Thứ ba, 05/06/2018 10:59 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất trên thế giới. Mỗi hành động nhỏ cũng có thể góp phần giảm thiểu được lượng rác thải nhựa xả vào môi trường.
Đại diện 26 Đại sứ quán và tổ chức quốc tế ký kết Quy tắc ứng xử về
chống ô nhiễm chất thải nhựa ngày 4/6 tại Hà Nội. (Ảnh: Kiều Giang) Đây cũng chính là mục tiêu của Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa mà 26 Đại sứ quán và tổ chức quốc tế ở Hà Nội ký kết ngày 4/6.
Với hành động chung này, các cơ quan đối tác quốc tế tại Việt Nam mong muốn trở thành các tác nhân thúc đẩy việc giảm ô nhiễm chất thải nhựa và nâng cao nhận thức về tác động tiêu cực của chất thải nhựa đối với con người, động vật và môi trường. Chiến dịch này do Đại sứ quán Canada tại Việt Nam khởi xướng, nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức về những tác động tiêu cực của ô nhiễm chất thải nhựa, đồng thời vận động thay đổi ở cấp độ hành vi, thể chế và chính sách giúp giảm chất thải nhựa tại Việt Nam.
Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng: Phát triển thiếu bền vững là nguyên nhân gây ra suy thoái và ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên và biến đổi khí hậu. Đây là một trong những thách thức vô cùng to lớn với toàn nhân loại, đe dọa sự sống trên Trái Đất. Thứ trưởng Lê Công Thành cũng bày tỏ vui mừng khi biết các Đại sứ quán và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam có sáng kiến về việc áp dụng bộ quy tắc ứng xử về giảm ô nhiễm nhựa tại Việt Nam. Đây là hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa vô cùng lớn.
Thông qua việc ký Quy tắc ứng xử này, các cơ quan đối tác quốc tế cam kết tiến hành đánh giá hiện trạng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại văn phòng cơ quan và bắt đầu thay đổi cách thức hoạt động để giảm chất thải nhựa. Các tổ chức tham gia ký kết nhất trí sẽ vận động nhân viên giảm chất thải nhựa và khuyến khích các đối tác của mình áp dụng các giải pháp nhằm hạn chế hoặc không tạo ra chất thải nhựa.
Trong những tháng vừa qua, các Đại sứ quán và các đối tác quốc tế đã tích cực tham gia chiến dịch này với nhiều hoạt động cùng diễn ra. Một trong những hoạt động quan trọng của chiến dịch là các cuộc đối thoại mang tính xây dựng với các nhà lãnh đạo của Việt Nam để thảo luận các lựa chọn chính sách sẽ có ảnh hưởng tích cực lâu dài nhằm xử lý tình trạng ô nhiễm nhựa tại Việt Nam. Ngoài ra, chiến dịch trực tuyến giảm thiểu rác thải nhựa đã được phát động trên các nền tảng truyền thông xã hội của các tổ chức tham gia ký Quy tắc ứng xử, nhằm kêu gọi hành động chung của cộng đồng giảm sử dụng nhựa dùng một lần trong cuộc sống hàng ngày và tại nơi làm việc.
Mỗi năm 300 triệu tấn nhựa được sản xuất trên toàn thế giới, một nửa trong số đó được sử dụng để tạo ra các sản phẩm sử dụng một lần (ví dụ: túi mua hàng, chai, cốc và ống hút); cứ mỗi phút có 1 triệu túi ni lông được sử dụng. Ước tính mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa được đổ vào các đại dương trên toàn thế giới; 55% -60% lượng rác thải này đến từ 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việt Nam đứng thứ 4 trong số 5 quốc gia trên thế giới đóng góp nhiều nhất vào lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương./.
Kiều Giang