Trà ép bánh 12 con giáp - Thức uống của sức khỏe và tình thân

Thứ hai, 15/02/2021 08:34
(ĐCSVN) - Mỗi dịp Tết đến Xuân về, hầu hết trong tâm thức người Việt, tất cả đều chung niềm háo hức về sự hội ngộ, sum vầy với nhiều ký ức đẹp đẽ về ngày tết cổ truyền của dân tộc. Trong mỗi dịp đó, mọi người cùng nhau ôn lại năm cũ, bỏ trôi muộn phiền để lại đầy lạc quan, hứng khởi bước tiếp vào năm mới với tâm thế tin tưởng đầy thắng lợi mới.
 Những cây chè shan cổ thụ. (Ảnh: HNV)

Thực tế, trải qua dòng chảy lịch sử xưa đến nay, giá trị của Tết không đến từ quà cáp cầu kỳ, đắt tiền, mà luôn nằm ở tình cảm, sự trân quý mà chúng ta dành cho những người thân yêu. Mọi thứ chỉ trở nên vẹn tròn, ý nghĩa khi mỗi người được sum họp bên gia đình, bạn bè, cùng trao nhau những món quà thân thuộc, gắn liền với bao ký ức đẹp đẽ về ngày Tết cổ truyền. Cùng với đó là trao gửi những lời chúc đến người thân yêu - một trong những nét đẹp truyền thống của ngày Tết. Song song với việc trực tiếp nói ra những điều tốt lành, nhiều người còn chọn cách nhắn gửi thông qua những tấm thiệp độc đáo hoặc câu đối Tết hàm chứa nhiều thông điệp. Và điều thú vị là trong những ngày Tết Tân Sửu 2021 này, có một thức quà Tết chứa đựng trong mình cả ý nghĩa cùng những lời chúc trân quý, thân thương cần trao gửi nhau, nằm trong bộ sản phẩm mới mẻ, chính hiệu “hàng Việt Nam, của người Việt Nam” – Trà Shan tuyết ép bánh với các biểu tượng linh vật 12 con giáp.

 Búp chè xanh và búp chè khô. (Ảnh: HNV)

Những ngày Tết Tân Sửu 2021 này, bên bàn trà giản dị và cốc bạch trà mây sánh vàng, chúng tôi đã có câu chuyện vô cùng thú vị với nữ quản lý trẻ của Công ty chè và đặc sản Tây Bắc, Nguyễn Thị Thắm, là bà chủ của những sản phẩm trà độc, lạ và quý giá đó.

Với thâm niên kinh nghiệm hơn 20 năm trong việc sản xuất, chế biến trà xanh xuất khẩu nhưng cũng mới tập trung khai thác trà Shan tuyết chưa đầy 5 năm trở lại đây, công ty cổ phần chè và đặc sản Tây Bắc đã từng bước khai thác và phát huy giá trị của thức uống tinh túy, “độc nhất vô nhị” mà hiếm khu vực trên thế giới có nhưng Việt Nam lại có đến 3 vùng nguyên liệu tại Hà Giang, Yên Bái và Sơn La. Sản phẩm trà ép bánh nằm trong dự án “Phục tráng và phát triển vùng trà Shan tuyết Tà Xùa”, Bắc Yên, Sơn La được triển khai từ những ngày tháng của năm 2014-2015.

Trà Shan trên đỉnh Tà Xùa là kết tinh của đất, trời, mây, núi, là sự thấm đẫm trong đó cả những giá trị của cội nguồn, căn cốt và tính thiêng ẩn chứa sâu thẳm bên trong tinh chất trà. Từ vùng nguyên liệu quý hiếm khá xa lạ với đồng bào miền xuôi, đến nay, sản phẩm trà từ Tà Xùa với tên gọi Shanam đã vươn ra khỏi biên giới nước Việt, là một thành tố nổi trội, độc đáo, khác lạ trong bản đồ trà thế giới nhờ những hương vị kỳ diệu của trà Tà Xùa. Tất cả được minh chứng qua các cuộc thi trà ở Châu Á, Châu Âu, Mỹ với những thứ hạng cao.

 Bánh trà ép hình linh vật "made in Vietnam". (Ảnh: Việt Hà)

Say sưa bên các sản phẩm trà ép bánh thuần Việt của công ty, nữ quản lý trẻ Nguyễn Thị Thắm chia sẻ, gần đây, người tiêu dùng đã tự tin hơn khi mua bán, sưu tầm và thưởng trà vì đã xác định rõ nguồn gốc xuất xứ, truy xuất được vụ trà, năm sản xuất, năm ép bánh thành phẩm, thậm chí biết nghệ nhân làm bánh trà ấy. Thêm nữa, giá chỉ bằng 1/3, 1/5 so với trà cùng niên đại nhập ở nước ngoài, trong khi chất lượng vượt trội. Khi đem trà ép bánh Việt ra các cuộc thi trà khu vực và thế giới, người ta phát hiện ra, đem so sánh bánh trà Tà Xùa với Phổ Nhĩ vùng Dị Vũ (Vân Nam -Trung Quốc) cùng một năm sản xuất thì chất lượng ban đầu cả hai như nhau, nhưng bánh trà mua từ Vân Nam về chỉ đến nước thứ 5 là nhạt trà, trong khi bánh trà của Việt Nam cả nước và vị đến lượt pha thứ 10 vẫn rất ổn.

“Kỳ thực, Tết chỉ thật sự ý nghĩa khi chúng ta được ở bên cạnh người thân và bạn bè. Không cần xa hoa cầu kỳ, những món quà bánh, thức uống giản đơn cùng lời chúc tốt lành đủ giúp bạn lưu lại những khoảnh khắc khó quên. Dù trải qua một năm nhiều biến động, bạn vẫn có thể tận hưởng một kỳ nghỉ lễ trọn vẹn nhờ trân trọng những điều nhỏ bé và tìm về giá trị thật sự của ngày Tết cổ truyền. Với bánh trà ép bánh hình con giáp, như một kỷ niệm, người được tặng món quà này sẽ đem trong mình một thức quà vừa có tính lịch sử trải nghiệm kỷ niệm ấu thơ cũng như là một kỷ vật và càng để lâu càng có giá trị, khi có tuổi, đem bánh trà được tặng từ lâu đó để uống và chiêm nghiệm” - chị Thắm nói.

Cũng theo chị Thắm, Trung Quốc đã có lịch sử lâu đời với trà ép bánh và nó đã minh chứng cho thứ trà uống càng để lâu càng có giá trị. “Tôi tin rằng, bánh trà ép của Việt Nam mình rồi cũng sẽ dần dần trở nên thân thuộc, là thứ gắn bó lâu dài với từng cá nhân, từng gia đình, trải qua các năm kết nối giá trị trà ngày càng tăng, uống trà ngày càng ngon, thì nó không chỉ dừng lại đơn thuần là một loại đồ uống nữa mà có thể trở thành một món quà tặng, một thứ kỷ niệm gắn kết tình thân” – chị chia sẻ.

 Bánh trà ép hinh trâu. (Ảnh: Việt Hà)

Xuất phát từ ý tưởng đó, công ty đã dự định sản xuất 500 bánh trà linh vật 12 con giáp, trong đó làm khoảng vài chục bộ cỡ nhỏ và khoảng 2 - 3 bộ cỡ to hơn dành cho dân chơi sưu tầm, làm thương hiệu. Kèm theo đó là hộp đựng lịch sự kèm thiếp viết tặng. Tất nhiên, bánh trà này không chỉ dành cho dịp Tết mà có thể từ từ là thứ quà tặng bổ ích, ý nghĩa mà ai cũng có thể sử dụng trong bất cứ dịp nào.

Đại diện công ty cổ phần chè và đặc sản Tây Bắc cho biết, phải mất 1 tháng mới xuất xưởng vì bánh trà dày, phải để khô đều. Nguyên liệu phải là chè từ cây cổ thụ được thu hái trong khoảng tầm từ tháng 3 đến tháng 5 dương lịch (chè vào mùa xuân), sau đó để 3 - 5 tháng nữa rồi mới ép bánh. Dòng sản phẩm mới nhất hiện nay phục vụ cho Tết Tân Sửu này mới ép tháng 11/2020, tháng 12/2020 mới xuất xưởng.

Cũng theo vị đại diện công ty, trà ép bánh linh vật 12 con giáp bóng hơn, hoàn toàn do kỹ thuật ép bánh, phải đảm bảo bánh trà khi để ra ngoài có thể trưng bày nên phải tính toán cách ép để nhựa trà phủ ra bề mặt vì nhựa trà có khả năng kháng khuẩn, không bị mốc, không để bị dị vật bên ngoài xâm nhập vào, giữ độ bền lâu.

Vậy là, với trà ép bánh, chúng ta có thể khai thác nhiều tầng giá trị theo thời gian của bánh trà. Xung quanh bánh trà, người ta có thể kể câu chuyện hay về xuất xứ của bánh trà. Nhìn chung, giá trị lớn nhất là lưu giữ, nuôi dưỡng mối quan hệ từ bánh trà ép nói chung và bánh trà ép hình linh vật 12 con giáp nói riêng. Đơn cử, bánh trà con trâu, trong năm nay, với việc “tiễn Chuột, nghênh Trâu” và cùng với quan niệm “Con trâu là đầu cơ nghiệp” thì đây là thức quà tặng vô cùng ý nghĩa. Ngoài ra, có thể tặng bánh trà ép hình linh vật theo tuổi của người được tặng như một lời nhắn gửi đầy thú vị. Hơn nữa, điều quan trọng hơn cả là ở giá trị của thức trà ép bánh, càng để lâu càng bổ, càng chất.

Xoay quanh câu chuyện bánh trà ép hình linh vật 12 con giáp không chỉ là món quà Tết mà còn gửi gắm một thông điệp kết nối giá trị văn hóa và kết nối người thân trong gia đình cũng như những người thân thiết với nhau.

Bánh trà ép bánh là loại trà lên men chậm, lên men theo thời gian, có thể vài năm, vài chục năm thậm chí trăm năm nên nguyên liệu bắt buộc phải từ cây chè cổ thụ trăm năm tuổi và hoàn toàn tự nhiên, nếu để chăm bón thì dễ bị hỏng mốc. Bánh trà có vị trà thanh mát nhất, khô đều của trà, ép vào mùa thu ép nén có lớp không khí lưu thông để lên men tự nhiên, có giá trị như đồ cổ, càng để lâu càng giá trị nhưng lại có thể dùng và có lợi cho sức khỏe. Hiện nay, công ty đang sản xuất và phân phố hai loại, bánh trà to cỡ 52cm với 7kg trà khô được làm từ 35 kg chè tươi; bánh trà nhỏ cỡ 19,5 cm với 550gr trà khô được làm từ khoảng 2,7 - 3kg chè tươi. 

Lê Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực