|
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Ảnh: M.P) |
Đó là chia sẻ của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản nhân dịp Xuân Tân Sửu 2021.
Doanh nghiệp là động lực, Chính phủ sẽ đồng hành
Phóng viên (PV): Năm 2020 đầy biến động đã chính thức khép lại nhiệm kỳ 5 năm (2016-2020) của Đại hội Đảng khóa XII, xin ông cho biết những đánh giá của mình về nhiệm kỳ này?
TS Vũ Tiến Lộc: Trong nhiệm kỳ vừa qua, với cộng đồng doanh nghiệp, dấu ấn lớn nhất là việc Đảng ta đã ban hành một hệ thống Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta và đặt ra yêu cầu phải vươn tới các chuẩn mực phổ biến của các nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Về lĩnh vực kinh tế, thành quả lớn nhất là Chính phủ đã thiết lập được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định hơn hẳn so các nhiệm kỳ trước đây, được thể hiện ở việc kiềm chế lạm phát, nợ công ở mức thấp, xuất khẩu kỷ lục, dự trữ ngoại tệ tăng cao… kinh tế vĩ mô ổn định tạo dư địa cho các chính sách tài khoá, tín dụng chủ động hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, tạo bệ đỡ rất quan trọng để chúng ta có thể vững vàng, ổn định đất nước, kiên cường chống chịu và duy trì tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn.
Ngoài những thành công về kinh tế - xã hội trong nước, vị thế của Việt Nam trong quan hệ quốc tế đã được tăng cường. Việt Nam đã ghi dấu ấn không chỉ là thành viên tích cực mà còn là thành viên có khả năng dẫn dắt, đóng vai trò kiến tạo trong cộng đồng quốc tế.
Đặc biệt trong năm 2020, trong bối cảnh những thiên tai, dịch bênh diễn biến hết sức bất ngờ và phức tạp, những phản ứng chính sách của Chính phủ là rất chính xác và kịp thời. Có thể nói Chính phủ đã đưa ra một hệ thống các gói hỗ trợ toàn diện từ các biện pháp về tiền tệ, tín dụng, các biện pháp về tài khóa, các biện pháp về thị trường… Đặc biệt quan trọng là những biện pháp giãn, hoãn, giảm về tín dụng và thuế. Hệ thống đồng bộ chính sách đó đã được triển khai thực hiện một cách quyết liệt và hiệu quả, có tác động rất lớn tới đời sống xã hội, tới từng doanh nghiệp.
Là một năm vô cùng gian nan, với sự đồng hành của Chính phủ, với sự kiên cường, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiêp và nhân dân cả nước, chúng ta đã trụ vững và vượt qua khó khăn trong năm 2020. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất để Việt Nam có được thành quả tăng trưởng dương trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang lún sâu vào suy thoái và đây cũng là năm mà cộng đồng doanh nghiệp nhận thức rõ hơn yêu cầu về tăng cường khả năng chống chịu và định hướng phát triển bền vững.
Và đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Tôi nghĩ: Nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII (2016-2020) là một “nhiệm kỳ vàng” của những thành tựu kép! Đó là: Thuận ý Đảng - hợp lòng dân; vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa đẩy mạnh chỉnh đốn, xây dựng Đảng; ổn định kinh tế vĩ mô - duy trì đà tăng trưởng; đối nội - đối ngoại đều thành công; hội nhập và tự chủ hài hoà; đẩy lùi dịch bệnh mà vẫn lo được sinh kế cho nhân dân…
PV: Một trong những nội dung quan trọng của các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII là chủ trương hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát huy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
TS Vũ Tiến Lộc: Khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp Đổi mới, Đảng ta khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”. Trong đó có tư tưởng của Người về xây dựng nền kinh tế tư nhân phát huy vai trò của giới doanh nhân đã soi sáng con đường xây dựng và phát triển nền kinh tế đất nước. Một trong những nội dung quan trọng của các văn kiện là chủ trương hoàn thiện thể chế kinh tế tư nhân định hướng xã hội chủ nghĩa và phát huy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Chúng ta cũng đề cập tới vấn đề phát triển bền vững, vấn đề nâng cao năng suất lao động, tăng cường quan hệ đối tác công tư, xây dựng quan hệ lao động hài hoà - những vấn đề nóng hổi của nền kinh tế hiện đại.
Thật xúc động, thú vị và bất ngờ khi thấy những xu hướng chủ đạo của nền kinh tế thế giới hiện đại đã có nền tảng vững chắc trong tư duy kinh tế của Bác và đang được tiếp nối, được hiện thực hóa trên hành trình Đổi mới.
PV:Về định hướng và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp thì sao, thưa ông?
TS Vũ Tiến Lộc: Đảng ta đã ra nghị quyết về phát triển các thành phần kinh tế yêu cầu cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, của kinh tế tập thể và nhấn mạnh vai trò động lực quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đặt tên nghị quyết về kinh tế tư nhân là Nghị quyết 10 để gửi gắm một niềm tin: cùng với các thành phần kinh tế khác, sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân sẽ là động lực quan trọng đưa nền kinh tế Việt Nam tới đích mạnh giàu, giống như khoán 10 trong nông nghiệp hơn 30 năm về trước đã mở đầu cho hành trình Đổi mới ở Việt Nam.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Chính phủ ra Nghị quyết số 35/NQ-CP về Chương trình phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ với phương châm: Doanh nghiệp là động lực, Chính phủ sẽ đồng hành và ban hành loạt Nghị quyết 19, Nghị quyết 02 hàng năm, xác lập hành trình cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ở Việt Nam, quyết đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh hàng đầu ở ASEAN.
Tổng số doanh nghiệp trong cả nước đã tăng gấp 1,5 lần chỉ trong 5 năm là kỳ tích. Với hơn 100.000 doanh nghiệp được thành lập mới mỗi năm là lá phiếu niềm tin mà người dân dành cho Đảng và Nhà nước của mình. Và thực tế, khu vực kinh tế tư nhân trong nước - khu vực kinh tế của nhân dân, đã trở thành khu vực kinh tế lớn nhất trong nền kinh tế quốc dân, đã đóng góp hơn 46% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội vàhơn 40% GDP cho đất nước và tỷ trọng này đang ngày càng được nhân lên.
Đây là minh chứng cho thành công của Đảng và Nhà nước trong việc khơi dậy sức toàn dân. Khởi nghiệp - khởi nghiệp sáng tạo để lo sinh kế cho nhân dân, làm giàu cho đất nước, đang trở thành lẽ sống trong lớp trẻ và là phong trào thi đua yêu nước của toàn dân.
|
Cùng với các thành phần kinh tế khác, sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân sẽ là động lực quan trọng đưa nền kinh tế Việt Nam tới đích mạnh giàu (Ảnh: M.P) |
Vì một Việt Nam – Đất nước Hùng cường
PV: Đại hội Đảng lần thứ XIII đã thành công rất tốt đẹp, và được kỳ vọng sẽ mở ra những chân trời mới để thúc đẩy cải cách thể chế đưa đất nước vượt lên, xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập trên nền tảng tư tưởng kinh tế của Bác Hồ, phù hợp xu thế thời đại và yêu cầu của giai đoạn mới. Ông bình luận gì về điều này này?
TS Vũ Tiến Lộc: Tôi cho rằng, sự kỳ vọng vào Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII là hoàn toàn chính đáng. Chủ trương, đường lối xây dựng kinh tế được đề cập trong các văn kiện có sự kế thừa một cách nhất quán, là sự hiện thực hóa tư tưởng, ý chí mà Bác đã nêu từ ngày đất nước độc lập.
Thực tế, chỉ ba ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong bức thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên dưới chế độ mới ngày 5/9/1945, Bác Hồ đã nói về khát vọng xây dựng Đất nước Hùng cường. Bác viết: “Dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Có thể coi đây là bản Tuyên ngôn về Đất nước Hùng cường sau bản Tuyên ngôn Độc lập. Độc lập - Hùng cường là những giá trị cốt lõi của sự nghiệp cách mạng ở nước ta.
Một trong những điểm đặc sắc khác trong tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng về vai trò kiến tạo của Nhà nước và vai trò chủ thể của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế. Mở cửa, hội nhập trên cơ sở bảo đảm chủ quyền dân tộc cũng là chủ trương xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng nền kinh tế hùng cường. Đó là ngọn đuốc soi đường, là niềm tin mãnh liệt, là điểm tựa vững chắc của Đảng ta, của Nhân dân ta trên chặng đường đi tới vì một Việt Nam Nước mạnh Dân giàu, vì một Việt Nam – Đất nước Hùng cường.
Các văn kiện được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, Việt Nam vượt bẫy thu nhập trung bình để sánh vai các nước phát triển có thu nhập cao.
Để thực hiện được các mục tiêu này, việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập phải là bệ đỡ và phát triển nền kinh tế số phải là đôi cánh để bay lên. Ba mũi giáp công: thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng là các khâu đột phá. Doanh nghiệp là lực lượng chủ công. Kinh tế tư nhân là rường cột. Quốc gia khởi nghiệp là hệ sinh thái dẫn đường.
PV: Là đại diên của cộng đồng doanh nghiêp, theo ông, điều cộng đồng doanh nghiêp kỳ vọng vào giai đoạn 5 năm của nhiêm kỳ Đại hội Đảng khóa XIII là gì?
TS Vũ Tiến Lộc: Điều quan trọng nhất cũng như mong muốn là Chính phủ phải có những nỗ lực phối hợp toàn cầu để ngăn chặn được dịch bệnh và nhờ đó cộng đồng doanh nghiệp có thể định hướng hoạt động kinh doanh của mình trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Để làm được điều này, cần một sự nỗ lực tiếp theo của Chính phủ trong việc tiếp tục cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh và cần một nỗ lực thực sự của các doanh nghiệp theo hướng nâng cấp trình độ quản trị và công nghệ của mình và Chính phủ xây dựng theo hướng là Chính phủ kiến tạo, cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực sản xuất kinh doanh có trách nhiệm và thât sự bền vững.
Trong bối cảnh bình thường mới, khả năng chống chịu, hạn chế dịch bệnh xảy ra, chiến tranh thương mại xảy ra đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu đã dạy cho chúng ta một bài học về tăng cường khả năng chống chịu phải đi theo con đường phát triển bền vững. Thực tiễn của 1 năm qua là một bài học rất quý giá cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc định hướng tương lai của mình, định hình lại chiến lược và mô hình kinh doanh có trách nhiệm và phát triển bền vững.
Muốn cho doanh nghiệp có thể định hướng theo hướng phát triển bền vững, chúng ta phải có một hệ sinh thái thích hợp của hệ thống chính sách của Chính phủ, tích hợp sự ổn định, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tôi nghĩ là chúng ta còn có dư địa rất lớn về cải cách hành chính, về thủ tục, nếu chúng ta cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thủ tục hành chính, về thủ tục, nếu Chính phủ và Quốc hội tập trung xử lý những điểm nghẽn trong môi trường đầu tư kinh doanh, những điểm chồng chéo pháp luật…
Tôi hy vọng và tin tưởng, Đại hội Đảng lần thứ XIII với những thành công rất tốt đẹp sẽ thắp lên ngọn lửa tinh thần yêu nước, nghĩa đồng bào và khởi động làn sóng cải cách thứ hai trong nền kinh tế nước ta để vượt qua khó khăn, tiếp nối hành trình Đổi mới và có thể đưa đất nước đến hùng cường.
PV:Trân trọng cảm ơn ông!