Tết độc và lạ trên thế giới

Thứ ba, 13/02/2024 15:31
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
ĐCSVN - Nhiều nền văn hóa ghi dấu ấn riêng của mình bằng cách đón Tết với nhiều phong tục, tập quán kỳ lạ, tạo nên những nét độc đáo, thú vị trong nền văn hóa đa dạng trên thế giới.
 Ảnh minh họa: nguồn (Wiki Travel).

Peru

Chửi mắng và đánh nhau phong tục kỳ quặc được tổ chức trong năm mới này, thường xuất hiện tại làng Chumbilbilca của đất nước Peru xinh đẹp. Người dân ở đây ăn mừng lễ hội đón năm mới mang tên Takanakuy bằng cách mắng chửi và đánh nhau để thắt chặt tình đoàn kết. Họ tin rằng mắng nhau và “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” là cách xóa bỏ hết những hiềm khích cá nhân trong năm cũ và thắt chặt tinh thần đoàn kết trong năm mới. Dù không mang găng tay hay áo giáp thi đấu, nhưng rất ít người dân bị chấn thương nghiêm trọng. Bởi một lý do hết sức đơn giản là những cuộc ẩu đả này được cảnh sát địa phương giám sát.

Canada

Ở Canada lại xem việc tắm nước lạnh là một nghi lễ không thể thiếu để chào đón một năm mới. Họ quan niệm rằng, phong tục tắm nước lạnh sẽ mang lại cho gia đình, người thân một năm mới an lành và hạnh phúc. Vào ngày đầu năm, nhiệt độ ở Canada khá thấp, có lúc xuống đến -10 độ C. Nhưng không phải vì thế mà họ bỏ qua phong tục tắm nước lạnh này. Cách đón Tết này cũng được người Nga ở một số nơi đón mừng năm mới bằng cách nhảy vào hồ băng, sau đó ôm một thân cây đã chết bên trong hồ.

Ecuador

Người dân khắp đất nước Ecuador làm những con bù nhìn "ano viejo" từ quần áo cũ, giấy bỏ đi vào ngày cuối cùng của năm và coi con bù nhìn là thứ lưu giữ những điều không may của năm cũ. Khi sắp đến nửa đêm, con bù nhìn bị đặt lên ghế để mọi người thi nhau đấm đá. Cuối cùng, người ta ném tất cả bù nhìn thành một đống rồi châm lửa đốt rụi. Người Ecuador lúc này yên tâm rằng mọi vận rủi đó hết và lại tiếp tục tiệc tùng đón mừng năm mới.

 Phong tục đốt bù nhìn "ano viejo" tại Ecuador. Nguồn: Huffington Post.

Panama

Ở Panama, theo truyền thống, người ta thường mang hình vẽ những người nổi tiếng đốt cháy để đón chào năm mới. Đó có thể là những nhân vật hay xuất hiện trên truyền hình hoặc các chính trị gia nổi tiếng. Họ tin rằng, điều đó sẽ giúp xua đuổi tà ma, những điều xấu trong năm cũ, để bắt đầu một năm mới thuận lợi, suôn sẻ và không gặp bất cứ trở ngại nào.

Phong tục này đã tồn tại trong suốt một thời gian dài tại Panama, nhưng gần đây phong tục này đã được cải biến đi ít nhiều khi ngoài hình ảnh những nhân vật nổi tiếng được mang đốt, người dân có thể sử dụng hình ảnh của những người thân đã mất của mình để đốt với hy vọng những người đã khuất cũng sẽ được chung vui một cái Tết an lành cùng mọi người.

Estonia

Hòa chung không khí vui tươi trên khắp thế giới, người Estonia cũng mở tiệc đón giao thừa. Nhưng vào ngày mùng 1, họ sẽ cố gắng “nhồi nhét” cho đủ bảy bữa với hy vọng ấm no suốt năm sau. Theo quan niệm nơi này, một người khi ăn đủ 7 bữa sẽ có thể lực dồi dào như 7 người cộng lại. Song, xin đừng nghĩ rằng cố ăn tới 8 hay 9 bữa nữa thì hiệu quả sẽ tăng lên gấp bội, bởi chỉ duy nhất số 7 mới đem đến may mắn mà thôi.

Colombia

Mong muốn năm mới có những chuyến du lịch và phiêu lưu, người Colombia có phong tục đi bộ quanh khu nhà của mình với một chiếc vali rỗng vào lúc nửa đêm. Nghi thức này được cho là sẽ khơi gợi niềm đam mê du lịch và hứa hẹn về những chuyến đi thú vị trong năm mới.

Nam Phi

Ở Johannesburg, Nam Phi, không có gì lạ khi chứng kiến cảnh đồ đạc cũ bay ra ngoài cửa sổ vào đêm giao thừa. Hành động mang tính biểu tượng này liên quan đến việc loại bỏ những đồ đạc không cần thiết, tượng trưng cho một khởi đầu mới cho năm sắp tới. Mặc dù có thể khiến mọi người phải ngạc nhiên nhưng cách làm này giúp tinh thần được đổi mới và chia sẻ kinh nghiệm chung.

 Làm bát đĩa vỡ là một phong tục trong đón năm mới ở đất nước Đan Mạch.

Đan Mạch

Ở Đan Mạch, chào đón năm mới bằng việc người dân mang những món đồ đựng thức ăn đã sứt mẻ, hoặc không dùng đến trong suốt cả năm mang ra đập vào đêm giao thừa, họ vui vẻ đập chúng trước cửa nhà bạn bè và gia đình. Càng nhiều mảnh vỡ thì càng tốt, vì những chiếc đĩa vỡ được cho là sẽ đem lại may mắn và mối quan hệ sẽ tốt đẹp với nhau hơn trong năm tới.

Tết hoa quả

Ở Nhật Bản, hoa anh đào được coi là quốc hoa và năm nào nhà nước cũng dành 1 tháng (từ 15/3 đến 15/4) cho Tết Anh đào. Do sự khác nhau về khí hậu giữa các vùng địa lý Nhật, hoa anh đào nở từ tháng 3 đến tận tháng 7, từ miền Nam dần lên miền Bắc. Cứ đầu tháng 4 tháng năm, người Nhật cử hành lễ hội thưởng thức anh đào, lễ hội thường có những nhân vật tên tuổi trong nước và các vị khách quốc tế tham dự. Khắp nơi, người ta tụ tập dưới gốc cây ngắm hoa, uống rượu và hò hát, nhảy múa tưng bừng suốt ngày đêm.

Nước có nhiều tết hoa quả nhất là Columbia. Nơi đây, hầu hết các loại hoa quả đều có một ngày tết riêng, như: Tết gạo thần, Tết phù dung, Tết cà phê chúa... Vào ngày Tết loại hoa quả nào, người ta thường tổ chức vui chơi, ăn uống, ca hát, tán dương loại hoa quả đó rồi đem chúng ra thi với nhau, chọn lấy sản phẩm tốt đẹp, đặc biệt nhất để phong "Vua". Họ còn hóa trang thành hoa quả, củ khoai, bắp ngô... khổng lồ, hợp thành đoàn diễu qua các phố, trông rất ngộ nghĩnh.

Malaysia

Một đất nước có phong tục đón Tết độc đáo, thú vị, do chịu ảnh hưởng từ lịch của Hồi giáo, để chuẩn bị cho Tết, người dân xứ này sẽ phải nhịn ăn vài ngày trước thời điểm chào đón năm mới. Đồng thời cũng không mua nhiều món ăn để thể hiện sự cảm thông đối với những nước nghèo đói. Có thể thấy, đây chính là quốc gia giàu tình thương bậc nhất thế giới.

N Phương (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực