Xuân về, nhớ Tết đảo xa!

Chủ nhật, 14/02/2021 16:14
(ĐCSVN) – Tết đến xuân về là dịp để mỗi người được sum họp bên gia đình, người thân. Song, với những cán bộ, chiến sĩ đã từng đón Tết ở hải đảo thì mỗi dịp xuân về, trong họ lại trào dâng nhiều cảm xúc khó tả. Đó là nỗi nhớ đồng đội nơi đảo xa; là niềm tự hào vì đã từng được góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng...

 

Các chiến sĩ chia tay đồng đội để trở về đất liền đoàn viên với gia đình - Ảnh: Đàm Linh 

Nằm giữa mênh mông sóng vỗ, Tết ở Trường Sa bao giờ cũng có những nét đặc biệt riêng. Bởi vậy, với những ai đã từng công tác, sinh sống ở Trường Sa, mỗi độ xuân về luôn cồn cào, rạo rực nhớ Tết nơi đảo xa.

Có hơn 5 năm công tác ở Trường Sa, cũng từng ấy năm Thiếu tá Phạm Tài Bá, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân được ăn Tết ở Trường Sa. Đã từng thực hiện nhiệm vụ tại nhiều đảo như Trường Sa lớn, Nam Yết, Sơn Ca..., giờ đây, về đất liền công tác, cứ mỗi lần Tết đến, xuân về trong suy nghĩ của người lính Hải quân ấy lại rạo rực nỗi nhớ Tết Trường Sa.

Thiếu tá Phạm Tài Bá chia sẻ, Tết ở Trường Sa thường đến sớm hơn so với các vùng miền khác trên Tổ quốc. Khi những chuyến tàu chờ hàng Tết đến với đảo chính là lúc cán bộ, chiến sĩ cảm nhận mùa xuân đã đến rất gần. Những món quà Tết mộc mạc, giản dị từ đất liền gửi ra đã giúp mọi người vơi bớt bỗi nhớ người thân, bạn bè. Vì thế, Tết ở Trường Sa thường không ồn ào và náo nhiệt như đất liền, nhưng không khí Tết vẫn đủ đầy, đầm ấm với cây quất, cây mai vàng, nồi bánh trưng tuyền thống... Và đặc biệt, trong những ngày Tết, quân dân trên đảo lại cùng nhau giao lưu thể thao, văn hóa văn nghệ với những hoạt động hấp dẫn như bóng đá, bóng chuyền, kéo co, chèo thuyền thúng bắt vịt... Những hình ảnh này đã tô thắm thêm tình cảm đoàn kết, gắn bó quân dân giữa nơi đảo xa muôn trùng sóng gió.

Còn với cựu chiến binh Phạm Văn Đức ở thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu (Nam Định), Tết ở đảo Song Tử Tây luôn gắn liền với những xúc cảm trong đêm giao thừa. Từng có hơn 7 năm làm việc ở đảo Song Tử Tây, ông nhớ lại: Đón giao thừa trên đảo giữa muôn trùng sóng vỗ là trải nghiệm không phải ai cũng có được. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đảo Song Tử Tây đã được đầu tư xây dựng đồng bộ với nhiều hệ thống hạ tầng như: Sở chỉ huy đảo, trụ sở UBND xã, trạm xá, trường học, trạm hải đăng, nhà ăn, nhà ở của bộ đội và của dân… Trên đảo còn có công viên, sân vận động để quân dân vui chơi, rèn luyện sức khỏe; có tượng đài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, chùa Song Tử Tây đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân. Vì vậy, trong đêm giao thừa, quân và dân trên đảo quây quần bên nhau xem văn nghệ, thi hái hoa dân chủ… Đến thời khắc chuyển giao năm cũ qua năm mới, mọi người lại gọi nhau lên chùa hái lộc. Sáng mùng 1 Tết, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo chào cờ đầu năm, hát Quốc ca dưới cột mốc chủ quyền thiêng liêng... “Giờ đã chuyển công tác vào đất liền nhưng mỗi dịp Tết đến xuân về, tôi lại bồi hồi cảm xúc nhờ về những Tết ở nơi đảo xa. Mong anh em, đồng đội cùng bà con trên đảo luôn được mạnh khỏe, bình an”, ông Phạm Văn Đức xúc động cho biết thêm.

Gói bánh chưng bằng lá bàng vuông ở Trường Sa. (Ảnh: MĐ). 

Có lẽ, hầu hết những ai đã công tác, sinh sống trên các đảo đều ấn tượng với hình ảnh quân dân cùng nhau gói bánh chưng để đón Tết. Khác với đất liền, phần lớn bánh chưng ở Trường Sa được gói bằng lá bàng vuông. Thực tế thì cùng với những chuyến tàu chở hàng Tết, những năm gần đây, các đảo đều có lá dong đem từ đất liền ra để gói bánh chưng nhưng nhiều người vẫn muốn gói bánh chưng với là bàng vuông. Đó có thể là sự hoài niệm về một giai đoạn khó khăn, hoặc như chia sẻ của một số cán bộ, chiến sĩ đã từng nhiều năm đón Tết ở Trường Sa, gói bánh chưng bằng lá bàng vuông có gì đó rất thiêng liêng. Bởi bàng vuông là loại cây đặc trưng, biểu tượng cho ý chí, tinh thần thép của người lính Trường Sa. Mỗi chiếc bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông như mang trong mình tinh thần của quân dân trên đảo. Mặt khác, cái vị chan chát, hăng hắc của lá bàng vuông hòa quyện cùng gạo nếp, nhân thịt... cũng làm cho bánh chưng gói bằng lá bàng vuông ở Trường Sa có mùi vị rất riêng mà ai đã một lần thưởng thức thì khó có thể quên được...

Nhớ biển đảo, nhớ đồng đội là cảm xúc chung của những ai đã một lần đón Tết nơi đảo xa. Trong thời khắc giao thừa chuyển sang năm mới, giữa mênh mông biển trời Tổ quốc, từ trong sâu thẳm trái tim mỗi người lại trào dâng niềm tự hào xúc đô%3ḅng. Tự hào bởi được góp sức, nhân dân trao gửi niềm tin giữ biển đảo. Tự hào bởi ở đất liền bao người thân đang hướng về đảo xa với tất cả sự tin yêu, kỳ vọng. Và khi đã về đất liền công tác, họ vẫn luôn tự hào vì đã có một thời gắn bó biển đảo thiêng liêng. Cựu chiến binh Phạm Văn Đức tâm sự, “Những ngày cuối năm, khi mọi người sắm Tết tấp nập, nhiều lúc tôi chỉ mong ước được thêm 1 lần đến với đảo Song Tử Tây, trong không khí Tết.

Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã quan tâm ngày càng nhiều hơn đến những người lính Hải quân nơi biển đảo. Đặc biệt, trong dịp Tết cổ truyền, những chuyến tàu cùng với rất nhiều loại quà từ mọi miền Tổ quốc đã giúp cho Tết của cán bộ, chiến sĩ nơi hải đảo thêm đủ đầy. Trong tâm thức của người đã đón Tết ở Trường Sa khoảng hơn 15 năm về trước, hẳn sẽ không thể nào quên hình ảnh những chiến bánh chưng này gói bằng một miếng xốp cắt vuông vắn bằng kích thước chiếc bánh chưng thật, bên ngoài gói bằng nylon xanh của chiếc túi bảo quản. Thật ngẫu nhiên khi màu xanh của túi cũng gần giống màu của lá dong nên nhìn chiếc bánh trông rất giống bánh chưng thật. Nải chuối cũng được người lính khéo léo làm bằng miếng xốp to và bôi nghệ vàng...

 Với đôi bàn tay khéo léo, các chiến sĩ Trường Sa đã tạo nên những nhánh mai vàng rực rỡ đón xuân - Ảnh Q.Hùng

Bên cạnh đó, là những cành đào, cành mai được làm từ giấy màu, vải, dây thép, nylon vàng...  được chiếc vỏ đạn pháo làm lọ hoa Tết. Dẫu đơn giản, mộc mạc, nhưng năm nào cũng vậy, cứ Tết đến xuân về là người lính đảo lại háo hức công việc “làm” bánh chưng, “làm” hoa mai, hoa đào và trang trí hội trường để chuẩn bị đón giao thừa. Tuy không phải là bánh chưng thật, hoa đào, hoa mai thật nhưng khi đó, chỉ cần những hình ảnh của Tết nơi đất liền như vậy cũng đã góp phần tạo nên không khí xuân, làm vơi bớt nỗi nhớ nhà của các chiến sĩ hải đảo.

Để rồi, tối cuối năm, trước thời khắc giao thừa, cả đảo lại quây quần xung quanh chiếc bàn, mọi người cùng ăn uống và kể chuyện râm ran. Nào chuyện Tết trước thế nào, Tết này sẽ ra sao, đến chuyện Tết quê anh, Tết quê tôi… thật là ấm cúng và cảm động... “Vậy mới thấy, so với trước đây, Tết ở Trường Sa hiện nay đã đủ đầy và đậm “vị đất liền” hơn rất nhiều. Trong những khó khăn chung, nhưng Đảng, Nhà nước và Nhân dân vẫn luôn dành những gì tốt đẹp nhất cho cán bộ, chiến sĩ nơi biển đảo. Đó cũng là động lực để những người lính Hải quân thêm quyết tâm để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ thiêng liêng của mình”, Thiếu tá Phạm Tài Bá chia sẻ cùng chúng tôi./.

Phạm Như Quỳnh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực