Đối ngoại nhân dân góp phần gia tăng sức mạnh tổng hợp, nâng cao vị thế đất nước

Thứ ba, 26/06/2018 20:18
(ĐCSVN) – Nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác đối ngoại nhân dân trong bối hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, Phó Chủ tịch phụ trách Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Đôn Tuấn Phong tin tưởng, Đảng và Nhà nước sẽ ngày càng quan tâm hơn đến công tác đối ngoại nhân dân, trong đó có các tổ chức trực tiếp triển khai công tác này.
Ngày 26/6, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ lần thứ IX khóa V (nhiệm kỳ 2013 – 2018) nhằm tổng kết công tác của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm.

Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Đôn Tuấn Phong phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: KL)

Tham dự Hội nghị có: Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký phụ trách Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Đôn Tuấn Phong cùng các thành viên trong  Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và đại diện một số cơ quan, bộ, ngành Trung ương...

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch phụ trách Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Đôn Tuấn Phong cho biết: Hội nghị Ban Thường vụ lần thứ IX khóa V có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đánh giá tình hình công tác trong 6 tháng đầu năm 2018 của Liên hiệp; đồng thời triển khai phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và thông qua một số nội dung công tác quan trọng của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đặc biệt và việc tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam lần thứ VI nhiệm kỳ 2018 – 2023.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác đối ngoại nhân dân trong bối hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Đôn Tuấn Phong tin tưởng, Đảng và Nhà nước sẽ ngày càng quan tâm hơn đến công tác đối ngoại nhân dân, trong đó có các tổ chức trực tiếp triển khai công tác này. Cùng với đó, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tiếp tục đổi mới, tinh gọn bộ máy ngày càng có hiệu lực, hiệu quả để đóng góp nhiều thành tựu vào công tác đối ngoại nhân dân, đặc biệt là trong nhiệm kỳ sắp tới.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2018, hoạt động đối ngoại nhân dân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp tục triển khai tích cực nhằm xây dựng mạng lưới bạn bè quốc tế của Việt Nam ở các địa bàn trọng điểm ở tất cả các châu lục và ở tất cả các khu vực. Công tác đối ngoại nhân dân đã và đang có những đổi mới, kết hợp thúc đẩy về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục, du lịch và một số lĩnh vực khác, cần thiết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Bên cạnh các hoạt động đoàn kết, hữu nghị tiếp tục được triển khai, trong 6 tháng đầu năm 2018, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài vẫn diễn ra theo như cam kết. Các chương trình, dự án tiếp tục được triển khai; công tác quản lý hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài tiếp tục được tăng cường. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tham mưu cho Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài giải quyết hồ sơ, thủ tục cấp mới, sửa đổi, bổ sung và gia hạn 95 giấy đăng ký các loại cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Ngoài ra, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam còn tổ chức các Hội nghị xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài và các buổi gặp gỡ để chia sẻ thông tin, trao đổi, phổ biến, hướng dẫn về chủ trương, chính sách và định hướng hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam. Đặc biệt, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Liên hiệp Hữu nghị đã hoàn thành dự thảo Chương trình Quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn mới (2018 – 2025) và đang lấy ý kiến của các cơ quan liên quan để tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Về công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI nhiệm kỳ 2018 – 2023, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã thành lập Ban Tổ chức Đại hội và các Tiểu ban giúp việc cho Đại hội. Báo cáo chính trị của Đại hội VI đang được tích cực chuẩn bị, tập trung vào các nội dung sau: Tổng kết nhiệm kỳ Đại hội V và Phương hướng Đại hội VI; Báo cáo việc thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 02/12/2008 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp Hữu nghị và Quyết định số 41/2013/QĐ-TTg ngày 15/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ, chính sách đối với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, nhất trí với báo cáo trình bày tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2018, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục có nhiều biến động, tác động lớn đến hoạt động đối ngoại nhân dân. Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại nhân dân của nước ta đã được triển khai với phương châm đổi mới, sáng tạo, chủ động, linh hoạt và thực hiện chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước là đa phương hóa, đa dạng hóa, làm bạn với tất cả các nước, là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập tự chủ. Công tác đối ngoại nhân dân đã được triển khai chủ động và hiệu quả, góp phần gia tăng sức mạnh tổng hợp, nâng cao vị thế đất nước.

Đánh giá về công tác tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI nhiệm kỳ 2018 – 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Báo cáo chính trị và vấn đề tổ chức nhân sự là hai nội dung quan trọng nhất. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội rất đầy đủ, ngắn gọn, tóm tắt những vấn đề chính. Tuy nhiên, báo cáo cần nêu rõ những thành tựu đạt được, những tồn tại khuyết điểm và giải pháp khắc phục. Đặc biệt, Báo cáo chính trị cần nêu bật tình hình mới của đối ngoại nhân dân và những nhiệm vụ gắn với tổ chức, hội nghị. Đồng thời, Báo cáo cần có nội dung liên quan đến vai trò, vị trí của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong việc triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Về công tác nhân sự, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cần kiện toàn bộ máy lãnh đạo, bổ sung những vị trí còn thiếu, tăng cường những nhân tố mới tại các hội hữu nghị để có những đóng góp nổi bật hơn nữa cho công tác đối ngoại nhân dân.

Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: KL)

Hội nghị thống nhất, trong thời gian tới, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cần tập trung củng cố, mở rộng, phát triển theo chiều sâu mạng lưới bạn bè và đối tác quốc tế; tích cực tham gia các thiết chế đa phương quan trọng; tăng cường giao lưu hữu nghị và mở rộng hợp tác, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực; duy trì tốt vai trò làm đầu mối các tổ chức nhân dân Việt Nam tham gia vào các diễn đàn nhân dân đa phương. Liên hiệp tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phi chính phủ nước ngoài; củng cố, phát triển tổ chức Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam vững mạnh.

Các đại biểu nhất trí Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cần nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu, thông tin đối ngoại, trong đó chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ; cải tiến hình thức, nâng cao chất lượng, tăng số lượng các sản phẩm tuyên truyền đối ngoại; hiện đại hóa, đa dạng hóa phương thức chuyển tải thông tin./.

Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực