Tây Ninh vươn lên trong khó khăn

Thứ ba, 16/02/2021 15:56
(ĐCSVN) - Năm 2020 khép lại với rất nhiều thành công mà tỉnh Tây Ninh đã đạt được. Dấu ấn rõ nét nhất của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Tây Ninh trong năm 2020 là đã thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa bảo đảm chặt chẽ phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Những kết quả khả quan

Khu du lịch đang được hoàn thiện trên núi Bà Đen- Tây Ninh. (Ảnh: K.V)

Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch COVID-19, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân trong tỉnh; sự phối hợp tốt với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các tập đoàn kinh tế; sự linh hoạt, nhạy bén trong quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh đã có những chuyển biến tích cực, đạt được kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực với nhiều dấu ấn nổi bật.

Theo đó, các cấp uỷ đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện cũng như sơ kết, tổng kết nghiêm túc, kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và của Tỉnh ủy bằng nhiều hình thức, đổi mới, hiệu quả. Đăc biêt, đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, nhất là Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, bảo đảm tiến độ, yêu cầu về nội dung, nguyên tắc, quy định theo đúng Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị. Ngay sau đại hội, đã chỉ đạo làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tổ chức học tập, quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết, xây dựng quy chế làm việc và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với các nội dung sát hợp, khả thi.

Ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, địa phương này đã thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa bảo đảm chặt chẽ phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 3,9% so với cùng kỳ, tuy không đạt Nghị quyết đề ra (tăng 8% trở lên) nhưng là kết quả cao nhất mà tỉnh có thể đạt được và cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 10.050 tỷ đồng, đạt 100,5% dự toán, tăng 4,6% so với cùng kỳ; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GRDP đạt 40,1%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực, uớc đạt 98,63% kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo ước giảm 0,7%, Tây Ninh không còn hộ nghèo chuẩn Trung ương, là 1 trong 5 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất so với cả nước.

Cùng với đó, hạ tầng - nhất là hạ tầng giao thông - được quan tâm đầu tư đồng bộ, kết nối nội tỉnh phục vụ phát triển nông nghiệp, công nghiệp, đô thị và du lịch. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Tây Ninh triển khai dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, dự án đường cao tốc Gò Dầu - Thành phố Tây Ninh - Xa Mát; quy hoạch trung tâm Logistics, đường thuỷ nội địa, cảng cạn ICD... trên địa bàn tỉnh. Các dự án này khi triển khai thực hiện sẽ góp phần tháo gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông kiềm chế sự phát triển của tỉnh Tây Ninh trong thời gian qua cũng như tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và cả vùng Đông Nam Bộ. 

Tỉnh này cũng hoàn thành 100% công tác phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh, trong đó thành phố Tây Ninh cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II; huyện Trảng Bàng và huyện Hòa Thành được công nhận là đô thị loại IV và trở thành thị xã; thị trấn thuộc các huyện còn lại đạt tiêu chí đô thị loại V, đưa tỷ lệ đô thị hóa của Tây Ninh đạt 41,8%, tăng gấp 02 lần so với giai đoạn 2010-2015. Đây là dấu mốc quan trọng trong phát triển đô thị của tỉnh.

Đồng thời, Tây Ninh còn tổ chức thành công Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ, góp phần quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư và mở rộng thị trường du lịch của tỉnh. Trước đó, Tây Ninh đã mời gọi thành công Tập đoàn Sun Group đầu tư vào Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, xây dựng tuyến cáp treo lên đỉnh núi được Guinness World Records công nhận kỷ lục “Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới”; Tập đoàn Vingroup đầu tư Trung tâm thương mại Shophouse và khách sạn 5 sao Vinpearl. Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát được vinh danh là Di sản ASEAN... Đây là những “cú hích” lớn, tạo động lực mạnh mẽ để hiện thực hoá mục tiêu đến năm 2030 Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; phối hợp tổ chức thành công Hội thảo “Khu kinh tế Mộc Bài - Lựa chọn mô hình và định hướng phát triển”. Đây là nỗ lực lớn của tỉnh để nghiên cứu tìm ra động lực mới phát triển Khu Kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài tương xứng với tiềm năng, lợi thế, bắt kịp xu hướng phát triển công nghiệp, thương mại, đầu tư trong thời kỳ nước ta mở rộng hội nhập quốc tế sâu rộng, đưa nơi đây trở thành cực tăng trưởng cao của tỉnh trong tương lai.

Trong năm 2020, tỉnh Tây Ninh đã đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát - điều hành đô thị thông minh, giúp hỗ trợ tích cực công tác quản lý, lãnh đạo, điều hành các hoạt động của đô thị thông minh, cung cấp các công cụ hỗ trợ người dân một cách tập trung, nhanh chóng, hiệu quả, góp phần vào việc giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, giảm thiệt hại khi có sự cố cháy, giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của Tây Ninh.

Đồng thời, đưa vào hoạt động hai bệnh viện đa khoa tư nhân (giai đoạn 1) với quy mô 600 giường bệnh (Bệnh viện đa khoa tư nhân Hồng Hưng, Bệnh viện đa khoa tư nhân Xuyên Á), góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực ngành Y tế tỉnh nhà và cung cấp thêm các dịch vụ tiện ích chất lượng cao trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Có thể nói, dù còn một số hạn chế nhất định, nhưng những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội của Tây Ninh năm 2020 là rất tích cực. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Tây Ninh thêm tự tin trên hành trình xây dựng và phát triển quê hương, nỗ lực thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và các năm tiếp theo.

Xác định rõ ràng các mục tiêu

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND  tỉnh Tây Ninh, các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025 chính là sự cụ thể hoá của quyết tâm, khát vọng phát triển đi lên của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Tây Ninh trong giai đoạn mới. Với quan điểm “Phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”, chính vì vậy, trong 5 năm tới, Tây Ninh tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chương trình đột phá với quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống chính trị.

Đó là đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; trong đó, tập trung hiện thực hóa dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư. Cùng với đó là đột phá về phát triển nông nghiệp công nghệ cao; trọng tâm là hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng mô hình nông nghiệp theo chuỗi giá trị.

Tây Ninh cũng sẽ có đột phá về phát triển du lịch, trọng tâm là phát triển nhanh, đưa Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen trở thành Khu du lịch đẳng cấp của khu vực và quốc gia, là tâm điểm dẫn dắt, kết nối lan tỏa du lịch địa phương và khu vực Đông Nam bộ.

Ngoài ra, địa phương này còn quyết tâm đột phá về phát triển nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin; trong đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho hệ thống chính trị và các thành phần kinh tế, nâng cao các chỉ số PCI, ICT, PAPI và PAR Index; xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, thông thoáng, minh bạch, có sức cạnh tranh; từng bước thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số, đô thị thông minh.

Biến cơ hội thành hiện thực

Một góc TP Tây Ninh. (Ảnh: Báo Tây Ninh) 

Có thể nói, Tây Ninh đã bắt được cơ hội phát triển của mình, nhưng để biến cơ hội thành hiện thực thì phải có bộ máy thực sự chuyên nghiệp và hành động nhanh chóng. Chính vì vậy, thách thức đặt ra đối với bộ máy của Tây Ninh trong những năm tiếp theo là rất lớn. Đây là vấn đề mà lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã nhận thấy từ sớm và đưa vào chương trình đột phá trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá X, XI. Đến nay, đội ngũ cán bộ của tỉnh đã được chuẩn hóa theo chức danh, vị trí việc làm, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ, chủ động, quyết tâm, trách nhiệm hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Cải cách hành chính, môi trường đầu tư chuyển biến tích cực; các chỉ số PCI, PAR Index hằng năm luôn nằm trong nhóm tốt.

Tây Ninh đang tiếp tục hoàn thiện mô hình “một cửa”, đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công tỉnh, cấp huyện, triển khai giai đoạn 1 Trung tâm điều hành kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm tiếp nhận một số thủ tục hành chính qua ứng dụng Zalo. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận là, trong công tác cán bộ và xây dựng bộ máy chuyên nghiệp, phục vụ thì Tây Ninh vẫn còn một số hạn chế. Nổi bật là, cải cách hành chính chưa toàn diện; quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực có mặt chưa tốt; nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ còn bất cập.

Trong giai đoạn 2020-2025, Đảng bộ tỉnh Tây Ninh tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, tập trung vào những nội dung quan trọng như đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả chính sách đào tạo, thu hút nhân tài; chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp, đào tạo nghề. Đặc biệt, tỉnh sẽ thực hiện thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý, đi đôi với chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp với vị trí việc làm.

Tây Ninh sẽ gắn kết chặt chẽ công tác đánh giá cán bộ với công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ, bảo đảm tính “động và mở”. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ; chú trọng luân chuyển cán bộ trẻ nhằm rèn luyện và đào tạo cán bộ.

Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với xác định rõ trách nhiệm và xử lý về trách nhiệm. Triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến 2030. Cùng với đó, Tỉnh tiếp tục hoàn thiện mô hình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính “một cửa” ở chính quyền các cấp. Nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm hành chính công, Trung tâm điều hành kinh tế - xã hội và Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa dịch vụ hành chính công, nâng cao ý thức trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo, tinh thần thái độ phục vụ, gắn kết quả đánh giá của người dân, doanh nghiệp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư với tiêu chí đánh giá, xếp loại tổ chức và cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu./.

K.V
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực