Đại biện lâm thời Ukraine: Tết Việt gợi lên những cảm xúc mến thương
Là một nhà ngoại giao có hơn 8 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam và được đón 8 cái Tết cổ truyền của người Việt, bà Nataliya Zhynkina - Đại biện lâm thời Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam chia sẻ: “Với tôi, cứ nhắc đến Tết là nhắc đến sự sum vầy, là gợi lên trong lòng tôi tràn đầy những cảm xúc mến thương. Tôi đến Việt Nam học tập và làm việc từ những năm 2001, được đón rất nhiều cái Tết truyền thống cùng bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp người Việt Nam nên ngày Tết của người Việt đã trở thành một trong những ngày lễ khiến tôi mong chờ nhất trong năm.”
|
Đại biện lâm thời Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam Nataliya Zhynkinacho gửi lời chúc mừng năm mới tới toàn thể người dân Việt Nam (Video: Thu Lan) |
Bà Nataliya Zhynkinacho biết, bà rất thích khung cảnh của thành phố Hà Nội khi vào xuân. Phố xá trở nên vắng vẻ và yên tĩnh, nhà cửa được trang hoàng đẹp đẽ, mọi người như sống chậm lại, ăn mặc đẹp hơn và cười nói nhiều hơn. Khi đi trên đường, dù gặp bất kỳ ai cũng đều nhận được lời chúc thân thương “Chúc mừng Năm mới!” khiến bà cảm thấy trong lòng rộn rã niềm vui và lâng lâng cảm giác trìu mến.
“Tôi thích nhất các chợ hoa dịp Tết. Trên đường từ Đại sứ quán về nhà, tôi thường đi qua con phố Lạc Long Quân và được nhìn thấy cảnh người dân đi chọn đào, quất về chơi Tết, tôi thấy rất vui và thú vị. Tôi cũng thích phong tục mừng tuổi của người Việt Nam vào dịp Tết. Thời còn là sinh viên ở Việt Nam, tôi đã được các thầy cô giáo và những người bạn lớn tuổi hơn tặng phong bao lì xì. Bây giờ, tôi cũng có thói quen mừng tuổi cho các em bé, nhân viên Đại sứ quán và người giúp việc cho gia đình chúng tôi.” - bà Nataliya Zhynkina thích thú chia sẻ.
Chia sẻ về kế hoạch đón xuân Tân Sửu, bà Nataliya Zhynkinacho biết: “Năm nay, tôi có kế hoạch sẽ mua cây quất về nhà trang trí đón Tết và sẽ chuẩn bị những phong bao lì xì. Ngoài ra, tôi sẽ dành thời gian đi thăm những ngôi chùa ở Hà Nội. Có một ngôi chùa ở Hà Nội mà tôi rất thích là chùa Vạn Niên. Tôi sẽ cùng gia đình đến ngôi chùa này vào dịp Tết nguyên đán năm nay, vừa để tham quan vãn cảnh chùa, vừa để tìm hiểu nét văn hoá truyền thống đi chùa đầu năm của người Việt Nam.”
Đại sứ Kazakhstan: Tết cổ truyền mang đậm giá trị nhân văn của người Việt
|
Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Yerlan Baizhanov (Ảnh: Thu Lan) |
Đây là năm thứ hai Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Yerlan Baizhanov được đón Tết tại Việt Nam. Ông nhận thấy, ngày Tết thực sự là lễ hội chính trong năm, mang ý nghĩa tinh thần sâu sắc và thấm đẫm những giá trị nhân văn của người Việt. Trong ngày Tết, mọi người đều làm điều tốt, mang đến cho nhau niềm vui, thể hiện sự quan tâm dành cho những người thân trong gia đình và bè bạn. Ông cho biết, một phong tục trong ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam khiến ông thấy ấn tượng nhất chính là phong tục thờ cúng tổ tiên. Ông cho rằng, chính phong tục thờ cúng tổ tiên để tưởng nhớ những thế hệ đi trước và những người đã mất đã tạo ra những giá trị văn hóa sâu sắc trong đời sống tinh thần của người Việt, hướng họ đến với những điều thiện. Điều này cũng góp phần gắn kết truyền thống dân tộc của người Kazakhstan và người Việt Nam.
Đại sứ Yerlan Baizhanov tiết lộ, trong dịp Tết năm nay, ông và gia đình có kế hoạch sẽ rời thành phố Hà Nội đến du lịch tại một thành phố biển để tận hưởng không khí của biển và khám phá thêm những vùng đất xinh đẹp của Việt Nam. Nhưng ông cũng sẽ căn cứ vào diễn biến thực tế của dịch COVID -19 để quyết định có thực hiện chuyến du lịch Tết này hay không.
Đại sứ Ấn Độ: Tết Việt đề cao giá trị của gia đình
|
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma (Ảnh: Thu Lan) |
Chia sẻ về những điểm chung trong phong tục đón năm mới của người Ấn Độ và người Việt Nam, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma cho biết, nếu như ở Việt Nam, Tết cổ truyền là ngày lễ quan trọng nhất thì ở Ấn Độ, lễ hội ánh sáng Diwalli lại là ngày lễ quan trọng và có ý nghĩa nhất đối với người dân Ấn Độ. Dù thời gian diễn ra của hai ngày lễ này không trùng nhau nhưng điểm chung là trong thời gian diễn ra lễ hội, hầu hết mọi người đều sẽ gác lại công việc bận rộn để trở về đoàn tụ bên gia đình, cùng nhau tận hưởng những khoảnh khắc sum vầy hạnh phúc và thưởng thức các món ăn truyền thống của dân tộc. Ông cho rằng, việc đề cao giá trị của gia đình là một trong những nét đẹp khiến ông vô cùng ngưỡng mộ trong văn hóa của người dân Việt Nam.
Đây là cái Tết thứ hai của Đại sứ Pranay Verma tại Việt Nam. Tết năm ngoái, ông đã đến thăm một vài người bạn Việt Nam tại Hà Nội. Ông nhận thấy, không khí trước Tết một ngày rất nhộn nhịp nhưng bắt đầu từ ngày mùng 1 Tết thì đường phố Hà Nội trở nên vắng vẻ và yên bình. Trong dịp Tết năm ngoái, các nhân viên của Đại sứ quán Ấn Độ đã cùng nhau nấu một vài món ăn Việt Nam và đã có những trải nghiệm rất đặc biệt. Dịp Tết năm nay, ông dự định sẽ dành thời gian nhiều hơn cho gia đình và sẽ tổ chức một vài sự kiện kỉ niệm ngày Tết cổ truyền cùng các cán bộ người Việt Nam đang làm việc trong Đại sứ quán.
Nhân dịp xuân Tân Sửu, Đại sứ Pranay Verma chúc toàn thể người dân Việt Nam một năm mới hạnh phúc, thịnh vượng. Ông cũng hy vọng rằng, bước sang năm mới, mối quan hệ hữu nghị chặt chẽ giữa Ấn Độ và Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa. /.