Hội đồng Hòa bình thế giới luôn đoàn kết và ủng hộ Việt Nam

Chủ nhật, 20/11/2022 18:55
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Hơn 7 thập kỷ qua, Hội đồng Hòa bình thế giới đã luôn đồng hành cùng Việt Nam, đoàn kết và ủng hộ Việt Nam trong mọi giai đoạn lịch sử, từ cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cho đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Việt Nam cũng luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm của Hội đồng Hòa bình thế giới.

Hội đồng Hòa bình thế giới là cơ quan lãnh đạo phong trào hoà bình thế giới có cơ cấu quốc tế lớn nhất hiện nay với 135 tổ chức thuộc các đảng cộng sản và cánh tả thuộc hơn 100 quốc gia. Trải qua hơn 70 năm phát triển, Hội đồng đã trở thành một bộ phận cấu thành phong trào hòa bình thế giới, hợp tác chặt chẽ với các phong trào quốc tế và các quốc gia khác, nhằm mục tiêu thúc đẩy nền hòa bình chung của nhân loại.

Ngày nay, Hội đồng Hòa bình thế giới vẫn luôn giữ vững mục tiêu từ khi ra đời: hòa bình là công việc của tất cả, là đấu tranh và ủng hộ đoàn kết với nhân dân các nước trên thế giới vì hòa bình, công lý, độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ. Hội đồng Hòa bình thế giới luôn phản đối các hành động chạy đua vũ trang, nhất là vũ khí hạt nhân; ủng hộ các nạn nhân chiến tranh, kêu gọi chấm dứt xung đột vũ trang; khuyến khích xu thế hòa bình hợp tác và phát triển và tích cực tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng Hội đồng vẫn luôn là ngọn cờ tập hợp các lực lượng hòa bình tiến bộ trên toàn thế giới; tạo diễn đàn mở để đối thoại, hợp tác kết nối ủng hộ lẫn nhau giữa các tổ chức và cá nhân nhằm thực hiện mục tiêu chung, tạo nên sức mạnh đấu tranh và hòa bình và công lý.

 Đại diện lãnh đạo Hội đồng Hòa bình Thế giới, Ủy ban Hòa bình Việt Nam và Hội hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga chủ trì Tọa đàm “Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga”, ngày 23/11/2017. (Ảnh: KL)

Luôn đồng hành cùng Việt Nam, đoàn kết và ủng hộ Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nhận thức rõ vai trò quan trọng của phong trào hòa bình thế giới và sự cần thiết kết nối Việt Nam với phong trào quốc tế này. Chúng ta đã cử 11 đại biểu Việt Nam tham gia Hội nghị những người bảo vệ hòa bình thế giới năm 1949, trong đó có giáo sư Phạm Huy Thông và nhà toán học Lê Văn Thiêm. Tới năm 1950, ta tiếp tục cử đoàn đại biểu từ chiến khu đi tham dự Đại hội lần thứ 2 của Hội đồng Hoà bình thế giới tại Warsaw (Ba Lan). Tại Đại hội này, Hội đồng Hoà bình thế giới đã lần đầu tiên ra tuyên bố ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam. Cũng trong năm này, dù trong điều kiện khó khăn của kháng chiến, ta vẫn thu được gần 6 triệu chữ ký để hưởng ứng Lời kêu gọi Stockhom về cấm vũ khí hạt nhân.

Ngày 19/11/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo thành lập Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam (nay là Ủy ban Hòa bình Việt Nam). Một trong những nhiệm vụ của Ủy ban là tham gia làm thành viên của Hội đồng Hòa bình thế giới.

Hơn 7 thập kỷ qua, trải qua 21 kỳ Đại hội, Hội đồng Hòa bình thế giới đã luôn đồng hành cùng Việt Nam, đoàn kết và ủng hộ Việt Nam trong mọi giai đoạn lịch sử, từ cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cho đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Việt Nam cũng luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm của Hội đồng Hòa bình thế giới, được tín nhiệm bầu giữ vị trí Phó Chủ tịch và thành viên Ban Thư ký của Hội đồng trong nhiều nhiệm kỳ qua. Nhiều lần, Việt Nam đã đón các đoàn lãnh đạo của Hội đồng, tổ chức các cuộc họp Ban chấp hành và nhiều sự kiện của của Hội đồng Hòa bình thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cao nhất của ta đều đã tiếp và gặp gỡ các lãnh đạo Hội đồng trong các chuyến thăm đến Việt Nam. Gần đây nhất, năm 2017, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công hội nghị Ban Chấp hành của Hội đồng tại Hà Nội, đồng thời nhân dịp đó, ta đã cùng Hội đồng Hòa bình thế giới tổ chức kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng 10 Nga.

Đối với các tổ chức thành viên của Hội đồng Hoà bình thế giới, Việt Nam luôn là biểu tượng của niềm tin, của khát vọng hòa bình, công lý, chính nghĩa và lẽ phải, của tình đoàn kết quốc tế và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tinh thần đoàn kết đó luôn có vị trí, vai trò đặc biệt trong mặt trận đoàn kết quốc tế nói chung, và trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam nói riêng.

Chính vì vậy, Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới – kỳ đại hội đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 21 – 27/11 tới đây – sẽ là sự kiện đối ngoại đa phương quan trọng của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế, vai trò, hình ảnh của Việt Nam nói chung và đối ngoại nhân dân nói riêng.

Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới được tổ chức ở Việt Nam là sự kiện nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII, Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 và Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 05/01/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới. Sự kiện này cũng cho thấy đóng góp tích cực của Việt Nam đối với các hoạt động của Hội đồng nói riêng và phong trào hoà bình thế giới nói chung; đồng thời nâng cao vai trò, vị trí của Việt Nam nói chung, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Ủy ban Hòa bình Việt Nam nói riêng, trong phong trào hoà bình thế giới, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, tích cực của cộng đồng quốc tế.

Thêm vào đó, Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới cũng là dịp để tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Ủy ban Hòa bình Việt Nam với Hội đồng và các thành viên khác của Hội đồng Hòa bình thế giới; thúc đẩy tuyên truyền, quảng bá về Việt Nam và phong trào hoà bình Việt Nam; tranh thủ sự ủng hộ của Hội đồng và các thành viên đối với các vấn đề phù hợp với lợi ích của ta như Biển Đông, nạn nhân chất độc da cam/dioxin./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực