, chúng tôi rất trân trọng các thành tố doanh nghiệp, hợp tác xã.
Tới đây, với vai trò quản lý của ngành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tham mưu với Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, đặc biệt là thủ tục hành chính. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để làm sao tạo điều kiện thông thoáng nhất, thuận lợi nhất để các doanh nghiệp được đầu tư vào khu vực nông nghiệp.
Thứ nữa, không chỉ doanh nghiệp, chúng ta còn xúc tiến người nông dân đẩy nhanh hơn quá trình hình thành các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới của mình. Bởi vì, bản thân doanh nghiệp không thể “với xuể hết” đến từng hộ gia đình mà phải thông qua các tổ chức kinh tế của người nông dân, chính là các hợp tác xã kiểu mới.
Có như vậy, chúng ta mới hình thành được trục sản xuất doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân thành một thể thống nhất và điều này hết sức phù hợp với Việt Nam. Đó là đi lên từ những mảnh ruộng nhỏ của rất nhiều nông dân nhưng vẫn có một nền sản xuất lớn, tập trung, quy mô hàng hóa, phù hợp với đặc thù từng ngành, từng khu vực. Bởi vì, chúng ta đã xác định được trụ cột liên kết là chìa khóa tạo ra một nền nông nghiệp hiện đại gồm: “doanh nghiệp- hợp tác xã- bà con nông dân”.
PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Bộ trưởng!./.