Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục vùng dân tộc và miền núi

Thứ hai, 15/02/2021 09:46
(ĐCSVN) - Trong nhiều năm qua, giáo dục dân tộc luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc và toàn diện của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Nhờ những chính sách hợp lý, sự đầu tư, hỗ trợ cơ sở vật chất kịp thời, chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi ngày càng được cải thiện, tiệm cận dần với chất lượng chung của cả nước.

Trong thời gian qua, các địa phương trong cả nước đã tổ chức rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương và có lộ trình hợp lý; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh; đáp ứng được các yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục theo quy định của Bộ GD&ĐT và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Diện mạo cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông được thay đổi

Cơ sở giáo dục các cấp học ở vùng DTTS, miền núi ngày càng đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc. Về cơ bản các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới đã có lớp mầm non; tất cả các xã đều có trường tiểu học hoàn chỉnh ở khu vực trung tâm xã; các điểm trường lẻ, lớp ghép được mở ở hầu hết các thôn, bản, buôn, sóc vùng sâu, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, tạo cơ hội cho trẻ em các DTTS trong độ tuổi được đi học; mạng lưới trường, lớp trung học đã phát triển đến khắp các xã, huyện.

Chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông ở miền núi, vùng DTTS đã có những chuyển biến tích cực; tỷ lệ học sinh đến trường tăng cao, học sinh lưu ban, bỏ học ngày càng giảm, tỷ lệ học sinh hoàn thành và tốt nghiệp các cấp học tăng. 

Chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi ngày càng được cải thiện. Ảnh: Đình Tăng

Bằng các chương trình, dự án của Nhà nước kết hợp với sự đầu tư của các địa phương, nhiều cơ sở giáo dục vùng DTTS, miền núi đã được xây dựng khang trang, trang thiết bị tương đối đầy đủ. Tỷ lệ trường học, phòng học kiên cố ngày càng tăng, góp phần ổn định và phát triển quy mô giáo dục. Diện mạo cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông được thay đổi.

Đến nay, đã xóa bỏ được phần lớn phòng học 3 ca, phòng học tạm các loại; tạo điều kiện cho hàng triệu học sinh được ngồi học trong các phòng học kiên cố và giải quyết điều kiện chỗ ở cho hàng vạn giáo viên (đặc biệt các tỉnh miền núi phía Bắc, các huyện miền núi của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long). Cơ sở vật chất, thiết bị trường học phục vụ hoạt động dạy và học của các cơ sở giáo dục vùng DTTS, miền núi được quan tâm đầu tư đã góp phần ổn định và phát triển quy mô giáo dục, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục phấn đấu đạt chuẩn quốc gia và hoàn thiện dần mạng lưới cơ sở giáo dục ở các địa phương.

Tất cả các DTTS đều đã có con em theo học tại trường PTDTNT

Trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), dự bị đại học (DBĐH) ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm học 2019 - 2020, Trường PTDTNT được thành lập ở 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 316 trường, quy mô trên 102.000 học sinh. Tất cả các DTTS đều đã có con em theo học tại trường PTDTNT.

Toàn quốc đã có 28 tỉnh có trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) với số lượng 1.097 trường và 185.671 học sinh bán trú. Ngoài ra còn có 2.273 trường phổ thông có học sinh bán trú với số lượng 161.241 học sinh bán trú. Nhờ có hệ thống trường PTDTBT mà tỷ lệ huy động học sinh DTTS trong độ tuổi ra lớp tăng, số học sinh DTTS bỏ học giảm.

Hiện nay có 4 trường DBĐH, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc có hệ DBĐH và 3 khóa DBĐH thuộc các trường đại học (Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Trà Vinh) với quy mô hơn 5.000 học sinh dự bị/năm.

Chất lượng giáo dục của các trường PTDTNT, PTDTBT, dự bị đại học dần được nâng lên qua từng năm học; các trường đã và đang thực hiện tốt việc tạo nguồn đào tạo nhân lực có chất lượng cho các địa phương.

Chế độ, chính sách ưu tiên cho người dạy, người học vùng DTTS, miền núi ngày càng hoàn thiện

Hàng loạt chính sách đảm bảo giáo dục tối thiểu có độ phủ rộng đến các đối tượng, ngoài hỗ trợ trực tiếp đến đối tượng còn đảm bảo các điều kiện có liên quan và có tính liên thông, do đó đảm bảo sự bền vững của chính sách, cụ thể như: Cùng với các chính sách về thực hiện phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, cử tuyển, tín dụng đối với học sinh, sinh viên, xóa mù chữ… là các chính sách để đảm bảo điều kiện thực hiện như chế độ chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; kiên cố hóa trường, lớp học, xây nhà công vụ cho giáo viên; chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non.

Chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên các DTTS rất ít người; chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học; củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú,… Các chính sách này đã góp phần hỗ trợ tích cực và đắc lực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS, miền núi thời gian qua.

Một năm mới nữa lại đến, để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục ở miền núi và vùng DTTS thêm khởi sắc, thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về quyền trẻ em, trong đó có quyền được tham gia học tập, giáo dục, đặc biệt là nhận thức của cha mẹ học sinh. Tuyên truyền để các cấp uỷ đảng, chính quyền ở miền núi, vùng DTTS quan tâm hơn nữa đến lãnh đạo, chỉ đạo và vận động các tổ chức, nhân dân tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ở vùng dân tộc./.

Mỹ Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực