Cùng hành động để kiến tạo tương lai hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững

Thứ sáu, 20/09/2024 11:29
(ĐCSVN) - Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai và Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc, với thông điệp lớn là "Củng cố chủ nghĩa đa phương, cùng hành động để kiến tạo tương lai hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững cho mọi người dân".
Tuần lễ Cấp cao của ĐHĐ LHQ khóa 79 mà tâm điểm là Hội nghị thượng đỉnh Tương lai 

Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) Khóa 79 diễn ra trong bối cảnh có ý nghĩa đặc biệt khi LHQ và Việt Nam cùng hướng tới 80 năm ngày thành lập LHQ (24/10/1945 - 24/10/2025), tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, và 80 năm ngày ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945 - 2/9/2025), hướng tới một tương lai và đường lối phát triển mới cho LHQ và thế giới.

Trong bối cảnh đó, LHQ sẽ tiến hành tổ chức một chuỗi sự kiện trong Tuần lễ Cấp cao của ĐHĐ LHQ khóa 79 mà tâm điểm là Hội nghị thượng đỉnh Tương lai (từ ngày 22-23/9) với chủ đề "Giải pháp đa phương vì một tương lai tốt đẹp hơn" và Phiên thảo luận chung của ĐHĐ LHQ (từ ngày 24 - 28/9) với chủ đề bao trùm là "Không để ai bị bỏ lại phía sau: Cùng hành động để thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững và phẩm giá con người cho các thế hệ hiện nay và mai sau" nhằm kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế và củng cố chủ nghĩa đa phương, trong đó LHQ có vị trí trung tâm nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung, đặc biệt là các Mục tiêu phát triển bền vững. Hội nghị thượng đỉnh Tương lai có ý nghĩa lịch sử với chương trình nghị sự tham vọng đề cập đến tất cả các lĩnh vực hợp tác tại LHQ và có quá trình chuẩn bị kéo dài gần hai năm qua.

Triển khai Tuyên bố kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ (1945-2020) của Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), tháng 09/2021, Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã đưa ra Báo cáo “Chương trình Nghị sự chung của chúng ta” (OCA) với các đề xuất, khuyến nghị để đạt được chương trình nghị sự chung tăng cường phối hợp và quản trị toàn cầu ứng phó với các thách thức hiện tại và vì một tương lai chung cho các thế hệ.

Tổng Thư ký LHQ António Guterres đưa ra 06 thông điệp chính sách chính nhằm thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận quốc tế hiện nay.

Tại Báo cáo này, Tổng Thư ký LHQ António Guterres đưa ra 06 thông điệp chính sách chính nhằm thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận quốc tế hiện nay, trong đó bao gồm các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), gồm: Thúc đẩy đoàn kết, hợp tác quốc tế, củng cố chủ nghĩa đa phương, tăng cường phối hợp để thực hiện các cam kết quốc tế hiện nay; Xây dựng một tương lai xanh hơn, an toàn hơn và tốt đẹp hơn, trong đó cần có phục hồi bền vững, thân thiện với môi trường, bảo đảm an sinh xã hội; Củng cố “Khế ước Xã hội” dựa trên nền tảng của sự tin tưởng của người dân, tính bao trùm, bảo vệ và tăng cường tham gia của người dân và xác định những vấn đề quan trọng đối với người dân và hành tinh; Trao quyền, huy động sự tham gia của giới trẻ thông qua thúc đẩy đại diện chính trị của giới trẻ; Thúc đẩy một thỏa thuận toàn cầu để cung cấp các hàng hoá công toàn cầu cho tất cả gồm: Y tế toàn cầu, kinh tế toàn cầu, hành tinh khỏe mạnh, chương trình nghị sự mới vì hòa bình, sử dụng hòa bình, an toàn và bền vững khoảng không vũ trụ, giao thức kỹ thuật số, hợp tác quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế; bên cạnh đó, thỏa thuận toàn cầu còn nhằm giải quyết những mối rủi ro lớn; Nâng cao khả năng thích ứng của LHQ trong thời đại mới, hướng tới chuyển đổi LHQ “2.0”.

Tổng Thư ký LHQ António Guterres cũng đề xuất tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai (HNTĐTL) nhằm: Tái khẳng định cam kết đối với Hiến chương LHQ, nguyên tắc và giá trị đa phương, hợp tác đa phương; Tăng cường cam kết và việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững và các mục tiêu khí hậu qua các tiến trình liên chính phủ hiện nay; Thống nhất các giải pháp toàn cầu cho các thách thức tương lai và thu hẹp khoảng cách quản trị toàn cầu;  Đạt thoả thuận về một văn kiện do các Lãnh đạo cấp cao các nước thông qua.

Ngày 08/9/2022, ĐHĐ LHQ Khoá họp 76 đã thông qua Nghị quyết 76/307, quyết định tổ chức HNTĐTL với chủ đề “Giải pháp đa phương vì một tương lai tốt đẹp hơn” vào ngày 22-23/9/2024 tại Trụ sở LHQ, New York và sẽ thông qua một văn kiện (Thoả thuận vì Tương lai). Nghị quyết này còn (i) quyết định tổ chức Hội nghị Bộ trưởng trù bị chuẩn bị cho HNTĐTL trong Khoá họp 78 (21/9/2023) và (ii) đề nghị Tổng Thư ký LHQ trao đổi, tham vấn với các nước thành viên, hệ thống LHQ, các đối tác khác về những đề xuất trong Báo cáo “Chương trình Nghị sự chung của chúng ta” , đưa ra khuyến nghị cụ thể để đóng góp cho việc chuẩn bị HNTĐTL.

Trên cơ sở đó, để hỗ trợ tiến trình thảo luận hướng tới HNTĐTL, trong năm 2023, Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã đưa ra 11 tài liệu tóm lược chính sách (policy briefs) về những nhóm giải pháp, khuyến nghị sẽ được lồng ghép trong Văn kiện Thoả thuận vì Tương lai (đây thực chất là sự phát triển, cụ thể hoá hơn của các đề xuất, khuyến nghị của Tổng Thư ký LHQ trong Báo cáo OCA), gồm: (i) Hành động vì thế hệ tương lai; (ii) Cơ chế hợp tác ứng phó khẩn cấp toàn cầu; (iii) Sự tham gia của thế hệ trẻ trong việc xây dựng chính sách và ra quyết định; (iv) Cách tiếp cận mới về phát triển; (v) Thoả thuận Số toàn cầu; (vi) Cải cách cấu trúc tài chính quốc tế; (vii) Không gian vũ trụ; (viii) Thông tin trên các nền tảng số; (ix) Chương trình nghị sự mới vì hoà bình; (x) Cải cách giáo dục; (xi) Cải tổ Liên hợp quốc. Riêng kết quả của nhóm giải pháp i và v sẽ là 02 văn kiện Phụ lục của Thoả thuận vì Tương lai, gồm Thoả thuận số toàn cầu và Tuyên bố về thế hệ tương lai. 

Ngày 26/1/2024, các Đồng chủ trì của tiến trình xây dựng văn kiện kết quả HNTĐTL đã lưu hành dự thảo đầu tiên của văn kiện với tên gọi “Thỏa thuận vì Tương lai” (Pact for the Future). Dự thảo gồm phần mở đầu và 05 chương về “Phát triển bền vững và tài chính cho phát triển”, “Hòa bình và an ninh quốc tế”, “Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hợp tác số”, “Thanh niên và các thế hệ tương lai” và “Chuyển đổi quản trị toàn cầu”. Văn kiện còn kèm 02 phụ lục “Thỏa thuận số toàn cầu” (Global Digital Compact) và “Tuyên bố về các Thế hệ tương lai” (Declaration on Future Generation). Hiện các nước đang trong giai đoạn thương lượng về Dự thảo. Dự kiến tiến trình thương lượng sẽ kéo dài đến giữa tháng 9/2024 để Lãnh đạo các nước có thể thông qua tại HNTĐTL.

Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai lần này là dịp để lãnh đạo, nguyên thủ các quốc gia trao đổi và đề xuất các giải pháp nhằm ứng phó với những thách thức toàn cầu, đề ra tầm nhìn chiến lược cho LHQ, định hướng phát triển tương lai vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng, công bằng và bền vững hơn cho nhân loại. Các thảo luận và quyết định trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao ĐHĐ LHQ khóa 79 có tác động lâu dài và sâu rộng đối với quan hệ quốc tế, hợp tác toàn cầu và thúc đẩy các mục tiêu chung.

Hội nghị thượng đỉnh cũng tạo ra cho Việt Nam một nền tảng để hợp tác với các nhà lãnh đạo toàn cầu, đảm bảo các quan điểm và thách thức của Việt Nam được giải quyết trong nỗ lực theo đuổi một tương lai công bằng và bền vững hơn. Hội nghị thượng đỉnh là cơ hội quan trọng để Việt Nam dẫn đầu và đóng góp vào các cuộc đối thoại toàn cầu cũng như các hành động tiếp theo.

Trong bài phát biểu được ghi âm gửi tới Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng Hội nghị thượng đỉnh lịch sử này sẽ mang lại tư duy mới và phương thức hoạt động mới cho tương lai của thế giới. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng cho rằng, đây là cơ hội để tái khẳng định các giá trị không thể thay thế của LHQ và chủ nghĩa đa phương trước những thách thức to lớn hiện nay.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm xác định, những chuyển đổi phải bắt đầu bằng những tiến bộ trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và LHQ phải đi đầu trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý để chia sẻ thông tin, hỗ trợ các quốc gia phát triển những công nghệ đột phá một cách an toàn, bảo mật. 

Cùng với đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đề xuất về việc thành lập một nền tảng công nghệ xanh toàn cầu, nơi ASEAN và các tổ chức khu vực khác có thể chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy phát triển công nghệ xanh. Với những đóng góp tích cực của Việt Nam vào Hội nghị thượng đỉnh và những nỗ lực chung nhằm tăng cường hòa bình, hợp tác và đoàn kết quốc tế nhằm thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai và Phiên thảo luận chung cấp cao của ĐHĐ LHQ, với thông điệp lớn là "Củng cố chủ nghĩa đa phương, cùng hành động để kiến tạo tương lai hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững cho mọi người dân". Tuần lễ cấp cao ĐHĐ LHQ khóa 79 sẽ quy tụ số lượng lớn các nhà lãnh đạo quốc tế, để cùng nhau thảo luận, hoạch định đường hướng phát triển của thế giới trong tương lai.

Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự sự kiện này có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng ta tham dự trực tiếp ĐHĐ LHQ và cũng là hoạt động ngoại giao đa phương đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại tổ chức quốc tế toàn cầu LHQ, qua đó tái khẳng định mạnh mẽ ở cấp cao nhất đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả, chia sẻ tầm nhìn và giải pháp của Việt Nam về vai trò của LHQ và các vấn đề lớn của thế giới, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với hợp tác đa phương, các chương trình nghị sự lớn của LHQ và quan hệ toàn diện với LHQ./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực