|
Phụ nữ Làng Dao đi rẫy ngày đầu năm. |
Từ 4 năm về trước, Làng Dao ở thôn Chư BLôi, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) nói riêng và vùng núi phía Tây tỉnh Phú Yên, các tỉnh Tây Nguyên nói chung bị hạn nặng. Hạn hán khiến nguồn nước dùng trong sinh hoạt và sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Để có nước dùng, đồng bào phải khoan giếng hoặc đào ao, bơm nước từ nơi khác đưa về nhưng chỉ tạm đủ để sinh hoạt; còn nước phục vụ cho sản xuất thì không đủ. Vì thế, nhiều diện tích canh tác nông nghiệp của Làng bị bỏ hoang; cây trồng khô héo vì thiếu nước.
Trước thực trạng đó, giữa năm 2018, ông Bàng Nguyên An - Cộng đồng trưởng Làng Dao thôn Chư BLôi đã đứng ra tập hợp dân làng bàn tính tìm cách đưa nước từ khe Hòn Đen trên dãy Chư BLôi về làng. Do khe Hòn Đen có độ cao hơn 100m so với chân núi và cách Làng Dao đến hơn 5km; đường núi lại cheo leo, dốc cao rất khó đi nên dù nhiều lần thuyết phục, bàn tính nhưng rồi cũng chỉ có 24 hộ đồng ý phương án mà ông An đưa ra.
Theo phương án của ông An, dân làng sẽ chặn dòng Hòn Đen để xây đập và bắt ống dẫn nước về làng. Nói thì dễ nhưng làm không dễ, bởi kinh phí không có, kỹ thuật cũng không trong khi bà con trong làng đều là những nông dân “chính hiệu”, cuộc sống lại khó khăn nên càng khó khăn, lúng túng hơn.
|
Đồng bào Dao, thôn Chư BLôi, xã Ea Bar bắt ống dẫn nước từ khe Hòn Đen về làng |
"Qua nhiều lần bàn tính, chúng tôi quyết định cử người ra Quy Nhơn mua ống dẫn nước loại tốt thuê xe chở về. Kỹ thuật nối ống, xây đập, bể lọc nước… người Làng lại đi nhiều nơi để hỏi thăm hoặc tìm hiểu trên mạng trước khi xây dựng công trình”, ông An cho biết.
Để có kinh phí xây dựng, ông An đứng ra phát động mỗi hộ đóng góp 10 triệu đồng. Tuy nhiên với những hộ có nhu cầu dùng nước để tưới tiêu, sản xuất thì góp thêm 10 triệu nữa. Riêng những hộ khó khăn không có tiền để đóng thì thay bằng ngày công (150.000 - 200.000 đồng/ngày) tham gia xây dựng đường ống dẫn nước. Tổng kinh phí huy động được cho công trình khi ấy khoảng 500 triệu đồng.
“Công trình chính thức được khởi công từ tháng 9/2018 và sau gần 1 tháng thì hoàn thành. Có lẽ cơn khát về một dòng nước đủ dùng cho cuộc sống và sản xuất quá cháy bỏng với nhiều người mà hơn 200 người của làng đã có mặt từ sáng sớm mỗi ngày, thay phiên mở đường, đưa vật liệu băng rừng, vượt núi lên khe Hòn Đen. Kết quả đã có gần 2 tấn xi măng, hơn 3.000 viên gạch và 4.500m đường ống dẫn nước đã đến được điểm tập kết để tiến hành ngăn đập, xây bể lọc nước và lắp đặt đường ống dẫn nước về làng”, ông An tự hào khoe.
|
Có nước, đồng bào Làng Dao chủ động đưa nước về rẫy để tưới cây trồng |
Tuy nhiên trên thực tế, việc xây dựng công trình dẫn nước này hoàn toàn không đơn giản. Theo bà Triệu Thị Nga (một người dân trong Làng), ban đầu đường ống lắp vào hay bị vỡ, nhất là đoạn phía dưới chân núi. “Nhiều đoạn ống vỡ vừa vá xong đã vỡ lại khiến lực lượng thi công vô cùng ngao ngán. Tuy nhiên, anh An với quyết tâm phải làm cho bằng được đã xuống huyện, tỉnh gặp ngành chức năng nhờ tư vấn. Qua tư vấn, mọi người mới biết do độ dốc cao nên áp suất dòng chảy quá lớn, khiến ống bị vỡ. Vì thế, giải pháp khắc phục là chọn ống tốt, to, có độ dày để lắp đoạn phía dưới chân núi; đồng thời cứ một đoạn phải có ống thông gió để thoát áp suất nước”- bà Nga cho biết thêm.
Nước về làm đổi thay Làng Dao
Theo ông An, Làng Dao thôn Chư BLôi có 60 hộ. Đây là một trong các cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số mới ở Tây Nguyên nói chung và miền núi phía tây tỉnh Phú Yên nói riêng. "Từ 4 năm về trước, Làng còn nhiều khó khăn lắm. Bởi khi đó chưa có nước, dân làng phải khoan giếng đào ao nhưng nước vẫn không đủ dùng thì lấy đâu mà sản xuất. Đã không có nước cũng đồng nghĩa với việc ruộng nương không canh tác được; nhà nhà thiếu ăn, đời sống khó khăn”- ông An cho biết và chia sẻ thêm: Để có nước, người Làng Dao phải bỏ ra từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng mới khoan được giếng. Tốn kém là vậy nhưng không phải lúc nào khoan cũng có nước. Thực trạng này kéo dài nên cuộc sống người dân đã khó khăn lại càng khó khăn hơn” - ông An bày tỏ.
Nhưng đó là chuyện của 4 năm về trước. Kể từ tết năm 2018, Làng Dao bắt đầu đổi khác. Nước từ khe Hòn Đen được dẫn về đến tận nhà người Làng Dao. Có nước, hơn 20 ha đất ruộng và cây công nghiệp của cả làng được canh tác thuận lợi, tăng thu nhập cho bà con.
|
Có nước, bà con Làng Dao áp dụng nhiều mô hình tưới hiện đại, hiệu quả, giúp cây trồng trên diện tích canh tác được mở rộng và cho năng suất cao hơn. |
“Nhà tôi có gần 8ha cây công nghiệp và cây ăn quả hiện đang phát triển rất tốt. Cũng như tôi, nhờ có nước mà nhiều người trong làng còn trồng xen canh các loại cây ngắn ngày dưới tán cây công nghiệp, cây ăn quả để lấy ngắn nuôi dài, có thêm thu nhập” - ông An cho biết thêm.
Còn theo lời anh Bàng Nguyên Tư (hàng xóm với ông An), gia đình anh trồng hơn 7ha mì. Trước đây không có nước, cây mì trồng rất khó lên, tỷ lệ hư hao nhiều và năng suất thấp. Từ khi có nước, mì phát triển tốt, năng suất cũng cao hơn. “Nếu trước đây người trồng thu về khoảng 20 tấn mì/ha thì nay là 30 tấn/ha. Nhờ đó kinh tế gia đình cũng khá hơn”, anh Bàng Nguyên Tư chia sẻ.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, sau 4 năm công trình dẫn nước tự chảy từ núi Hòn Đen về. Có nước, ruộng nương hồi sinh, cuộc sống của đồng bào Dao tại đây ngày càng khởi sắc. Hiện Làng không còn cảnh thiếu đói, thiếu ăn; nhiều hộ đã xây dựng được nhà ở khang trang, có hộ mua sắm được xe máy, xe cày, ti vi, tủ lạnh…; con em của đồng bào được đi học và có việc làm.
|
Trẻ em Làng Dao vui đùa bên dòng nước mát. |
Nói về việc đồng bào chuẩn bị cho tết năm nay, ông Bàng Nguyên An cho hay: Năm nay, nhờ mùa màng thuận lợi, bà con trong Làng ăn tết tuy không lớn nhưng trong mâm cỗ đầu năm phải có thịt lợn, thịt gà, bánh tét, hoa quả và xôi nếp. Nhờ điều kiện kinh tế đã từng bước ổn định và khá hơn nên đời sống tinh thần của dân làng có bước phát triển; một số truyền thống văn hoá đặc sắc của người Dao vẫn được người dân trong làng gìn giữ và phát huy.
Chia tay Làng Dao khi tiết xuân đang về, dù biết rằng đồng bào ở đây hiện vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần đoàn kết và sáng tạo, trong thời gian tới đời sống của đồng bào sẽ không ngừng đổi thay, phát triển./.