Trong chuyến công tác những ngày cuối năm tới các đồn Biên phòng tại khu vực TP Móng Cái, chúng tôi có dịp được cán bộ, chiến sĩ biên phòng giới thiệu đến thăm nơi được mệnh danh là "ngôi làng độc đáo nhất thành phố". Đến ngôi làng còn có tên gọi khác là "xóm bích họa" này, chúng tôi thực sự cảm thấy ấn tượng, bị thu hút bởi không gian thật nổi bật và đặc sắc giữa ngút ngàn màu xanh của mảnh đất núi rừng Đông Bắc.
Hải Sơn là xã vùng cao, biên giới, cách trung tâm TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh 37 km về phía Tây Bắc, có vị trí trọng yếu, chiến lược về quốc phòng - an ninh. Xã có 3 thôn (Pò Hèn, Lục Chắn và Thán Phún Xã), chủ yếu là nơi sinh sống của đồng bào người Kinh, Dao và Sán Chỉ (trong đó, dân tộc thiểu số chiếm gần 87%). Từ một khu dân cư hẻo lánh, xóm họ Đặng, thôn Pò Hèn đã trở thành điểm đến hấp dẫn, với vẻ đẹp kỳ thú từ những bức họa trên tường nhà và cảnh sắc thiên nhiên hữu tình.
Bằng sáng kiến của Đoàn thanh niên TP Móng Cái cùng sự hỗ trợ của các đơn vị, những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Dao tại xóm họ Đặng được khoác lên mình tấm áo mới đầy màu sắc nổi bật giữa núi rừng Đông Bắc, được ví như "bông hoa lạ” đẹp rực rỡ giữa núi rừng biên giới. Việc sử dụng tranh vẽ cho ngôi làng đơn sơ này được bắt đầu từ năm 2016 là sáng kiến của Đoàn thanh niên TP Móng Cái phối hợp với chính quyền xã và được sự hỗ trợ của các sinh viên mỹ thuật nhằm hướng đến mục tiêu thay đổi diện mạo thôn xóm, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Ngoài ra đây còn là hướng đi mới trong việc phát triển du lịch địa phương.
Trao đổi về quá trình hình thành những bức họa độc đáo này, anh Đặng Văn Tiến, cán bộ đồn Biên phòng Quảng Đức, hiện đang sinh sống tại đây cho biết, thời gian đầu việc thực hiện ý tưởng vẽ tranh trên tường gặp rất nhiều khó khăn, vì người dân không đồng ý việc này. Nhưng dần dần cùng với sự vận động tích cực của mỗi cán bộ đoàn viên cùng sự quan tâm của chính quyền địa phương, công việc mới được tiến hành. Ban đầu, theo anh Tiến, chỉ có từ một đến hai gia đình đồng ý, nhưng sau đó, từ những bức họa đẹp đẽ, nhiều ý nghĩa nên cả xóm đều thống nhất cùng thực hiện.
Cảm nhận thực tế, chúng tôi được chiêm ngưỡng những mảng màu sống động từ các bức tranh mang đậm bản sắc của vùng đất và con người bản địa gắn với hình ảnh bình dị về cuộc sống đời thường như sân nhà, đàn gà, nương rẫy, trẻ em nô đùa…
Bên ly trà nóng, tiếp tục câu chuyện, anh Đặng Văn Tiến chia sẻ thêm, sự xuất hiện của các bức họa trên tường không chỉ khiến cho đời sống và nhận thức của người dân thay đổi mà còn mở ra hướng đi cho ngành du lịch nơi biên giới phát triển. Xóm họ Đặng đã có nhiều thay đổi, điều kiện kinh tế khá hơn nên mọi người đều có ý thức giữ gìn quang cảnh xung quanh, dọn dẹp thường xuyên, ngõ xóm ngăn nắp đảm bảo vệ sinh, sạch đẹp.
Sải chân trên con đường con đường bê tông sạch sẽ, gọn gàng, ông Đặng Văn Đức, người dân sinh sống tại xóm cho biết, trước thời điểm ảnh hưởng của dịch COVID-19, khách du lịch đến đông, góp phần gia tăng thu nhập cho các hộ dân nơi đây trong quá trình làm dịch vụ du lịch. “Tết sắp về, mặc dù dịch bệnh vẫn còn, nhưng chúng tôi đều cố gắng bảo nhau thực hiện tốt việc giữ gìn cảnh quan môi trường, gìn giữ những bức họa đẹp đẽ này, để khi hết dịch được chào đón du khách ghé thăm” – ông Đức chia sẻ.
Nguồn thu từ du lịch đã góp phần làm “thay da, đổi thịt” xóm họ Đặng thời gian qua. Nơi đây đã trở thành một địa điểm mới mà nhiều bạn trẻ không thể bỏ qua khi trải nghiệm các cung đường Đông Bắc.
Dưới đây là một số hình ảnh về "xóm bích hoạ" do phóng viên ghi lại:
|
Cổng "xóm bích họa" từ trục đường chính rẽ vào.
|
|
Nơi đây gây ấn tượng với du khách bởi những ngôi nhà mang trên mình những bức họa đặc sắc.
|
|
Với những nét bình yên... |
|
... giản dị hàng ngày. |
|
Những bức họa gần gũi, thân thuộc như chú voi...
|
|
... hoặc nương rẫy... |
|
... đồi núi trùng trùng, điệp điệp hay cảnh sắc hữu tình bên khe suối. |
|
"Xóm bích hoạ' đã trở thành một địa điểm độc đáo thu hút khách du lịch.
|