Vị thế mới của Việt Nam trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế

Thứ năm, 13/07/2017 20:30
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức làm việc tại CHLB Đức, Hà Lan và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thành phố Hamburg (Hăm-buốc).

Thủ tướng Đức Angela Merkel đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn Việt Nam tại Đức, Hà Lan và Hội nghị G20 với tư cách nước chủ nhà Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC 2017 đã ngày càng khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, cho thấy Việt Nam là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.  

Trong khuôn khổ chuyến thăm, các nhà lãnh đạo Đức và Hà Lan đều khẳng định Việt Nam là đối tác rất quan trọng trong ASEAN, đồng thời đề cao vai trò của Việt Nam với tư cách là nền kinh tế phát triển năng động, có vị thế và uy tín trong ASEAN. Hai bên nhất trí làm sâu sắc hơn nữa quan hệ thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam với Đức và Hà Lan đã bước vào giai đoạn mới trên cơ sở hữu nghị và tin cậy lẫn nhau.

Tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối”, Việt Nam đã thể hiện vai trò chủ động cùng chung tay với các cường quốc hàng đầu thế giới giải quyết mọi vấn đề toàn cầu. Trên thực tế, trước hội nghị thượng đỉnh lần này, Việt Nam đã tham dự các hội nghị liên quan của G20 với tư cách Chủ nhà APEC 2017 và tích cực tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến có trách nhiệm và mang tính xây dựng vào chương trình nghị sự của G20, trong đó có việc thúc đẩy kết nối và phối hợp các nội dung ưu tiên mà G20 và APEC cùng theo đuổi trong năm 2017. Những đóng góp thiết thực và sự tham gia tích cực của Việt Nam từ cấp nhóm công tác đến các hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và chuyên ngành khác được nước chủ nhà Đức và các thành viên G20 đánh giá cao. Cũng phải nhắc lại rằng Việt Nam là nước chủ nhà APEC đầu tiên được mời tham dự các cuộc họp của Nhóm G20 trong năm nay. Điều đó thể hiện sự tin cậy, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những sáng kiến hợp tác vượt lên trên tầm khu vực mà Việt Nam đã đề xuất cho APEC.    

Các đoàn tham dự G20 khi gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều bày tỏ sự coi trọng vai trò, vị thế cũng như sự tham dự của Việt Nam tại các hội nghị G20, hoan nghênh các ý kiến đóng góp mang tính xây dựng và có trách nhiệm của Việt Nam và mong muốn Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò chủ nhà APEC 2017 để thúc đẩy chương trình nghị sự APEC, tạo cơ sở thúc đẩy tự do thương mại và tự do toàn cầu. Đây có thể coi là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với uy tín và vị thế của Việt Nam, giống như nhan đề bài viết trên tờ Neues Deutschland (Nước Đức mới), một trong những tờ báo uy tín và có lượng độc giả lớn của Đức: “Việt Nam đã chứng tỏ được uy tín. Điều này cho thấy vai trò của Việt Nam nói riêng cũng như của APEC nói chung với tư cách là một cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế hàng đầu ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương, đang ngày càng được khẳng định. Chương trình dày đặc các hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị thượng đỉnh G20, từ tham gia các phiên thảo luận và các cuộc họp trong khuôn khổ hội nghị, đến một loạt cuộc tiếp xúc song phương bên lề, đã thể hiện một hình ảnh Việt Nam năng động, sẵn sàng là đối tác có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo các nền kinh tế G20 bên lề hội nghị, như Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc, Thủ tướng Australia, Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Ấn Độ, Thủ tướng Singapore, Thủ tướng Canada, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Senegal, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO),... một mặt giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ và hiểu đúng hơn về Việt Nam, tạo cơ hội để Việt Nam đưa các khuôn khổ quan hệ đối tác đã được xác lập đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, đồng thời một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hoá, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đặc biệt, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel (An-giê-la Méc-ken), nhà lãnh đạo Đức đã khẳng định rằng Việt Nam là đối tác rất quan trọng của Đức trong ASEAN, đồng thời đề cao vai trò của Việt Nam với tư cách là nền kinh tế phát triển năng động.

Những ý kiến, quan điểm và kinh nghiệm mà Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này về ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư,... đã đóng góp không nhỏ vào nỗ lực giải quyết các vấn đề toàn cầu, thể hiện vai trò xây dựng của Việt Nam. Nhiều ý kiến đóng góp của Việt Nam như đề cao hợp tác quốc tế, phối hợp hành động toàn cầu và khu vực trong xử lý các vấn đề chung của kinh tế thế giới, phát triển bền vững, sử dụng bền vững nguồn nước, phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư,… đã được G20 ghi nhận trong Tuyên bố chung. Theo đánh giá của Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, sự tham gia tích cực và hiệu quả của đoàn Việt Nam đã tạo được ấn tượng tốt tại hội nghị G20 và góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam.

Thành công của sự tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này thực sự là cơ hội để Việt Nam chuyển tải những thông điệp của Năm APEC 2017  là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” trên cơ sở lồng ghép, đan xen những điểm tương đồng và ưu tiên của G20 và APEC nhằm tăng cường phối hợp khu vực và toàn cầu trong xử lý các vấn đề kinh tế và quản trị, qua đó thu hút sự đồng lòng hưởng ứng của cộng đồng quốc tế. Việc tích cực và chủ động tham gia "quảng bá" thông điệp APEC tại hội nghị G20 chứng tỏ vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong Năm APEC 2017, cũng như thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của đối ngoại Việt Nam. Hoạt động tích cực và hiệu quả của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh G20 với tư cách là quốc gia đăng cai APEC 2017 đã góp phần đáng kể nâng cao vai trò của APEC, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn cho diễn đàn khu vực này, đồng thời tạo cơ sở để G20 và APEC kết nối và phối hợp trong các lĩnh vực cùng quan tâm như thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại và đầu tư; khuyến khích đổi mới-sáng tạo; hợp tác chống biến đổi khí hậu… Đây là những nội dung đáp ứng được sự quan tâm và lợi ích của các nền kinh tế thành viên, phù hợp với xu thế chung trong hợp tác quốc tế.

Có thể khẳng định rằng hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Đức, Hà Lan và Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua một lần nữa đã tạo được dấu ấn về một Việt Nam năng động, chủ động, tích cực, đồng thời cho thấy vị thế mới của Việt Nam trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế./.

Thanh Mai (TTXVN)

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực