Đối ngoại nhân dân góp phần bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia

Thứ tư, 26/07/2023 11:41
(ĐCSVN) - Đối với các tỉnh biên giới nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng, thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân không chỉ tạo nên sức mạnh tổng hợp cho công tác đối ngoại của tỉnh mà còn góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận lòng dân và bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia.

Tỉnh Kon Tum có đường biên giới quốc gia dài 292,522km tiếp giáp với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia. Tỉnh có 13 xã biên giới thuộc 4 huyện, gồm: Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ia H′Drai, tiếp giáp với các tỉnh Sê Kông, Attapư (Lào) và tỉnh Rattanakiri (Campuchia).

Với phương châm dựa vào dân, Nhân dân là chủ thể, "mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống", hoạt động đối ngoại Nhân dân (ĐNNN) được các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung triển khai thực hiện bằng nhiều phương pháp, hình thức phù hợp; đảm bảo huy động cao nhất sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó Nhân dân là chủ thể.

 Giao lưu bóng đá giữa huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) với huyện biên giới của Lào.

Tỉnh Kon Tum và các tỉnh tiếp giáp trực tiếp phía nước bạn Lào và Campuchia có những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, xã hội tương đối tương đồng. Đặc biệt, Nhân dân dọc tuyến biên giới của tỉnh Kon Tum và các tỉnh bạn có mối giao lưu quan hệ lâu đời, thường xuyên qua lại, trao đổi hàng hóa lẫn nhau…, tạo nên tình hữu nghị mang tính truyền thống, gắn bó bền chặt.

Chính vì vậy, tại khu vực biên giới, chính quyền cơ sở và lực lượng bảo vệ biên giới của tỉnh và các tỉnh nước bạn đã tổ chức hoạt động kết nghĩa, giao lưu văn hoá giữa các thôn, làng, bản ở khu vực biên giới. Từ hoạt động kết nghĩa này, người dân hai bên biên giới được tuyên truyền, hiểu rõ các hiệp định, quy chế biên giới; phối hợp tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý biên giới...

Hiện tỉnh đang duy trì hiệu quả hoạt động kết nghĩa của các thôn, làng biên giới thuộc huyện Ngọc Hồi và huyện Đăk Glei với 04 bản, cụm bản của tỉnh Sê Kông và tỉnh Attapư (Lào); thường xuyên tổ chức hoạt động giao lưu giữa các đồn biên phòng với các đại đội biên phòng, lực lượng bảo vệ biên giới của Lào và Campuchia. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng quân y của Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên phối hợp, tổ chức giúp Nhân dân khu vực biên giới phía đối diện của Lào và Campuchia phát triển kinh tế, khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, Nhân dân khu vực hai bên biên giới được các lực lượng chức năng hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định và thường xuyên tham gia các hoạt động giao lưu văn hoá-văn nghệ... Trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng của tỉnh đã giải quyết xuất cảnh vùng biên giới cho 6.099 lượt người; nhập cảnh vùng biên giới cho 5.969 lượt người; tổng cộng 13 buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ và nhiều hoạt động giao lưu thể dục-thể thao đã được tổ chức, thu hút trên 12.350 lượt cán bộ, Nhân dân tham tham gia.

Công tác ĐNNN được kết hợp với việc triển khai phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” theo Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, trên địa bàn có 336 tập thể thôn (làng), 1.210 lượt hộ gia đình, 1.426 lượt cá nhân thuộc 13 xã biên giới tự nguyện đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc; 4.123 lượt hộ gia đình, cá nhân đăng ký tham gia các tổ tự quản an ninh trật tự thôn (làng). Trong đó, từ đầu năm đến nay có 63 thôn (làng), 259 hộ gia đình thuộc 13 xã biên giới đăng ký tham gia tự quản trên toàn tuyến biên giới và có 610 hộ gia đình đăng ký tự quản an ninh trật tự thôn (làng). Nhân dân địa phương tích cực tố giác các hoạt động vi phạm pháp luật, tự giác xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Lực lượng chức năng và Nhân dân khu vực hai bên biên giới đã phối hợp trao đổi thông tin và duy trì hoạt động kiểm soát phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép trên biên giới. Từ tin báo của quần chúng, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện và ngăn chặn hiệu quả, kịp thời các hành vi vi phạm, đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực biên giới.

Thực hiện Bản ghi nhớ chương trình hợp tác giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum và các cơ quan tương ứng ở các tỉnh của Lào, Campuchia, định kỳ hai năm một lần, các đơn vị tổ chức đoàn đại biểu sang thăm và trao đổi kinh nghiệm về công tác Mặt trận và các vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm; vận động Nhân dân tham gia trong việc tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào và Campuchia; triển khai các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ Nhân dân của các tỉnh bạn…

Những tháng đầu năm 2023, nhân dịp Tết Nguyên đán của Việt Nam và Tết Cổ truyền Bunpimay (Lào) và Tết Chol Chnam Thmay (Campuchia), Kon Tum đã đón tiếp hàng trăm lượt cán bộ, Nhân dân các nước bạn đến thăm hỏi; tổ chức nhiều chuyến thăm từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở để chúc Tết chính quyền, Nhân dân các tỉnh bạn. Các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp… của tỉnh Kon Tum đã thăm hỏi, hỗ trợ hàng tỷ đồng cho các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia tổ chức đón Tết cho các hộ gia đình khó khăn. Tất cả các em học sinh của Lào và Campuchia đang học tập trên địa bàn được các Hội hữu nghị, trường học tổ chức nhiều hoạt động đón Tết cổ truyền ngay tại chỗ, giúp các em vơi đi nỗi nhớ nhà. Có thể thấy, hoạt động ĐNNN đã được thực hiện đồng bộ, rộng khắp trên nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; qua đó tăng cường mối quan hệ hữu nghị 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia và đóng góp thiết thực vào công tác quản lý, bảo vệ biên giới của địa phương.

Tuyến biên giới Việt Nam - Lào qua tỉnh Kon Tum đã hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc và tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới. Hiện tại, tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia qua tỉnh Kon Tum còn một đoạn chưa phân giới, cắm mốc xong. Tiếp tục phát huy vai trò ĐNNN, chính quyền cơ sở và lực lượng bảo vệ biên giới hai bên đã vận động Nhân dân khu vực chưa hoàn tất phân giới, cắm mốc tự thu hoạch mùa vụ và chặt bỏ cây trồng canh tác trên diện tích đang tiến hành khảo sát, tạo điều kiện thuận lợi để tiến tới thống nhất giải quyết tồn đọng, sớm hoàn thành phân giới cắm mốc trên thực địa đoạn biên giới còn lại, nhằm tiếp tục phát huy vai trò của công tác ĐNNN trong công tác quản lý, bảo vệ gần 293 km biên giới quốc gia.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai tốt Kế hoạch 58-KH/TU ngày 18/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị 12-CT/TW ngày 5/1/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại Nhân dân trong tình hình mới” và Kết luận 57-KL/TW, ngày 1/7/2023 của Bộ Chính trị “về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới”./.

Bài, ảnh: Nguyễn Phi Em

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực