Khẳng định sứ mệnh đại đoàn kết của Mặt trận trong sự phát triển của dân tộc

Thứ sáu, 27/01/2017 20:52
(ĐCSVN) - Sứ mệnh của Mặt trận là đại đoàn kết, đổi mới tạo nên sự đồng thuận, quyết tâm góp sức làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Mặt trận đóng góp sức mình vào việc phát huy sáng kiến, cải thiện đời sống Nhân dân, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc thông qua Mặt trận và sự hiệp thương của Mặt trận với các tổ chức thành viên.


Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam. (Ảnh: TH)

Đó là chia sẻ của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trước thềm Xuân Đinh Dậu 2017. Đồng chí bày tỏ quyết tâm chủ động, đổi mới, bám sát Nghị quyết của Đảng, lắng nghe và chịu sự giám sát, đánh giá của Nhân dân để hoàn thành sứ mệnh của mình trong thời đại mới.

PV: Thưa đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, năm 2016 được xem là năm thành công của Mặt trận khi đã tạo nên nhiều dấu ấn mới trong việc gìn giữ và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng chí có thể nói điều gì về thành tựu của MTTQ trong năm qua đối với sự phát triển của đất nước, động viên Nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc?

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Nhân dân mới là những người đánh giá chân thành nhất về việc Mặt trận đã làm gì trong năm 2016. Cảm tưởng lớn nhất của chúng tôi là đã góp phần làm rõ vị trí đại đoàn kết trong sự nghiệp phát triển của dân tộc giai đoạn hiện nay. Nói đến đại đoàn kết thì phải làm thế nào để Nhân dân hiểu về đường lối phát triển đất nước, đồng tình với sự phát triển đất nước và quyết tâm góp sức làm cho Đảng, chính quyền ngày càng vững mạnh, trong sạch. Bên cạnh đó, chúng ta phải phát huy được sáng kiến của các tầng lớp Nhân dân trong việc đóng góp công sức vào việc cải thiện đời sống của chính mình cũng như vào sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Với nhận thức đó, có thể nói trong năm 2016 đã diễn ra nhiều sự kiện lớn phản ánh sự nỗ lực của Mặt trận dưới sự lãnh đạo của Đảng để phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc.

Hoạt động lớn đầu tiên và cũng là thách thức, đó là Mặt trận động viên toàn thể Nhân dân thực hiện tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Để làm cho Nhân dân hiểu được mình ở vị trí nào trong cuộc bầu cử này, hệ thống Mặt trận từ trung ương tới các cấp đã nỗ lực và hoàn thiện nhiệm vụ của mình được Hiến pháp giao cho là vận động, tuyên truyền Nhân dân tham gia bầu cử, bầu ra người lãnh đạo các cấp, bầu ra người đại diện mình để lo cho mình, lo cho đất nước. Bên cạnh đó là trách nhiệm hiệp thương trong quá trình bầu cử, giới thiệu những người đủ tài, đủ đức cho Nhân dân lựa chọn. Đồng thời là giám sát quá trình bầu cử, đảm bảo tuân thủ pháp luật.

Hoạt động nổi bật thứ hai là trong năm vừa qua, từ kinh nghiệm 15 năm của Cuộc vận động (CVĐ) “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, kinh nghiệm CVĐ “Ngày vì người nghèo” Mặt trận đã hình thành một đề án, một CVĐ cho giai đoạn mới. Đó là CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên tinh thần tiếp tục kế thừa những thành tựu cũ, đồng thời có những điều chỉnh sao cho phù hợp.

Nói đến xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh thì tầm đánh giá là ở cấp xã, phường và cấp quận, huyện nhưng nó lại dựa trên hoạt động của cấp khu dân cư. Vậy nên khi nói toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh là chúng ta nâng tầm đóng góp của Mặt trận vào lĩnh vực mà Đảng và Nhà nước đòi hỏi đo đếm được. Mà muốn NTM thì không thể khu dân cư lại không mới, không tốt, cho nên CVĐ này chúng tôi đã có sự hiệp thương chặt chẽ giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên. Mặt trận không thể làm được nếu các tổ chức thành viên không nhận và không giúp hộ nào để họ thoát nghèo, bớt khó khăn.

Ngày 15/12 vừa qua Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị số 10 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Trước đó, ngày 7/10, MTTQ Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp với Chính phủ về Vận động Giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, đô thị văn minh. Như vậy, đây là CVĐ đáp ứng được ý Đảng, lòng dân. Chính phủ có chương trình triển khai, Mặt trận và Chính phủ có Chương trình phối hợp, có chiều sâu thu hút tất cả nguồn lực của Nhân dân cũng như kết hợp giữa chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Sự kiện thứ ba trong năm 2016 đất nước ta hứng chịu quá nhiều thiên tai. Đầu năm là rét hại ở miền Bắc, giữa năm là tai nạn môi trường biển ở miền Trung, sau đó hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên và Nam bộ, lũ lụt ở miền Trung… Để góp phần cùng với Nhà nước hỗ trợ Nhân dân khắc phục thiệt hại do xâm nhập mặn, hạn hán ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và thủy hải sản chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam đã tiến hành ký kết Chương trình phối hợp số 15 về hỗ trợ Nhân dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt trong 2 tháng.

Khi tiến hành ký kết, chúng tôi xác định còn gần nửa triệu hộ dân bị ảnh hưởng trong các vùng đó nên phấn đấu có ít nhất 10% số hộ sẽ được hỗ trợ. Nhờ sự vào cuộc của các tổ chức và tinh thần đoàn kết, tấm lòng tương thân tương ái của Nhân dân mà qua tổng kết thì không phải 45.000 hộ mà có tới 1.193.000 hộ đã được hỗ trợ - gấp  5 lần chỉ tiêu chúng ta đặt ra ban đầu; số tiền hỗ trợ cũng không phải 80 tỉ mà là 214 tỉ. Điều này là một minh chứng rõ nét cho hoạt động phối hợp giữa Mặt trận và 8 tổ chức khi dựa vào lòng dân kịp thời. Hiện nay, Mặt trận tiếp tục kêu gọi Nhân dân ủng hộ đồng bào Nam Trung Bộ bị lũ lụt. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận, những ngày gần đây các địa phương, tổ chức, cơ quan bộ ngành đã đến Mặt trận đóng góp rất tích cực.

Hoạt động nổi bật thứ 4 của Mặt trận là giám sát. Với phương châm yêu nước và thương dân, năm 2016, Mặt trận tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát lớn đã triển khai trong các năm trước, đó là giám sát sự tuân thủ pháp luật về cung ứng đầu vào trong nông nghiệp, giám sát việc đóng bảo hiểm xã hội trong các doanh nghiệp, giám sát giải quyết khiếu nại tố cáo gắn với tư vấn cho người khiếu nại tố cáo… Đặc biệt từ tháng 3/2016 chúng tôi phối hợp với Chính phủ giám sát về đảm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…

Ngoài ra trong từng giai đoạn, tùy thuộc vào vấn đề mà Nhân dân quan tâm, chúng tôi cũng sẽ có các hoạt động giám sát khác, như vấn đề ô nhiễm môi trường do nguy cơ các nhà máy nhiệt điện phát sinh ra; đồng thời tiếp tục khảo sát để đánh giá sự hài lòng của người dân do Mặt trận phối hợp cùng Bộ Nội vụ triển khai.

Cuối cùng khi nói đến đại đoàn kết là phải nhớ đến người Việt Nam ở nước ngoài. 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc. Hằng năm, có hàng trăm nghìn người về thăm đất nước qua đó có nhiều hình thức kết nối với quê hương từ giao lưu văn hoá, đầu tư kinh doanh. Sắp tới, Mặt trận sẽ đẩy mạnh việc huy động đóng góp trí tuệ của kiều bào cho sự phát triển đất nước. Chúng ta cần phải chung tay, quyết tâm có những giải pháp để làm cho công tác kiều bào ngày càng tốt hơn, chăm lo tốt hơn cho cuộc sống của bà con, có chính sách để bà con trở về nhiều hơn với quê cha đất Tổ.

Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, 
các đoàn kiểm tra của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đi các địa phương để kiểm tra,
 giám sát công tác bầu cử. (Ảnh:TH)

PV: Đồng chí vừa nhắc tới những kết quả ban đầu của CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Vậy trong năm 2017, để đạt được mục tiêu đã đề ra, các cơ quan chức năng cần tổ chức thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” hiện đã có Chỉ thị của Ban Bí thư, có chương trình phối hợp với Chính phủ và có chương trình hiệp thương của Mặt trận với các tổ chức thành viên. Cho đến thời điểm này, phần “khung” đã xong, chỉ bắt tay vào triển khai. Mặt trận cũng đang triển khai với các Bộ liên quan như Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y tế, Công thương, Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Bộ Xây dựng ban hành các tiêu chí liên quan đến NTM, đô thị văn minh, trong đó nói rõ an toàn thực phẩm là gì? Gia đình văn hóa là như thế nào và đô thị văn minh ra sao?…

Trong năm 2017 này, chúng tôi sẽ tổ chức triển khai theo phương châm là Mặt trận ở cấp xã phối hợp với các tổ chức thành viên hiệp thương để trong 19 tiêu chí NTM có 15 tiêu chí Mặt trận sẽ cùng bàn bạc thực hiện. Trong đó, để hỗ trợ hộ dân thoát nghèo phải có sự phân công trách nhiệm cụ thể, để phát triển kinh tế thì cần xây dựng HTX kiểu mới. Bởi vì chừng nào còn hộ cá thể thì không thể có năng suất hiệu quả cao và không bền vững trong cơ chế thị trường cạnh tranh quốc tế.

Muốn xây dựng HTX kiểu mới, chúng ta phải làm rõ câu hỏi, ai sẽ làm Giám đốc HTX trong tương lai? Trước hết phải trông chờ vào 2 triệu nông dân sản xuất giỏi đã được công nhận. Họ là cá thể sản xuất giỏi, nếu họ được bồi dưỡng, quản lý, có cái tâm thì chính họ là nòng cốt làm HTX. Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình đảm bảo trật tự trị an, mô hình đảm bảo môi trường, mô hình giữ gìn văn hóa các dân tộc tại địa phương…

Trước đây khi thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” không có chương trình phối hợp thỏa thuận chính thức với Chủ tịch phường, Chủ tịch xã. Bây giờ Mặt trận triển khai thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” là vì xã, vì phường, vì người dân nên có chương trình phối hợp để biết nguồn lực của chính quyền cho xã, phường là bao nhiêu, dùng làm gì, từ đó, Mặt trận và các tổ chức của xã, phường vận động thêm nguồn lực xã hội…

Một vấn đề đặt ra là việc hỗ trợ người dân thoát nghèo phải có sự phân công, trong phát triển kinh tế cũng tính đến việc xây dựng HTX, bởi chừng nào vẫn còn hộ cá thể lâu dài thì không thể tăng năng suất và khó bền vững trong cơ chế thị trường cạnh tranh quốc tế. Muốn thu nhập cao hơn, bền vững hơn thì về lâu dài phải vào HTX. Hiện nay, tỷ lệ HTX ở mỗi xã còn rất ít, thường chỉ có một hoặc hai HTX mà thu hút chỉ 10 – 20% nông dân, còn 80% người nông dân đứng ngoài. Như vậy phải đặt vấn đề: nếu chỗ nào mà NTM mới có tổ hợp tác thì phải khẩn trương có một HTX để làm mô hình. Còn nơi nào có một HTX rồi thì cần có 2,3,4 HTX nữa để thu hút phần lớn nông dân tham gia.

Ngoài ra, không thể có xã NTM mà hộ nông dân sản xuất lại không an toàn. Bởi vậy, sẽ có nội dung cụ thể là đăng ký gia đình văn hóa phải là gia đình sản xuất an toàn thực phẩm. Đây là vấn đề rất mới, nếu làm nghiêm vấn đề này thì tỷ lệ hộ văn hóa sẽ giảm đi nhưng theo tôi trong ngắn hạn cũng không sao, quan trọng là biết thực chất để nâng dần chất lượng cuộc sống hơn.

Như vậy, kinh tế muốn ổn định thì gắn với hợp tác xã kiểu mới và an toàn thực phẩm phải gắn với từng gia đình.

PV: Thưa đồng chí, năm 2016 được xem là một năm có nhiều biến động về tôn giáo và sắc tộc ở trên thế giới. Tuy nhiên ở Việt Nam, nói đến tôn giáo là nói đến niềm tự hào của các công dân khi được sống trong môi trường tôn giáo hòa bình và ổn định, ở đó có sự đi đầu của MTTQ Việt Nam trong việc đảm bảo kết nối, đoàn kết các tôn giáo. Đồng chí có chia sẻ gì về vấn đề này?

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Nhìn lại lịch sử, nhiều tôn giáo ở Việt Nam được du nhập từ nước ngoài nhưng bất cứ người Việt Nam theo tôn giáo nào cũng là người Việt Nam yêu nước, cũng là người Việt Nam thương dân. Về giáo lý của tất cả các tôn giáo đang tồn tại ở Việt Nam không tôn giáo nào đi ngược lại giáo lý yêu nước, thương dân, đặc biệt là thương những người khó khăn, yếu thế. Hơn nữa, công tác tôn giáo nước ta ngày càng được nước ngoài thừa nhận. Đó là những thành tựu được đúc kết trong một quá trình lâu dài từ khi có Đảng, thống nhất đất nước cho đến nay thì mỗi một tổ chức, cơ quan đều có trách nhiệm của mình.

Chủ tịch Hội đồng giám mục Đức đã từng hỏi tôi: Việt Nam xây dựng chủ nghĩa cộng sản, vậy thì đến lúc đó tôn giáo sẽ diệt vong? Tôi đã trả lời: Việt Nam xây dựng chủ nghĩa cộng sản nhưng không hướng đến sự diệt vong của tôn giáo mà tôn giáo đồng hành cùng dân tộc cũng như khẳng định sự tự do tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật.

Trong Mặt trận có đại diện của nhiều tôn giáo, trong Hội đồng nhân dân các cấp cũng có nhiều tôn giáo tham gia. Trong 2 năm qua có hai sự kiện quan trọng: Thứ nhất, cuối năm 2015, Mặt trận lần đầu tiên đã ký một Chương trình phối hợp với Bộ Tài Nguyên Môi trường và 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo được công nhận ở Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ trước tới nay, chưa bao giờ 40 tổ chức tôn giáo ngồi với nhau chung một diễn đàn và ký với nhau chung một văn bản vì thế để ngồi được với nhau là do giữa các tôn giáo có sự đồng thuận trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đó là hình ảnh tiêu biểu cho tinh thần đại đoàn kết.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thăm là tặng quà Tòa Giám mục tỉnh Kon Tum.
 (Ảnh: TH)

Thứ hai, năm 2016, các tôn giáo đã đóng góp rất nhiệt tình để xây dựng dự thảo Luật Tín ngưỡng tôn giáo và Quốc hội đã thông qua Luật này. Đây là sự kiện rất quan trọng, đòi hỏi trong thời gian tới chúng ta phải quan tâm, chia sẻ nhiều hơn nữa nhu cầu của các tôn giáo như quy hoạch đất đai, cấp phép cho các cơ sở từ thiện, dạy nghề…

Sắp tới, Mặt trận sẽ có một hội nghị tổng kết các tôn giáo tham gia vào việc duy trì các cơ sở từ thiện, chăm lo cho người nghèo, người bị nhiễm HIV, trẻ mồ côi. Đây là hội nghị nối tiếp sau thành công của hội nghị tổng kết về cơ sở mầm non của các tôn giáo từ những năm trước.

Nói tóm lại, vấn đề tôn giáo ở nước ta về cơ bản không có đối đầu nhưng chúng ta cũng không nên nhận xét các nước khác họ duy trì tôn giáo như thế nào vì họ có lịch sử của mình. Điều quan trọng lúc này là làm sao để nhân dân trong đó có đồng bào có đạo ở Việt Nam hạnh phúc với chế độ này, vui với cuộc sống này khi ấy Đảng, Mặt trận mới hoàn thành nhiệm vụ.

PV: Xin đồng chí cho biết, trong năm 2017, MTTQ sẽ có những nội dung nào để thúc đẩy hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng cả nước phát triển kinh tế- xã hội nhanh, mạnh hơn nữa?

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Sứ mạng của Mặt trận các thời kỳ là trên trục đại đoàn kết, trên sự đồng thuận vì nước vì dân, đồng hành và tin tưởng vào đường lối của Đảng, đóng góp xây dựng chính quyền vững mạnh, phát huy sức sáng tạo của nhân dân…

Như tôi đã nói, trong năm 2017, Mặt trận có rất nhiều chương trình với đa dạng các nội dung, chỉ xin nói gọn là Mặt trận sẽ tiếp thu và phát huy những mô hình, phương thức đã làm trong thời gian qua, đặt mạnh yêu cầu chủ động, đổi mới, bám sát nghị quyết mới của Đảng trong nhiệm kỳ này để phát huy khối đại đoàn kết toàn dân. Bên cạnh đó, Mặt trận cũng như các tổ chức thành viên phải biết lắng nghe Nhân dân và chịu sự giám sát, đánh giá của Nhân dân.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thu Hà
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực