Xuân về trên “xứ Mường”

Thứ năm, 11/02/2021 17:12
(ĐCSVN) – Cùng với đồng bào cả nước, năm nay các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đón xuân Tân Sửu trong niềm vui lớn khi Đại hội địa biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa được tổ chức thành công. Một mùa xuân mới đang về cùng với không khí thi đua lao động, sản xuất sôi nổi tại các địa phương trong tỉnh như mang theo nhiều hy vọng về sự phát triển, hạnh phúc, ấm no...

Từ lâu, Hòa Bình vẫn được biết đến với tên gọi “xứ Mường” là mảnh đất gắn liền với lịch sử hình thành và những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường. Nổi tiếng với câu nói “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động” là thứ tự của bốn mường lớn và cổ xưa nhất xứ Mường. Nét độc đáo ở đây đó là dưới sự lãnh đạo của Đảng, bà con dân tộc Mường đã cùng đồng bào các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh luôn đoàn kết, gắn bó cả trong quá trình đấu tranh cách mạng cũng như trong dựng xây cuộc sống mới.

Những ngày đầu xuân Tân Sửu, chúng tôi về với mảnh đất Cao Phong (Hòa Bình) đúng dịp người dân nơi đây đang phấn khởi đón một mùa xuân mới. Gây ấn tượng mạnh nhất với chúng tôi đó là hình ảnh những ngôi nhà khang trang ẩn mình sau những vườn cam chín muộn vàng ruộm. Những đồi cam bạt ngàn đã đánh dấu sự đổi thay mạnh mẽ của Cao Phong so với nhiều năm trước. Nhờ chuyển đổi cây trồng hiệu quả, đến nay, tổng diện tích cây có múi toàn huyện ước đạt khoảng 3.000 ha, trong đó, có hơn 1.000 ha cam của 759 hộ được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Sản lượng niên vụ 2019-2020 đạt trên 36.000 tấn. Giá trị sản xuất bình quân năm 2020 ước đạt 175 triệu đồng/ha, tăng 115,8 triệu đồng/ha so với năm 2015. Có lẽ điều này cũng phần nào lý giải sự vui tươi, phấn khởi của người dân Cao Phong trong Tết này.

Tết Tân Sửu về trong niềm vui được mùa cam của người dân Cao Phong. (Ảnh: LP). 

Còn tại huyện Tân Lạc (Hòa Bình) hay còn được gọi là xứ Mường Bi, mùa xuân về trong niềm vui được mùa bưởi đỏ của bà con nơi đây. Vụ bưởi đỏ kết thúc thắng lợi cũng đã mang lại cho người dân nhiều xã ở Tân Lạc cái Tết no ấm, đủ đầy. Theo đồng chí Bùi Văn Nhỏ, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc, hiện diện tích bưởi đỏ của huyện vào khoảng trên 1.000 ha; trong đó có gần 500 ha đã cho thu hoạch, tập tủng chủ yếu ở các xã dọc quốc lộ 12B, quốc lộ 6 như: Đông Lai, Thanh Hối, Tử Nê, Ngọc Mỹ, Quy Hậu, Phong Phú, thị trấn Mãn Đức... Thu nhập bình quân trên cây bưởi đỏ đạt trên 700 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ thu trên 1 tỷ đồng/ha. Chị Bùi Thị Thu ở xã Thanh Hối (Tân Lạc) vui vẻ chia sẻ: “Cây bưởi đỏ phù hợp với thổ nhưỡng và phát triển khá tốt. Vụ bưởi vừa rồi, nhà tôi thu được trên 450 triệu đồng. Tết này, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng mọi người cũng phấn khởi vì thu nhập ổn định do cây bưởi đỏ đem lại”.

Tìm hiểu được biết, không chỉ ở Cao Phong, Tân Lạc mà ở các huyện, thành phố còn lại trên “xứ Mường” Hòa Bình, người dân đều đang nô nức, vui mừng đón chào xuân mới. Với mục tiêu phát triển toàn diện, bên cạnh việc nâng cao đời sống vật chất, tăng thu nhập cho người dân, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hòa Bình cũng luôn quan tâm chăm lo đời sống tinh thần, gắn với bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Điều này thể hiện rõ trong các dịp lễ, tết, nhất là vào Tết Nguyên đán cổ truyền.

Tết Tân Sửu năm nay, thực hiện các yêu cầu về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của các cấp, người dân “xứ Mường” không tập trung đông người tại các điểm sinh hoạt cộng đồng như năm trước. Tuy nhiên, ở các gia đình, bà con vẫn thực hiện các nghi thức đánh chiêng, đánh trống đón giao thừa. Tiếng chiêng, tiếng trống ngân vang cũng là lúc bà con hướng lòng mình về tổ tiên, đất nước với mong ước một năm mới mạnh khỏe, bình an, phát triển.

 Ngày tết, cây Nêu thường được nhiều gia đình đồng bào Mường ở Hòa Bình dựng ở vị trí trang trọng phía trước nhà. (Ảnh NQ)

Đặc biệt, tục trông cây Nêu trước nhà cũng được nhiều gia đình duy trì như một nét đẹp trong ngày tết cổ truyền. Cây Nêu được trồng ngay cạnh ngõ ra vào, trong sân hay phía trước của ngôi nhà sàn. Đây là một biểu tượng, một tín hiệu văn hóa truyền thống mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Hiện nay, cây Nêu thường được dựng kèm với lá cờ Tổ quốc để biểu thị tình yêu quê hương, đất nước của gia chủ. Bà Bùi Thị Thơm ở xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) bộc bạch: “Năm nay, mọi người đón Tết Tân Sửu trong niềm vui quê hương đang đổi mới từng ngày, cuộc sống vật chất, tinh thần không ngừng được cải thiện. Mọi người bảo nhau cùng giữ gìn những nét văn hóa cổ truyền như một sự biết ơn đối với các thế hệ đi trước; đồng thời, cũng giáo dục, dạy bảo con trẻ trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa của ông cha”.

Theo đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, xuân Tân Sửu về trong niềm vui lớn khi cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh đã tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp; đồng thời, Đại hội XIII của Đảng cũng vừa được tổ chức thành công. Trong năm qua, vượt lên những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra, đồng bào các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh đã đoàn kết, đồng lòng, đẩy mạnh sản xuất, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội; đời sống người dân tiếp tục được nâng lên. Toàn tỉnh đã có 57 đơn vị cấp xã về đích nông thôn mới (chiếm 43,5% tổng số xã); có 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 39 khu dân cư kiểu mẫu và 122 vườn mẫu...

Kết quả này vừa là sự ghi nhận xứng đáng những cố gắng của toàn tỉnh trong năm vừa qua; đồng thời, cũng là nguồn động viên quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình tiếp tục nỗ lực ngay trong những ngày đầu xuân Tân Sửu để Hòa Bình vững bước vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển hiệu quả, bền vững.

Một mùa Xuân mới đang về cùng những cơ hội mới đến với người dân “xứ Mường” Hòa Bình. Với những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp đặc thù địa phương, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng bào các dân tộc trong tỉnh sẽ luôn chung sức, chung lòng để đưa Hòa Bình phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và bề dày truyền thống lịch sử, văn hoá của quê hương./.

Phạm Như Quỳnh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực