Chiêm ngưỡng kiệt tác Guernica của danh họa Picasso bằng socola

Thứ hai, 17/05/2021 18:37
(ĐCSVN) – Guernica – bức tranh phản chiến kinh điển của danh họa Pablo Picasso vừa được các “nghệ nhân” làm bánh kẹo của Tây Ban Nha sao chép lại. Điều đặc biệt là thay vì sử dụng sơn dầu và vải bố như bức tranh gốc, bản sao chép được làm hoàn toàn từ socola.
Một vũ công biểu diễn trong buổi giới thiệu trước công chúng phiên bản socola của kiệt tác Guernica. (Ảnh: AFP via Getty Images) 

Bức tranh Guernica bằng socola là sản phẩm hợp tác giữa những người thợ làm bánh kẹo đến từ xứ Basque ở Tây Ban Nha và Hiệp hội địa phương “Euskal Gozogileak’. Để dựng lại được bức tranh phản chiến năm 1937 nổi tiếng, các nghệ nhân đã sử dụng tới 1.102 pound (khoảng hơn 500kg) socola. Tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng mô tả nỗi thống khổ của con người và động vật trong trận đánh bom thị trấn Guernica của xứ Basque trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. 

Thông qua bức tranh, danh họa Picasso đã thể hiện tiếng nói đanh thép chống chiến tranh phi nghĩa, chống bạo lực phản lại nhân dân, chống phát xít, bảo vệ hòa bình và quyền sống của con người. Bức tranh Guernica, năm 1937, của danh họa Tây Ban Nha Pablo Picasso (1881-1973) thuộc nhóm đỉnh cao của hội họa nhân loại.

Video: smithsonianmag.com

Sau gần 1 thế kỷ, bức tranh  Guernica của danh họa Picasso đã được các nghệ nhân dùng socola để sao chép lại, với kích thước tương tự như bức tranh gốc ( 25,5 x 11,4 feet). Đây là “bức tranh đặc biệt” được làm ra để kỷ niệm 85 năm thị trấn Guernica bị ném bom trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha (ngày 26/4/1937).

Bà Loren Gomez - Chủ tịch Liên đoàn nghệ nhân ẩm thực ngọt xứ Basque tiết lộ, việc làm ra bản sao của bức tranh Guernica thực sự rất khó khăn do cần tới một lượng lớn socola. Các nghệ nhân đã phải chia bức tranh thành nhiều phần khác nhau, với chiều rộng 5,5 feet và chiều cao 3,6 feet.

Bức tranh Guernica phiên bản bằng socola hiện đang được giữ trong một căn phòng được kiểm soát nhiệt độ tại Bảo tàng nghệ thuật Reina Sofia ở thủ đô Madrid. Dự kiến, bức tranh đặc biệt này sẽ được mang đi trưng bày ở khắp Tây Ban Nha, Đức và Pháp./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực