Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và kinh tế nông thôn

Thứ bảy, 14/11/2015 16:19

(ĐCSVN) - Sáng 14/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của ngành (14/11/1945 – 14/11/2015) và Đại hội thi đua yêu nuớc ngành NN&PTNT lần thứ IV. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới dự và phát biểu tại buổi lễ.

 

 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi lễ
 (Ảnh: Nguyên Linh/chinhphu.vn)


Tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã ôn lại chặng đường phát triển của ngành NN&PTNT qua các thời kỳ lịch sử, từ Bộ Canh Nông (1945) chỉ đạo phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; Bộ Giao thông công chính thành lập ngày 28/8/1945 quản lý về thủy lợi; Bộ Thủy lợi và Kiến trúc (1955), Bộ Thủy lợi (1958), Bộ Nông trường (1960); Ủy ban Nông nghiệp Trung ương (1971). Từ năm 1976, các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Hải sản, Bộ Lương thực, Bộ Công nghiệp thực phẩm và Bộ Thủy lợi quản lý. Bộ NN&PTNT ngày nay được thành lập trên cơ sở hợp nhất các Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Thủy lợi và Bộ Thủy sản để thực hiện quản lý nhà nước về các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi và phát triển nông thôn.

70 năm qua, các tổ chức tiền thân của Bộ NN&PTNT đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, Chính phủ, đấu tranh với đói nghèo, thiên tai, dịch bệnh, đạt bước trưởng thành về nhiều mặt, gắn với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn cả nước. Đặc biệt, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng thời kỳ 1986 - 2015, ngành NN&PTNT liên tục giành được những thành tựu to lớn, toàn diện, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, thành công nổi bật nhất là phát triển sản xuất lúa gạo, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Ngày nay, thay cho hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” xuất hiện ngày càng nhiều những máy gặt đập liên hợp chạy trên những cánh đồng lúa chín vàng bát ngát.

Chăn nuôi thực sự trở thành ngành sản xuất chính ở nhiều địa phương, xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở chăn nuôi công nghiệp, trang trại họat động như nhà máy sản xuất thịt, sữa, trứng áp dụng công nghệ cao. Ngành thủy sản vươn lên mạnh mẽ, trở thành ngành xuất khẩu mũi nhọn với tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2014 đạt 7,8 tỷ USD; ngành lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế - xã hội quan trọng, với độ che phủ rừng đạt 40,7% (năm 2015), Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ lớn trên thế giới với kim ngạch năm 2014 đạt 6,2 tỷ USD.

Lễ mít tinh kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của ngành (14/11/1945 – 14/11/2015) và Đại hội thi đua yêu nuớc ngành NN&PTNT lần thứ IV (Ảnh: BT)

Tuy nhiên, những thách thức trong thời gian tới với ngành nông nghiệp không nhỏ như: cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt; tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đe dọa gia tăng ngập lụt, xâm nhập mặn; chất luợng, hiệu quả ngành nông nghiệp nhìn chung còn thấp....

Tại buổi lễ, báo cáo về phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng giai đoạn 2011 - 2015 của ngành NN&PTNT, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, các phong trào trong ngành đã được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong đó, thực hiện phong trào “cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới” của ngành đã góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới của cả nước. Qua gần 5 năm thực hiện, đã có 269 xã, 65 doanh nghiệp, 31 doanh nhân và 50 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 16 tập thể, 14 cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

Phong trào thi đua liên kết “Vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn”, 5 năm qua, đã có hàng nghìn đề tài, sáng kiến được ứng dụng vào sản xuất, góp phần thay đổi phương thức canh tác theo hướng phát huy thế mạnh, khắc phục các yếu tố bất lợi ở từng vùng để sản xuất đạt hiệu quả cao, bền vững, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành và bà con nông dân cả nước đã đóng góp công sức, trí tuệ, đoàn kết, chung tay phát triển ngành NN&PTNT, góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc; biểu dương các điển hình tiên tiến, các đại biểu ưu tú đã đi đầu trong phong trào thi đua 5 năm qua, góp phần xứng đáng trong công cuộc đổi mới đất nước.

Trong những năm tới, ngành NN&PTNT đứng trước những thời cơ, thuận lợi lớn, đồng thời cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Bởi vậy, để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị ngành NN&PTNT cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và kinh tế nông thôn trên cơ sở đảm bảo an ninh quốc gia; chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất sang phát triển những cây, con có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, có sức cạnh tranh trên thị trường. Phát triển mạnh chăn nuôi, nhất là chăn nuôi quy mô lớn, theo phương thức công nghiệp; tập trung làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, kể cả rừng ngập mặn ven biển, nâng cao chất lượng, hiệu quả rừng sản xuất.

Thứ hai, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, từ khâu tuyển chọn, sản xuất giống cây, giống con, quy trình kỹ thuật sản xuất tới thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và giảm thiểu ảnh hưởng tới ô nhỉễm môi trường.

Thứ ba, đa dạng hóa các nguồn lực, tăng cường đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống kênh mương, hồ, cống, đập, thủy lợi, hệ thống đê sông, đê biển, hệ thống cơ sở hạ tầng nghề cá, máy móc, thiết bị làm đất, gieo trồng, thu hoạch, vận chuyển nông sản, kho bảo quản sản phẩm sau thu hoạch,...

Thứ tư, tập trung chỉ đạo thực hiện có kết quả chương trình xây dựng Nông thôn mới. Tổ chức, động viên, thu hút sự tham gia tích cực, chủ động sáng tạo của nhân dân vào thực hiện chương trình để xây dựng Nông thôn mới thực sự là phong trào sâu rộng của nhân dân với sự hỗ trợ của Nhà nước. Cùng với đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, đó là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân; xây dựng môi trường văn hóa, xã hội lành mạnh; giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trưởng ở nông thôn./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực