Cắt bỏ rào cản, quyền lợi cát cứ, hướng tới Chính phủ phục vụ

Thứ sáu, 12/02/2021 13:41
(ĐCSVN) - Trao đổi với báo chí trước thềm năm mới Tân Sửu 2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động để phục vụ người dân, doanh nghiệp với mục tiêu hàng đầu là cải cách thể chế.

Phóng viên (PV): Năm 2020 được xem là năm có nhiều “biến cố” lớn tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống người dân, song Việt Nam vẫn là quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng dương. Chính phủ đã đối mặt để vượt qua những thử thách này như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Đúng là năm 2020 vô cùng khó khăn!. Đầu tiên là biến đổi khí hậu tác động rất tiêu cực: Rét đậm, rét hại ở Tây Bắc, hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên, xâm nhập mặn lịch sử ở Đồng bằng sông Cửu Long, mưa lũ miền Trung gây thiệt hại vô cùng lớn. Việt Nam cũng phải đối diện đại dịch COVID-19 chưa từng có, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân.

Thế nhưng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng đã đưa ra các lệnh chưa từng có như “chống dịch như chống giặc”, đóng cửa đường mòn, lối mở; giãn cách xã hội; đồng thời thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế-xã hội… chúng ta kết thúc năm 2020 với những kết quả rất đáng khích lệ. Trong khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới rơi vào suy thoái, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng dương, đạt 2,91%, bình quân 5 năm đạt 5,9%. Các chỉ số lạm phát, bội chi ngân sách Nhà nước và nợ công được kiểm soát trong giới hạn an toàn và giảm so với giai đoạn trước. Các chỉ tiêu vượt và hoàn thành cũng cao hơn các năm 2018, 2019.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: TH. 

Vấn đề xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh được quan tâm rất lớn. Chúng ta đã tiếp tục cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện, minh bạch, tạo được niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.Dòng vốn đầu tư nước ngoài, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đều tăng (xuất siêu 19,1 tỷ USD). Năm 2020 cũng là năm giải ngân vốn đầu tư công rất cao, đạt 82,3%.

Cùng với đó là thu nhập của người dân đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, an ninh - quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác đối ngoại để lại nhiều dấu ấn…và có lẽ cũng chưa có nhiệm kỳ nào ký được có 4 hiệp định như vừa qua.

Đúng như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Kiên quyết cắt bỏ lợi ích nhóm, mục tiêu hàng đầu là cải cách

PV:Trong các cuộc họp của Chính phủ với Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng luôn nhấn mạnh nhiệm vụ cải cách thế chế, trong đó xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, điều hành. Điều này đã được thể hiện như thế nào trong sự điều hành của Chính phủ để tạo đột phá trong cải cách thể chế?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng:Trong 3 điểm nghẽn mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII nêu ra có vấn đề liên quan đến thể chế. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng đã nêu thông điệp quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động để phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) và chú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Trong 5 năm qua, Chính phủ đã trình 78 dự án luật, pháp lệnh và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 59 dự án. 744 nghị định của Chính phủ và 235 quyết định của Thủ tướng được ban hành.

Tôi cho rằng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã tạo đột phá rất quan trọng về hoàn thiện thể chế, pháp luật.

Cải cách thủ tục hành chính cũng như tinh gọn bộ máy, biên chế cũng thực hiện rất quyết liệt. Bước vào nhiệm kỳ, ta vẫn nghe câu chuyện sản xuất một cái kẹo socola phải có 13 giấy phép, một mặt hàng chịu sự kiểm soát của 3 - 4 bộ, hoặc nhiều đơn vị trong một bộ. Như vậy là rào cản rất lớn, nên Chính phủ xác định điểm đột phá đi sâu vào cải cách hành chính.

Nhờ vậy, tính đến hết năm 2020, chúng ta đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893 điều kiện kinh doanh (63%) và 6.776 danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành (đạt 68%)… Từ đó, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, DN, cũng như tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, nên làn sóng đầu tư tăng lên, giúp tăng trưởng phát triển bền vững.

PV: Nói đến cải cách, đổi mới cũng đồng nghĩa với việc phải kiên quyết vứt bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, thủ tục “hành là chính” hay loại bỏ cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm. Vậy trong quá trình thực hiện, với vai trò là Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ, ông có chịu nhiều áp lực từ các bộ, ngành?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Khi cắt bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính hay quyết tâm sử dụng hồ sơ điện tử thay hồ sơ giấy, tôi vẫn nói sẽ rất nhiều rào cản vì liên quan đến quyền lợi cát cứ, mà thực chất là lợi ích nhóm.

Áp lực là chuyện bình thường! Đã là đổi mới thì phải có sự phản đối. Nếu vẫn dựa trên những tiền lệ cũ và những rào cản, lợi ích nhóm không bị cắt bỏ thì không phải là đổi mới.

So với ban đầu, sức ép bây giờ giảm nhiều vì chúng ta đã có làn sóng cải cách. Tất nhiên, dù có sức ép cũng phải thực hiện cho được mục tiêu hàng đầu là cải cách.

Cũng phải nói rằng, khi thực hiện nhiệm vụ, Văn phòng Chính phủ không chịu tác động từ bất cứ bộ nào, mà chỉ duy nhất từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Chính phủ và Thủ tướng, chúng tôi phải luôn trung thành, tận tụy, trung thực. Khi nhìn nhận có gì phát sinh không ổn, có rào cản, chúng tôi phải phản biện, báo cáo độc lập tại cuộc họp của Chính phủ.

Tôi nghĩ, tất cả vì một đất nước hùng cường thì tư tưởng cục bộ cá nhân, vun vén cho nhóm lợi ích này, kia dần dần sẽ hạn chế. Hơn nữa, với sự giám sát của các cơ quan báo chí, người dân thì tư tưởng co kéo lợi ích sẽ dần bị loại bỏ, nếu có cũng nhẹ hơn rất nhiều.

Đúng là khi thực thi, không phải ai cũng đồng thuận ngay lập tức, hiểu ngay một lúc. Nhưng, Chính phủ nêu ra thông điệp phải từ bỏ "trên nóng, dưới lạnh", từ bỏ tham nhũng vặt, yêu cầu minh bạch nên tất cả bộ, ngành, địa phương đều phải tham gia cải cách mạnh mẽ. Tất nhiên, không phải một lúc mà làm hết được, có thể đâu đó vẫn có những rào cản, nhưng cải cách vẫn là mục tiêu hàng đầu.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trao đổi với các doanh nghiệp làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại khu vực cảng Hải Phòng. Ảnh: TL. 

Phát huy đoàn kết, niềm tin và khát vọng

 PV: Năm 2021 được nhận định vẫn còn nhiều thách thức mà chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5%. Vì sao Chính phủ lại chọn chủ đề năm 2021 là “Ðoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển”, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng:“Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” là chủ đề rất quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong những năm qua, chúng ta luôn giữ vững đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo. Với 5 mệnh đề bao hàm rất rộng nhưng khái quát, chúng ta thấy rằng, nếu có sự đoàn kết và có sự tin tưởng tuyệt đối, có thể thấy rằng chưa bao giờ chúng ta thấy niềm tin của người dân với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước được như bây giờ, thể hiện ở ý thức thực hành, sự tuân thủ của người dân trong phòng chống đại dịch COVID-19 và trong tình thương yêu, đùm bọc, lá lành đùm lá rách, tương thân tương ái của người dân cả nước đối với đồng bào bị ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Sự đoàn kết đó cực kỳ quan trọng!

Trong chỉ đạo của Thủ tướng cũng như bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có câu: “Chúng ta không được chủ quan, không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế”. Từ thành tích ấy chúng ta cấp thiết phải nhận diện được: Kết quả là công sức chung của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp. Chúng ta chưa hài lòng với những kết quả đã đạt được mà chúng ta phải cố gắng hơn rất nhiều, đặc biệt là những năm sau này, khi chưa lường trước được các khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Có lẽ là các doanh nghiệp còn ảnh hưởng rất nặng nề khi nền kinh tế toàn cầu còn như thế này. Do đó, tuyệt đối không được chủ quan và tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.

Thứ hai là tập trung tăng cường chất lượng xây dựng thể chế và xác định thể chế vẫn là trọng tâm liên tục cho phát triển đất nước ngay cả vấn đề rà soát, sửa đổi, bổ sung khắc phục những hạn chế bất cập về cơ chế chính sách, về quy định, nhất là trong lĩnh vực ngân sách như thuế, đất đai xây dựng, môi trường đầu tư.

Thứ ba là quyết liệt trong vấn đề cải cách thủ tục hành chính. Yêu cầu đặt ra là cải cách về thể chế, thủ tục, rà soát cắt bỏ những rào cản gây khó khăn, mất thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Cắt bỏ cương quyết, công khai, minh bạch và có công cụ đánh giá, báo chí người dân, doanh nghiệp giám sát. Chúng ta chịu khó lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, của người dân, của các cộng đồng, hiệp hội trong và ngoài nước để đề xuất với Thủ tướng cải cách, tái cấu trúc lại quy trình. 

Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là tập trung quyết liệt nhất giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu vì cứ 1% vốn đầu tư công giải ngân giúp tăng trưởng 0,06% GDP. Vừa rồi, có những dự án rất nhanh, từ vấn đề chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, đến giải phóng mặt bằng sạch cho thu hút đầu tư. Vừa qua, Nghị định 141 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai đã tháo gỡ rất nhiều vấn đề liên quan đến phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất. Từ đó, chúng ta có bản đồ sạch, có điều kiện để thu hút doanh nghiệp. 

Trong phương châm của Chính phủ vẫn nhấn mạnh làm sao phát huy sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhất là phát huy niềm tin, khát vọng chính đáng vươn lên xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, dân giàu nước mạnh xã hội công bằng văn minh…

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Thu Hằng
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực