|
Các đại biểu tham gia Hội thảo chung thanh niên Quốc tế ngữ lần thứ 41 tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Hoàng)
|
Sự kiện đã thu hút sự tham gia của các nhà Quốc tế ngữ từ 8 quốc gia, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Hungary, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo với chủ đề “Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và ảnh hưởng của nó tới cuộc sống con người” ngày 16/12, bà Phạm Mai Lan, Ủy Viên Ban thường vụ Hội Quốc tế ngữ Việt Nam bày tỏ sự vui mừng khi sự kiện có thể diễn ra trực tiếp sau một thời gian các hoạt động bị ảnh hưởng do dịch bệnh và chỉ có thể tổ chức trực tuyến.
Hội thảo được tổ chức luân phiên giữa các nước hằng năm, là sự kiện giúp các thanh niên giao lưu văn hóa, tăng cường sự đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và thúc đẩy sự phát triển của phong trào Quốc tế ngữ giữa các nước.
Cũng tại hội thảo, bà Trần Thị Hoan, Chủ tịch Tổ chức Thanh niên Quốc tế ngữ Việt Nam cho biết, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống bình thường của nhân loại.
Một trong những ảnh hưởng có thể thấy rõ của đại dịch là khiến mọi người phải nhờ đến sự trợ giúp của công nghệ nhiều hơn do thiếu đi giao tiếp trực tiếp giữa người với người.
Vì lý do này, Ban tổ chức quyết định chọn chủ đề "Những ảnh hưởng của sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đến cuộc sống" cho Hội thảo chung năm nay để các nhà Quốc tế ngữ trao đổi thông tin, thảo luận về những lĩnh vực có thể ảnh hưởng tới đời sống của con người trong tương lai.
Vào ngày 26/7/1887, bác sĩ Ludwik Lazarus Zamenhof đã công bố tại Ba Lan dự án về Quốc tế ngữ, hay còn gọi là "Esperanto". Trong hơn 100 năm qua, Quốc tế ngữ đã trở thành ngôn ngữ nhân tạo quốc tế phổ biến nhất thế giới.
Theo một số nghiên cứu, có khoảng hơn 2 triệu người nói ngôn ngữ này trên toàn cầu. Quốc tế ngữ được sử dụng bởi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) và các tổ chức quốc tế khác trong khuôn khổ Liên hợp quốc.
Mong muốn của bác sĩ Zamenhof khi cho ra đời Quốc tế ngữ là khi con người có một ngôn ngữ chung, họ sẽ hiểu nhau hơn và góp phần xóa bỏ bớt xung đột. Quốc tế ngữ Esperanto được xem là cầu nối của tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc và không nhằm thay thế ngôn ngữ riêng của các quốc gia.
Điểm nổi bật của Quốc tế ngữ là dễ học, dễ tiếp thu, không có ngoại lệ trong ngữ pháp và từ vựng, không có những đặc điểm bất quy tắc. Từ đó, con người trên khắp thế giới có thể dễ dàng tiếp cận và học theo cùng một ngôn ngữ.
Quốc tế ngữ đã xuất hiện ở Việt Nam từ thế kỷ 20 và có đóng góp không nhỏ trong hoạt động tuyên truyền, tăng cường giao lưu văn hóa góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước.
Bà Trần Thị Hoan bày tỏ mong muốn sự kiện lần này có thể là cơ hội để công chúng Việt Nam có thể tiếp cận sâu rộng hơn nữa với Quốc tế ngữ, khi đây được xem là ngôn ngữ có thể giúp con người trên toàn cầu xích lại gần nhau hơn./.