Linh thiêng cây nêu ngày Tết Việt

Chủ nhật, 14/02/2021 10:04
(ĐCSVN) - Tết xưa, cây nêu được mọi người cung kính dựng trước nhà. Trong nhịp sống hiện đại, con người tất bật lo toan, nhà chật, đất hẹp khiến nêu dần “vắng bóng”. Nhưng ở nhiều địa phương, tục lệ này được gìn giữ, lưu truyền cho thấy những phong vị độc đáo trong đón Tết cổ truyền người Việt.

Theo tài liệu văn hóa dân gian, cây nêu ngày Tết mang triết lý âm dương, qua hai chữ Càn (Trời) và Khôn (Đất) nằm trong hình ảnh cái nón và cây gậy của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Nó bao hàm sự thống nhất và tương trợ giữa Âm và Dương hay sự không tách rời giữa Động và Tĩnh… cây nêu còn gắn với truyền thuyết dân gian ngăn ngừa không cho quỷ ở biển Đông vào đất liền, bén mảng tới nơi con người cư trú làm ăn, sinh sống. Theo thời gian, từng địa phương phong tục, tập quán ở mỗi dân tộc, ý nghĩa của trồng cây nêu ngày Tết trải rộng hơn, đa dạng hơn.

Thời gian dựng cây nêu cũng khác, người Kinh dựng nêu vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, để ngăn ngừa ma quỷ tới quấy rầy gia chủ trong những ngày ông Công, ông Táo lên chầu trời. Một số dân tộc khác như Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc như: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Lào Cai, Yên Bái lại trồng cây nêu vào chiều 30 tháng Chạp âm lịch. Người Mông dựng cây nêu trong lễ hội Gầu tào từ ngày 3 đến ngày 5 tháng Giêng âm lịch, ngày 7/1 âm lịch là ngày hạ nêu, đồng bào dân tộc Sán Dìu dựng cây nêu trong lễ Cầu mùa. Ngoài ra cây ném trong hội lồng tồng, cây pồn pông của người Mường, cây đâm trâu của người dân tộc ở Tây Nguyên đều là những hình thức biểu hiện của cây nêu.

Trong triều đại quân chủ ở Việt Nam, tục dựng cây nêu đã đưa vào Hoàng cung và sử dụng như một phong tục, điển chế của triều đình. Theo các tài liệu Châu bản triều Nguyễn về Tết Nguyên đán trong Hoàng cung triều Nguyễn, trong suốt 143 năm tồn tại, tục lệ dựng cây nêu được duy trì hằng năm.

Theo đó, trong ngày 30 tết, Hoàng cung diễn ra các nghi lễ thiêng liêng, với ý nghĩa tống tiễn điều xấu năm cũ, đón điều tốt đẹp của năm mới. Lễ xong triều đình làm lễ Thượng tiêu (dựng cây nêu), ngọn nêu treo ấn, tín, văn phòng tư bảo hình tượng việc phong ấn để triều đình nghỉ ngơi. Khi thấy trong Hoàng cung dựng cây nêu người dân cũng theo đó dựng nêu, đón Tết. Lễ Hạ tiêu diễn ra vào ngày mồng 7 tháng Giêng, khi tổ chức Thượng tiêu và Hạ tiêu có đại nhạc, tiểu nhạc và các nghi thức trang trọng khác.

Dựng cây nêu là phong tục truyền thống lâu đời, ý nghĩa đối với nhiều dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Không chỉ thể hiện ý nghĩa “tống cựu, nghinh tân”, biểu tượng văn hóa này còn chuyển tải những ý nghĩa nhân sinh tốt đẹp, phản ánh những nét độc đáo trong phong vị Tết Việt.

Những năm gần đây, tại một số điểm di sản tại Khu phố cổ Hà Nội, các đơn vị văn hóa tổ chức phục dựng tục lệ Thượng nêu để giới thiệu những nét đẹp trong phong vị đón Tết cổ truyền của người Việt. 
 Theo GS Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, người Việt coi cây nêu là trục vũ trụ, là cột nối giữa trời và đất. Cây nêu làm bằng tre vì tre có đốt, là bậc thang đi về của thần linh, mang sinh khí của trời chuyển xuống mặt đất giúp mặt đất phì nhiêu, hội tụ sinh khí giúp mùa màng tốt tươi
 Những vật treo trên cây nêu hướng về bảo vệ, tạo lập hạnh phúc cho con người. Ví như lá dứa để dọa ma quỷ, không cho vào quấy phá nhà. Cái khánh đồng âm với khánh có nghĩa là phúc, đem lại hạnh phúc cho gia đình...
 Biểu diễn văn nghệ dân gian trong lễ dựng nêu tại Khu phố cổ Hà Nội
Những năm gần đây, hoạt động "Tống cựu nghinh tân", tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội được phục dựng và tổ chức hằng năm. Lễ dựng nêu luôn thu hút đông đại biểu các sở, ngành, du khách và nhân dân Thủ đô tham dự
 Các đại biểu tham dự nghi thức thả cá chép tại sông cổ trong Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội
 Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội, các nhà nghiên cứu, đại biểu các đơn vị văn hóa tham dự nghi thức thả cá chép, tiễn ông Công ông Táo về trời
 Không khí lễ hội xuân linh thiêng, rạng rỡ của mảnh đất nghìn năm văn hiến, lắng đọng cùng thời khắc tiễn năm cũ đón năm mới diễn ra với nhiều nghi thức truyền thống được tái hiện
 Cây Nêu ngày Tết dựng trước Hậu LâuHoàng Thành Thăng Long, Hà Nội
 Dựng nêu cũng là hoạt động được tổ chức đều đặn hằng năm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây - Hà Nội), nhằm giới thiệu với du khách và nhân dân Thủ đô những phong tục lâu đời trong Tết Việt
 Với ý nghĩa tạo lập hạnh phúc với con người, tục lệ dựng cây nêu ngày Tết lưu dấu một phong tục cổ truyền trong Tết Việt
 Ngọn nêu vươn cao, mang theo ước vọng về một năm mới bình yên, hạnh phúc, thuận hòa tại “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em.
Thế Dương
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực