Phong trào thi đua đem lại cuộc sống tốt đẹp cho người mù

Thứ năm, 12/11/2015 15:34

(ĐCSVN) - Thời gian qua, Hội Người mù Việt Nam, cùng với các cấp Hội đã đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và đạt hiệu quả thiết thực. Từ phong trào thi đua nhiều tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến được phát hiện, nhân rộng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Hiệu quả thiết thực

Giai đoạn 2010 - 2015, Hội Người mù các cấp đã đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Các cấp Hội đã hưởng ứng, triển khai sâu rộng việc "Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", cuộc vận động "Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hòa nhập với cộng đồng" và "Chương trình hành động việc làm xóa đói giảm nghèo" cùng các phong trào theo từng lĩnh vực hoạt động, từng chuyên đề cụ thể gắn với các cuộc vận động của nhà nước, địa phương và các cấp Hội phát động.

 

 Công tác giải quyết việc làm cho hội viên được các cấp Hội quan tâm
(Ảnh minh họa: Báo Sơn La)


Những kết quả của các phong trào thi đua đã có tác dụng mạnh mẽ trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động Hội. 5 năm qua, Hội Người mù Việt Nam đã phát triển được 10 tỉnh, thành hội, nâng tổng số địa phương có tổ chức Hội lên 54 đơn vị. Các cấp Hội đã sử dụng và quản lý tốt gần 50 tỷ đồng vốn vay trên cả 3 phương diện: Cho vay đúng đối tượng; sử dụng vốn đúng mục đích có hiệu quả; hoàn trả đầy đủ cả gốc và lãi cho Nhà nước. Mỗi năm đã tạo thêm việc làm cho gần 700 hội viên, giảm từ 1,5-2% tỷ lệ hội viên nghèo (tỷ lệ hội viên nghèo trong toàn hội hiện nay là 25,1%).

Thông qua các loại hình Tạp chí của Hội và các phương tiện thông tin đại chúng, các cấp Hội đã cung cấp thông tin, kiến thức, giới thiệu gương người tốt, việc tốt, thúc đẩy phong trào thi đua trong toàn Hội, đồng thời, giúp cộng đồng hiểu thêm về khả năng, nguyện vọng và quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn đối với người mù và tổ chức Hội.

Cùng với đó, các cấp hội thường xuyên tổ chức các lớp học phục hồi chức năng, dạy chữ, dạy nghề và nâng cao chất lượng cán bộ cũng như dân trí cho hội viên. Hiện có 447 người mù đã và đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước.

Từ các phong trào thi đua yêu nước, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới tiêu biểu được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng. Trong đó nổi bật là: 01 tập thể  được tặng thưởng Huân chương độc lập hạng Nhất; 01 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; 14 tập thể và 15 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 1.658 tập thể và 2.462 cá nhân được Trung ương hội tặng Bằng khen; 2.768 cá nhân ngoài hội và 104 cá nhân trong Hội được Trung ương hội tặng Kỷ niệm chương ...

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng phong trào thi đua, Hội Người mù Việt Nam phấn đấu hằng năm có 100% đơn vị các cấp Hội phát động, đăng ký thi đua và tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá, khen thưởng kịp thời đối với phong trào thi đua trên các lĩnh vực hoạt động; Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ của các cấp Hội đề ra, thiết thực góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương; Nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào thi đua trong cán bộ, hội viên, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, là động lực xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người mù.

Những tấm gương tàn nhưng không phế

Qua phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, đạt được thành tích cao trong học tập, lao động sản xuất, có nhiều đóng góp cho tổ chức Hội và cả cộng đồng.

Đó là anh Nguyễn Văn Chung, Hội viên Hội Người mù huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra trong một gia đình nghèo có ba chị em thì hai người bị hỏng mắt nhưng Chung đã vượt qua mọi khó khăn, rào cản, luôn hoàn thành tốt việc học tập, năm học lớp 11 và 12 Chung đã đạt học sinh giỏi cấp tỉnh môn lịch sử.

Sau khi thi đỗ và theo học tại trường Đại học Khoa học Huế, Chung không chỉ hoàn thành tốt chương trình văn hóa mà còn rất năng động tham gia công tác đoàn, là chủ nhiệm của CLB "Vì cộng đồng" của trường được thầy cô, bạn bè đánh giá cao.

Với những nỗ lực của mình, Chung được bình chọn là thanh niên ưu tú và sinh viên xuất sắc trong phong trào học tập, vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi còn là sinh viên trường Đại học Khoa học Huế.

Cũng như Chung, chị Nghiêm Thị Thu Trang, hội viên Hội Người mù huyện Ứng Hòa, Hà Nội bị mắc bệnh Glocom từ nhỏ. Khi được cha mẹ cho theo học hòa nhập, Trang biết rõ điểm yếu của mình nên đã nỗ lực không ngừng để chứng minh cho thầy cô và bạn bè thấy được khả năng của bản thân. Ngoài việc tự mày mò học bài ở nhà trước khi tới lớp, Trang còn tham gia sinh hoạt cộng đồng, trở thành lãnh đạo câu lạc bộ Hoa Đá của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Tốt nghiệp ra trường, dù đôi mắt không được như các bạn nhưng Nghiêm Thị Thu Trang đã mang lại niềm tự hào cho gia đình, thầy cô, bàn bè khi cầm tấm bằng loại Giỏi, chương trình đào tạo Cử nhân Ngôn ngữ học đạt chuẩn quốc tế thuộc trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Anh Đoàn Nghiêu, Chi hội trưởng Hội Người mù xã Tam Ngọc, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam. Sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, năm anh lên 6 mẹ anh mất, 16 tuổi anh Nghêu bị mù hai mắt, không lâu sau cha anh cũng qua đời, cuộc sống của anh tưởng như có lúc không thể vượt qua.

Năm 1998 đến với Hội Người mù thành phố Tam Kỳ, tại đây anh được tham gia học nghề làm tăm, chổi, rồi dạo bán sản phẩm của Hội. Trong quá trình tham gia Hội anh có cơ hội được giao lưu với nhiều người, được học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, từ đó, anh ấp ủ tư tưởng làm giàu, vươn lên, xóa đi cái đói, cái nghèo.

Ban đầu chỉ dám nghĩ đến việc xây dựng các đầu mối tiêu thụ, làm đại lý, hưởng hoa hồng. Sau đó anh lên ý tưởng xây dựng cơ sở sản xuất để làm đũa. Từ năm 2009 đến nay, cơ sở sản xuất của anh Nghêu mỗi ngày sản xuất hơn một tấn đũa, doanh thu trên 400 triệu đồng một tháng, trừ chi phí còn lãi được 40 triệu đồng/tháng. Trong chi hội, anh còn tạo việc làm cho 20 lao động không phải là người khuyết tật tại địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực