ASEAN 2018: “Tự cường và sáng tạo”

Thứ năm, 26/07/2018 12:08
(ĐCSVN) - Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các Hội nghị liên quan diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, ASEAN chuẩn bị kỷ niệm 51 năm thành lập và bước vào năm thứ 3 hình thành Cộng đồng, ASEAN tập trung nguồn lực, triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025...
Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tại Hội nghị hẹp tại Singapore. (Ảnh: Tuấn Anh)

Từ ngày 30/7 - 04/8/2018, tại Singapore sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các Hội nghị liên quan. Tham dự các Hội nghị này sẽ có Bộ trưởng Ngoại giao của 27 nước (10 nước ASEAN và 17 đối tác ngoài ASEAN gồm: Úc, Bangladesh, Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên, EU, Ấn Độ, Nhật Bản, Mông Cổ, New Zealand, Pakistan, Papua New Guinea, Nga, Sri Lanka, Timor Leste và Hoa Kỳ); hai nước gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) là Argentina (Chủ tịch G20 2018) và Iran; các khách mời của nước Chủ tịch là Na Uy, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, ASEAN chuẩn bị kỷ niệm 51 năm thành lập và bước vào năm thứ 3 hình thành Cộng đồng, ASEAN tập trung nguồn lực, triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025; giữ vững đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm ở khu vực, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, củng cố bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động và mức độ thực thi cam kết.

Chủ đề “tự cường và sáng tạo” do nước Chủ tịch ASEAN 2018 Singapore đưa ra được các nước ASEAN tích cực thúc đẩy. Công tác triển khai thiết lập Mạng lưới các thành phố ASEAN thông minh (ASCN) theo sáng kiến của Singapore thu được nhiều kết quả tích cực, theo đó, ASEAN đã thông qua Khuôn khổ các thành phố thông minh ASEAN, Kế hoạch hành động xây dựng 26 thành phố thông minh ASEAN và danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi hợp tác, hỗ trợ trong việc xây dựng ASCN. Các sáng kiến khác về xây dựng Học viện pháp lý ASEAN, Hội thảo về chống khủng bố… cũng được tích cực triển khai.

Trong quan hệ đối ngoại, hợp tác giữa ASEAN và các đối tác tiếp tục đạt được nhiều tiến triển tích cực. Năm 2018, ASEAN đã họp Cấp cao kỷ niệm với Ấn Độ (tháng 1/2018) và Cấp cao đặc biệt với Úc (tháng 3/2018), thống nhất nhiều phương hướng, biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ với hai đối tác này. Trong năm nay, với Nhật Bản, ASEAN thông qua Kế hoạch sửa đổi năm 2017 triển khai Tầm nhìn ASEAN-Nhật Bản về Hữu nghị và Hợp tác, thiết thực kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại. Với Trung Quốc, ASEAN chuẩn bị thông qua Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược đến 2030, kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. ASEAN cũng đang xem xét tổ chức Cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác với Hàn Quốc vào năm 2019. Các đối tác tiếp tục coi trọng ASEAN, muốn tăng cường hợp tác với ASEAN thông qua các cơ chế, khuôn khổ do ASEAN thành lập và dẫn dắt, cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và hỗ trợ ASEAN trong xây dựng Cộng đồng.

Dự kiến, các nội dung sẽ được quan tâm, trao đổi tại Hội nghị AMM-51 gồm: Các định hướng, giải pháp cho xây dựng Cộng đồng ASEAN, triển khai các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng theo Tầm nhìn ASEAN 2025; Nâng cao khả năng tự cường của ASEAN để ứng phó với các thách thức nổi lên; Tăng cường đoàn kết, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực và trong quan hệ với các Đối tác; Thúc đẩy xây dựng và đề cao các quy tắc, chuẩn mực ứng xử ở khu vực, trong đó có tiến trình soạn thảo COC giữa ASEAN và Trung Quốc; Đẩy mạnh quan hệ cân bằng, cùng có lợi với các Đối tác, ứng xử trước các đề xuất mới về cấu trúc khu vực, cải tiến và nâng cao hiệu quả các diễn đàn do ASEAN chủ trì, trong đó có EAS;  Trao đổi về tình hình quốc tế, khu vực.

Dự kiến, sẽ có Thông cáo chung (JC) và các Tuyên bố Chủ tịch các Hội nghị giữa ASEAN với các Đối tác (PMCs+1, EAS, ARF). Ngoài ra, dự kiến các Bộ trưởng sẽ ký văn kiện mở rộng TAC để Iran và Argentina tham gia, Tuyên bố của các Ngoại trưởng ASEAN-Nga về An ninh trong sử dụng công nghệ thông tin, Tuyên bố ARF về Hợp tác quản lý thảm họa, Tuyên bố ARF về Đối tác hàng không và Tuyên bố ARF về Phụ nữ hòa bình và an ninh.

Dự kiến, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phu nhân sẽ dẫn đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự các Hội nghị trên. Là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của ASEAN, đoàn Việt Nam sẽ tích cực tham gia trên tất cả các nội dung của Hội nghị; thúc đẩy các ưu tiên chung của khu vực và của Việt Nam như thu hẹp khoảng cách phát triển, đẩy mạnh thương mại nội khối, thu hút đầu tư, xúc tiến du lịch, phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tăng cường kết nối và tiếp tục xử lý các vấn đề có lợi ích trực tiếp; gia tăng quan hệ với các đối tác trong và ngoài ASEAN, qua đó nâng cao hình ảnh, vị thế và vai trò của Việt Nam trong ASEAN, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng như trên thế giới; góp phần củng cố đoàn kết, thống nhất, đảm bảo các nguyên tắc của ASEAN; đề cao các quy tắc, chuẩn mực ứng xử ở khu vực; nâng cao vai trò của ASEAN trong đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực; thúc đẩy thực chất quan hệ giữa ASEAN với các đối tác và tăng cường hiệu quả của các diễn đàn/cơ chế khu vực do ASEAN giữ vai trò chủ đạo.

Bên lề Hội nghị, Việt Nam sẽ chuyển giao vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ cho Thái Lan sau khi đã hoàn thành xuất sắc trong nhiệm kỳ 2015-2018 và chính thức tiếp nhận vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản nhiệm kỳ 2018-2021 với những kế hoạch hợp tác được xây dựng chi tiết và thiết thực, nỗ lực đưa quan hệ hợp tác giữa hai bên lên một tầm cao mới./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực