Hội thảo "Chính sách tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai" do các cơ quan của Bộ Tài chính chủ trì
Các nhóm công tác và tiểu ban như Phát triển nguồn nhân lực (HRDWG), Diễn đàn Khoa học đời sống và đổi mới (LSIF), Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn (SCSC), Luật và chính sách cạnh tranh (CPLG), Thủ tục hải quan (SCCP), Chống khủng bố (CTWG), và Nhóm chuyên gia về chống khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp (EGILAT) tiếp tục chương trình thảo luận đã thống nhất ở phiên khai mạc.
Nhóm HRDWG tổ chức đồng thời ba cuộc họp, tập trung thảo luận các vấn đề về Nâng cao năng lực, Mạng lưới giáo dục, Người lao động và bảo trợ xã hội. Các cuộc họp đã rà soát những kết quả đạt được trong năm 2016, đồng thời thảo luận và thống nhất các định hướng, ưu tiên hợp tác năm 2017, trong đó có việc triển khai Chiến lược giáo dục của APEC, chuẩn bị cho Đối thoại chính sách cao cấp về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số vào tháng 5/2017 tại thành phố Hà Nội, cũng như Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 7 về phát triển nguồn nhân lực dự kiến vào năm 2018.
Phát biểu khai mạc cuộc họp Mạng lưới Giáo dục, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng đã khẳng định “Việt Nam luôn nhìn nhận giáo dục là nền tảng quan trọng để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, từ đó nuôi dưỡng, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và đổi mới”, đồng thời nêu bật những thành tựu về đổi mới giáo dục của Việt Nam thời gian qua.
Tại phiên họp toàn thể đầu tiên của Tiểu ban SCCP, các đại biểu tập trung thảo luận việc thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại trong khuôn khổ WTO (TFA), triển khai kết nối cơ chế một cửa, tăng cường khung kết nối chuỗi cung ứng, và phát triển chương trình Doanh nghiệp ưu tiên để tạo thuận lợi về thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá. Đây là những nỗ lực cụ thể nhằm triển khai hợp tác SCCP, với mục tiêu tổng thể là cắt giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí, mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã phát biểu khai mạc phiên họp, khẳng định hợp tác APEC sẽ giúp hải quan Việt Nam xây dựng các sáng kiến, chương trình hành động mới, nhằm đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp; góp phần cụ thể, thiết thực vào việc xây dựng chính phủ kiến tạo của Việt Nam.
Ngày hôm nay, nhóm EGILAT và Tiểu ban SCSC đã kết thúc cuộc họp toàn thể đầu tiên của năm nay và thông qua các kế hoạch công tác của năm 2017.
Cuộc họp EGILAT lần này có ý nghĩa quan trọng khi một số thành viên đang điều chỉnh hệ thống luật pháp liên quan đến tính hợp pháp của sản phẩm gỗ. Các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ thông tin về các chính sách chống khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp; trao đổi kinh nghiệm thúc đẩy liên kết giữa người sản xuất và tiêu dùng, giữa hộ nông dân trồng rừng với các tập đoàn đa quốc gia nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu. APEC có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quản lý rừng bền vững và thương mại gỗ hợp pháp, bởi hiện nay các thành viên APEC đại diện khoảng 53% diện tích rừng, 60% tổng sản lượng gỗ và sản phẩm gỗ của thế giới, và 80% tổng thương mại gỗ và sản phẩm gỗ toàn cầu.
Tại cuộc họp, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Văn Hà đã khẳng định quyết tâm và những thành tựu của Việt Nam trong việc ngăn chặn phá rừng, thực thi pháp luật, phủ xanh đất trống đồi trọc. Kết quả nổi bật là độ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng từ 33,2% lên 40,84% trong giai đoạn 2000-2015, góp phần thiết thực vào việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Đây cũng là đóng góp thiết thực của Việt Nam vào việc triển khai các mục tiêu lớn của nhân loại, trong đó có các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc (SDG).
Trong khi đó, cuộc họp SCSC đã tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy hài hòa hóa các tiêu chuẩn của các thành viên APEC với chuẩn mực quốc tế, trao đổi các điển hình phát triển hạ tầng tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhất là các vấn đề thiết thực như an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phát triển đô thị thông minh. Các đại biểu cũng trao đổi về hướng hợp tác trong việc xây dựng, đánh giá sự phù hợp của các tiêu chuẩn nhằm thúc đẩy thương mại, đặc biệt là thúc đẩy nền kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tham dự cuộc họp, các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế lớn như Tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO), Uỷ ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đã có bài trình bày nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động tiêu chuẩn hoá quốc tế trong việc định hướng, thúc đẩy nền kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh.
Cũng trong ngày hôm nay, các đại biểu tham dự và thảo luận sôi nổi tại Hội thảo "Vận dụng các đánh giá cạnh tranh nhằm loại bỏ rào cản thương mại đối với hàng hoá và dịch vụ" của nhóm CPLG, đồng thời tiếp tục cuộc họp Uỷ ban chỉ đạo về hài hoà hoá quy định trong khuôn khổ Diễn đàn LSIF. Kết quả của các cuộc họp và hội thảo sẽ được báo cáo tại cuộc họp toàn thể của CPLG và LSIF ngày mai.
Hôm nay cũng là ngày làm việc đầu tiên của Nhóm CTWG, với các nội dung mang tính định hướng cho hoạt động của Nhóm trong năm 2017, như xem xét kế hoạch 2017, đánh giá quá trình thực hiện Kế hoạch chiến lược CTWG giai đoạn 2013-2017...
Trong các cuộc họp ngày hôm nay, đại diện các bộ, cơ quan liên quan của Việt Nam cũng tiếp tục tham gia đóng góp, đề xuất nhiều sáng kiến thiết thực trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chống khai thác và buôn bán gỗ trái phép…
Song song với các hoạt động của Hội nghị SOM, trong khuôn khổ các cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC sẽ được tổ chức tại thành phố Nha Trang từ ngày 23 - 24/02/2017.
Ngày hôm nay cũng đã diễn ra Hội thảo "Chính sách tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai". Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính Nguyễn Viết Lợi đã kêu gọi các thành viên đẩy mạnh hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và phối hợp đề xuất, xây dựng các giải pháp chính sách tài chính và bảo hiểm để ứng phó hiệu quả hơn với thiên tai, đồng thời nhấn mạnh những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai hệ thống các chiến lược, quy hoạch và chính sách phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, trong đó có các giải pháp tài chính.
Cũng trong ngày hôm nay, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế về chống Xói mòn cơ sở Thuế và chuyển dịch lợi nhuận nhân Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC 2017.
Nội dung trao đổi chuyên sâu tại Hội thảo được đúc kết thành bản báo cáo ban đầu, đưa ra kiến nghị lên Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC tổ chức vào ngày 23-24/2 về kế hoạch triển khai chủ đề ưu tiên BEPS – các tiêu chuẩn tối thiểu trong Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2017. Theo đó, kết quả nghiên cứu, tăng cường hợp tác và trao đổi về chủ đề BEPS – các tiêu chuẩn tối thiểu của các nền kinh tế APEC sẽ được các Bộ trưởng Tài chính APEC thông qua kiến nghị về cơ chế phối hợp hay tăng cường hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật để thực thi Chương trình hành động BEPS trong APEC vào tháng 10 năm 2017./.