Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ kỳ vọng đạt 15 tỷ USD trong thời gian tới

Thứ hai, 15/02/2021 08:32
(ĐCSVN) - Trong năm 2020, mặc dù đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế thế giới, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ vẫn đạt gần 10 tỷ USD. Nhân dịp đầu Xuân năm mới 2021, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng xung quanh vấn đề này.
Ông Bùi Trung Thướng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ. (Ảnh: KL) 

Phóng viên (PV): Ông có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật trong quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ trong năm 2020?

Tham tán Thương mại Bùi Trung Thướng: Trong năm 2020, mặc dù đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế thế giới, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn đạt gần 10 tỷ USD, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ trong khối ASEAN.

Đại dịch COVID-19 đã làm nhu cầu tiêu dùng của sản phẩm công nghiệp giảm đáng kể, nhưng vẫn ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc của một số mặt hàng nông sản, thực phẩm. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trong năm 2020 xuất khẩu chè tăng 272%; xuất khẩu sản phẩm từ cao su tăng 31,5%; xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ như mây tre, cói thảm tăng 18,5%; xuất khẩu hạt điều tăng 15,7%; xuất khẩu bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc tăng 28,7%; xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 26,7% so với năm 2019.

Hợp tác về năng lượng và hợp tác về công nghệ thông tin thu được nhiều kết quả tích cực. Liên doanh ENI Viet Nam BV do ENI (Italia) nắm 50% cổ phần và ESSAR E&P Limited (Ấn Độ) nắm giữ 50% cổ phần đã phát hiện tiềm năng trữ lượng khí rất lớn, ước tính từ 7 đến 9 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên (Tcf), tương đương 200 đến 255 tỷ mét khối khí tại chỗ và khoảng từ 400 đến 500 triệu thùng khí ngưng tụ (condensate) tại mỏ Kèn Bầu nằm trong lô dầu khí 114 thuộc miền Trung Việt Nam.

Các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ đang hợp tác và triển khai nhiều dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời và điện gió) tại Việt Nam.

Điểm sáng trong công tác thu hút đầu tư từ Ấn Độ sang Việt Nam trong năm 2020 là việc Tập đoàn Công nghệ HCL đã công bố thành lập Công ty tại Việt Nam. Công ty bắt đầu hoạt động vào quý 1 năm 2021 với mục tiêu đầu tư khoảng 650 triệu USD và đào tạo 10 nghìn kỹ sư tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới. Ngược lại, tại Ấn Độ, Tập đoàn Công nghệ FPT của Việt Nam đã thành lập văn phòng tại thành phố Hyderabad Ấn Độ.

PV: Được biết, năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Đại sứ quán Việt Nam và Cơ quan Thương vụ tại Ấn Độ đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại bằng hình thức trực tuyến. Vậy ông có thể chia sẻ về ý nghĩa cũng kết quả các hoạt động trên?

Tham tán Thương mại Bùi Trung Thướng: Trong năm 2020, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức và tham gia hơn 40 chương trình xúc tiến thương mại, giao thương trực tuyến, chúng tôi tự hào là một trong những Thương vụ đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xúc tiến thương mại.

 Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức và tham gia hơn 40 chương trình xúc tiến thương mại, giao thương trực tuyến. (Ảnh: KL)

Để đánh giá hiệu quả của các chương trình thường có độ trễ nhất định, tuy nhiên, kết quả có thể nhìn thấy ngay được là vẫn duy trì được thương mại song phương, mặc dù đại dịch COVID- đã gây ảnh hưởng nặng nề đến dòng lưu chuyển thương mại, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng hàng hóa, tuy nhiên, Ấn Độ vẫn nằm trong 10 đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam.

Các buổi giao thương trực tuyến đã giúp doanh nghiệp Việt Nam tự tin hơn trên trường quốc tế, sau mỗi buổi giao thương chúng tôi nhận được nhiều thư hỏi hàng, thư đề nghị kết nối giao thương hơn. Các chương trình này đã cung cấp thông tin vừa toàn diện, đầy đủ về tất cả các ngành hàng, vừa chi tiết đối với từng ngành hàng, lĩnh vực cụ thể.

Các chương trình giao thương trực tuyến ngoài sự tham dự đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp, có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ ngành hai nước, các nhà nghiên cứu, làm chính sách, học giả… nhiều chính sách quan trọng có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và thương mại song phương đã được đưa ra thảo luận như kế hoạch xúc tiến thương mại trong và sau đại dịch COVID-19, thông qua các hoạt động này mà chính phủ Ấn Độ và Việt Nam đã nhanh chóng sửa đổi các văn bản pháp luật và chấp nhận giấy chứng nhận xuất xứ điện tử để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, nhờ vậy các hoạt động xuất nhập khẩu đã nhanh chóng được nối lại.

Thành tựu lớn nhất các chương trình này đem lại là nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp hai nước về thị trường và văn hóa tiêu dùng của mỗi nước, các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động và tự tin hơn trong thương mại quốc tế.

PV: Ấn Độ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác. Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến vô cùng phức tạp như hiện nay?

Tham tán Thương mại Bùi Trung Thướng: Phát huy kết quả đạt được trong năm 2020, ngay từ những ngày đầu năm 2021, Thương vụ tại Ấn Độ đã nhanh chóng lập các kế hoạch xúc tiến thương mại cho năm mới, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ tiếp tục thực hiện 30 - 50 chương trình xúc tiến thương mại trong năm nay. Đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại Ấn Độ và nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên, chúng tôi vẫn kỳ vọng thương mại song phương sẽ tăng trưởng 10 - 15% so với năm cũ và sớm đạt 15 tỷ USD như lãnh đạo hai nước đặt ra.

Để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước trong thời gian tới cần sự nỗ lực hơn nữa của các cơ quan nhà nước, cơ quan xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng, phòng thương mại và công nghiệp đặc biệt cần sự chủ động và tích cực hơn nữa của cộng đồng doanh nghiệp.

Quả Thanh Long là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam được người tiêu dùng Ấn Độ ưa chuộng. (Ảnh: KL)

Do đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến đời sống kinh tế xã hội, nhiều nước đã tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, gần đây chính phủ Ấn Độ cũng ban hành một số chính sách như tăng thuế đối với một số mặt hàng không thiết yếu, đề nghị rà soát lại các Hiệp định Thương mại tự do hay yêu cầu kiểm tra giấy chứng nhận xuất xứ, v.v... do vậy chính phủ các nước cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động giao thương. Đối với Hiệp hội, các phòng Thương mại và Công nghiệp cần tiếp tục thực hiện tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp, cung cấp thông tin kịp thời về thị trường và ngành hàng. Với cộng đồng doanh nghiệp cần tích cực và chủ động hơn nữa, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào quảng bá giới thiệu hàng hóa, dịch vụ, đồng thời, thường xuyên cập nhật các thông tin, diễn biến mới nhất về thị trường, các thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu của mỗi nước.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến vô cùng phức tạp đặc biệt là chủng mới lây lan nhanh như hiện nay, trọng tâm của chúng tôi trong năm 2021 sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình giao thương trực tuyến, hy vọng từ tháng 6 khi đại dịch cơ bản được kiểm soát chúng tôi sẽ thực hiện các hoạt động tham dự Hội chợ triển lãm, bố trí các buổi gặp gỡ doanh nghiệp trực tiếp.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Khánh Lan (thực hiện)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực